.

Tín ngưỡng - J. Krishnamurti





Tín ngưỡng và kiến thức đều có liên hệ thiết thân với lòng ham muốn, khát vọng; và có thể nói, nếu chúng ta thấu triệt hai vấn đề này thì chúng ta sẽ hiểu đường đi nước bước của lòng ham muốn, khát vọng, với những rắc rối, phức tạp của nó.

Tôi thấy rằng dường như vấn đề tín ngưỡng là một trong những điều mà phần đông chúng ta dễ dàng chấp nhận một cách nhiệt thành, hăm hở, coi như là chuyện đương nhiên. Tôi không chỉ trích chuyện tín ngưỡng. Điều mà chúng ta đang làm là cố gắng tìm ra lý do tại sao chúng ta lại chấp nhận tín ngưỡng; và nếu như chúng ta hiểu được những động cơ thúc đẩy, những nguyên nhân của sự chấp nhận, thì có lẽ chúng ta không những chỉ có thể hiểu tại sao chúng ta lại làm như vậy mà hơn thế, còn vượt thoát được ra khỏi nó nữa.

Người ta có thể thấy rằng những niềm tin về chính trị, niềm tin về tôn giáo, niềm tin về quốc gia dân tộc và nhiều loại niềm tin khác nhau đã gây ra sự chia rẽ giữa loài người, đã tạo ra mâu thuẫn, rối loạn và thù nghịch lẫn nhau – đó là một sự thực hiển nhiên; ấy vậy mà chúng ta lại không muốn từ bỏ chúng. Nào là niềm tin Ấn Độ giáo, niềm tin Thiên Chúa giáo, Phật giáo … và vô số niềm tin môn phái, cùng với vô số ý thức hệ chính trị khác nhau, tất cả đều tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, đều đang cố gắng cải hóa phía khác để họ đổi niềm tin mà chuyển qua phía mình. Người ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng tín ngưỡng chia rẽ con người, tạo ra sự cố chấp, không khoan nhượng.

Vậy thì có thể sống mà không có tín ngưỡng được chăng?

Chỉ khi nào người ta có thể tự tìm hiểu bản thân trong mối liên hệ với tín ngưỡng thì người ta mới có thể tìm ra được giải đáp cho vấn đề. Liệu có thể sống trong cái thế giới này mà không cần tới tín ngưỡng – không đổi tín ngưỡng, không thay thế tín ngưỡng này bằng tín ngưỡng khác, nhưng mà thoát ra khỏi được tất cả mọi loại tín ngưỡng một cách hoàn toàn dứt khoát, để cho con người tiếp cận được với đời sống một cách mới mẻ trong từng phút giây chăng?

Xét cho cùng, đây mới chính là chân lý: có được cái khả năng tiếp cận với sự mới mẻ từng phút giây, không bị ràng buộc với những phản ứng theo qui định của quá khứ, nhờ thế, sẽ không còn những ảnh hưởng tích lũy làm thành một bức chắn ngăn cách giữa bản thân và thực tại.

Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng một trong những lý do khiến người ta nẩy ra lòng ham muốn chấp nhận một tín ngưỡng là sự sợ hãi. Nếu chúng ta không có tín ngưỡng thì chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta? Không phải là chúng ta rất sợ chuyện có thể xảy ra sao? Nếu chúng ta không có một khuôn mẫu hành động dựa trên niềm tin – dù là tin Thượng Đế, hoặc tin vào chủ nghĩa cộng sản, hoặc tin vào chủ nghĩa xã hội, hay là tin vào chủ nghĩa đế quốc, hoặc tin vào bất cứ một thể thức tôn giáo nào đó, giáo điều nào đó mà chúng ta đã được thuần hóa – thì chúng ta sẽ cảm thấy hoàn toàn bơ vơ, mất hướng, không phải sao? Và phải chăng sự “chấp nhận một niềm tin” này chính là để che đậy nỗi sợ hãi đó — nỗi sợ hãi rằng bản thân thật sự chẳng là cái gì cả, rỗng tuếch?

Nói tóm lại, cái chén tách chỉ hữu dụng khi nó có khoảng trống bên trong lòng chén, cũng thế, nếu như một tâm hồn đã chứa đầy ắp những tín ngưỡng, những giáo điều, những điều khẳng định, những công thức trích dẫn thì thật là một đầu óc trì trệ, không sáng tạo; nó chỉ còn là một bộ óc lập đi lập lại như cái máy mà thôi.

J. Krishnamurti — The First & Last Freedom
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)
_https://phuongkhanhdo.wordpress.com/2014/03/17/tin-nguong/