'Đảng cần lấy lại niềm tin trong dân'





Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tại London 09/2015
Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng 12, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư, ông Bùi Quang Vinh, nói rằng việc phải đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Đảng là lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước "cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đại hội toàn quốc", theo vị Bộ trưởng có quan điểm cải cách được báo chí Việt Nam trích lời.
Nhắc lại Đại hội Đảng cách đây năm năm và những chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã được thông qua, ông trích dẫn chiến lược đã nêu rõ phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp.
"Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển. Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế và đạt được một số kết quả nhất định.
"Nhưng đổi mới về chính trị hầu như chưa làm, chính vì vậy mà công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn," ông Vinh nói.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhanh chóng gây tiếng vang với báo chí Việt Nam và được trích dẫn, đăng tải rộng rãi ngay ngày thứ nhì của kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam 12.
Đảng cần nghiêm khắc với chính mình

Đánh giá 30 năm qua, ông cho rằng "thành tựu lớn nhất là đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường" và nhờ đó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống, đưa đất nước phát triển.
Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh

"Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.
"Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nói tới việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế và một lần nữa ông nhắc lại đây là một yêu cầu hết sức cấp bách của Việt Nam.

"Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.
"Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo."
Ông Vinh tin rằng "Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới, tự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc."

Đổi mới phát triển là cấp bách hơn bao giờ hết




Về đổi mới kinh tế, Bộ trưởng Vinh đã không quên so sánh với các nước trong vùng:
“Mọi so sánh đều khập khiễng, vì chúng ta phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất.
"Nhưng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.
"Hơn nữa, yêu cầu đổi mới phát triển với Việt Nam cấp bách hơn bao giờ hết,” ông Vinh nói.
Và để làm được những đổi mới cấp bách này, ông nêu ra ba trụ cột chính:

  • Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường.
  • Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người.
  • Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt nhân chuyến thăm London dự Diễn đàn kinh tế tháng 9/2015, Bộ trưởng Vinh nói "Việt Nam đang nghiên cứu đế có một chọn lựa cơ chế nào để người dân có thể tham gia vào việc chọn ra người lãnh đạo cao nhất cho đất nước và cũng có thể hạ bệ họ khi họ không làm được lời hứa cam kết trước nhân dân, trước dân tộc".




BBC