Thiếu an ninh hạt nhân mở ngỏ cho khủng bố, IS




Tên lửa Shaheen-III của Pakistan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong một cuộc diễu hành quân sự tại Islamabad, Pakistan, ngày 23/3/2016.

Các nhà phân tích nói việc Nga vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Washington trong tuần này nêu lên những nghi vấn về khả năng của cộng đồng quốc tế để giữ cho nguyên liệu hạt nhân khỏi rơi vào tay Nhà nước Hồi Giáo và những tổ chức khủng bố khác. Thông tín viên Katherine Gypson của đài VOA tường thuật.

Hội nghị thượng đỉnh bao gồm một phiên họp đặc biệt nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân do những nguyên liệu hạt nhân không được bảo vệ, nhưng các nhà phân tích cho rằng không có sự hợp tác về an ninh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ cản trở những nỗ lực giải quyết mối đe dọa này.

Ông Tom Collina, Giám đốc về Chính sách của Quỹ Ploughshares nói “Nga đóng vai trò quan trọng. Và nếu không có Nga tại hội nghị thượng đỉnh thì đây là một lổ hỗng khổng lồ.”

Một số các quốc gia - trong đó có Pakistan, có những lổ hỗng về an ninh, nhưng qui mô của kho vũ khí hạt nhân của Nga và tình trạng thiếu thông tin gây nên những mối lo ngại. Kho vũ khí của Hoa Kỳ và Nga cộng lại chiếm 90% chất uranium được tinh chế cao trên thế giới và hơn một nửa tổng số plutonium.

Những đe dọa hạt nhân từ Nga



Ấn Độ khai hỏa tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V từ đảo Wheeler ngoài khơi bang Orissa (Ảnh tư liệu).

Ông Collina nói tiếp: “Vì sự hợp tác sụt giảm, nên những điều gì chúng ta thiếu là thông tin về những gì đang xảy ra. Điều đáng ngại nhất là khó biết những gì đang diễn ra ở Nga.”

Một cuộc điều tra của Thông tấn xã AP hồi năm ngoái cho thấy thị trường chợ đen về nguyên liệu hạt nhân đang phát triển mạnh tại Moldova, nơi nhà chức trách lo ngại là những tổ chức tội phạm đang chuyển lậu các nguyên liệu phóng xạ ra khỏi Nga và bán cho những người mua trả giá cao nhất.

Ông Collina cho biết một số ít nguyên liệu được tuồn ra thị trường chợ đen có xuất xứ từ Nga. Ông nói:

“Chúng ta biết là Nga có kho nguyên liệu hạt nhân to lớn. Nền kinh tế Nga đang trong cơn khủng hoảng, nên sự gộp chung của hai vấn đề này là một vấn đề thực sự và chúng ta cần nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra tại Nga, và chúng ta cần nhiều hợp tác hơn để chúng ta có thể giúp đỡ trong tiến trình này.”

Những đe dọa hạt nhân có thể phát xuất từ một số các lãnh vực, trong đó có những loại vũ khí hạt nhân được chế tạo từ uranium hay plutonium tinh chế cao bị đánh cắp, phá hoại những cơ sở hạt nhân hay bom bẩn phối hợp chất nổ với những chất liệu phóng xạ. Những cuộc tấn công tại Paris và Brussels chỉ làm gia tăng những lo ngại hiện có, và theo ông Collina, quân khủng bố có thể khai thác một số khuyết điểm của Nga để đạt được những mục tiêu này. Ông Collina nói:

“Họ có sử dụng đủ các nguồn lực trong tiến trình bảo vệ những chất liệu này hay không? Họ có kiểm soát chặt chẽ những khoa học gia hiểu biết về chất liệu hạt nhân để sự hiểu biết của họ không bị tiết lộ ra ngoài biên giới hay không? Chúng ta không biết gì cả.”

Những nỗ lực của Hoa Kỳ


Chiến binh Nhà nước Hồi giáo trong diễu hành với một tên lửa ở Raqqa, Syria.

Việc Nga từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh làm cho vấn đề phức tạp thêm, vì thiếu sự tham dự của Nga trong một số thỏa thuận hạt nhân quốc tế nhằm mục đích dọn sạch và bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân.

Ông Frank Miller, một cựu giám đốc về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan cố vấn cho tổng thống Mỹ nói:

“Có một số lớn các hiệp ước Nga đã quyết định không tham dự, do đó cần có một số thay đổi về chính trị tại Moscow để Nga giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ và phương Tây, và Nga sẽ tái gia nhập những hiệp định đã ký trước đây.”

Phụ tá cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes gọi sự vắng mặt của Nga tại hội nghị thượng đỉnh là “một cơ hội bị bỏ qua”. Nhưng ông cũng nói “điều quan trọng là thế giới thấy và biết được Hoa Kỳ và Nga tiếp tục hợp tác về những vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân.”

Ông Rhodes nói 3/4 trong số hơn 260 cam kết của các quốc gia trong những hội nghị thượng đỉnh hạt nhân trước đây đã được thi hành. Tuy nhiên những cam kết này có thể không có cùng chuẩn mực như Hoa Kỳ.

Bà Sharon Squassoni, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói:

“Đối với vấn đề này, không có nghĩa vụ ràng buộc pháp lý đối với các nước để thi hành những biện pháp an ninh như Hoa Kỳ đã có đối với những chất liệu hạt nhân và những cơ sở hạt nhân cũng như những nguồn phóng xạ.”

Ông Collina nói mặc dù những tiến bộ thực sự đã đạt được trong những hội nghị thượng đỉnh vừa qua, phúc trình mới đây về những hoạt động của Nhà nước Hồi Giáo tại Bỉ chung quanh những cơ sở hạt nhân và theo dõi những kỹ sư hạt nhân cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa.

“Những sự mong muốn, những khả năng và ý chí đó quân khủng bố đều có, mà vào lúc này chúng ta lại không theo kịp mối đe dọa”.


VOA