Biên giới đóng cửa, quy chế thay đổi khiến người tị nạn hoảng sợ




Người tị nạn xếp hàng tại Idomeni, Hy Lạp. Giới hữu trách Macedonia chỉ cho phép khoảng 180 người tị nạn trong đám đông 13.000 người vào Macedonia .



Giới hữu trách Macedonia hôm thứ Sáu chỉ cho phép 180 người tị nạn vào Macedonia trong đám đông 13.000 người đang ở trong những lều trại bên ngoài lớp hàng rào kẽm gai, dọc theo đường ray xe lửa và trên những cánh đồng bùn lầy.

Theo các giới chức Liên hiệp quốc và các nhân viên cứu trợ làm việc trong khu vực, hơn 70% người tị nạn là người Syria và Iraq đang ở Idomeni, một làng nhỏ với 154 cư dân. Số người còn lại đến từ Afghanistan và Pakistan, hoặc chủ yếu là các di dân kinh tế từ Bắc Phi.

Thủ tướng Áo Werner Faymann kiên quyết rằng nước ông tiếp tục các quy định hạn chế cứng rắn tại biên giới đã bắt đầu áp dụng hồi tháng trước, chặn dòng người tị nạn đi theo con đường từ khu vực Balkan vào tây Âu. Áo chỉ cho phép 3.200 người tị nạn băng qua biên giới mỗi ngày.

Cách đây hai tuần, người Afghanistan thất bại trong việc xin được cấp quy chế tị nạn, mà họ bị Macedonia xem là các di dân kinh tế.

Các nhóm cứu trợ tố cáo nhân viên an ninh biên giới đã thực thi mạnh tay các quy định – đẩy những người tị tạn Afghanistan – trong đó có phụ nữ và trẻ em – xuống khỏi các xe buýt đi Athens.

Hàng ngàn người Afghanistan đang bị kẹt ở Hy Lạp. Các nhóm cứu trợ ước tính một phần tư trong số người tị nạn này dưới 18 tuổi.

Hồi tuần trước Macedonia và các nước Balkan khác quyết định không cho người tị nạn Syria và Iraq băng qua biên giới.

Những người tị nạn nói họ tìm đường để đi học, hay để đoàn tụ với thân nhân hay để trốn bị bắt đi lính ở nước họ, tức thì họ bị từ chối. Các nhân viên cứu trợ nói người tị nạn dễ bị lôi cuốn vào tình huống sẽ khai những lý do như vậy.

Hôm thứ Bảy, Macedonia bất ngờ loan báo rằng những người Syria đến từ Damascus và người Iraq đến từ Baghdad sẽ không được phép đi tiếp, mặc dù các khu ngoại ô Damascus hứng chịu chiến tranh và bom đạn nặng nề nhất trong cuộc nội chiến Syria, kể cả những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Ủy ban Cứu trợ Quốc tế lên án đó là "những quyết định đơn phương, độc đoán của một số nước đe dọa gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng đối với những người tị nạn trốn chạy chiến tranh và áp bức."

Ủy ban Cứu nạn Quốc tế và các nhóm bênh vực nhân quyền kêu gọi các nước Âu châu cứu xét công bằng cho những người tị nạn.


VOA