Trần Lập - người hát cho nỗi sợ tuổi trẻ




Lần đầu tôi nghe Bức Tường hát là trong một cái đĩa video lậu chất lượng thấp mà đứa bạn mở nghe trong căn phòng trọ ở Làng đại học Thủ Đức

Những người bạn ấy đã nhẩm hát theo một đoạn điệp khúc:

"Này! chàng trai,

hãy xứng đáng là người đàn ông,

hãy vững sống và thật hiên ngang,

một tính cách Rock..." (1)

Đó là Bức Tường.

Những ca khúc với lời lẽ rành rọt, rõ ràng về những nỗi sợ tuổi trẻ của chúng tôi. Một thế hệ u sầu đánh mất cá tính của mình trong những ràng buộc của sợ hãi. Những đứa sinh viên bước vào giảng đường với gương mặt xanh xao đói khổ, với chút tủi hổ vì xuất thân nghèo hèn, với cả những tị hiềm vô lý cũng chỉ bởi nhìn thấy ai đó có cuộc sống tươi sáng hơn mình. Giảng đường quen thuộc với ranh giới của bao nỗi niềm “dân thành phố”, và “bọn ở tỉnh. Tôi thường tự hỏi, ở tuổi trẻ vô tư đó, tại sao chúng tôi lại phải so đo và sầu muộn nhiều đến vậy.

Bức Tường và ca từ của Trần Lập xoáy vào đúng cái hố sâu đen tối đó, thẳm kín và che đậy trong từng người trẻ chúng tôi. Giảng đường nơi tôn vinh tri thức lại đầy rẫy những ánh mắt e dè, sợ hãi. Những trái tim đói tự do, chưa một lần mở tim mình ra để đón nhận và thể hiện ước muốn, băn khoăn vô cùng trước những biến động của thân thể sinh học và cả tinh thần rúng động. Bức Tường gọi tên nỗi sợ đó, đó là nỗi sợ của “Con số 0”, là:

“Có những con người mới đôi ba tuổi đời

Cuộc sống mới bắt đầu đã cho rằng mình thấu hết

Làm được gì, và đã có gì?

Chỉ học đòi thói chê bai

Đời vật vờ, chẳng biết thân mình

Hình hài chỉ là con số 0” (2)

Tuổi trẻ sợ bị gạt bỏ, đẩy ra bên lề, không thể là trung tâm, không thể khẳng định để ai đó ngoái nhìn.

Có lẽ ai đã từng là sinh viên như Trần Lập, như Bức Tường mới có thể hiểu sinh viên chúng tôi sống trong nỗi kiêu hãnh đớn đau đó. Không cảm thấy ai đáng trọng, không thấy ai hay ho, bất cần, khinh thường, lạc lối. Bất hạnh của tuổi trẻ là không thấy được con đường mình phải đi và biết tương lai phải làm gì. Và “Con số 0” chính là một biểu tượng như thế, bất chấp thứ đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ “hình hài””cũng không là gì.

Thời điểm đó, hình như không ai viết về tuổi hai mươi như thế này:

“Sống yếu đuối hơn bao bạn bè

Tôi hay âu lo không tự tin.” (1)

Hay: “Một đời vô danh đá sống vẫn thờ ơ

Nhọc nhằn năm tháng, tháng năm nhọc nhằn thêm

Đá sống không thật gần ai và cách xa mọi người

Dường như không biết yêu và dường như không biết nhớ

Vì con tim giá băng nên tâm hồn vô nghĩa” (4)

Với những ai đã từng trẻ, nỗi sợ không mạnh mẽ, sự đau khổ khi không một lần sống “xứng tầm”, những lần băn khoăn giữa lý tưởng, giấc mơ hay thực tế cuộc sống phũ phàng đều quá sức chịu đựng.

Nó khiến tuổi hai mươi người trẻ thắp lửa mò mẫm đi trong bóng đêm. Ngọn đuốc có thể thiêu bỏng bàn tay họ. Ánh sáng có thể làm người lầm lạc. Tuổi trẻ như một hòn đá phù du .Nhưng tuổi hai mươi, khi hỏi muốn gì, hẳn chúng tôi đều là muốn sống không “vô nghĩa”, không “vô danh”.

Trần Lập và Bức Tường chính là một que diêm chính xác vào khoảng thời gian đó, gọi tên nỗi sợ hãi, gọi tên tuổi hai mươi, thảo luận về những bất an đang xoay đổi trong trái tim người trẻ.

Trong đêm Rock Storm, tôi vẫn còn nhớ khi Trần Lập hát “Đừng sống giống như hòn đá, giống như hòn đá / Sống không một tình yêu Sống chỉ biết thân mình”, hàng ngàn bạn trẻ bên dưới sân khấu, mồ hôi ướt áo, ánh mắt như sao, khản tiếng hát theo anh từng câu trong tiếng nhạc tràn đầy sân vận động Phú Thọ.

Trong tuổi trẻ đó, giữa những giờ phút bốc lửa, chúng tôi tạm quên đi sự lấm lem của đói nghèo, của sự tủi cực, định kiến, tự ti trước thế giới bên ngoài. Chúng tôi nghĩ mình có thể làm được, có thể sống, mạnh mẽ và chiến đấu không mỏi mệt cho những ước mơ giăng mắc đầy trong trái tim đập loạn nhịp của mình.

Có rất nhiều người nói rock Trần Lập viết cho Bức Tường không hẳn là rock. Có thể là thế thật, hoặc đó là tranh luận của những người bình luận âm nhạc.

Nhưng trong đêm buồn ở ký túc xá, trong những chiếc máy tính để bàn và loa con cóc, chúng tôi đã nghe Trần Lập hát về một “đỉnh vinh quang” về “Sống xứng đáng là người đàn ông”, về “không gục ngã”, về “Tuổi hai mươi/ta như con chim tung cánh bầu trời”.

Không có tuổi trẻ nào là muộn màng, không có giấc mơ cho kẻ yếu hèn, chúng tôi là cây cỏ, lớn lên không sợ hãi, sẽ biết:

“(Dẹp buồn lo đi thôi)

Bất cứ khi nào bạn dự định làm gì

thấy xung quanh bao lời khuyên sai đúng

Âu lo làm chi nơi xa vời”. (3)

Trần Lập viết mọi ca khúc như thể anh luôn nghe thấy tuổi hai mươi nghĩ gì. Chúng tôi đã điên khùng, đớn đau, yêu thương một người con gái hay theo đuổi một chàng trai đến tuyệt vọng. Có sự lớn lên nào mà không đau khổ? Có lần nào được sống đúng nghĩa như khi nằm trong gian phòng ký túc xá ồn ào và mơ những giấc mơ lớn hơn hình hài của mình?

Bức Tường và Trần lập không cố gắng xoa dịu nỗi đau tuổi trẻ nào, anh chỉ hát để tạo cảm hứng cho chúng tôi phải sống. Sống. Sống. Sống. Và không bao giờ tuyệt vọng.

Như hôm xưa trong Rock Storm, ướt áo, giọng khàn, ánh cười như sao, chúng tôi sẽ sống với tất cả tự do đã được tượng hình trong tim mình khi gào lên trong tiếng âm nhạc như có mùi kim khí đan xen:

“Ðể sống có ý nghĩa hơn

dù mùa đông buốt giá

lá rơi như giọt máu đỏ.

Vẫn tin rằng

rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi

đón nắng vàng” (5)

Khi anh tạm biệt người trẻ chúng tôi ở tuổi 42, dường như anh nhắc chúng tôi phải mạnh mẽ trước bất kỳ bất an nào của đời sống này.

Tạm biệt anh, người hát cho những ngày trẻ

======================

Những ca khúc trích dẫn trong bài:

(1) Rock xuyên màn đêm

(2) Con số 0

(3) Tuổi 20

(4) Tâm hồn của đá

(5) Cây bàng



Lan Phương BBC Tiếng Việt từ Bangkok