Xin xây 2 thủy điện giữa khu bảo tồn




Khu bảo tồn Kon Chư Răng có rừng đặc dụng bao phủ đến 98%

Một công ty xin xây dựng hai thủy điện trong Khu bảo tồn thiên nhiên có rừng che phủ đến 98% ở khu vực Tây Nguyên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là rừng đặc dụng có độ che phủ cao nhất cả nước. Rừng nằm trong khu vực giữa tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 30/4 Gia Lai là đơn vị đề xuất xây hai nhà máy Suối Say 1 và Suối Say 2 trong rừng này.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc khu bảo tồn Kon Chư Răng nói với BBC Tiếng Việt về vị trí mà công ty trên nhắm tới xây dựng nhà máy: “Khu vực này nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nhưng giáp ranh giới phía Nam khu bảo tồn, nằm trên dòng Suối Say ở hạ nguồn chảy trong khu bảo tồn, cách ranh giới phía Nam khoảng 2km.”

Ông Ty giải thích: "Hầu hết hạng mục công trình được xây ở bờ Tây Suối Say, là khu vực phục hồi sinh thái. Trong khu bảo tồn có ba phân khu, một phân khu dịch vụ hành chính, phục hồi sinh thái, và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt”.

'Rừng có giá trị lớn'

Tuy nhiên, khi trao đổi với BBC, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ cho biết: “Đây là một khu rừng đặc điểm nguyên sinh của nó còn khá cao, có giá trị rất lớn trong tính đa dạng sinh học của nó, tạo ra một lá phổi hiếm hoi còn sót lại trong khu vực Tây nguyên.”

“Đối với những khu vườn quốc gia mang tính bảo tồn như vậy, khả năng giữ nước rất quan trọng vì nó sẽ cung cấp cho các vùng hạ lưu vào mùa khô hạn. Nước ở đó điều tiết trong khu rừng và ảnh hưởng đến vùng xung quanh. Chức năng điều tiết nước trong khu vực rất lớn.”

Ông Lê Anh Tuấn là một trong những chuyên gia về thủy điện tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và về vấn đề nước ở sông Mekong.

Khi được hỏi về tác động với khu rừng nếu đặt hai nhà máy thủy điện vào khu vực rừng được che phủ đến 98%, liệu sẽ có tác động gì, Giám đốc khu bảo tồn Kon Chư Răng Trịnh Viết Ty nói “có tính tới ” ô nhiễm nguồn nước, không khí, sạt lở đất.

Một trong những nguyên nhân xây thủy điện tại khu vực này được báo chí trong nước đề cập đến là để cải thiện việc làm và có thêm đóng thuế cho địa phương. Ông Ty cũng mô tả việc làm của kiểm lâm tại trạm là “khó khăn”.

Ông nói với BBC: "Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ 2004 đến nay nhưng cho đến giờ phút này, chưa được đầu tư xây dựng các trạm bảo vệ rừng, chưa có hệ thống đường tuần tra bảo vệ rừng, nên quản lý bảo vệ rừng cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong thời gian sắp tới, do hệ thống đường ở phía Nam và Đông của khu bảo tồn ngày càng áp sát đến rừng Kon Chư Răng.”

“Trong khi Kon Chư Răng lại không có hệ thống trạm bảo vệ rừng, đặc biệt là bên kia Suối Say, giáp với tỉnh Bình Định về mùa khô chúng tôi phải vừa bơi vừa lội rất nguy hiểm để qua Suối Say.”

“Cái suối đấy không sâu nhưng đặc biệt ghềnh thác, đá rất nguy hiểm. Nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đồng thời về mùa mưa chúng tôi không thể đi qua Suối Say để bảo vệ rừng ở phía giáp ranh tỉnh Bình Định. Để bảo vệ khu rừng, chúng tôi phải đi ngược lên thượng nguồn Suối Say, cách đấy 5 - 10 km mới có chỗ cắt rừng đi mất hai, ba ngày để có thể đi hết khu vực đó. Việc bảo vệ rất khó khăn."

Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai nói nếu xây thủy điện, sẽ có đầu tư 1.200 tỷ vào, và đóng thuế cho địa phương khoảng 25 tỷ đồng/năm.


Vị trí của rừng Kon Chư Răng trên bản đồ của Google Map

Nhà nghiên cứu Lê Anh Tuấn nói thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên “làm thay đổi đặc điểm thủy văn của những con sông, suối chung quanh nó. Thứ hai nữa những khu rừng này cắt đứt di chuyển của các loài sinh vật trong khu vực, và giảm bớt diện tích rừng cần thiết. ”

“Khi hình thành ra những hồ chứa thủy điện, ta đã phá vỡ rất nhiều cấu trúc sinh học và rất nhiều cây rừng.”

“Hoạt động thủy điện này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc, kẻ săn bắt trộm tiếp cận khu rừng. Đặc điểm sinh học của khu rừng bị đe dọa đáng kể,” ông Tuấn dẫn một loạt những vấn đề phải đối mặt khi có thủy điện giữa khu bảo tồn.

Bảo vệ 'rất chặt chẽ'

Trả lời chất vấn của BBC về nguy cơ lâm tặc, ông Ty từ Hạt kiểm lâm Kon Chư Răng nói: "Toàn bộ khu vực thủy điện kể cả trong quá trình xây dựng và vận hành và phải đi theo hệ thống đường trục và hai chốt kiểm lâm kiểm soát chặt chẽ. Đường vào nhà máy thủy điện là đường độc đạo, không thể chia nhánh đi qua các đường khác được" và cũng sẽ có con đường cho kiểm lâm đi “để bảo vệ khu vực giáp ranh tỉnh Bình Định” thay vì phải đi bộ nhiều ngày như hiện tại.

"Từ năm 2004 đến nay, kết quả kiểm kê rừng mới nhất năm 2014 thì diện tích và chất lượng rừng Kon CHư Răng tăng cả diện tích và chất lượng. Độ che phủ rừng Kon Chư Răng đã tăng 1,4% so với năm 2004, đặt 98% độ che phủ. Tỷ lệ rừng dầu Kon Chư Răng tăng gấp ba lần, xấp xỉ 10.000ha, tương đương trên 2/3 diện tích rừng của cả khu bảo tồn thiên nhiên," ông Ty nói về khu rừng mà đơn vị ông đang quản lý.

Nhưng cho dù có nhiều hứa hẹn từ doanh nghiệp và các đơn vị liên quan, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn vẫn nói nhà nước Việt Nam “"nên rất dè đặt ở các công trình thế này


BBC