Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì cả và không ghi ngờ gì cả.
Susanna March
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Công Cuộc Giành Chủ Quyền Quốc Gia Việt Nam - (1945 - 1954)

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Công Cuộc Giành Chủ Quyền Quốc Gia Việt Nam - (1945 - 1954)

    .
    [BREAK][/BREAK]
    Công Cuộc Giành Chủ Quyền Quốc Gia Việt Nam
    (1945 - 1954)
    Lý Đăng Thạnh


    Từ tháng 8-1945, cục diện Đông Dương nổi bật lên sự kiện những người bản xứ đứng lên giành được chính quyền trong một thời gian ngắn ngủi mong làm chủ vận mệnh của mình, nhưng cũng từ đó, xứ sở này do sự an bài khắc nghiệt của Thượng đế, chìm hẳn trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nối tiếp nhau suốt nửa thế kỷ dài đăng đẳng. Đông Dương trở thành một hỏa ngục nhớp nháp tanh tưởi và khét lẹt mùi máu tươi, bùn lầy, xác chết, là đấu trường tranh giành ảnh hưởng và thể nghiệm sức mạnh của hai thế lực kình chống nhau quyết liệt. Dân chúng Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng bị thời cuộc lôi cuốn chia thành hai phe đặt dưới sự điều khiển của hai thế lực, một bên là Nga Xô-Trung Cộng, một bên là Pháp rồi sau đó là Mỹ.

    Trước năm 1945, hầu như ít có mấy ai trên thế giới biết đến xứ sở Đông Dương và những vùng đất xa lạ Việt Nam, Lào, Cambodia. Nhưng từ Đệ nhị thế chiến trở đi, những địa danh này là tiêu biểu cho chiến tranh tàn sát, là những mưu mô sắp đặt, là những hy vọng loé lên rồi nhanh chóng bị tan vỡ, là hỏa ngục, là lò sát sinh, là đói nghèo, tủi nhục, đau khổ triền miên tột cùng và bao trùm lên tất cả, số phận xứ sở Đông Dương trở thành những ván cờ phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều khiển của bên ngoài, của thời cuộc. Những mỹ từ độc lập, tự do, hạnh phúc... chỉ là những cái bánh vẽ sống sượng, nhào nặn từ thây ma, máu xương, mồ hôi, nước mắt hàng triệu dân lành.

    Vào thời kỳ 1945-54, lực lượng bản xứ Đông Dương có hai phái tranh đấu độc lập khác nhau. Phái cộng sản sử dụng việc tranh đấu giành độc lập, cướp chính quyền để truyền bá chủ nghĩa cộng sản, được sự hậu thuẫn và chỉ đạo của Liên Xô, Trung Cộng và phái quốc gia tranh đấu độc lập để xây dựng đất nước theo mô hình các nước tư bản Âu Mỹ. Phái cộng sản buổi đầu tranh đấu với Pháp bằng chính trị qua các hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tạm ước 14-7-1946, rồi đến thời kỳ dùng võ lực 1946-54. Phái quốc gia tranh đấu với Pháp bằng chính trị và thỏa hiệp, qua các hiệp định từ 1948 đến 1953. Cuối năm 1954, cả hai phái đều thành công nhưng đất nước cũng lâm vào tình trạng chia cắt không thống nhất, vì miền Bắc do cộng sản kiểm soát, trong khi miền Nam do lực lượng quốc gia kiểm soát.


    I- THỜI KỲ CHẾ ĐỘ QUÂN QUẢN PHÁP (1945-46)

    1- Quân Pháp khôi phục quyền kiểm soát Đông Dương

    Thời kỳ chế độ quân quản Pháp diễn ra từ ngày 13-9-1945 đến 30-5-1946.

    Từ 6-9-1945, quân Pháp chính thức theo chân quân Anh trở lại miền Nam Đông Dương, rồi đến 23-9-1945 tấn công các lực lượng đối kháng Việt Nam mong độc chiếm Đông Dương, tái lập bộ máy cai trị quân sự tại các địa phương.

    Đến đầu tháng 2-1946, đại tướng Leclerc tuyên bố công việc bình định miền Nam Việt Nam đã xong, vì chỉ trừ từ Đèo Cả đến Tourane thuộc ranh vĩ tuyến 16, còn thì bao nhiêu tỉnh lỵ, phần lớn quận lỵ và các trục giao thông từ Đèo Cả đến Cà Mau và phần lớn Cao nguyên Trung phần đều bị quân Pháp chiếm đóng và lập lại dần các cơ quan hành chính.

    Lúc đó ý định của Pháp là thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp gồm 5 nước cộng hòa tự trị: Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt, Lào, Cambodia. Nhưng Bắc vĩ tuyến 16 đang do cộng sản Việt Minh và quân Trung Hoa Tưởng Giới Thạch kiểm soát nên việc thành lập Cộng hòa Bắc Việt và Trung Việt chưa thể thực hiện, Pháp liền ráo riết thành lập Cộng hòa Nam Việt, Cộng hòa Cambodia, Cộng hòa Lào.

    Ngày 16-10-1945, tướng Leclerc dẫn 5.000 quân chiếm Phnom Penh, khôi phục lại Chính phủ hoàng gia Cambodia. Ngày 7-4-1946, Pháp và Hoàng gia Cambodia ký hiệp định xác nhận Vương quốc Cambodia thuộc Liên hiệp Pháp.

    Tháng 3-1946, Pháp tổ chức hai cánh quân từ Việt Nam sang tái chiếm Lào, đưa quốc vương Sisavang Vong trở lại ngôi cũ. Quốc vương Lào tuyên bố chấp nhận nằm trong Liên hiệp Pháp.

    Đầu năm 1946, song song với việc tìm cách trở lại Bắc Việt, người Pháp xúc tiến thành lập Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ.


    2- Sách lược cai trị của Pháp thời kỳ 1945-46

    Cuối năm 1945 khi trở lại Đông Dương, Pháp sử dụng lại những thành phần cũ như quan lại, công chức, hương chức kỳ hào, cựu binh thuộc địa, để nhanh chóng tái lập chính quyền thân Pháp chống Việt cộng và các lực lượng kháng chiến khác. Những thành phần này từng bị Việt cộng nghi kỵ và trả thù tàn bạo trong thời kỳ 1945-47, nên đã cộng tác đắc lực với Pháp chống cộng.

    Pháp cũng khôi phục lại lực lượng quân đội bản xứ. Tuy nhiên, do lúc đầu dễ dàng đánh bại quân Việt cộng (1945-46), nên lãnh đạo Pháp chỉ sử dụng lực lượng chủ yếu là các đơn vị Pháp, mà không chủ trương tổ chức một đội quân chính quy bản xứ. Pháp chỉ tập hợp lại các cựu binh thuộc địa và tuyển thêm một số tân binh, lập ra các đơn vị Phụ lực quân, chuyên đảm những nhiệm vụ phụ dịch.

    Pháp tin tưởng binh đội của mình có thể chiến thắng Việt cộng dễ dàng, nên chỉ chú trọng vấn đề chính trị với dân bản xứ bằng cách thu phục bằng quyền lợi và đãi ngộ những nhân vật có uy thế. Pháp muốn tiếp tục tạo nên một thế lực chính trị thân Pháp dưới hình thức chia để trị. Chẳng hạn như Pháp muốn biến xứ Nam Kỳ thành một nước tự trị, bên cạnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ; biến miền Cao nguyên Trung Việt thành xứ Tây Kỳ, miền Móng Cáy thành xứ Nùng, miền Lai Châu thành xứ Thái; trên đất Lào vẫn tồn tại các chính quyền Luang Phrabang, Vientiane, Champasak riêng biệt.

    Tại những vùng đất này, để tăng thêm màu sắc chính trị địa phương với nhiều hứa hẹn ưu đãi quyền lợi, Pháp đã đặt ra những biểu trưng riêng biệt nhằm tách rời các miền lãnh thổ. Hiệu kỳ của Nam Kỳ tồn tại không lâu, nhưng hiệu kỳ các xứ Thái, Nùng tồn tại đến tận năm 1954. Hiệu kỳ xứ Thái là lá cờ tam tài Pháp với ba màu đỏ, trắng, xanh, và một ngôi sao sáu cánh trên phần nền trắng tiêu biểu cho sáu bộ lạc. Hiệu kỳ xứ Nùng là lá cờ tam tài và trên phần nền trắng có chiếc thuyền buồm Trà Cổ để kỷ niệm người Nùng địa phương đã theo quân Pháp chiếm xứ Trà Cổ, Cô Tô, Cát Bà năm xưa.

    Từ cuối năm 1945, lực lượng kháng chiến chống Pháp gồm nhiều lực lượng thuộc các đảng phái, tôn giáo khác nhau, cùng tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Tuy nhiên sau khi Việt cộng tiêu diệt các thành phần đối lập để nắm quyền độc tôn đảng trị, thì lực lượng kháng chiến quốc gia phân chia thành bốn xu hướng. Một số vẫn tiếp tục ở lại trong hàng ngũ Việt Minh vì chưa thể thoát đi được. Một số di tản ra nước ngoài để tránh bị tiêu diệt và tìm kiếm đường lối mới. Một số tiếp tục chống Pháp và chống Việt cộng nhưng luôn ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Một số phải nương tựa vào Pháp để cùng chống kẻ thù nguy hiểm nhất là Việt cộng.


    3- Các hội đồng chính trị ở ba phần Việt Nam

    Ngày 4-2-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt được thành lập, gồm 12 ủy viên, trong đó có 4 người Pháp (Béziat, Bazé, Clogne, Gressier) và 8 người Việt (Lê Văn Định, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Thành Lập, Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Tấn Phát, Trần Thiện Vàng), để giúp cao ủy Pháp tại Đông Dương trong việc cai trị dân sự vùng Nam Việt. Ngày 12-2-1946, cao uỷ DArgenlieu phê chuẩn danh sách Hội đồng Tư vấn Nam Việt.

    Sau khi đưa quân ra Bắc Đông Dương thay thế quân Tưởng Giới Thạch, ngày 2-4-1946, cao ủy DArgenlieu ký nghị định chuẩn y danh sách Hội đồng An dân Bắc Việt lâm thời (comité provisoire de gestion administrative et d'action sociale) và đến 6-4-1946 là Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung Việt (comité administratif provisoire). Mỗi Hội đồng cũng có 4 người Pháp và 8 người Việt.

    Hội đồng Chấp chánh Trung Việt gồm: Trần Văn Lý (chủ tịch), Trần Thanh Đạt...

    Hội đồng An dân Bắc Việt gồm: Hoàng Cơ Bình, luật sư Lê Quang Luật, Trần Trung Dung...


    4- Các viên chức Pháp cai trị toàn Đông Dương

    Bộ máy cai trị toàn Đông Dương lúc này (1945-1946) theo chế độ quân quản, đứng đầu là cao ủy DArgenlieu và các tướng Leclerc, Valluy, Pignon trong Bộ tư lệnh Quân lực Pháp tại Đông Dương, đại tá Jean Cédille (ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt), đại tá Jean Sainteny (ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt) và các ủy viên Cộng hòa tại Trung Việt, Lào, Cambodia.

    Các cao ủy (high commissioners) Pháp tại Đông Dương từ 1945 đến 1956 gồm có

    - Georges Thierry d'Argenlieu (1889-1964): từ 31-10-1945 đến 1-4-1947.

    - Émile Bollaert (1890-1978): từ 1-4-1947 đến 11-10-1948.

    - Léon Pignon (1908-1976): từ 20-10-1948 đến 17-12-1950.

    - Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952): từ 17-12-1950 đến 11-1-1952.

    - Jean Letourneau (1907-1986): từ 1-4-1952 đến 27-4-1953.

    Từ 27-4-1953, khi chủ quyền các nước tại Đông Dương được khôi phục, thì người đại diện Chính phủ Pháp tại Đông Dương gọi là tổng uỷ viên (commissioners-general), với

    - Jean Letourneau : tiếp từ 27-4-1953 đến 28-7-1953.

    - Maurice Dejean (1899-1982): từ 28-7-1953 đến 10-4-1954.

    - Paul Ély (1897-1975): từ 10-4-1954 đến tháng 4-1955.

    - Henri Hoppenot (1891-1977): từ tháng 4-1955 đến 21-7-1956.


    5- Các đảng phái chính trị ở Nam Việt đẩy mạnh hoạt động

    Sau khi Pháp ký với Việt Minh hiệp định sơ bộ 6-3-1946, ngày 9-3-1946 Hội đồng Tư vấn Nam Việt ra tuyên bố không bị ràng buộc bởi hiệp định sơ bộ và nhân dân miền Nam Việt Nam có quyền tự do lựa chọn qui chế chính trị không cộng sản và bác bỏ sự cai trị của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với miền Nam Việt Nam. Lúc đó, ở Sài Gòn và Nam Việt Nam ngoài các lực lượng kháng chiến Việt Minh, Hoà Hảo, Cao Đài, Đông Dương có những phái chính trị công khai:

    - Liên hiệp những người Pháp bênh vực sự nghiệp Pháp ở Đông Dương (UDOFI): của giới công tư chức Pháp chủ trương thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp.

    - Đảng Nam Việt (Parti Cochinchinois): do Nguyễn Tấn Cường thành lập tháng 10-1945.

    - Đảng Đông Dương tự trị (Indochine Autonome): do Nguyễn Văn Tỵ thành lập tháng 10-1945.

    - Đảng Việt Nam phục hưng : do Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ thành lập ngày 25-12-1942. Tháng 9-1945, Ngô Đình Diệm cùng một số đồng chí từ Sài Gòn ra Hà Nội liên lạc với các lãnh tụ công giáo ở Bắc bộ, định thuyết phục Bảo Đại không hợp tác với Việt cộng và tìm cách giải cứu Bảo Đại. Nhưng Diệm bị Việt cộng bắt giữ tháng đầu tháng 12-1945 khi đang ở một vùng đạo thuộc miền thượng du gần biên giới Việt-Hoa. Giám mục Lê Hữu Từ, linh mục Phạm Quang Hàm và đại biểu Quốc hội Ngô Tử Hạ lập tức đến gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp xin thả Diệm. Lãnh đạo Việt cộng thấy trước đó đã bắt giết hai cha con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, nhưng sau đó bị lực lượng Công giáo phản đối dữ dội, nên lần này muốn hòa hoãn để tranh thủ sự ủng hộ của thế lực Công giáo và qua Công giáo kéo dài thời gian hòa hoãn với Pháp trong khi chuẩn bị chiến tranh, đồng thời cho rằng Diệm đã từng phản đối Pháp và không nguy hiểm, vì thế đến tháng 6-1946, Minh và Giáp ra lệnh đưa Diệm về Hà Nội và thả ra.

    - Giáo hội Cao Đài : Tháng 8-1946, hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc về nước sau năm năm bị lưu đày ở Madagasca. Hộ pháp Phạm chủ trương hợp tác với Pháp chống cộng sản. Ngày 12-11-1946, hộ pháp Phạm Công Tắc và tư lệnh Lực lượng võ trang Cao Đài Trần Quang Vinh ủng hộ bác sĩ Lê Văn Hoạch làm thủ tướng Nam kỳ sau khi thủ tướng Thinh bị ám sát.

    - Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

    - Mặt trận Bình dân Nam Việt (FPC): vận động thành lập nước Cộng hòa Nam Việt có quyền tự trị trong Liên bang Đông Dương giống như Bắc, Trung, Lào, Cambodia. Mặt trận do Nguyễn Tấn Cường và bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, nguyên chủ tịch Đảng Dân chủ Đông Dương, chủ tịch Cục Mễ cốc thành lập tháng 10-1945. Mặt trận có cơ quan ngôn luận là báo Tiếng Gọi và báo Phục Hưng do ký giả Hiền Sĩ phụ trách.

    - Phong trào Bình dân Nam Việt (MPC): chủ trương thực hành một xã hội chủ nghĩa phi mác xít, chủ yếu đấu tranh cải thiện đời sống dân chúng lao động và cải cách ruộng đất bằng hình thức truất hữu đại điền chủ để hữu sản hóa nông dân, phát triển Cộng hòa Nam Việt trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương nhưng độc lập tách khỏi Liên hiệp Pháp.

    - Mặt trận Quốc gia liên hiệp : gồm các trí thức, giáo chức, ký giả... do Nguyễn Văn Sâm làm chủ tịch, có báo Đuốc Nhà Nam làm cơ quan ngôn luận, đấu tranh trực diện với Pháp để đòi độc lập và thống nhất cho Việt Nam, đồng thời chống lại cộng sản (nhưng sau đó nhiều thành viên Mặt trận Quốc gia liên hiệp bị Việt Minh ám sát).

    - v.v…


    II- THỜI KỲ CÁC THỦ TƯỚNG NGUYỄN VĂN THINH, PHAN VĂN GIÁO, NGHIÊM XUÂN THIỆN Ở BA MIỀN


    1- Thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ

    Ngày 7-3-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt họp phiên đầu tiên, bàn việc chọn thủ tướng và thành lập Chánh phủ lâm thời. Ngày 26-3-1946, Hội đồng tuyên bố thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (République autonome de Cochinchine) và cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh (1884-1946) làm thủ tướng.


    2- Chính trị Đông Dương mùa hè 1946

    Từ cuối tháng 3-1946, Việt cộng ở Nam bộ được lệnh từ trung ương ra sức chống lại ý đồ thành lập các cộng hòa liên hiệp. Trong hồi ký, Trần Văn Giàu kể lại: Từ cuối tháng 3-1946, ta (cộng sản Việt Minh) phát triển một đợt khủng bố đại qui mô, những người khủng bố không nhiều lắm, nhưng lén lút có mặt bất ngờ nhiều nơi, cho nên mọi ý muốn ngã về với Pháp đều tan biến mất. Ai hợp tác với Pháp bị ta gọi là Việt gian và coi như người đó đã lãnh án tử hình rồi vậy. (...) Ta tổ chức ám sát hai tên Hội đồng Tư vấn Nam Việt là Trấn Tấn Phát và Nguyễn Văn Thạch, làm cho bọn tập tểnh làm tổng trưởng, làm họi đồng phải co đầu rút cổ. (Trần Văn Giàu - Địa chí văn hóa TP. HCM, 1987). Bộ trưởng Lê Văn Hoạch cũng bị Việt Minh phục kích ở ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) nhưng may không chết. Ký giả Hiền Sĩ, chủ nhiệm báo Phục Hưng của Mặt trận Bình dân, bị mật vụ cộng sản ám sát trước chợ Bến Thành.

    Ngày 22-4-1946, Hội đồng An dân Bắc Việt cử Nghiêm Xuân Thiện làm thủ tướng lâm thời Cộng hòa Bắc Việt. Ngày 24-4-1946, Hội đồng Chấp chính Trung Việt cử Phan Văn Giáo làm thủ tướng lâm thời Cộng hòa Trung Việt. Như vậy, cho đến tháng 4-1946, ý đồ thành lập Liên bang Đông Dương của DArgenlieu đã hoàn thành bước đầu gồm có:

    - Vương quốc Cambodia thành lập được Chính phủ hoàng gia Vương quốc Cambodia, do quốc vương Norodom Shihanouk và thủ tướng Penn Nouth đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn Cambodia gồm 4 người Pháp, 8 người Cambodia, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

    - Vương quốc Lào thành lập được Chính phủ hoàng gia Vương quốc Lào, do quốc vương Sisavong Vang và thủ tướng Kindavong đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn gồm 4 người Pháp, 8 người Lào, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

    - Cộng hòa Nam Việt (Nam Kỳ) thành lập được Chánh phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Nguyễn Văn Thinh đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

    - Cộng hòa Trung Việt thành lập được Chánh phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Phan Văn Giáo đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Chấp chính lâm thời gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

    - Cộng hòa Bắc Việt thành lập được Chính phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Nghiêm Xuân Thiện đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng An dân lâm thời gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

    Lúc đó, để phản đối ý đồ cai trị độc quyền và hà khắc của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 27-4-1946, ba chánh phủ Cộng hòa Nam Việt, Bắc Việt họp tại Sài Gòn, ra tuyên bố không chấp nhận sự cai trị của Chính phủ cộng sản Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một số người quá khích trong Liên đoàn UDFI và Mặt trận Bình dân Nam Việt còn tổ chức biểu tình ở Sài Gòn vào tháng 6-1946 nêu khẩu hiệu: Xứ Nam kỳ của người Nam kỳ, Nam Việt không chấp nhận độc tài cộng sản cai trị.


    3- Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ - Nội các Nguyễn Văn Thinh

    Từ 17-4-1946, hội nghị trù bị Đà Lạt giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với Pháp đang bàn cãi chưa đi đến kết quả nào, thì cao ủy DArgenlieu muốn phá vỡ sự thỏa hiệp với Việt Minh để nhanh chóng hoàn thành việc thành lập Liên bang Đông Dưong theo mô hình Charles De Gaulle nên tìm cách phá hội nghị. DArgenlieu hậu thuẫn cho đại tá Nguyễn Văn Xuân, phó thủ tướng lãnh thổ Nam Việt dẫn đầu một phái đoàn nhân sĩ Việt Nam sang Paris ráo riết vận động Pháp công nhận và hậu thuẫn.

    Ngày 16-5-1946, Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết công nhận Cộng hòa Nam Kỳ, để cùng các cộng hòa Trung Việt, Bắc Việt, Lào, Cambodia lập thành Liên bang Đông Dương.

    Ngày 16-5-1946, phái đoàn Nguyễn Văn Xuân về tới Sài Gòn. Sáng 2-6-1946, Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ làm lễ ra mắt tại nhà hát lớn Sài Gòn.

    Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Thinh cầm quyền từ ngày 1-6 đến 10-11-1946.

    - Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Nội vụ: bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.

    - Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: đại tá Nguyễn Văn Xuân.

    - Đổng lý văn phòng Chính phủ: Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh).

    - Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trần Văn Tỷ.

    - Bộ trưởng Bộ Công chánh: Lương Văn Mỹ.

    - Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Nguyễn Thành Lập.

    - Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ: Ung Bảo Toàn.

    - Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục: Nguyễn Thành Giung.

    - Bộ trưởng Bộ An ninh: Nguyễn Văn Tâm.

    - Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội: Khương Hữu Long.

    - Thứ trưởng Công an đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn: Nguyễn Tấn Cường.

    - Các thứ trưởng: Đỗ Văn Trà, Nguyễn Văn Tân, Trần Văn Kiết.


    4- Hiệp ước Sài Gòn 1946

    Ngày 3-6-1946, thủ tướng Nguyễn Văn Thinh và ủy viên cộng hòa Pháp Cédille ký bản hiệp ước Sài Gòn 1946 qui định:

    - Cộng hòa Nam Kỳ là một nước tự do, có chánh phủ, nghị viện, quân đội và tài chánh riêng.

    - Cộng hòa Nam Kỳ cùng với Bắc Việt, Trung Việt, Lào, Cambodia nằm trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp.

    - Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ sẽ do Hội đồng Tư vấn bầu ra, có quyền ban hành các nghị định, nhưng phải thông qua ủy viên cộng hòa.

    - Về trật tự trị an trong xứ, nếu thấy cần thiết có thể nhờ quân đội Pháp hỗ trợ.

    - Ủy viên chánh trị Cộng hòa Pháp sẽ là cố vấn của Chánh phủ Nam Kỳ. Trong các cuộc họp Chánh phủ, ủy viên cộng hòa Pháp có thể đến tham dự nếu được Chánh phủ yêu cầu.

    Từ đó, với sự cố vấn của ủy viên cộng hòa Pháp Cédille và Hội đồng Tư vấn Nam Việt, Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ đảm trách điều hành mọi công việc dân sự ở Nam Việt Nam.

    Tuy nhiên ngay khi phái đoàn Nguyễn Văn Xuân vừa về đến Sài Gòn 26-5-1946 thì ngay hôm sau, 27-5-1946, tại Paris, tổng thống Pháp Vincent Auriol lại ra sắc lệnh thành lập Liên bang các dân tộc thiểu số miền Nam Đông Dương do Tòa ủy viên cộng hòa thuộc Pháp phụ trách, gồm các tỉnh Daklak, Đồng Nai Thượng (Bảo Lộc), Lâm Viên (Đà Lạt), Pleiku, Kontum, nhằm thực hiện tham vọng tách rời vùng cao nguyên Trung phần ra khỏi Việt Nam. Cùng với ý định đó, tổng thống Pháp cũng thành lập xứ Mường tự trị, xứ Thái tự trị, xứ Nùng tự trị ở Bắc Việt.


    5- Hội nghị thành lập Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt

    Trong khi hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Cộng đang bế tắt, thì cao ủy DArgenlieu triệu tập Hội nghị thành lập Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt dự định bắt đầu từ 23-7-1946. Thành phần triệu tập tham dự hội nghị gồm các đoàn Pháp, Cambodia, Lào, Nam Việt, Bắc Việt, Trung Việt, Tây nguyên, xứ Mường tự trị, xứ Thái tự trị, xứ Nùng trự trị. Nhưng đại diện Bắc Việt và Trung Việt là Nghiêm Xuân Thiện và Phan Văn Giáo tuyên bố tẩy chay hội nghị để phản đối ý đồ thành lập các vùng dân tộc tự trị ở Trung và Bắc Việt.

    Cuối cùng, đến 1-8-1946, hội nghị Đà Lạt mới khai mạc được với sự tham dự của các phái đoàn Pháp, phái đoàn Cambodia (do quốc vương Sihanouk dẫn đầu), phái đoàn Lào (do thái tử Savang Vatthana dẫn đầu), phái đoàn Cộng hòa Nam Kỳ (do phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân dẫn đầu), đoàn bộ tộc Chàm (do Lưu Ái dẫn đầu), phái đoàn Cao nguyên Thượng (do tù trưởng Ede là Ma Krong và bác sĩ Djac Ayun dẫn đầu). Do lo ngại nước Cao nguyên Thượng mới sẽ có yêu sách với lãnh thổ của mình, nên Lào và Cambodia cũng đồng ý với Nguyễn Văn Xuân là phản đối ý định của Pháp thành lập thêm một nước cộng hòa Cao nguyên Thượng trong Liên bang Đông Dương. Cuối cùng, cao ủy DArgenlieu và hội nghị nhất trí sẽ thành lập Liên bang Đông Dương, còn vấn đề các cộng hòa trực thuộc sẽ giải quyết sau. Ngày 27-8-1946 Pháp ký với Lào bản tuyên bố chung công nhận sự thống nhất của Lào.

    Do hành động bất phục tùng trước đó của Nghiêm Xuân Thiện và Phan Văn Giáo, và cũng do tình hình không cho phép nên Pháp chỉ duy trì ở Bắc và Trung Việt hoạt động của Hội đồng An dân và Hội đồng Chấp chính mà không thành lập chính phủ riêng như ở Nam Việt.


    6- Việt cộng chống phá Chánh phủ Nam Kỳ

    Sau khi thành lập, Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh có nhiều hoạt động giúp khôi phục, ổn định tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nam Việt Nam. Nhưng các hoạt động trọng yếu và nhất là về chính trị, quân sự, an ninh, đối ngoại vẫn do Pháp kiểm soát. Cộng hòa Nam kỳ không được thành lập quân đội và bộ máy an ninh như Pháp đã hứa. Vì vậy, cộng sản Việt Nam có cớ để tuyên truyền Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh là bù nhìn lệ thuộc Pháp. Các đảng phái quốc gia phần lớn cũng không ủng hộ Chánh phủ Nam Kỳ.

    Cộng sản Việt Nam tăng cường quậy phá, ám sát các nhân vật liên quan đến Chánh phủ. Vì thế, không ai dám cộng tác với Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh nữa. Nhất là trong giai đoạn từ 1946 đến 1950, ở Nam Việt áp dụng theo luật tự do báo chí, không có kiểm duyệt, nên đảng cộng sản tha hồ tổ chức hoặc tìm mọi cách lũng đoạn các tờ báo ở Sài Gòn như: Tin Điện, Nam kỳ, Tân Việt, Kiến Thiết, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Sài Thành, Công Chúng, Echo du VietNam..., tất cả 17 tờ báo hình thành nên ‘Nhóm báo chí thống nhất’, chuyên tuyên truyền đả kích việc Cộng hòa Nam Kỳ không chấp nhận trực thuộc Việt Nam dân chủ cộng hòa của Đảng Cộng sản Đông Dương, coi đó là sự ly khai khỏi đại gia đình Việt Nam, đồng thời tìm mọi cách đả kích, bêu xấu Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh. Hàng loạt thành viên Chánh phủ, Hội đồng, các tổ chức chính trị, xã hội... bị ám sát, khủng bố. Một số người như đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng... bị bắt cóc đưa ra chiến khu. Luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ bị toán du kích do Đoàn Giỏi phụ trách bắt cóc tại Mỹ Tho... Cuối cùng, chính Nguyễn Văn Thinh cũng bị ám sát tại tư gia trên đường Lê Văn Duyệt ngày 10-11-1946 rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử trong tư thế bị siết cổ bằng một sợi dây điện.


    III- THỜI KỲ THỦ TƯỚNG NGUYỄN VĂN XUÂN (1946) VÀ THỦ TƯỚNG LÊ VĂN HOẠCH (1946-47)

    1- Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt – Nội các Nguyễn Văn Xuân

    Ngày 11-11-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt họp, cử phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, lập chính phủ mới gọi là Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt.

    Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cầm quyền từ ngày 15-11 đến 7-12-1946.

    - Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Xuân.

    - Phó thủ tướng: Lê Văn Hoạch.

    - Đổng lý văn phòng Chính phủ.

    - Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

    - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

    - Bộ trưởng Bộ Công chánh.

    - Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

    - Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ.

    - Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

    - Bộ trưởng Bộ An ninh.

    - Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội.


    2- Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt – Nội các Lê Văn Hoạch

    Đến 7-12-1946, do bất mãn với cung cách hoạt động của người Pháp, Nguyễn Văn Xuân từ chức thủ tướng, sang Pháp trở lại tiếp tục phục vụ trong quân đội với hàm đại tá rồi giữa năm 1947 được thăng chức thiếu tướng lục quân. Ngày 7-12-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt cử phó thủ tướng Lê Văn Hoạch (1896-1978) làm thủ tướng Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt.

    Nội các thủ tướng Lê Văn Hoạch cầm quyền từ ngày 7-12-1946 đến 8-10-1947.

    - Thủ tướng: Lê Văn Hoạch.

    - Phó thủ tướng.

    - Đổng lý văn phòng Chánh phủ.

    - Bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Tâm.

    - Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

    - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

    - Bộ trưởng Bộ Công chánh.

    - Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

    - Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ.

    - Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

    - Bộ trưởng Bộ An ninh.

    - Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội.


    3- Phạm Công Tắc đề ra Giải pháp Bảo Đại

    Ngày 20-12-1946, trước khi ra Quốc hội điều trần về chuyến sang thăm Đông Dương, bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Moutet tuyên bố: Nước Pháp muốn hòa bình, tôn trọng những nguyên tắc đã tuyên bố, nhưng không chịu khuất phục trước bạo lực. Chính sách của Pháp là bảo vệ quyền lợi nước Pháp và làm cho những quyền lợi ấy luôn được tôn trọng.

    Ngày 23-12-1946, dân biểu André Mutter của hạt l’Aube tuyên bố: Không thể đàm phán với chính quyền của Hồ được nữa vì đó là bọn lật lọng. Chúng ta không thể coi tên Hồ Chí Minh như đại diện của một đất nước tự do, mà đó là một kẻ sát nhân.

    Ngày 1-1-1947, nhân dịp bộ trưởng Moutet sang thăm Đông Dương và đến thăm Tòa thánh Tây Ninh, hộ pháp Phạm Công Tắc tuyên bố là tín đồ Cao Đài nhiệt liệt ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại về nước lãnh đạo chánh phủ Việt Nam.

    Vào đầu năm 1947, quân Pháp về cơ bản đã chiếm xong Hà Nội và các đô thị ở Bắc Việt, đẩy lùi quân Việt cộng rút lên miền thượng du Việt Bắc, tổ chức chiến thuật du kích và tiêu thổ kháng chiến để chống lại quân Pháp. Nhiều người trong chính trường Paris cũng muốn điều đình với chính phủ cộng sản để ngưng chiến, nhưng lợi ích đôi bên quá khác nhau nên không dàn xếp được. Cao ủy DArgenlieu cũng muốn ngăn chận các cuộc đàm phán đó nên đã báo cáo nhiều tình hình sai sự thật về Paris và tìm mọi cách ngăn trở mọi thỏa hiệp đi tới giải pháp hòa bình. Đầu năm 1947, đại tướng Leclerc, tư lệnh Quân lực Đông Dương từ tháng 9-1945 đến tháng 7-1946, đã nhận định: Năm 1947, Pháp sẽ không còn có thể dùng sức mạnh để khuất phục một dân tôc 24 triệu người có tư tưởng chống ngoại xâm và có tinh thần quốc gia mạnh mẽ. Kể từ nay, vấn đề chủ yếu là chính trị. Vấn đề là ở chỗ cần phải dàn xếp với một phong trào cách mạng quốc gia đang phát triển, và phải hậu thuẫn phong trào đó để bảo vệ ít nhất là một phần các quyền lợi của Pháp. Sau đó, Leclerc chết vì tai nạn máy bay ngày 28-11-1947 ở Bắc Phi.

    Ngày 2-1-1947, cao ủy D’Argenlieu và cố vấn Léon Pignon cũng tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn: Từ nay về sau, không thể điều đình với bọn Hồ Chí Minh. Chúng ta chỉ có thể đàm phán với những người biết tôn trọng chữ ký của mình từ những người quốc gia. Mục tiêu của chúng ta cần được xác định phải chuyển cuộc xung đột giữa Pháp và cộng sản Việt Nam thành vấn đề nội bộ của Việt Nam. Người Pháp chỉ tham gia tối thiểu vào cuộc xung đột với cộng sản, còn nhiệm vụ chính phải nằm trong tay phái quốc gia chống cộng.


    4- Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo và Việt Quốc khởi động Giải pháp Bảo Đại

    Lúc đó, Chính phủ Paris do thủ tướng Georges Bidault thuộc Phong trào Cộng hòa nhân dân (MRP) đứng đầu cũng nhất định không thương thuyết với cộng sản Việt Minh. Ở trong nước, Chánh phủ Lê Văn Hoạch không chịu đấu tranh nhiều hơn với Pháp để thu hồi chủ quyền chính trị, quân sự, ngoại giao nên không được các đảng phái quốc gia ủng hộ. Ở Bắc và Trung Việt vẫn chưa thành lập được chính phủ mà vai trò điều hành chủ yếu vẫn thuộc về chế độ quân quản Pháp. Vì thế, trong tháng 1 và 2-1947, lãnh tụ các đảng phái quốc gia như Đảng Phục quốc Việt Nam (Cao Đài), Đảng Việt Nam dân chủ xã hội (Hòa Hảo), Việt Nam quốc dân đảng cử đại biểu tới tấp sang Hong Kong tìm cách yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại đây về nắm quyền.

    Ngày 26-2-1947, cựu hoàng Bảo Đại tổ chức họp báo tại Hong Kong, tuyên bố: Việt Minh là một tổ chức cộng sản quốc tế không phù hợp với truyền thống cổ truyền của dân tộc Việt Nam. (...) Chúng tôi thay mặt nhân dân Việt Nam chủ trương kiến tạo một giải pháp quốc gia trong lập trường chống cộng.


    5- Hoạt động Việt Nam quốc dân đảng và Đại Việt quốc dân đảng

    Tháng 1-1947, Việt Nam quốc dân đảng tách ra trở lại thành hai đảng là Việt Nam quốc dân đảng và Đại Việt quốc dân đảng như trước đây. Riêng Việt Nam quốc dân đảng lại phân hóa thành hai nhóm: một nhóm kiên quyết chống Pháp nên chống cả Bảo Đại, đứng đầu là Xuân Tùng Hoàng Văn Đào, Nguyễn Văn Chấn, Lý Ngọc Chấn, nhóm thứ hai ủng hộ giải pháp Bảo Đại lãnh đạo quốc gia, hợp tác với Pháp chống cộng sản đứng đầu là giáo sư Nghiêm Xuân Thiện, bác sĩ Trần Trung Dung, Vũ Hồng Khanh, Ngô Thúc Định, bác sĩ Trần Văn Tuyên...

    Tại Bắc Việt, Đặng Vũ Lạc, Đỗ Văn Năng, Lê Thăng tập hợp các đảng viên Đại Việt quốc dân đảng và Việt Nam quốc dân đảng, mở đại hội phục hoạt Đại Việt quốc dân đảng, và gọi là Đảng Tân Đại Việt. Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) và Ngô Thúc Định cũng mở đại hội phát triển hoạt động Việt Nam quốc dân đảng. Đại Việt quốc dân đảng và Việt Nam quốc dân đảng tăng cường xây dựng chi nhánh và cơ sở quần chúng ở Trung Việt.


    6- Hoạt động Đảng Đại Việt phục hưng

    Tháng 1-1947, Ngô Đình Diệm cũng đẩy mạnh hoạt động Đảng Đại Việt phục hưng. Theo đề xuất của Nguyễn Khoa Toàn, Đảng Đại Việt phục hưng cử Trần Văn Lý và Trần Thanh Đạt làm đại biểu của đảng tham gia hội nghị ở Sài Gòn do Nguyễn Văn Sâm triệu tập để thành lập Việt Nam quốc gia liên hiệp, tập họp một số đảng phái và nhân sĩ cách mạng quốc gia.


    7- Kế hoạch ba bên của Bảo Đại - Trần Trọng Kim

    Sau khi tiếp xúc với đại diện Cao Đài, Hòa Hảo và Việt Quốc, cựu hoàng Bảo Đại cùng với cựu thủ tướng Trần Trọng Kim vạch ra một kế hoạch ba bên, tức thương thuyết với cả Pháp và cộng sản Việt Nam để cùng chấm dứt chiến tranh, cùng thỏa hiệp và đi đến hòa bình.

    Ngày 22-1-1947, Trần Trọng Kim thay mặt Bảo Đại đến gặp đặc sứ Pháp Cousseau tại Hong Kong. Kim đưa ra bảy điều kiện để hợp tác, là: 1- Thống nhất ba kỳ. 2- Việt Nam hoàn toàn tự trị. 3- Xác định rõ ràng vị trí Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. 4- Việt Nam phải có quân đội riêng. 5- Việt Nam phải có chế độ tài chánh riêng. 6- Pháp phải xác định rõ một kỳ hạn trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. 7- Việt Nam có đại biểu ngoại giao với các nước Á Đông và buôn bán với các nước khác. Đặc sứ Cousseau không cam kết điều gì mà chỉ hứa hẹn báo cáo về chính phủ Paris.

    Ngày 2-2-1947, Trần Trọng Kim đi tàu thủy rời Hong Kong về Sài Gòn, ở tạm trong nhà luật sư Trịnh Đình Thảo, cựu bộ trưởng tư pháp trong chính phủ năm 1945. Kim đã gặp cựu khâm sai Nguyễn Văn Sâm, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền... để bàn thảo về việc phối hợp giữa Pháp và các lực lượng cách mạng quốc gia trong việc đạt được một thỏa ước về giải pháp Bảo Đại. Kim cũng gặp cố vấn Pignon, tân cố vấn chính trị Michel, để thương thảo về giải pháp Bảo Đại. Pháp lúc đầu cũng e dè Trần Trọng Kim vì còn thành kiến việc hợp tác với Nhật sau cuộc đảo chánh tháng 3-1945, nhưng vẫn ừ hử hứa hẹn xem xét hợp tác về giải pháp Bảo Đại; tuy nhiên sau khi Kim đề nghị có thể thương thảo thỏa hiệp với lực lượng Việt cộng thì cao uỷ D’Argenlieu nổi giận thật sự, ra lệnh giam lỏng Trần Trọng Kim, không cho tiếp xúc với chính giới quốc nội nữa và không cho liên lạc với Bảo Đại. Trần Trọng Kim tìm cách trốn được lên Phnom Penh. Ủy viên cộng hòa Pháp tại Phom Penh De Raymond được cao ủy DArgenlieu ra lệnh tiếp tục giam lỏng Trần Trọng Kim cho đến năm 1952 mới thả ra.

    Đầu năm 1947 tại miền Nam, các đảng phái trước đây chủ trương Nam Kỳ tự trị cũng thay đổi lập trường, tuyên bố ủng hộ Việt Nam thống nhất, miễn là mỗi xứ Nam, Trung, Bắc vẫn có tự trị về kinh tế và chính trị. Các đảng phái tổ chức biểu tình chống cộng khắp nơi.


    8- Giáo hội Công giáo công khai chống cộng

    Để đối phó với các hoạt động đàn áp tôn giáo, khủng bố giáo dân, Giáo hội Công giáo cũng công khai ủng hộ giải pháp Bảo Đại và chống cộng sản.

    Đầu năm 1947, giám mục giáo phận Phát Diệm Lê Hữu Từ cho hàng trăm chính khách mọi đảng phái đang bị Việt cộng truy sát đến tỵ nạn tại Phát Diệm, trong đó có anh em Ngô Đình Diệm-Nhu, Trần Văn Chương..., với phương châm: Đất của Chúa luôn là nơi bình yên của mọi người hoạn nạn. Tại đây, các chi nhánh đảng Đại Việt duy dân, Đại Việt quốc dân, Việt Nam quốc dân đều mở rộng lực lượng sâu rộng trong dân chúng. Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu thành lập lực lượng Công giáo tự vệ do Trần Thiện chỉ huy với quân số hàng ngàn người.

    Tại giáo phận Vĩnh Long, giám mục Ngô Đình Thục chủ trương cắt đứt mọi liên hệ với Việt cộng. Nhiệt tình chống cộng nhất là các giáo xứ tại Bến Tre và Mỹ Tho. Tại đây công khai ủng hộ các đơn vị lưu động bảo vệ giáo xứ (UMDC) do trung uý Léon Leroy phụ trách. Đồng phục binh sĩ UMDC đều thêu trước ngực hình cây thánh giá.

    Tại các giáo xứ Kẻ Sặt (Hải Dương), Quảng Bình, Quảng Trị, Kontum... cũng có nhiều đơn vị tự vệ của giáo dân Công giáo.


    9- Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam

    Tháng 2-1947, thủ tướng Ramadier thuyết trình với Quốc hội Pháp, đã khẳng định lực lượng Việt cộng do Hồ cầm đầu đang là một thế lực phiến loạn và không được dân chúng Việt Nam ủng hộ. Tiếp theo, bộ trưởng Moutet khẳng định là Hiệp ước sơ bộ hồi 6-3-1946 đã được Pháp ký kết với một chính phủ liên hiệp Việt Nam, chứ không phải với cá nhân Hồ hay phe cộng sản của Hồ.

    Tính đến ngày 17-2-1947, quân Pháp đã hoàn toàn kiểm soát ngoại vi Hà Nội, rồi làm chủ tình hình Nam Định (11-3) và Hòa Bình (15-4). Tại Trung bộ, quân Pháp tái chiếm Hội An (15-3-1947), Quảng Nam (16-3), rồi đổ bộ lên Đồng Hới (27-3).

    Ngày 17-2-1947 tại Sài Gòn, chủ tịch Đảng Việt Nam quốc gia độc lập Nguyễn Văn Sâm đứng ra tổ chức hội nghị chín đảng phái quốc gia, gồm Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Việt Nam dân chủ xã hội đảng (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo), Việt Nam quốc gia độc lập đảng, Việt Nam quốc gia thanh niên đoàn, Giáo hội Cao Đài, Đảng Việt Nam phục quốc và Liên đoàn Công giáo. Hội nghị thống nhất thành lập Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam (Front d'Union Nationale du Viet-Nam), tuyên bố hưởng ứng hoàn toàn việc thành lập một chính phủ quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, kêu gọi chống lại Việt Minh lẫn Pháp và đề nghị Chính phủ Trung Hoa dân quốc và Mỹ can thiệp để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Pháp.

    Ngày 4-3-1947, đại diện các đảng phái quốc gia lại họp tại Quảng Châu, gồm Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi, Lưu Đức Trung, Vũ Kim Thành..., ra tuyên bố chống lại chế độ cộng sản Việt Nam và nguyện đoàn kết dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại. Ngày 10-3-1946, cao ủy D’Argenlieu cử phái viên sang Hong Kong gặp Bảo Đại, đồng thời cũng gặp một số nhân sĩ còn trong nước như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn..., nhưng những người này đều biết rõ thực tâm của Pháp nên không ai chịu hợp tác.

    Ngày 9-3-1947, Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam họp tại Hong Kong, ra bản tuyên cáo, theo đó xác định mục tiêu của Mặt trận là: thống nhất tất cả các tổ chức cách mạng, đảng phái chính trị, đoàn thể tôn giáo và xã hội để đấu tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ; củng cố chế độ cộng hòa, dân chủ; hợp tác toàn diện với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản công bằng và tự do để vãn hồi an ninh trật tự thế giới.

    Về những biến cố đang xảy ra ở Việt Nam, Mặt trận khẳng định cuộc kháng chiến hơn một năm qua không phải là công trình của một đảng phái chính trị nào, mà là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Mặt trận cũng khẳng định lực lượng của Hồ Chí Minh không được nhân dân tin tưởng và đã mất đi vị thế trong thế giới trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bởi vì mục tiêu gây chiến của lực lượng Việt cộng chỉ là nhằm giành độc quyền cai trị nhân dân Việt Nam. Bởi vậy, Mặt trận ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại Nguyễn Phước Vĩnh Thụy để thành lập một chính phủ dân chủ thực sự.

    Để đánh dấu sự thay đổi chính sách của mình, thủ tướng Ramadier quyết định sẽ thay đổi cao uỷ Đông Dương D’Argenlieu vì bị nhiều người chỉ trích là còn mang nặng đầu óc thực dân và khó lòng tập họp được lực lượng quốc gia ở Đông Dương ủng hộ. Tuy nhiên, D’Argenlieu lại muốn nấn ná ở Đông Dương chờ ngày De Gaulle (vừa từ chức ngày 24-1-1946) trở lại chính quyền. Vì thế, Ramadier ra hẳn quyết định cách chức D’Argenlieu.

    Ngày 12-3-1947, tổng thống Mỹ Harry Truman đọc một bài diễn văn, khẳng định đang có tình trạng chiến tranh lạnh trên thế giới giữa khối tự do và khối cộng sản. Vài tháng sau, Mỹ thông qua kế hoạch Marshall viện trợ tái thiết châu Âu. Riêng với các nước đang còn dính líu và sa lầy tai tiếng với thuộc địa cũ như Pháp chẳng hạn, Mỹ nhấn mạnh là phải cùng lúc kết hợp cả ba yếu tố: việc viện trợ tái thiết, việc chống cộng sản, và việc xóa bỏ chế độ thuộc địa. Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần tuyên bố: không muốn thấy một chế độ tay sai của Moscow thống trị bán đảo Đông Dương, và cũng không muốn bị mang tiếng ủng hộ Pháp tái lập chế độ thuộc địa, nên mong mỏi Pháp ủng hộ các lực lượng quốc gia chân chính làm nòng cốt cuộc chiến chống cộng.

    Sau chuyến thăm Đông Dương trở về, ngày 18-3-1947, bộ trưởng Moutet khẳng định:Không thể nói chuyện với phe của Hồ được nữa, vì họ không chỉ coi việc ký hiệp ước như một phương tiện tranh đấu, mà còn chủ trương bạo động.

    Ngày 20-3-1947, cựu hoàng Bảo Đại cử Phan Văn Giáo và Trần Văn Quế về Sài Gòn, hợp tác với nhóm Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, vận động thành lập chế độ quân chủ lập hiến ở Việt Nam. Phan Văn Giáo là một cán bộ Việt Nam quốc dân đảng bị Việt cộng bắt giam tháng 8-1945, đến tháng 2-1946 bị Tòa án nhân dân Việt cộng kết tội dựa vào thế lực Việt Nam quốc dân đảng để gây rối, bị kết án 6 năm tù khổ sai, tịch biên hết gia sản. Tháng 11-1946, Phan Văn Giáo trốn thoát được ra Hà Nội và sang Hong Kong hoạt động với cựu hoàng Bảo Đại.


    10- Hoạt động của cao uỷ Emile Bolaert

    Tính đến đầu năm 1947, quân Pháp đã chiếm được toàn bộ Nam Việt, một phần lớn Trung và Bắc Việt, nhưng chỉ thật sự duy trì an ninh ở các thành phố, thị trấn, trong khi tại các vùng nông thôn thì Pháp vẫn không đủ sức kiểm soát được. Và chính tại đây, từng ngày từng giờ vẫn diễn ra chiến sự ác liệt, nhiều lần uy hiếp trực tiếp tới các vùng đô thị.

    Thủ tướng Pháp Ramadier cho rằng, nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh theo chiến lược quân sự của cao ủy D’Argenlieu, sẽ gây tốn kém mà khó thắng lợi trước yêu sách đòi độc lập tại Việt Nam. Vì thế, Ramadier nghĩ tới một giải pháp chính trị thực sự để giải quyết toàn bộ cuộc chiến Đông Dương.

    Ngày 25-3-1947 tại Paris, Ramadier tuyên bố: Nước Pháp sẵn sàng hậu thuẫn cho các dân tộc Đông Dương được hoàn toàn độc lập, có quân đội và chế độ ngoại giao riêng trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương. Qua tuyên bố mày, Ramadier cũng tỏ ý muốn nối tiếp lại cuộc thương thuyết với Việt Minh.

    Ngày 1-4-1947, Emile Bolaert sang Sài Gòn làm tân cao ủy Pháp tại Đông Dương. Từ tháng 4-1947, Bolaert xúc tiến mạnh việc tái lập các cơ cấu hành chánh lâm thời tại vùng tự do. Bolaert cũng phê chuẩn kết quả cuộc bầu cử mới Hội đồng Chấp chánh Trung Việt ngày 12-4-1947 ở Huế và Hội đồng An dân Bắc Việt ngày 19-5-1947 ở Hà Nội. Các uỷ ban và hội đồng hàng tỉnh, hàng quận do người Việt đứng đầu cũng được nhanh chóng bầu cử và thiết lập.

    Ngày 13-4-1947, nghị sĩ Paul Reynaul tuyên bố trước Quốc hội Pháp: Hồ Chí Minh là một tên tội phạm nguy hiểm và không thể thương thuyết với hắn; hoặc hắn đã bị điều khiển và tự chứng tỏ thiếu khả năng để buộc chính quân đội của mình tuân lệnh, vậy thì, đó là kẻ thiếu khả năng và cũng chẳng nên thương thuyết với hắn ta nữa. Hôm sau, dân biểu Maurice Violette còn đi xa hơn khi khẳng định: Tinh thần quốc gia ở Việt Nam là phương tiện; còn cứu cánh lại là thực dân Nga Sô.

    Tuy nhiên thủ tướng Paul Ramadier cũng còn muốn điều đình với Chính phủ Việt cộng nên tháng 5-1947 cử Paul Mus gặp phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và ngoại trưởng Hoàng Minh Giám để thương thuyết, nhưng có sự phản đối của cố vấn Trung cộng nên cuộc thương thuyết thất bại. Cao ủy Bolaert bèn quay trở lại tích cực thúc đẩy giải pháp Bảo Đại để hình thành một phong trào quốc gia Việt Nam chống cộng.

    Lo ngại với sự đẩy mạnh hoạt động của lực lượng cách mạng quốc gia, mật vụ Việt cộng càng tăng cường hoạt động khủng bố, ám sát. Tinh thần quyết tâm chống cộng của các lực lượng cách mạng quốc gia càng được nâng cao thêm nữa sau khi giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị Việt cộng sát hại vào đêm 20-4-1947.

    Ngày 19-5-1947, cao uỷ Bollaert ký nghị định phê chuẩn bác sĩ Trương Đình Tri làm chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Việt, Trần Văn Lý làm chủ tịch Hội đồng Chấp chính lâm thời Trung Việt, Nguyễn Khoa Toàn làm chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trung Việt. Cũng trong ngày này, Bollaert trả Dinh thống đốc cho thủ tướng Nam Việt Lê Văn Hoạch làm phủ thủ tướng.

    Từ tháng 6-1947, cao ủy Bolaert liên tiếp cử phái viên sang Hong Kong thương lượng việc lập chính phủ với cựu hoàng Bảo Đại. Ngày 5-7-1947, Bảo Đại tuyên bố: Mong muốn điều đình trực tiếp và chánh thức với đại diện Chánh phủ Pháp.

    Ngày 6-8-1947, Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết áp dụng chính sách để cho các nước Đông Dương độc lập trong khối Liên hiệp Pháp và giao quyền cho cao ủy Pháp tại Đông Duơng được tùy tình hình mà có áp dụng mô hình Liên bang Đông Dương hay không.

    (còn tiếp)

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)

    11- Quan điểm của Mỹ về Việt Nam

    Ngày 19-7-1947, đại sứ lưu động Mỹ William C. Bullit tuyên bố với báo giới: Tất cả mọi người Việt Nam đều mong muốn độc lập. Trong 100 người, không có tới một người là cộng sản, nhưng cộng sản đã cố gắng giành quyền lãnh đạo. Chính phủ Hồ Chí Minh đang bị dân chúng ghê tởm vì quá tham lam và độc ác. Mỹ cần thân thiện với cả người Pháp và người Việt. Vấn đề then chốt ở Việt Nam là phải thiết lập sự cộng tác giữa người Pháp và các phần tử quốc gia ở Việt Nam để tiêu diệt cộng sản. Điều này có thể thực hiện được bởi vì không có mâu thuẫn quyền lợi gì thật sự giữa người Pháp và người Việt Nam. Nếu chính phủ Pháp đồng ý từ bỏ chính sách thực dân cũ lỗi thời thì sẽ bảo tồn được mọi quyền lợi ở Việt Nam và sẽ chấm dứt được chiến tranh bằng một loạt hành động đơn giản sau đây:

    1- Dành cho Việt Nam một chế độ như tổng thống Wilson dành cho Phillippines năm 1913.

    2- Trục xuất đại diện Việt Minh ở Paris vì là tay sai Liên Xô.

    3- Để cho các phần tử quốc gia Việt Nam tự tổ chức về chính trị, kinh tế, quân sự, để họ tự kiểm soát đất nước họ.

    4- Khi các bộ máy đã lập ra thì điều đình với họ để thảo ra một hiến pháp bảo đảm được mọi quyền lợi của người Pháp ở Đông Dương và một hiệp ước cho phép Pháp thành lập một căn cứ quân sự, như ở Cam Ranh chẳng hạn.

    5- Để cho họ tự làm lấy việc lôi kéo các phần tử quốc gia hiện chiếm tới hai phần ba trong hàng ngũ kháng chiến và cộng tác với các lực luợng quốc gia để tiêu diệt Việt Minh cộng sản. Các nhà chức trách Pháp ở Đông Dương đã nhận thấy cần phải đi theo một đường lối như vậy. Nếu việc điều đình với phe quốc gia có kết quả trên cơ sở độc lập trong Liên hiệp Pháp thì chúng ta tin rằng có thể cùng một lúc huy động được mọi lực luợng quốc gia hùng hậu đánh bại phe cộng sản.

    Lời tuyên bố trên của đại sứ Mỹ là để cụ thể hóa thêm một bước đường lối của tổng thống Truman đã hoạch định trong cuộc họp ba ngày trước đó, cùng với các hoạt động ngoại giao rầm rộ và có trọng tâm thống nhất tiếp theo đó của các viên chức Mỹ, đã tác động mạnh mẽ trực tiếp tới chính sách của Pháp.


    12- Chương trình sáu bước của Mặt trận Liên hiệp quốc gia

    Mặt trận Liên hiệp quốc gia và các đảng phái phối hợp tổ chức biểu tình tại Huế (12-8-1947), Sài Gòn (1-9 và 14-9), yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh. Trong tháng 8 và đầu tháng 9, liên tiếp có hàng chục đoàn từ Nam, Trung, Bắc sang Hong Kong họp với phái đoàn Bảo Đại.

    Ngày 16-8-1947, hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc tuyên bố ủng hộ Mặt trận Liên hiệp quốc gia và chủ trương mời Bảo Đại về nước chấp chánh. Ngày 18-8, thủ tướng Lê Văn Hoạch gặp đại diện Mặt trận là Nguyễn Văn Sâm, cam kết ủng hộ giải pháp Bảo Đại, đồng thời Chánh phủ Nam Việt khẳng định Nam Việt sẵn sàng là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam thống nhất. Nguyễn Văn Sâm thay mặt Mặt trận đề nghị thủ tướng Hoạch tiếp xúc trực tiếp với Bảo Đại để bàn thảo thống nhất chính sách quốc gia.

    Từ ngày 19 đến 22-8-1947 tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Sâm tổ chức hội nghị toàn quốc Mặt trận Liên hiệp quốc gia. Ngày 22-8-1947, Mặt trận ra tuyên bố kiến nghị cựu hoàng Bảo Đại đứng ra lãnh đạo phong trào đấu tranh chống cộng sản để giành thống nhất độc lập cho quốc gia. Các lãnh tụ mặt trận cùng ký tên dưới một bức thư gửi Bảo Đại, yêu cầu chấp nhận thương thuyết với Pháp để bàn việc về nước cầm quyền.

    Ngày 27-8-1947, trên hầu hết các báo ở Sài Gòn, Hà Nội và trên báo Climat tại Paris có đăng chương trình sáu bước của Mặt trận Liên hiệp quốc gia:

    - Bước 1: Giữ trật tự vững chắc về quân sự.

    - Bước 2: Hội đồng Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt, Hội đồng An dân Cộng hòa Bắc Việt, Hội đồng Chấp chánh Cộng hòa Trung Việt, cùng cử người thành lập một quốc hội lâm thời thống nhất.

    - Bước 3: Quốc hội lâm thời thống nhất ra yêu cầu Bảo Đại thành lập Chánh phủ và thông qua Chánh phủ đó.

    - Bước 4: Bảo Đại sẽ lãnh đạo cuộc đàm phán với Pháp để đi tới một hiệp ước.

    - Bước 5: Chánh phủ Bảo Đại trở thành chánh phủ hợp pháp của Việt Nam, còn chính phủ cộng sản được coi là phiến loạn, phải nộp võ khí cho Chánh phủ Bảo Đại.

    - Bước 6: Tổ chức trưng cầu dân ý sau khi bình định xong nước Việt Nam để lựa chọn chánh thể và hiến pháp, bầu cử Quốc hội.

    Ngay sau đó, hầu hết báo chí ở các vùng trong nước có hàng loạt bài cổ vũ cho chính sách của Mặt trận Liên hiệp quốc gia và giải pháp Bảo Đại.

    Ngày 5-9-1947, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố tại Hong Kong là muốn tiếp xúc với các lãnh tụ Việt Nam để bàn luận thời sự. Ngay hôm đó, Nguyễn Văn Sâm cũng sang Hong Kong gặp Bảo Đại.

    Ngày 9-9-1947, Bảo Đại họp với 24 đại diện ba miền Việt Nam tại Hong Kong. Trong số đại diện này có bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Tâm do Chánh phủ Lê Văn Hoạch cử sang. Bảo Đại tuyên bố sẽ đứng ra liên kết và hợp tác với các đảng phái sau khi đã thương lượng với giới hữu trách Pháp.

    Ngày 10-9-1947, cao ủy Bolaert đọc diễn văn tại Hà Đông, khẳng định rõ lập trường dứt khoát không thượng lượng với cộng sản và đưa ra khẩu hiệu mới là:L'Indépendance dans l'interdépendance (độc lập trong tương trợ).








    Các chính khách Việt Nam chụp hình với Bảo Đại và bà Nam Phương
    tại Hong Kong năm 1947;





    Dân chúng Sài Gòn biểu tình
    ủng hộ giải pháp Bảo Đại (1947)



    IV- THỜI KỲ THỦ TƯỚNG NGUYỄN VĂN XUÂN (1947-49)


    1- Chánh phủ lâm thời Nam phần Việt Nam – Nội các Nguyễn Văn Xuân

    Ngày 15-9-1947, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân từ Pháp về Sài Gòn tham gia giải pháp Bảo Đại theo lời mời của Mặt trận Liên hiệp quốc gia.

    Từ Hong Kong trở về ngày 17-9-1947, Nguyễn Văn Sâm nhân danh Mặt trận Liên hiệp quốc gia gửi thư đến tổng thống Mỹ Truman, thỉnh cầu can thiệp vào tình hình Đông Dương. Sâm cũng thành lập nhật báo Quần Chúng ở Sài Gòn làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận.

    Ngày 18-9-1947 tại Hong Kong, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố hoan nghênh sự uỷ thác của quốc dân và mong muốn được sớm thương thuyết với đại diện Chính phủ Pháp. Ngày 20-9, Bảo Đại nói sẵn sàng gặp đại diện Pháp ở Hong Kong hay Đông Dương vào bất cứ lúc nào.

    Ngày 29-9-1947, Nội các Lê Văn Hoạch từ chức. Ngày 1-10, Hội đồng Tư vấn Nam Việt uỷ thác Nguyễn Văn Xuân lập chánh phủ lâm thời. Ngày 8-10-1947, Nguyễn Văn Xuân tuyên bố đổi tên Cộng hòa Nam Việt thành Nam Phần Việt Nam, và công bố danh sách Chánh phủ lâm thời Nam phần Việt Nam.

    Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cầm quyền từ ngày 8-10-1947 đến 14-6-1949.

    - Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Xuân.

    - Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

    - Tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Phan Long.

    - Tổng trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ.

    - Tổng trưởng Bộ Công chánh: Nguyễn Văn Tỷ.

    - Tổng trưởng Bộ Canh nông: Trần Thiện Vàng.

    - Tổng trưởng Bộ Thông tin: Nguyễn Phú Khai.

    - Thứ trưởng Bộ Thông tin: Trần Văn Ân.

    Nội các này xúc tiến mạnh mẽ mời Bảo Đại về nước lập Chánh phủ Quốc gia. Cuối tháng 12-1947, Nguyễn Văn Xuân cử Nguyễn Phan Long dẫn đầu một phái đoàn sang Geneva gặp Bảo Đại rồi đi tiếp sang Mỹ vận động Mỹ ủng hộ cho giải pháp Bảo Đại.

    Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc cuối năm 1947, Pháp đề nghị đưa Việt Nam, Lào, Cambodia vào Liên hiệp quốc thì bị Liên Xô dùng quyền phủ quyết bác bỏ.


    2- Hoạt động khủng bố của Việt cộng

    Hoạt động của lực lượng cách mạng quốc gia tất nhiên làm phe cộng sản lo sợ và căm ghét, nên ra sức chống lại quyết liệt. Tại miền Nam, Lê Duẩn và Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo) được lệnh thực hiện ráo riết chiến dịch khủng bốvà ám sát, thủ tiêu các thành phần cách mạng quốc gia và thường dân, phá hoại đồn bót, cầu cống ở khắp nơi. Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc gia Nguyễn Văn Sâm bị ám sát ngày 10-10-1947 trên một chuyến xe buýt từ Sài Gòn vô Chợ Lớn. Hàng chục thành viên các đảng phái thuộc mặt trận cũng bị ám sát hoặc bị thương thành tàn phế. Các căn cứ, trụ sở Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Quốc ở Nam bộ liên tục bị quân Việt cộng đánh phá, mong làm tan rã Mặt trận Liên hiệp quốc gia.

    (còn tiếp)
    _http://danquyenvn.blogspot.com/2015/08/cong-cuoc-gianh-chu-quyen-quoc-gia-viet.html

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-24-2015, 12:37 PM
  2. Cuộc di cư Việt Nam, 1954
    By khieman in forum Nhìn Lại Lịch Sử
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-04-2014, 01:43 AM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 07-11-2014, 03:08 AM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-23-2014, 06:08 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-19-2014, 07:32 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •