Nguyễn Ánh 9 - Nhân chứng âm nhạc Sài Gòn





Báo chí đưa tin nhạc sĩ Nguyễn Anh 9 qua đời sau một thời gian nằm viện

Ông Ánh điềm đạm. Và ngồi đó, ở một góc Sài Gòn qua hai thế kỷ, qua mọi binh biến bể dâu, để kể lại câu chuyện âm nhạc Sài Gòn, một cách đầy yêu lụy như kể về một người tình ám ảnh.
Đóng cửa phòng trà

Tôi gặp ông năm 2008. Đó là thời điểm ông đang khó khăn để đưa ra một quyết định: đóng cửa phòng trà Tiếng Dương Cầm (địa chỉ số 373- 375 Nguyễn Trọng Tuyển, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).

Từ khi ông đấu tranh tư tưởng đóng hay để phòng trà này cho đến khi ông tổ chức đêm diễn cuối tại không gian âm nhạc mà ông cho là “đã dành hết tâm sức tuổi già”, phải đến 2 tháng.

Ông buồn cho mình, một đam mê tạm ngưng bỏ; nhưng lại lo cho một số nghệ sĩ, vừa mất đi một nơi để diễn, lại vừa mất đi một khoản thu nhập.

Và đam mê ấy, chính là mở một không gian âm nhạc cho các thế hệ nghệ sĩ được sống trong những tình khúc mà các ca sĩ Sài Gòn một thời hát mê đắm.

Những tình khúc của các đồng nghiệp ông, ở cái thời đại ông sống, và nó cũng như số phận của ông và những đồng nghiệp ấy, trải qua bao truân chuyên, nhưng vẫn luôn ở lại với người hâm mộ.

“Tội nhất là những nghệ sĩ đã có tuổi mà vẫn còn đam mê nhưng cuộc sống khó khăn. Họ hát kiếm sống, đam mê và bẽ bàng,” ông nói.

Đêm diễn cuối. Khán giả đến không đông lắm. Ca sĩ vẫn hát hăng say. Phía góc sân khấu, người chơi dương cầm lặng lẽ. Từng ngón tay vẫn lướt phím như một nghệ thuật chơi theo ông hàng mấy thập kỷ, nhưng có gì đó như nặng nề.




Sau này, ông có nói, đêm đó, ông đã thầm khóc.

Thực tế, phòng trà của ông đóng cửa, nguyên nhân chính là hồi đó, ngành giao thông đào đường, chắn lô cốt trên các con đường hàng tháng trời. Đường Nguyễn Trọng Tuyển, nơi có phòng trà của ông, cũng không ngoại lệ.

Thậm chí, có khúc đường đào xong, lấp rồi, một thời gian sau lại chắn lô cốt, đào tiếp. Nhây nhưa qua vài ba tháng, tất cả các chủ cửa hàng nằm ở vùng bị che chắn gần như khóc không thành tiếng.

Đến cả lối đi cho xe còn không có, ai có thể đỗ lại để mua bán? Hàng quán ế ẩm, kinh doanh thua lỗ, thuế vẫn phải đóng, nhiều người đã chọn giải pháp tạm ngưng kinh doanh.

“Chú không thể mở cửa phòng trà khi mỗi đêm chỉ có vài khách. Mình kinh doanh như thế thua lỗ là tất yếu. Nhưng buồn nhất là ca sĩ, cái cảm giác đứng hát mà dưới không có ai nghe, kinh khủng lắm,” ông nói.

Khi ông quyết định đóng cửa phòng trà, dù nhiều nghệ sĩ rất buồn nhưng họ lại ủng hộ ông. Nhạc sĩ Giáng Son từng tâm sự: “Bố (cô và nhiều nghệ sĩ gọi ông bằng “bố”) quyết định như thế là đúng. Bố thương nghệ sĩ, nhưng bố cũng phải sống cho bố nữa.”
Ở lại Sài Gòn để thử thách cảm xúc

Thực ra, khi mở phòng trà Tiếng Dương Cầm và hoạt động trong suốt 2 năm, ông Ánh vẫn không ngưng việc chơi dương cầm tại khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn.

Ông đã chơi đàn ở đó rất nhiều năm, và đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với bao du khách đến Sài Gòn, như thể ông thuộc về nơi đó.

Đóng cửa phòng trà, ông quay trở lại dành nhiều thời gian cho không gian âm nhạc đó hơn. Ông nói, ông đã chơi đàn như thế, mấy chục năm rồi, thì vẫn ngồi chơi như thế tiếp tục, giống như một người thợ hay một nghệ nhân nào đó, vẫn ở lại với đường phố Sài Gòn cho đến giây phút cuối cùng.

Và quả là thế. 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Đình Ánh (tên thật của ông) thà bỏ nhà đi chứ không bỏ âm nhạc. Ông quyết cãi lời bố ruột để chọn đam mê này, thay vì phải nghe theo sự sắp xếp của bố, chọn một tương lai ấn định chứ không phải là trở thành một nghệ sĩ “một đời lênh đênh” theo suy nghĩ của bố ông.

Nhiều người ngạc nhiên vì sự quyết liệt này của ông Ánh, vì ngoài đời, ông là một người hiền lành, ngỡ như dễ thỏa hiệp, mà lại có thể kiên quyết thế, ông nói: “Tôi hơi bảo thủ trong cảm xúc, quyết liệt nghe theo cảm xúc của mình, dù có nhiều lúc làm người thân phải tổn thương vì điều đó.”


Dòng người hối hả tại Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh

Sau sự kiện tháng 4/1975, ông không đi nước ngoài mà ở lại với Sài Gòn, cũng là một hình thức “quyết liệt nghe theo cảm xúc của mình” như thế.

Sau này, ông có tâm sự, ông muốn ở lại để thử thách cảm xúc của mình có bị mất đi một cách dễ dàng với mọi đổi thay hay không. Và trong dòng người đi, ông lại muốn mình ở lại. Vì ông thuộc về Sài Gòn, lớn lên với Sài Gòn, cuồng yêu với Sài Gòn.

Ở lại với công việc của người chơi nhạc ở một đoàn văn công khi ấy, chẳng bao lâu, vì mưu sinh, người nhạc sĩ, nhạc công này tạm xa cây đàn để làm một công việc không liên quan: nhân viên soát vé tại xa cảng miền Tây trong 2 năm.

Tôi đã từng ái ngại hỏi ông, rằng con người thuộc về âm nhạc, những ngón tay nhỏ nhắn dạo phím một đời thế, thì ông làm việc soát vé như thế nào, ông nói: “Nhà chú còn bỏ để mà đi thì việc soát vé đâu có gì con. Hơn nữa, những nghệ sĩ khi qua Mỹ cũng làm những việc phổ thông, thì mình ở đây, cũng làm việc phổ thông. Như nhau thôi mà.”

Ông cho rằng, ông đã ở lại và nếm trải đủ cảm xúc của mình với Sài Gòn, đủ cảm xúc của mọi kiếp người như ngoài phố, để hiểu Sài Gòn qua những trải nghiệm suốt cuộc đời.

Và ông lại về chỗ của ông, là cây dương cầm. Ông thuộc về nơi đó.
Yêu mãnh liệt


Sài Gòn vào những năm 1950s (Ảnh minh họa).
Như ông từng nói, sự quyết liệt của ông dễ làm đau người thân, và ông có dẫn chứng, người mà ông làm đau, chính là người vợ một đời chung tình với ông.

Mười tám tuổi ông bỏ nhà đi và có một mối tình đẹp với một nữ sinh Sài Gòn. Tình yêu đó bị gia đình cô gái ngăn cấm vì không muốn con mình gửi phận cho một nghệ sĩ nghèo, rồi gia đình ép cô gái phải đi Pháp học.

Ông sau đó cũng lập gia đình với một vũ công và người đó cùng ông đi đến hết đời ông. Người phụ nữ này, như có lần ông nói, ban đầu chỉ là tình thương nhưng càng sống thì những ân nghĩa càng vun đầy hơn.

Tôi nói, chú giống nhạc sĩ Đoàn Chuẩn quá. Một đời rong ruổi với bao nhiêu cuộc tình, cuối đời chỉ tri ân một người phụ nữ duy nhất. Ông chỉ cười: “Nhưng đời chú chỉ có một cuộc tình, và chỉ có một hạnh phúc thôi con ơi.”

Cuộc tình đó theo ông trong nhiều năm dù người tình không còn bên cạnh, đưa ông qua mọi cảm xúc từ hạnh phúc đến đau khổ, từ thương nhớ đến oán giận.

Và đến khi buông bỏ cảm xúc của mình bằng sự thứ tha, ông đã trở lại với cuộc sống bình thường của ông, vui buồn với hạnh phúc ấy. Và cũng lặng lẽ với nó, như lặng lẽ với Sài Gòn vậy.

Thực ra, nhiều bài báo viết về ông, nói rằng ông tri ân vợ và chỉ yêu người tình cũ, ông cũng chẳng trần tình dù ông biết có thể bà sẽ buồn vì điều đó.

Nhưng ít ai hiểu, cảm xúc xưa của ông đã khép lại khi người cũ của ông đã ấm êm, ông cũng phải có trách nhiệm với sự ấm êm của mình. Ông sống theo cảm xúc, thách thức cảm xúc của chính mình, nhưng cũng rất tôn trọng cảm xúc của người khác.

Mấy ngày ông bệnh, tôi có ghé khách sạn Sofitel. Cây đàn vẫn nằm im một góc.

Và hôm nay, người ngồi đó với cây đàn bao nhiêu năm, đã thành người thiên cổ.

Ừ thì, sinh lão bệnh tử, vòng luân hồi tự nhiên ấy ai cũng phải trải qua. Nhưng tiếc nuối thực sự cho một nhân chứng âm nhạc, là cảm xúc của tôi lúc này.

Lẽ ra, ông nên ngồi đó thêm nhiều năm nữa, để người đời vẫn nghe tiếng đàn ông. Và, một số những câu chuyện, những giai thoại về làng nhạc Sài Gòn năm xưa, khi mà những ca khúc cũ đã được biểu diễn trở lại một cách mạnh mẽ ở Việt Nam, cần nhân chứng xác tín một số giai thoại.

Và tôi thực sự tiếc nuối cho một nhân cách đẹp thực sự của làng nhạc, một người có đời sống lặng lẽ, tận hiến cho những điều tốt đẹp trong số ít những người như thế giữa đời, đã không ở lại với đời lâu hơn.


BBC