Bàng hoàng khi phát hiện gel lạ trong tôm Trung Quốc




Một chủ cửa hàng bán tôm và tôm sú tại chợ nước Bắc Kinh ngày 19 tháng 7, 2007. (Teh Eng Koon/Getty Images)
Bà Dương ở thành phố cảng Quảng Châu phía nam Trung Quốc đã mua được 6 con tôm sú với giá $66 vào tháng 10 năm 2015, mua được món hời như thế khiến bà rất vui, cho đến khi bà tìm thấy gel bên trong đầu của những con tôm này.

Thường thì không thể phát hiện ra chất gel như thế nếu chỉ kiểm tra bề mặt. Đây là loại gel được tiêm vào trong khoảng thời gian từ sau khi tôm vừa được đánh bắt và trước khi chuẩn bị đem ra bán, nhằm mục đích tăng thêm trọng lượng và do đó kiếm được một khoản lợi nhuận lớn hơn. Tôm sống không bị tiêm gel, bởi vì tiêm gel sẽ giết chết chúng.

Theo các cuộc phỏng vấn và tin tức báo cáo, giới chức trách trong ngành thực phẩm Trung Quốc đặc biệt thờ ơ trước những sự việc xảy ra trước mắt, và thậm chí cơ quan này còn không có một sự nhất quán về khâu nào trong dây chuyền sản xuất đã thực hiện việc này.

Hải sản được bán bởi các nhà máy, thậm chí những thương nhân chúng tôi không hề biết những lô hàng này đã bị tiêm một chất gel lạ.
— Một thương gia thủy sản ở Bắc Kinh

Trung Quốc là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ ba vào Hoa Kỳ, xuất khẩu một lượng đáng kể tôm và cá tra, đại diện cho 2 trong số 10 sản phẩm thủy sản tiêu thụ nhiều nhất tại Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, lượng tôm được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ 10 tháng đầu năm 2015 có tổng trị giá gần 150 triệu USD.





Vấn đề giả mạo tôm vẫn tồn tại dai dẳng trong hơn một thập kỷ qua, dù cho báo chí vẫn đều đặn phanh phui thêm những vụ việc mới. Lần đầu tiên tôm sú Trung Quốc bị phát hiện tiêm gel lạ là vào năm 2005, cùng năm đó chính quyền thành phố Thiên Tân đã triển khai phát động một chiến dịch trấn áp đối với tôm bị tiêm. Báo cáo đề cập đến chiến dịch này không đưa ra chi tiết về bao nhiêu nghi phạm đã bị bắt giữ, hay những quy trình bơm tiêm gel lạ vào tôm sú đã bị triệt phá hay chưa.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu con tôm bị tiêm gel đã tìm đường ra khỏi nội địa, nhưng các chuyên gia an toàn thực phẩm cho biết có lý do để lo ngại. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành một cảnh báo cho ngành nhập khẩu vào ngày 11 tháng 12 năm 2015 về “sự có mặt của những loại dược phẩm mới hay các chất phụ gia thực phẩm không an toàn được tiêm vào động vật” được phát hiện trong hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có tôm sú.

Gel bổ sung
Trong một số trường hợp đã được kiểm tra (không phải luôn luôn là một nhiệm vụ dễ dàng ở Trung Quốc) gel tìm thấy trong tôm là không độc hại, ăn được. Nó thường được chiết xuất từ da và xương động vật và thành phần chủ yếu là collagen. Nhưng bởi vì các hoạt động bơm tiêm này là bất hợp pháp và không có sự giám sát của giới chuyên môn, không có gì đảm bảo liệu sắp tới gel tiêm vào tôm có còn là xuất xứ công nghiệp hay không.

Wu Wenhui, một giáo sư tại Đại học Hải Dương Thượng Hải, nói trong một cuộc phỏng vấn trên báo chí Trung Quốc rằng khách hàng nên thận trọng về gel công nghiệp được tiêm ở trong tôm, vì chúng rẻ hơn so với loại gel ăn được. “Gel công nghiệp được sử dụng cho đồ nội thất, in ấn, và chứa nhiều kim loại nặng như chì và thủy ngân, gây hại cho gan và máu, và thậm chí là gây ung thư”.


Một người dùng Internet Trung Quốc đã mua trúng loại tôm bị tiêm Gel (trái), cùng với một hình ảnh của gel tìm thấy bên trong đầu tôm (phải). (Weibo.com)

“Thậm chí nếu những gì đã được tiêm là gel ăn được, có thể bản thân nó không có hại, nhưng ai có thể đảm bảo rằng quá trình này là vô trùng?”, Liu Huiping, một thành viên của ủy ban điều hành Hiệp hội thủy sản Thiên Tân nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Bắc Kinh.

Ông Zhang, một thương gia thủy sản ở tỉnh Sơn Đông nói với truyền thông Trung Quốc, ông cho rằng loại tôm lớn như tôm he và tôm sú, trong đó phần lớn được nhập từ Đông Nam Á, là đối tượng để bơm tiêm vì kích thước của chúng. “Giá loại tôm này cao và sẽ thu được nhiều tiền hơn nếu có thể [bơm tiêm để] tăng trọng lượng của nó”.

Tại sao việc bơm gel lạ vẫn tiếp tục như thế

Vụ bê bối bơm tiêm gel lạ vào tôm đã được biết đến, và đã kéo dài cứ thế trong hơn một thập kỷ qua.

Nhiều bài bình luận trên tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh chỉ ra rằng vụ bê bối này cho thấy sự thiếu hiệu quả của hệ thống quy chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Theo những bài viết, hệ thống này có quá nhiều phòng ban và bộ phận nhưng lại không có sự phân công trách nhiệm lao động rõ ràng. Sự hợp tác nghèo nàn giữa các phòng ban dễ làm nảy sinh các lỗ hổng trong các quy định. Ngay cả khi Trung Quốc tái cơ cấu lại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm trong nước vào năm 2013, tình hình vẫn không được cải thiện.

Dường như họ không muốn giải quyết triệt để vấn đề này, theo tiết lộ từ một cuộc điều tra bởi tờ Tin tức Bắc Kinh. Cui Hongtao, phó giám đốc cục công thương tại cảng biển Thiên Tân, nói với Tin tức Bắc Kinh rằng cục công thương chỉ chấp nhận điều tra những sản phẩm không qua được kiểm nghiệm của Sở nông nghiệp.

Họ sẽ kiểm tra thử ít hơn 2% trong tổng số hàng cập bến, do đó đôi khi các nhà nhập khẩu sẽ nhân cơ hội… có thể thử gửi đi một thứ gì đó không ổn
– Patty Lovera, trợ lý giám đốc, tổ chức Food & Water Watch, trụ sở tại Mỹ.

Các phóng viên sau đó đã lấy tôm có chứa gel tới một số phòng ban của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, và nhận được câu trả lời rằng việc kiểm nghiệm không thể được tiến hành nếu không có một mục tiêu rõ ràng, nếu không họ “không biết bắt đầu từ đâu”.

Nhưng việc kiểm tra tôm bị tiêm gel không hề phức tạp. Cui Chunming, Phó Cục trưởng Cục Giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm Thiên Tân nói với Tin tức Bắc Kinh rằng: “Cần gì phải kiểm tra, bởi vì chỉ cần nhìn là biết tôm có được tiêm gì hay không. Bất kể là tôm được bơm vào thứ gì thì đều không được phép, và bơm tiêm là hành vi bất hợp pháp”.

Một số người bán tôm tại các chợ ở Trung Quốc nói với truyền thông trong nước rằng họ đã mua tôm bị tiêm gel từ những người bán sỉ. Trong một trường hợp năm 2012, một người bán tôm từng kể rằng: “Đây là loại tôm đã được bày bán trong một thời gian dài. Bắt đầu từ năm năm trước, các nhà bán sỉ đã cung cấp loại tôm như thế này”.

Vụ việc này đại diện cho một bức tranh u tối trong đó lòng tham lấn át cả luân thường đạo lý, còn bộ máy quản lý nhà nước thì phản ứng kém hiệu quả hoặc tệ hơn thế nữa.

Bán buôn hay bán lẻ đều nhìn thấy cơ hội kiếm lời trước mắt của họ bằng cách tiêm gel lạ vào tôm, sẵn sàng lừa đảo dù cho có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ngay cả khi các nhà bán lẻ không tham gia vào tiêm chích tôm, họ vẫn biết được bản thân họ đang nhận hàng pha trộn từ các nhà bán sỉ về để bán cho người tiêu dùng. Nhưng họ vẫn nhận chúng và bán cho khách hàng. Còn nhà quản lý thực phẩm của Trung Quốc thì không thể hoặc không muốn đặt dấu chấm hết cho tất cả hành vi gây hại này.

Sự chọn lựa của Mỹ
Patty Lovera, trợ lý giám đốc của tổ chức Food & Water Watch, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng khách hàng Mỹ phải cảnh giác với tôm từ Trung Quốc, “Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc đang đau đầu với các quy định về an toàn thực phẩm, và liên tục có những câu chuyện viết về vấn đề an toàn thực phẩm”, Lovera trong một cuộc phỏng vấn điện thoại cho biết. “Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của chúng ta có một văn phòng ở Trung Quốc, nhưng họ không thể thanh tra được gì nhiều. Vài trăm cuộc kiểm tra trong một năm thì chẳng là gì so với bao nhiêu hoạt động thực phẩm đang diễn ra ở đó”.

Lovera cũng đề cập đến sự thiếu nhân lực của FDA trong việc kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. “Họ không có nhiều thanh tra tại hải quan khi hàng nhập khẩu cập bến. Họ sẽ kiểm tra thử ít hơn 2% trong tổng số hàng cập bến, do đó đôi khi các nhà nhập khẩu sẽ nhân cơ hội… có thể thử gửi đi một thứ gì đó không ổn”.

Theo DKN