.

Bolsa ngày ấy – bây giờ


Không một người Việt Nam tị nạn, di dân nào ở Hoa Kỳ lại không biết đến địa danh Bolsa-Little Saigon ở miền Nam California.

nlan05032010c.mp3




Thương xá Phúc Lộc Thọ, ở Little Saigon, miền Nam California.
Photo courtesy of friendship73.net


Đến Bolsa hôm nay, 35 năm sau khi những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, không ai có thể hình dung được một Little Saigon “thủ đô của người Việt tị nạn,” sầm uất, tấp nập người xe và cửa tiệm hàng quán, đã từng là một thành phố nông nghiệp với những cánh đồng dâu tây, những khu đất bỏ hoang và cả những căn nhà được xây dựng tạm bợ từ sau thế chiến thứ hai.

Ngày ấy

Theo một số tài liệu ghi ghép lại thì trước thập niên 1970, thành phố Garden Grove và Westminster, nơi được định vị là Little Saigon, vốn là những thành phố nông nghiệp, lại nằm ở những vị trí trung gian của những thành phố và quận hạt lớn như Orange County, Los Angeles, Long Beach,… nên hai thành phố này chưa bao giờ có đủ sức hấp dẫn để người dân bản xứ về sinh sống.
Được xem là một trong những người Việt Nam tị nạn đầu tiên có mặt tại vùng Bolsa-Little Saigon từ năm 1975, nhà thơ Du Tử Lê, tác giả của “Khúc Thụy Du,” kể lại:

Lúc đầu con đường Bolsa chỉ có một đoạn là khu mini Bolsa. Đối diện khu mini Bolsa, giờ là chợ ABC, cả một dãy đó là một ruộng dâu, chảy dài từ Magnolia tới đường Eucild. Sự phát triển chậm lắm, nếu không có người Việt Nam thì ruộng dâu chắc vẫn là ruộng dâu.”

Sự thay đổi bắt đầu vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, khi hàng trăm ngàn người người Việt Nam, đa phần là quân dân cán chính, di tản đến Mỹ và đổ dồn về các trại tị nạn ở Hoa Kỳ, đặc biệt là trại Pendleton, ở San Diego, nằm cách Bolsa 50 dặm về hướng Nam. Với sự bảo trợ của một số người quen biết, những người tị nạn Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở Bolsa, Wesminster, mà theo nhà thơ Du Tử Lê là “xuất hiện một cách rất tình cờ.”

Đến vùng đất lạ khi còn đang nặng nề những nỗi hoang mang đối với những gì vừa xảy ra trên mảnh đất quê hương, người Việt Nam khi ấy chưa hề chuẩn bị tâm thế gì cho cuộc sống của một người tị nạn. Xa lạ với hệ thống hành chính Hoa Kỳ, lại thêm rào cản ngôn ngữ càng khiến người Việt Nam dường như co mình, tìm sự che chở và đùm bọc lẫn nhau ngay chính trên con đường Bolsa, nơi mà một vài cửa tiệm do người Việt làm chủ được dựng lên, họ buôn bán ngay trong lòng cộng đồng tị nạn mới.




Một góc Bolsa, ảnh chụp trước đây.
Photo courtesy of nguyenngoclan.com


Sau đó khoảng năm 77- 78 thì có một cái chợ gọi là chợ Hòa Bình của một người Tàu gốc Việt tên Ngô Khuông Hán. Trong khu mini Bolsa hồi đó có một tiệm gửi đồ về Việt Nam, hồi đó phong trào gửi đồ về VN là một như cầu. Khoảng năm 78-79 thì có nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng đầu tiên có tại mini Bolsa là Thành Mỹ, có một tiệm thuốc bắc Thúc Sinh. Đó là những tiệm đầu tiên của Bolsa.”

Theo gia đình từ tiểu bang Michigan dọn về Bolsa vào năm 1980, dân biểu Trần Thái Văn, một người Mỹ gốc Việt đầu tiên có mặt trong quốc hội tiểu bang California, cho rằng Bolsa-Little Saigon khi ấy cũng không có gì nhiều:

Từ đầu thập niên 80, những cơ sở thương mại VN rất thưa thớt chứ không sầm uất như hôm nay.”

Người Việt tụ về Bolsa không chỉ do miền Nam California thời tiết khí hậu ôn hòa, mà còn do đặc tính đậm chất Á Đông thích sống theo kiểu cộng đồng, chòm xóm, gần gũi với gia đình, bạn bè, người quen, nên người đi trước gọi người đi sau, cứ thế Bolsa ngày càng trở thành tên gọi quen thuộc của nhiều người Việt Nam tị nạn đến Hoa Kỳ trong những thập niên 80, 90 và đến tận bây giờ.

Nếu năm 1977, Bolsa chỉ xuất hiện vài ba cửa tiệm như đã kể trên thì đến năm 1982, nghĩa là khoảng 5 năm sau đó, con số này đã lên đến 100. Cứ thế chẳng bao lâu người Việt tị nạn từ khắp nơi kéo đến ngày một đông, làm sống lại thành phố nông nghiệp này bằng việc mở mang thêm những cửa tiệm, mua lại những cửa hiệu cũ do người bản xứ làm chủ trước đây. Các cơ sở kinh doanh lan dần sang các thành phố lân cận như Garden Grove, Stanton, Fountain Valley, Anaheim và Santa Ana .

Theo dân biểu Trần Thái Văn, sự thay đổi rõ ràng nhất là từ năm 1986, khi thương xá Phước Lộc Thọ được dựng lên, khu thương mại Asian Village hình thành.

Với sự phát triển nhanh chóng đó, cũng năm 1986, Ủy ban phát triển Little Saigon gồm 46 thành viên, đã được các dân biểu và nghị sĩ tiểu bang giúp đỡ để đưa đề nghị thành lập đặc khu Little Saigon lên thống đốc tiểu bang. Đầu tháng 6 năm 1986, trước quốc hội tiểu ban, thống đốc George Deukmejian đã chấp thuận đề nghị này.





Đường Bolsa, California.
Photo courtesy of vietinpdx.


Ngày 17 tháng 6 năm 1986, trước thương xá Phước Lộc Thọ, Thị trưởng Westminster Chuck Smith đã làm lễ ra mắt đặc khu “Little Saigon”, bao gồm khu vực giáp ranh các đại lộ Westminster Boulevard, Bolsa Avenue, Magnolia Street, và Euclid Street.

Dân biểu Trần Thái Văn phát biểu:

Mình thấy hãnh diện khi thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt có một địa điểm tập trung mà nó nói lên được sức mạnh và sự phồn thịnh về mặt văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế của cộng đồng Việt Nam mình, ngay tại miền Nam California.”

Kể từ đó, qua gần một phần tư thế kỷ, tên gọi Little Saigon đã trở thành niềm tự hào của người tị nạn Việt Nam không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn là của người Việt khắp nơi trên thế giới.

Bây giờ

Bolsa, Little Saigon sau 35 năm in dấu chân người tị nạn Việt Nam, đã từ những ruộng dâu nối tiếp ruộng dâu biến thành một trong những thành phố sầm uất của Orange County, miền Nam Hoa Kỳ, với trên 4,000 cơ sở thương mại của người Việt Nam.

Nếu hơn 30 năm trước, những người Việt Nam đến Bolsa chỉ biết được một mini Bolsa, một chợ Hòa Bình, một tiệm thuốc bắc, một tiệm thuốc tây, một tiệm sách,… thì giờ đây, người ta cứ ngỡ như mình đang thực sự đứng giữa thành phố Sài Gòn khi bao quanh con đường Bolsa và những con đường lân cận là hàng hàng cửa tiệm chen cùng cửa tiệm. Nào là Phở 79, Phở Nguyễn Huệ, Phở Nam Định, Phở Kimmy, nào là cơm tấm Thuận Kiều, cơm tấm Trần Quý Cáp, nào là bún Ban Mai, là bánh cuốn Tây Hồ, nào là chợ ABC, chợ Á Đông, chợ Bến Thành, nào là nhà hàng Hương Giang, Thăng Long, Song Long, nào là bò bảy món Ánh Hồng, là nước mía, hột vịt lộn Long An, là bánh mì Chợ Cũ, là chè Hiển Khánh,… Người Sài Gòn tị nạn, người Việt Nam di dân, mang theo cả quốc hồn quốc túy, những gì gần gũi và thân thương nhất, dồn lại, trên con phố Bolsa này, trong lòng Little Saigon này.

Sự biến đổi đó khiến người ta phải nghĩ đến câu thơ của Trần Tế Xương:

Sông kia giờ đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.

Nhà thơ Du Tử Lê, người chứng chứng kiến từ đầu những đổi thay của Little Saigon cũng thừa nhận rằng ông “Thấy rất rõ sự biến thiên của thiên nhiên của nhu cầu phát triển của con người.”

“Lúc đầu chú vẫn nghĩ là sức sống của người Việt Nam mình, nhất là về phương diện business là không bằng người Tàu. Nhưng xuyên qua đoạn đường Bolsa chú thấy người Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, khủng khiếp.”




Khu ăn uống ở bên trong thương xá Phúc Lộc Thọ, ở Little Saigon, miền Nam California.
Photo courtesy of friendship73.net

Gắn bó với mảnh đất Bolsa – Little Saigon từ những ngày nó còn phôi thai, nhà thơ vẫn còn nặng nợ với ngòi bút tâm sự:

Chú nhìn nơi đang ở này, nó là một quê hương thứ hai của chú…Khi người ta sống quá lâu với nó, thì người ta trở thành một phần của nó, tức một phần thịt da, một phần máu huyết của nó. Cho nên cái buồn vui, với riêng chú, là cái buồn vui tự nhiên lắm.”

Trong khi đó, Tiffany Lê, 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Riverside, cách Little Saigon khoảng 45 phút lái xe, lại cảm nhận Little Saigon theo cách của riêng mình:

Lúc còn nhỏ xíu mỗi cuối tuần mẹ dẫn đi Little Saigon chơi để mua sắm hoặc đi chợ ở Little Saigon. Cứ đi theo với mẹ thôi nhưng mà thấy nó xa rồi ngồi trong xe thấy tại sao phải vô trong Little Saigon hơi đông, rồi cứ chờ hoài, cứ đi mua sắm hoài, cứ phải chờ đợi nhưng mà thấy nó vui tại vì thấy đó như một ngày đi chơi rồi được ăn đồ ăn Việt Nam, đi ăn phở chỗ mấy nhà hàng, được đi Phước Lộc Thọ mua đồ chơi.”

Hiện tại, Tiffany đã chính thức trở thành cư dân Little Saigon được một năm. Tiffany cho rằng cô thích Little Saigon vì có nhiều bạn Việt Nam, vì cô có thể nói được tiếng Việt, hiểu biết kỹ thêm về phong tục Việt Nam:

Mỗi buổi sáng đi làm lái xe ngoài đường Bolsa, thấy đường có mấy lá cờ Việt Nam, thấy mấy chợ Việt Nam, toàn là tiệm Việt Nam, thấy Phúc Lộc Thọ, em rất là xúc động, tự hào đây là thành phố của mình.. Mình không có cái gì hết, 35 năm trước, 35 năm sau đây là thành phố lớn nhất mà người nước ngoài cũng muốn vô du lịch để coi nó làm sao…. Khi lái xe ngoài đường thấy mấy người Việt Nam, mấy ông già uống cà phê cà pháo ngoài đường, thấy mấy bà già đi xe đạp ngoài đường đội nón lá ở bên Mỹ cũng thấy rất là đẹp và dễ thương.”

Đến Hoa Kỳ từ năm 10 tuổi, Tyler Diệp, nghị viên người Mỹ gốc Việt trẻ nhất của thành phố Westminster, nơi miền đất Little Saigon tọa lạc, nhớ những kỷ niệm đầu với Little Saigon:

Trước khi định cư ở khu vực Little Saigon này, tôi biết được vùng đất ở đây khi được ba mẹ đưa lên đây để đi ăn, đi mua sắm, bởi tại khu vực Little Saigon này đồ ăn Việt Nam rất là ngon hơn những nơi khác. Khi đi chợ thì rau cải, thịt ở đây luôn rẻ hơn, ngon hơn những chỗ khác.”

Sau 5 năm làm cư dân của thủ đô người Việt tị nạn, nghị viên Tyler Diệp đã cảm thấy trở nên gắn bó với mảnh đất này với cùng lý do thật đơn giản:

“Tôi thấy rất là ấm cúng khi sinh sống và đi lại trong khu vực Little Saigon vì đi đâu cũng là những bản hiệu tiếng mẹ đẻ, đi đâu mình cũng gặp những người đồng hương. Mình sinh sống ở đây mình không có bị lạc loài.”

Trong vai trò của một nhà lập pháp, dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn chia sẻ:

“Thấy vui và hãnh diện là trong 35 năm cộng đồng Việt Nam có mặt, cũng như 33 năm cơ sở thương mại đầu tiên có sự hiện diện tại Westminster. Vui là trong một thời gian tương đối là ngắn trong lịch sử con người, của một cộng đồng, tập thể người Việt Nam mình có thể lập ra được một sự hiện diện khá vững chắc, vững mạnh tại California cũng như tại Hoa Kỳ.


35 năm thời gian không là dài trong tiến trình phát triển của một dân tộc, một cộng đồng, nhưng 35 năm qua, Little Saigon đã tự tin vượt qua được những thử thách ban đầu. Có điều, như một người Việt trẻ ở thế hệ thứ hai suy nghĩ:

“Chúng ta phải làm như thế nào để thu hút giới trẻ đừng bỏ đi những nơi khác mà họ cho là tân tiến hơn, mới hơn. Chúng ta phải làm cách nào để giữ và thu hút giới trẻ người Mỹ gốc Việt tiếp tục sinh sống ở đây, sinh hoạt ở đây và trở về lại đây tại vì chúng ta không thể nào biến Little Saigon biến thành một China Town thứ hai như tại thành phố Los Angeles.”

35 năm, Bolsa ngày đầu và Little Saigon hôm nay đã cùng cộng đồng tị nạn Việt Nam bước một cách vững vàng qua những dâu bể, đổi thay.

Little Saigon hôm nay vẫn luôn níu chân những kẻ xa xứ ít nhất một lần trong đời được đến để nhìn, để ngắm, để nghe, để cảm nhận và để thấy Sài Gòn gần gũi biết bao nhiêu.

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2010-05-03