Trung Quốc có thể lập căn cứ không quân ở Hoàng Sa



Trang Diplomat cho rằng việc Trung Quốc đang trắng trợn tiến hành một dự án bồi đắp nhằm mở rộng diện tích đảo Bắc thuộc Hoàng Sa là để lập ra một căn cứ không quân ở đây.



Hoạt động nạo vét, bồi lấp trên đảo Bắc thuộc Hoàng Sa đã bắt đầu từ ngày 9/1 và mở rộng đáng kể trong ảnh chụp ngày 2/3. (Ảnh: Diplomat)

Trang tin Diplomat dẫn các ảnh vệ tinh từ ngày 2/3 cho thấy, Trung Quốc đang ngang nhiên nạo vét, bồi lấp để mở rộng diện tích đảo Bắc thuộc Hoàng Sa. Dải đất mới bồi đắp này nhằm nối đảo Bắc với đảo Trung, cùng một cấu trúc bãi đá ngầm dài và thẳng.

Việc bồi đắp ở đảo Bắc lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 9/1/2016. Đến nay, các tàu nạo vét không còn xuất hiện trong các ảnh chụp mới, nhưng vẫn còn đường ống hút cát để bồi đắp mở rộng diện tích đảo. Việc các tàu nạo vét không còn xuất hiện không có nghĩa là hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã ngừng lại bởi dải đất mới bồi đắp vẫn chưa thể chống chịu một trận bão mạnh.

Nằm ở phía bắc Hoàng Sa, cách căn cứ không quân của Trung Quốc chỉ khoảng 300km về phía đông nam, đảo Bắc có thể trở thành địa điểm để Trung Quốc đặt các thiết bị theo dõi khu vực mà các tàu nổi và tàu ngầm đóng tại căn cứ không quân Trung Quốc thường xuyên qua đây.

Trong khi đó, tổ hợp gồm đảo Bắc và đảo Trung có diện tích đủ để xây một đường băng với tổng diện tích gần 5km2. Diện tích bồi đắp ở đá Chữ Thập chỉ khoảng gần 3km2, nhỏ hơn so với đảo Phú Lâm.

Trang Diplomat bình luận: “Với một căn cứ không quân ở vị trí chiến lược trên Hoàng Sa, và 3 đường băng ở Trường Sa (ở đá Chữ Thập, Xubi và đá Vành Khăn), sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc định xây thêm một căn cứ không quân khác ở Hoàng Sa, thậm chí là gần đảo Phú Lâm”.

Khu vực mới bồi đắp trên nằm cách đảo Phú Lâm 12km về phía bắc. Trước đó, Trung Quốc đã xây 1 căn cứ quân sự và một đường băng ở Hoàng Sa. Đảo Phú Lâm cũng là nơi mà Trung Quốc mới đây đã đưa tên lửa đất đối không HQ-9 đến cùng với các chiến đấu cơ.

Trung Quốc ngang nhiên tăng cường các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa bất chấp sự chỉ trích của quốc tế. Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, hoạt động bồi đắp cùng với việc đưa tên lửa và chiến đấu cơ tới Hoàng Sa mới đây cho thấy Trung Quốc đang thực hiện ý đồ quân sự hóa Biển Đông.

Hiện Mỹ đã điều một nhóm tàu do tàu sân bay hạt nhân Stennis dẫn đầu tiến hành tuần tra Biển Đông nhằm thách thức các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Theo Dân Trí