Bắc Triều Tiên phát động chiến tranh tuyên truyền hạt nhân



Ảnh do Thông tấn Trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) phát hành ngày 21 tháng 2, 2016 cho thấy lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un kiểm tra một cuộc diễn tập tấn công phòng thủ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) tại một địa điểm không được tiết lộ.


Ngày hôm nay, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nói nước ông đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào phi đạn đạn đạo. Dù những tuyên bố hiếu chiến như vậy của quốc gia bị cô lập này không có gì là mới, nhưng đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra một tuyên bố như vậy.

Thông tấn xã Trung Ương KCNA do nhà nước điều hành ngày hôm nay loan tin ông Kim đã gặp các khoa học gia hạt nhân và các chuyên viên và được nghe thuyết trình về “nghiên cứu được thực hiện để gắn đầu đạn hạt nhân vào những loại phi đạn đạn đạo chiến thuật và chiến lược khác nhau.” Thông tấn xã này cũng công bố hình ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang đi thăm một cơ sở chế tạo đầu đạn hạt nhân.
Những hình ảnh này không thể được kiểm chứng độc lập và một số nhà phân tích quân sự nói họ nghi ngờ về những tuyên bố của Bắc Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ từng nói Bắc Triều Tiên có những quan hệ và công nghệ để phát triển vũ khí hạt nhân thu nhỏ, nhưng nước này chưa chứng tỏ được khả năng như vậy.
Bắc Triều Tiên khoe khang về khả năng hạt nhân để hỗ trợ cho những nỗ lực đã được tăng cường của Bình Nhưỡng nhằm chống lại sự lên án của thế giới vì vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 và phóng rốckết tầm xa mới đây.

Chiến tranh tuyên truyền


Người dân Hàn Quốc xem truyền hình chiếu cảnh lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước ông đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào phi đạn đạn đạo.
Những nỗ lực ngoại giao của Bắc Triều Tiên để bênh vực cho những hành vi bị chống đối rõ ràng là không mang lại kết quả nào.
Sau khi Liên hiệp quốc quyết định áp đặt những chế tài mạnh mẽ, quân đội Bắc Triều Tiên phản ứng bằng cách bắn phi đạn vào vùng biển nước này. Ông Kim cũng đe dọa tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Tháng trước, nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên tiếp tục áp dụng một chính sách đã có từ lâu là dàn dựng cho những người nước ngoài bị giam giữ thú tội trước công chúng. Lần này họ buộc một sinh viên Mỹ thú nhận âm mưu đánh cắp một bảng hiệu tại một khách sạn trong khuôn khổ một âm mưu xấu xa của Mỹ.


Và truyền thông Bắc Triều Tiên thường xuyên đưa ra những bình luận thô tục để phỉ báng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên.

Lịch sử những vụ khiêu khích


Bắc Triều Tiên phóng đi nhiều phi đạn tầm ngắn hôm 3/3 trong hành động mà người ta coi là thách thức các biện pháp chế tài vừa được mở rộng và được đồng thanh chấp thuận tại Hội đồng Bảo an LHQ.



Ông Brian Myers đã nghiên cứu cách thức tuyên truyền của Bắc Triều Tiên trong cuốn sách xuất bản năm 2014 có tựa đề “Chủng tộc sạch nhất: Bắc Triều Tiên tự xem họ như thế nào và Tại sao việc này quan trọng” . Ông nói lối quan hệ công cộng đối đầu của Bình Nhưỡng có thể truy nguyên từ nhà lãnh đạo lập quốc Kim Il Sung, được Liên bang Xô viết dựng lên vào cuối Thế Chiến Thứ Hai.
Ông Myers, giáo sư môn bang giao quốc tế của trường đại học Dongseo ở Nam Triều Tiên, nói:


“Kim Il Sung luôn luôn nói với người dân Triều Tiên là không nên sợ Mỹ. Họ phải biết rằng người Mỹ có thể bị đánh bại và những hình ảnh phục vụ cho mục đích này.”
Ông Myers nói thêm rằng Bắc Triều Tiên dùng đe dọa và các ngôn từ hiếu chiến như là một phương cách giao tiếp với Washington.
“Ngôn từ này là cách thức Bắc Triều Tiên nói với Washington là các ông phải coi chừng chúng tôi vì chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và chết, không khác gì những kẻ thù của các ông ở Trung Đông.”


Trong những năm gần đây, lời lẽ của Bắc Triều Tiên trở nên gay gắt và hiếu chiến hơn, một phần vì những tin tức từ thế giới bên ngoài đã xâm nhập vào quốc gia một thời bị cô lập và bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ.


“Trong quá khứ, chế độ Bắc Triều Tiên có thể đưa ra những tiếng nói rất ôn hòa với thế giới bên ngoài và những tiếng nói phân biệt chủng tộc hiếu chiến mà tôi gọi đó là tuyên truyền bằng loa phóng thanh mà người dân Bắc Triều Tiên thường được nghe ngoài đồng ruộng và trong các nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay càng ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên tiếp cận được với các nguồn tin bên ngoài, chế độ miền Bắc đang bị nhiều áp lực phải nói lên chỉ một tiếng nói mà thôi. Và điều này có nghĩa là đưa ra những tiếng nói phân biệt chủng tộc, chiến tranh tâm lý để tuyên truyền ra nước ngoài -- như họ đã luôn luôn thi hành trong nước.”


Những lời lẽ hiếu chiến của Bắc Triều Tiên phục vụ cho hai mục tiêu. Đối với trong nước, việc này giúp đẩy mạnh lòng tự hào dân tộc. Đối với bên ngoài, việc này có nghĩa là gia tăng tình cảm cực đoan chống Mỹ tại Nam Triều Tiên và các nơi khác.
Việc này cũng đã phát huy tác dụng trong quá khứ để buộc phương Tây nhượng bộ.


Ông Myers nói mặc dù đường lối ngoại giao này đối với nhiều người có vẻ như có tính cách nghiệp dư và phản tác dụng, nhưng nó phản ánh lập trường không thỏa hiệp của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự trong trung tâm quyền lực của ông Kim Jong Un. Ông Myers nói thêm:
“Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phẫn nộ vì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nam Triều Tiên. Họ vẫn thực lòng theo đuổi mục tiêu tái thống nhất bán đảo này. Và vấn đề đối với những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở khắp mọi nơi trên thế giới là họ khó có thể tự đặt mình vào vị thế của các nước khác hay các chủng tộc khác và cũng rất khó khăn cho họ để tự bày tỏ theo một phương cách tinh tế hơn."



VOA