.

Phạm Công Luận giới thiệu
Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3


22/01/2016 - 20:32 PM
Cũng là những câu chuyện về Sài Gòn với phong cách cẩn trọng như hai tập sách trước, nhưng 330 trang sách của Sài Gòn chuyện đời của phố tập 3, tác giả Phạm Công Luận mang lại sự mới mẻ cho người đọc bằng những tư liệu sinh động.

Mạch ngầm xuyên suốt mà người đọc dễ dàng nhận ra thông qua Sài Gòn chuyện đời của phố tập mới nhất này vẫn là một Sài Gòn phồn hoa, rộng mở đón nhận người dân tứ xứ, không phân biệt xuất thân, gốc gác. Họ đến Sài Gòn làm việc, mưu sinh và từ đó nhìn ngắm thành phố này với nhiều lăng kính khác nhau, mà theo tác giả:

“Những người di dân đến Sài Gòn luôn phát hiện những điều thú vị mà những người sống ở đô thị này từ nhỏ đến lớn cũng không nhận ra được”.




Nhà báo Phạm Công Luận tặng chữ ký cho bạn đọc tại đường sách TP.HCM

Đó là một Sài Gòn trong mắt người miền Trung cách nay hơn bảy mươi năm trước là:

“... nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng rãi ba thước, trên bộ xe hơi chạy boong boong, dưới nước tàu thủy chạy vù vù, tối về đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà đầm ôm nhau đăng-xê coi vui mắt quá chừng! Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của dân An nam ta...”.

Có thể đó là những ngộ nhận từ sự thật được tô vẽ thêm, nhưng qua những trang sách, Sài Gòn còn là nơi những người nghèo chí thú làm ăn và giỏi tích cóp như “chú Chệc bán đậu phộng rang”,“cánh xe ôm uống cà phê vợt đọc nhật trình” hay cư dân góc xóm Đa Kao…Không giàu có nhưng có thể tồn tại an nhiên và phong lưu, giữ bản sắc, nguồn gốc của mình. Ngay cả ở người giàu sụ, tiêu tiền như nước cũng có tác phong giản dị đến bất ngờ như trong bài “Người trong này họ như thế”.

Sài Gòn qua câu chuyện của người con dâu trong một gia đình cư dân lâu đời ở Bà Chiểu chuẩn bị đón Tết tái hiện đời sống người Sài Gòn – Gia Định hồn hậu, nhân ái, trọng nghĩa. Sài Gòn trong sinh hoạt những ngày trước Tết của gia đình gốc người Hà Nội đến sống ở cổng xe lửa số 7, quận Phú Nhuận với sự tinh tế, nhẹ nhàng, thoảng hương hoa thủy tiên trong nỗi nhớ quê xưa rưng rưng ký ức.

Góc nhìn của họa sĩ ký họa kiêm phóng viên Mỹ Dick Adair về những bức tranh ghi chép mọi mặt đời sống nơi đây, ghi nhận tinh tế đến chi tiết người Sài Gòn “giặt đồ, nghe radio và mùi nước mắm đang xào nấu trên bếp”, trong khi bên kia sông máy bay đang nã đạn và kết luận rằng: “sự hòa nhập vào đời sống Sài Gòn mới là câu chuyện thú vị hơn mọi kế hoạch đã trù tính”.




Sách do công ty văn hóa Phương Nam ấn hành

Một điều thú vị của Sài Gòn chuyện đời của phố phần 3 này có những tư liệu dần cắt nghĩa cho quá khứ lung linh của thành phố này. Nó xuất phát từ ý chí của người tha hương đến Sài Gòn đến lập nghiệp, như cách chủ tiệm may đồ đầm Kim Sơn ở đường Amiral Dupré ở trung tâm thành phố tổ chức tiệm may có bài bản khiến khách nước ngoài và giới nghệ sĩ luôn hài lòng.

Bà Trùng Quang – người phụ nữ Sài Gòn gốc Bắc tài hoa, ham học hỏi tìm cách sang Nhật du học và hình thành doanh nghiệp làm sản phẩm “Búp bê văn hóa” tinh xảo, mang bản sắc Việt mà đến bây giờ chưa ai khôi phục được. Ông Nguyễn Gia Tốn, với trăn trở cải tiến kỹ thuật, kết nối hai chiếc xe máy hiệu Gilera thành chiếc xe bốn bánh giá rẻ. Đó là câu chuyện của nhà trí thức cách mạng Nguyễn An Ninh, không ngại bước ra lề đường phố chợ với lời rao trào lộng để thu hút khách hàng mua dầu cù là. Là sự ra đời của chiếc xe ôm Lambretta đầu tiên, theo tinh thần “cái khó ló cái khôn”.

Đó là cách người Sài Gòn tâm huyết cho giáo dục thế hệ trẻ qua nhiều tủ sách lành mạnh, mà đặc biệt là tủ sách Tuổi Hoa dồn cả tâm huyết của văn nhân, trí thức, trở thành một hiện tượng của xuất bản. Đó là cách mà Giáo sư Lê Văn Khoa xây dựng chương trình truyền hình giáo dục hiện đại và đầy cuốn hút mang tên “Thế giới của trẻ em” cách nay nửa thế kỷ, chủ động hướng đến trẻ em không có cơ hội đi học do cái nghèo và chiến sự.

Đó là cách tiếp cận, nâng cao kỹ thuật và chất lượng phục vụ của phi cảng Tân Sơn Nhất thuở ban đầu. Sài Gòn cũng là môi trường cho sáng tạo, chiêu hiền đãi sĩ với quán cơm thiện nguyện kiêm phòng trà Anh Vũ, hay Hội họa sĩ Trẻ. Nơi đó, hội tụ những tinh hoa, là cảm hứng sáng tác, nâng đỡ ý tưởng mới của những người trẻ…




Cuốn sách chứa nhiều tư liệu quý mà tác giả tìm kiếm, lưu giữ nhiều năm nay

Những câu chuyện trong cuốn mới nhất này, nói như cách của tác giả Phạm Công Luận là “những câu chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử”, nhưng chúng giúp cho người đọc hình dung rõ và sinh động hơn một dòng chảy lịch sử một Sài Gòn đã trôi qua. Ký ức đô thị này may mắn được truyền giữ theo cách riêng cùng với sự ra đời của cuốn sách này.

Nếu đô thị không có ký ức, theo tác giả “cũng như một con người không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao. Nếu vậy, sẽ không biết cách đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn và truyền lưu”.
20-01-2016
Anh Dũng
nguoidothi online