.

"Ngũ Uẩn" bản chất là Không





Trong kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật mô tả nỗi khổ như sau:

"Hỡi các Tỳ Khưu, đây là Chân Lý Thâm Diệu về Khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám níu vào ngũ uẩn là khổ.”

Vậy ngũ uẩn là gì?

Ngũ uẩn, còn gọi là ngũ ấm, nghĩa đen là năm nhóm ngăn che. Năm nhóm này bao hàm phần có hình tướng là thân và phần vô hình là tâm của con người, đồng thời cũng che mờ chân lý, khiến cho con người phải luân hồi sinh tử triền miên, gồm có:

Sắc uẩn, là phần hình hài vật chất, gồm bốn thành tố là:

Chất cứng, thuật ngữ nhà Phật gọi là Địa Đại, tạo thành thịt da xương cốt, vân vân..

Chất lỏng, nhà Phật gọi là Thủy Đại, tạo thành máu huyết, nước mắt, nước tiểu, vân vân...

Chất hơi, nhà Phật gọi là Phong Đại, tạo thành hơi thở, vân vân...

Chất nóng, nhà Phật gọi là Hỏa Đại, tạo thành sự ấm áp của cơ thể, vân vân...

Nói gọn thì phần cơ thể vật chất của con người gồm có bốn thành tố này hợp lại mà thành, nên nhà Phật thường nói “cái thân bốn Đại”. Sắc uẩn gồm tất cả những cơ quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể con người, còn gọi là Thân Căn.

Thọ uẩn, là phần cảm giác, vui buồn khi đối trước cảnh.

Tưởng uẩn, là nhận thức, tư tưởng.

Hành uẩn là phần tác ý, tạo nghiệp.

Thức uẩn, là môi trường nhận biết để cho Thân Căn và đối tượng có thể duyên sanh với nhau mà hoạt động, gọi là bộ ba Căn, Trần và Thức. Thí dụ khi một người nghe thấy tiếng trống, thì tai là Căn, tiếng trống là Trần và duyên sanh giữa Căn và Trần khiến người đó nghe được là do sự xuất hiện của Thức.

Căn có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý Căn, tức là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý Căn.

Thức tùy duyên theo Căn nào thì đổi thành Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý Thức, chứ không phải là một thể cố định. Về điều này, đức Phật đã dạy rõ như sau:

- “ Thức do các duyên với điều kiện mà sinh khởi chứ không cố định. Nếu không có duyên thì không có Thức sinh khởi. Thức được gọi tên tùy thuộc vào điều kiện nó duyên theo, do con mắt và cảnh vật mà Nhãn Thức duyên, do tai nghe và tiếng động mà Nhĩ Thức duyên, vân vân. Thí dụ ngọn lửa được gọi tên theo nguyên liệu, lửa cháy bằng củi gọi là lửa củi, cháy bằng rơm gọi là lửa rơm. Thức cũng thế, tùy theo điều kiện tương ứng mà nó có tên, thí dụ ở mắt là Nhãn Thức, ở tai là Nhĩ Thức, ở mũi là Tỷ Thức, vân vân”.

Tóm lại, đó là ngũ uẩn. Cái mà ta gọi là một "linh hồn" hay "cá thể" hay "tôi", chỉ là tên gọi cho sự nhóm họp của năm uẩn ấy. Tất cả chúng đều vô thường. Vô thường là luôn luôn biến đổi, luôn luôn sinh diệt, từng sát na đã có sinh và diệt, đã có sự thay đổi. Nếu không thấm nhuần chân lý này mà cứ bám níu, muốn có sự cố định, muốn mọi thứ đều vĩnh viễn thường còn, thì Khổ.

Trong việc học và hành theo đạo Phật, điều tối quan trọng là phải hiểu chân lý thứ nhất này một cách rõ ràng. Bởi vì, như đức Phật dạy:

"Người nào thấy rõ được Khổ cũng thấy luôn nguyên nhân của Khổ, cũng thấy luôn sự diệt Khổ và cũng thấy luôn con đường đưa đến sự diệt Khổ".

Đức Phật dạy bốn Chân Lý Thâm Diệu từ Khổ cho tới Diệt Khổ, cũng như thày thuốc phát hiện ra bệnh, tìm lý do khiến bị mắc bệnh và điều trị đúng thuốc là Diệt hết bệnh Khổ. Nguyên nhân của bệnh ở đây là tham ái đến trở thành mù quáng, bám níu, chấp chặt vào “cái tôi” và “cái của tôi”, vốn chỉ là tập hợp của ngũ uẩn, luôn luôn thay đổi, vô thường.

Nhân đây, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một câu chuyện về “vô thường và không bám níu”, trích dịch từ cuốn The Power of Now của Eckhart Tolle.

Nơi phần duyên khởi cuốn sách, tác giả Eckhart Tolle viết rằng, trong suốt 30 năm đầu của cuộc đời, ông luôn sống với trạng thái lo âu, có lúc u uất quá, còn muốn tự sát nữa. Ngày nay nhớ lại, ông có cảm giác đang nói về một kiếp quá khứ xa xôi, hoặc chuyện đời của người nào khác.

Một đêm kia, không lâu sau ngày sinh nhật thứ 29, ông choàng tỉnh trong cơn kinh hoàng. Đã nhiều lần ông thức giấc với nỗi sợ hãi, nhưng cảm giác kinh khiếp lần này lên đến tột độ, ông chưa từng trải qua bao giờ. Sự yên tịnh ban đêm, bóng dáng lờ mờ của bàn ghế trong căn phòng tối, tiếng xe lửa từ xa vọng về, tất cả thật là xa lạ, thật là đáng ghét và hoàn toàn vô nghĩa khiến ông cảm thấy kinh tởm cả cái thế giới này. Cái đáng kinh tởm nhất là sự tồn tại của bản thân. Ông tự hỏi, tại sao phải tiếp tục sống với cái gánh nặng đau khổ này, tại sao cứ phải theo đuổi cuộc tranh đấu khốn kiếp này? Lúc đó, ông cảm thấy một niềm mong mỏi thiết tha được chấm dứt cuộc đời nổi lên mãnh liệt hơn hẳn lòng ham muốn sống. Trong tâm ông liên tục hiện lên ý nghĩ “Tôi không thể sống với bản thân được nữa”.

Bất thình lình, một câu hỏi xuất hiện “Vậy tôi là một hay hai? Nếu tôi không thể sống với bản thân, thế thì tôi phải là hai, “cái tôi” và “cái bản thân mà tôi không thể sống với”. Hay là chỉ có một trong hai cái là thật”.

Rồi bỗng nhiên ông nhận thức một điều lạ lùng là tâm trí bẵng đi, ngưng bặt. Ông vẫn tỉnh táo nhưng không còn một tư tưởng nào trong óc. Rồi ông cảm thấy mình bị cuốn vào một lực xoáy, lúc đầu thì nhẹ sau cơn xoáy nhanh dần. Ông sợ lặng người và run bắn lên. Dường như từ trong ngực, một tiếng nói xuất hiện “Đừng chống cự”. Ông thấy như mình bị cuốn vào khoảng không, mà lại có vẻ như khoảng không đó chính là từ trong ông chứ không ở ngoài. Rồi bất thình lình, sự sợ hãi biến mất, ông đã lọt vào khoảng không. Sau đó, ký ức ông chẳng còn gì nữa.

Ông thức giấc khi nghe tiếng chim hót đầu ngày. Chưa từng bao giờ ông được nghe thấy tiếng hót hay đến thế. Chung quanh ông, tất cả đều đổi khác, đều đẹp tuyệt diệu, khác hẳn với cảnh vật trước khi xảy ra hiện tượng vừa kể. Cảm giác của ông thay đổi hoàn toàn, ông kinh ngạc trước vẻ đẹp của tất cả mọi sự, mọi vật, một vẻ đẹp mà trước kia ông chưa từng thấy. Trong lòng ông tràn ngập một niềm an lạc, không còn nỗi sợ nào xuất hiện.

Một thời gian dài sau này, ông vẫn còn thấy niềm an vui ngây ngất của giây phút kinh nghiệm thực tại mà về sau, khi đọc những sách về tâm linh, ông mới nhận ra được phần nào ý nghĩa của những sự kiện mà ông đã trải qua.

Cho đến khi ông viết cuốn sách này, niềm ngây ngất khi xưa đã lắng xuống dần, còn lại là cảm giác an bình đồng thời sự sợ hãi đã hoàn toàn biến mất. Ông nhận thấy mình trở nên yêu cuộc đời, yêu con người và cảnh vật chung quanh. Ông cũng cảm nghiệm rằng tất cả những sự thay đổi của đời ông đều từ chính ông mà có, ông không nhận một ân huệ nào từ bên ngoài.

Ông tâm sự là rất thích câu nói của đức Phật về giác ngộ giải thoát, là “Sự chấm dứt Khổ”.

Mở đầu cuốn The Power of Now, ông kể câu chuyện ẩn dụ sau đây:

“Một người hành khất ngồi bên lề đường đã hơn ba chục năm. Bữa kia, có một người khách lạ đi ngang qua. Như cái máy, người hành khất chìa chiếc mũ rách, lẩm bẩm:
- Cho xin chút tiền lẻ.
Người khách lạ trả lời:
- Tôi chẳng có gì cho ông.
Rồi ông ta hỏi lại người hành khất:
- Ông ngồi lên trên cái gì thế?
Người hành khất đáp:
- Chẳng có gì, chỉ là cái hộp cũ. Tôi đã ngồi lên nó mãi từ bao lâu nay rồi, chẳng nhớ nữa.
Khách lạ hỏi:
- Thế có bao giờ ông nhìn vào trong hộp không?
Người hành khất đáp:
- Không, mà nhìn vào làm gì? Chẳng có gì trong đó hết.
Khách lạ nài nỉ:
- Vậy thì hãy nhìn thử cái coi.
Người hành khất tìm cách nậy tung nắp hộp. Thì ô kìa, ông ta sững sờ kinh ngạc, không tin nổi mắt mình, trước mắt ông ta là một hộp đầy nhóc những vàng”.
Tiếp theo câu chuyện, tác giả tâm tình với độc giả của ông:
- Tôi cũng như người khách lạ trong chuyện, vốn chẳng có gì để tặng quý vị, chỉ xin quý vị hãy nhìn vào bên trong. Không phải bên trong của bất cứ cái hộp nào, giống như câu chuyện ẩn dụ, nhưng mà ở một nơi còn gần gũi hơn, đó chính là nhìn vào nội tâm của quý vị.


Như quý vị đã thấy, trong câu chuyện ẩn dụ, tác giả Eckhart Tolle muốn nói với người đọc rằng chúng ta có một kho tàng ngay trong tầm tay, ngay trong tâm này, nhưng chúng ta đã quên nó, mà cứ chạy ra bên ngoài để tìm kiếm chút niềm vui nhỏ. Đó là thói quen từ nhiều đời rồi. Nay hãy xả bỏ thói quen đó, tự nhìn vào nội tâm, chúng ta sẽ phát hiện được kho tàng hạnh phúc, như câu chuyện người hành khất, ngồi trên thùng vàng đã trên ba chục năm mà không biết mình ngồi trên kho vàng. Cho đến khi có người thuyết phục mới chịu khám phá để phát hiện ra rằng nếu biết sớm thì mình đã không khổ.

Nhưng thế nào là “nhìn vào nội tâm”?

Có lẽ ít nhất là một lần trong đời, quý thính giả đã từng tụng hoặc nghe tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, mà bất cứ một thời kinh nào, dù là ở chùa hay tại tư gia, cũng đều có tụng bài này.

Ngay câu đầu của bài kinh là:

“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách ...”...

Bát-nhã ba-la-mật-đa là phiên âm của tiếng Phạn prajna paramita, còn được gọi là “trí-tuệ bát-nhã”. Tiếng Phạn prajna có nghĩa là trí tuệ, paramita nghĩa là “rốt ráo”, “qua bờ kia”. Trí-tuệ bát-nhã là một thuật ngữ của nhà Phật có nghĩa là “trí-tuệ rốt ráo”. Trí tuệ này không do học nhiều hiểu rộng chuyện thế gian mà phát triển, nhưng từ công năng thiền quán thâm sâu mà trực ngộ.

Câu kinh trên được giải thích là “Bồ Tát Quán Tự Tại do thực hành thiền quán thâm sâu mà trực ngộ rằng ngũ uẩn (tức là toàn bộ thân và tâm) vốn chỉ duyên nhau mà xuất hiện, bản chất là “Không”, do đó, không còn bám víu, cho nên giải thoát khỏi tất cả mọi nỗi thống khổ”.

Trích "Chương trình phát thanh Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng"






.