'Đừng nghĩ du học sinh đều là nhân tài'







Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tham dự một hội thảo du học Mỹ tổ chức tại Hà Nội

Tuy nhìn nhận chuyện du học sinh nên ở lại hay về nước sau khi tốt nghiệp là quyết định mang tính cá nhân nhưng các khách mời dự Bàn tròn thứ Năm của BBC cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến điều này.



Xem lại toàn bộ chương trình thảo luận tại http://bit.ly/1lT7h4e.


Bà Thảo Griffiths, tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế tại Mỹ, Trưởng đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, cho biết: “Chuyện về nước hay ở lại là quyết định mang tính cá nhân. Có điều, chúng ta nên nhìn nhận dưới góc độ làm thế nào để Việt Nam thu hút nhân tài trở về, đóng góp cho đất nước."


Bà Thảo Griffiths nói rằng nên nhìn vấn đề dưới góc độ làm thế nào để Việt Nam thu hút nhân tài trở về Đề cập về chuyện đánh đồng khái niệm ‘du học sinh’ với ‘nhân tài’, bà cho rằng “chỉ có một số ít người đi theo học bổng của chính phủ. Đa số là du học sinh đi du học tự túc và có học lực trung bình khá. Cũng không nên khẳng định chuyện ‘du học sinh’ về nước là ‘cống hiến’ và ‘ở lại’ là ‘ích kỷ’."
Theo bà, "dù chọn về nước hay ở lại sau khi học xong, người ta đều mong muốn phát triển bản thân tốt nhất. Khi đã có điều này, chúng ta mới có thể tính đến chuyện đóng góp cho xã hội”.
Dù đã học tập và sống tại Úc và Mỹ, nhưng cuối cùng bà Thảo vẫn chọn về nước vì “tại Việt Nam, tôi có điều kiện phát triển tốt nhất”.
‘Thời công dân toàn cầu’



Nhà báo Lê Ngọc Sơn cho rằng không cần bàn đến khái niệm 'ở hay về' vì bây giờ là thời công dân toàn cầu Từ Đức, nhà báo Lê Ngọc Sơn, thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng (Crisis Communication) tại Đại học Công nghệ Ilmenau, nhận định: “Tôi rất dị ứng khi truyền thông làm quá đáng lên chủ đề này, nên đồng ý bàn về chuyện này để hầu mong đừng tốn thêm thời gian của công chúng.
"Về bản chất, bàn về chuyện ở lại hay đi về của du học sinh chẳng khác gì bàn về "mặt trời nên mọc ở đằng Đông hay đằng Tây" cả! Theo tôi, người ta đang bàn về một phạm trù khá cũ - về hay ở. Vì bây giờ là thời công dân toàn cầu, mọi biên giới đều bị xóa nhòa. Người ta không nhất thiết phải ở Việt Nam mới đóng góp được cho đất nước và ngược lại."


Anh Nguyễn Tuấn Hải nói du học sinh nên cân nhắc chuyện có thể thành 'công dân hạng hai' nếu ở lại Anh Ngọc Sơn nói thêm rằng bản thân anh không bị giới hạn trong khái niệm về hay ở lại Đức vì “có tài sản lớn là mối quan hệ khoa học và giao thương giúp kết nối các nguồn tài nguyên phát triển đất nước”.
‘Chạy trốn nền giáo dục’

Từ Hà Nội, anh Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập và thực hiện chuỗi Đối thoại giáo dục Edu Talks Việt Nam, chia sẻ: “Thực tế là đa số phụ huynh khi cho con đi học ở nước ngoài đều mong muốn con mình ở lại sau khi học xong. Đó có thể xem là cuộc chạy trốn nền giáo dục phổ thông trong nước”.
Một trong những thử thách với du học sinh quyết định ở lại nước ngoài là cảm giác làm công dân hạng hai, nhất là tại các nước phương Tây. Cảm giác này chỉ bớt đi khi mình ở Singapore, vì có lẽ thành phố này thu hút nhiều công dân quốc tế. Do vậy mà đây là một trong những lý do khiến tôi trở về nước.Nguyễn Tuấn Hải

Từ quan sát của mình, anh Hải cho hay: “Các bạn học các ngành kinh doanh, tài chính và kinh tế có thể tìm được công việc ổn và rất tốt ở Việt Nam.
"Trong khi đó, các bạn học các ngành khoa học và kỹ thuật thật sự gặp khó khăn khi về nước. Ngay cả khi các bạn biết cách thức của Việt Nam thì môi trường làm việc chả có cái gì cho các bạn làm việc và nghiên cứu cả."
Anh nói thêm: “Chuyện du học sinh trở về hay không còn có yếu tố quan trọng là môi trường làm việc trong nước. Chẳng hạn, có du học sinh trở về gặp trở ngại từ những nhà quản lý là thế hệ đi trước nhưng thiếu cởi mở.”


Sinh viên Phạm Minh Tùng cho rằng sinh viên phải hoàn thiện bản thân trước khi quyết định về nước hay không Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về quyết định của bản thân sau khi học xong, anh Phạm Minh Tùng, tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh tại Anh và đang học thạc sĩ Quản lý Quốc tế tại Đức, nói: “Tôi chưa có dự định cụ thể mà tập trung vào việc học để có kết quả tốt nhất. Tất nhiên, như bất kỳ người mang dòng máu Việt Nam, tôi muốn đóng góp cho đất nước, nhưng trước hết tôi phải hoàn thiện năng lực của bản thân trước đã."


BBC