Đồng rúp Nga tiếp tục lao dốc buộc Moscow phải trấn an dư luận


Hôm 21/1, tỉ giá đồng rúp Nga so với USD tiếp tục tuột dốc không phanh do giá dầu giảm vì thừa nguồn cung, buộc chính quyền Moscow phải lên tiếng trấn an dư luận.


Theo AFP, trong phiên giao dịch hôm nay giá đồng rúp Nga giảm thêm 3% so với đồng USD xuống đáy sâu kỷ lục mới. Hiện một 1 USD đổi được 84 rúp, mức thấp nhất kể từ năm 1998, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế hậu Xô Viết tồi tệ nhất của Nga. Đồng rúp cũng giảm rất mạnh so với đồng euro, hiện 1 euro ăn 92 rúp.

Như vậy, kể từ đầu năm 2016 đến nay giá đồng rúp đã tụt hơn 12% so với đồng USD. Nguyên nhân chính khiến đồng rúp ngã nhào là do giá dầu thô thế giới giảm sâu mà nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Thị trường dầu thế giới trong tuần này đón nhận tin Iran tuyên bố tăng nhanh sản lượng khai thác dầu của nước này thêm 500.000 thùng/ngày, sau khi Tehran được quốc tế dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung làm giá dầu giảm. Trong ngày 21/1, giá dầu có lúc giảm xuống dưới 27 USD/thùng.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn tuyên bố chưa xem xét tăng lãi suất cơ bản để hỗ trợ đồng rúp như nhiều nhà kinh tế kêu gọi.
Mới đây, Điện Kremlin đã phải tổ chức cuộc họp báo để trấn an dư luận về tình trạng giá đồng rúp sụt giảm. Người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peshov tuyên bố, tỷ giá ngoại hối “biến động mạnh nhưng không sụp đổ”.

Trong nội bộ chính phủ Nga cũng đã có những mâu thuẫn về tình trạng này. Theo Itar-Tass, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin là nhà kinh tế Sergei Glazyev đã chỉ trích Ngân hàng Trung ương Nga “không hỗ trợ đồng rúp, dẫn tới sự ngạc nhiên và những lời chế nhạo khắp thế giới”.

Sau đó người phát ngôn chính phủ Nga Peshov cho biết, ông Putin “không đứng về phía nào” trong vụ tranh cãi về vấn đề kinh tế của các quan chức cấp cao. Đến nay, ông Putin vẫn mô tả nền tảng kinh tế Nga vững vàng bất chấp mọi nguy cơ.

Khảo sát của hãng VTslOM cho thấy, 52% người Nga lo ngại “thời kỳ khó khăn nhất” đối với nền kinh tế nước này vẫn còn đang ở phía trước. Theo khảo sát khác của tổ chức Obshchestvennoye Mnenie, 60% người dân thủ đô Moscow cảm nhận rõ tình hình kinh tế tồi tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/1 dự báo, kinh tế của Nga sẽ giảm 1% vào năm 2016. Kết thúc tài khóa 2015, tăng trưởng kinh tế của Nga giảm 3,7%. Thủ tướng Dmitry Medvedev thừa nhận chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu để hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP.

Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động