.

Mỹ cho du học sinh thêm thời gian ở lại tìm việc
sau khi tốt nghiệp





Theo quy định mới, du học sinh ở Mỹ học các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán (STEM) sẽ được phép ở lại Mỹ tối đa đến 3 năm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều sinh viên nước ngoài du học tại Mỹ sẽ thở ra nhẹ nhõm khi có thêm thời gian để tìm việc sau khi tốt nghiệp, nhờ các quy định mới sẽ được công bố vào Thứ Sáu của chính phủ liên bang.

Theo quy định mới, du học sinh ở Mỹ học các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán (STEM) sẽ được phép ở lại Mỹ tối đa đến 3 năm sau khi tốt nghiệp trong lúc đi tìm công việc có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

Quy định cũ chỉ cho phép du học sinh sau khi tốt nghiệp tham gia vào chương trình OPT (Đào tạo Thực hành Tùy chọn) kéo dài 29 tháng trong lúc tìm việc làm cố định. Luật mới ban hành sẽ mang lại cho du học sinh nhiều cơ hội hơn trong việc nộp đơn xin thị thực H-1B – loại thị thực cho phép ở lại Mỹ làm việc chuyên môn và sau một thời gian nhất định có thể nộp đơn xin làm thường trú dân (thẻ xanh) của Mỹ.

H-1B được cấp theo hạn định mỗi năm và việc lựa chọn sẽ theo cách sổ xố. Thông thường, lượng đơn xin cấp H-1B luôn vượt quá chỉ tiêu chỉ trong 1, 2 ngày đầu nhận đơn.

Tuy nhiên, quy định mới cũng gây lo lắng cho giới nhân công làm trong lĩnh vực kỹ thuật đang thất nghiệp tại Mỹ. Họ cho rằng sự gia tăng nhân công nước ngoài có thể kéo mức lương tối thiểu của công dân Mỹ xuống, vì các công ty kỹ nghệ sẽ dựa vào nguồn nhân lực này để từ chối những bảo vệ căn bản cho nhân công trong nước, chẳng hạn như không trả lương theo mức lương tối thiểu quy định.

Các công ty kỹ nghệ còn bị chỉ trích vì đã lạm dụng chương trình H-1B để mướn một số lượng nhân công không cân đối từ những nơi như Ấn Độ.

Trong khi đó, một khảo cứu của trường Kinh doanh Harvard vào năm 2008 cho thấy những người mang thị thực H-1B đã đóng góp ngày càng nhiều vào những sáng chế, tính theo số bằng sáng chế. Và một nghiên cứu khác của Viện Chính sách Kỹ Thuật vào năm 2009 cho thấy các du học sinh STEM đã làm tăng GDP của Mỹ khoảng 13,6 tỷ đôla vào năm 2008 và đóng góp vào những nơi khác khoảng từ 2,7 – 3,6 tỷ đôla tiền thuế.

Quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10/5.
Thứ năm, 10/03/2016
Theo New York Times, thinkprogress.org





.