Nhà nước Hồi giáo tìm cách tuyển mộ chiến binh ở Trung Quốc




Cảnh sát vũ trang canh gác gần hiện trường một vụ nổ ở Urumqi, Tân Cương, ngày 22/5/2014. IS đang tìm cách chiêu dụ những người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương gia nhập hàng ngũ.

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách chiêu dụ những người Trung Quốc theo đạo Hồi gia nhập hàng ngũ của họ để “cùng nhau chiến đấu trên chiến trường”. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tại London, một đoạn video tuyên truyền bằng tiếng Phổ thông mà nhóm Nhà nước Hồi giáo phổ biến hồi gần đây đã làm cho Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác nhiều hơn nữa để đánh bại chủ nghĩa cực đoan.


Một đoạn nhạc đang lưu hành trong đó nhóm Nhà nước Hồi giáo kêu gọi những người mà họ gọi là “những người anh em Hồi giáo” ở Trung Quốc gia nhập hàng ngũ của họ để “liều mình nơi chiến trường”.


Giới hữu trách ở Bắc Kinh đã phản ứng thông qua phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
"Không nước nào có thể tự mình chống lại chủ nghĩa khủng bố. Cộng đồng quốc tế phải sát cánh với nhau nhiều hơn nữa và hợp tác với nhau để chiến đấu chống lại mọi hình thành của chủ nghĩa khủng bố".
Giống như al-Qaida đã làm trong quá khứ, nhóm Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách chiêu dụ những người theo đạo Hồi trong vùng Tân Cương có nhiều bất ổn ở miền tây Trung Quốc. Ông Raffaello Pantucci, một nhà phân tích an ninh của Học viện Liên quân Hoàng gia ở London, cho biết:


"Chúng ta không hề thật sự nhìn thấy Al-Qaida sử dụng bất kỳ nguồn lực nào để tìm cách phát động những vụ tấn công hoặc hỗ trợ cho nhóm đòi ly khai đó ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang nhìn thấy một tình trạng tương tự với nhóm Nhà nước Hồi giáo vào thời điểm này".


Theo ông Pantucci, sự gia tăng nhanh chóng của các hoạt động đầu tư và những dự án công chánh mà Trung Quốc thực hiện tại vùng Trung Đông và Phi châu làm cho người Trung Quốc có nhiều rủi ro bị tấn công khủng bố tại những khu vực này, thí dụ như 3 viên giám đốc ngành đường sắt của Trung Quốc đã bị giết hại trong vụ tấn công khủng bố tại Khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamaku của Mali hồi tháng trước.


"Mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo đối với Trung Quốc không lớn lắm và có lẽ sẽ không lan tới lãnh thổ Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng mối đe dọa lớn hơn đối với họ là công dân Trung Quốc ở những nơi thứ ba có thể bị mắc kẹt trong những vụ tấn công của Nhà nước Hồi giáo".
Bắc Kinh đã hô hào cho sự phối hợp chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố tại hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tuần này của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức khu vực của 6 quốc gia vùng Âu Á.
Tuy nhiên, theo ông Pantucci, Trung Quốc và các nước đồng minh của họ có một định nghĩa khác với phương Tây về hoạt động khủng bố.
"Tất cả những nước trong nhóm của họ có những vấn đề giống nhau với các nhóm phi nhà nước, bất kể là có liên quan tới chính trị hay không hay chỉ là bạo động mà thôi. Và họ đều diễn giải điều đó với cùng một cách thức, cho nên khủng bố luôn luôn là một nhãn hiệu tiện lợi để họ gộp lại với nhau".


Các nhà phân tích cho rằng những sự diễn giải khác nhau về khủng bố có thể phương hại tới sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Tây phương. Nhưng các chuyên gia cũng cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp thêm những sự hỗ trợ để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.


VOA