.

Tại sao con người có ráy tai


Ráy tai có chức năng bảo vệ, chống nhiễm khuẩn, ngăn bụi bẩn và giúp tai không bị sốc trước các âm thanh quá lớn.
Ráy tai và những điều chưa biết

Ráy tai được tạo thành từ khoảng 60 phần trăm keratin (một loại protein) và các tế bào da chết, axit béo, cholesterol, cùng nhiều hợp chất khác. "Hỗn hợp" này thường xuất hiện ở tai ngoài, tuy nhiên nó do các tuyến cerumenous (chuyên sản xuất chất sáp) ở bên trong ống tai tiết ra.





Ráy tai. (Ảnh: Health Check)

Thành phần của ráy tai ở mỗi người về cơ bản đều giống nhau, nhưng nó khác nhau về màu sắc và kết cấu. Những người ở các quốc gia đông bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc nhiều khả năng có ráy tai khô (ráy tai cứng, màu sắc từ đỏ đến đen, hoặc dễ bong thành từng mảnh và có màu vàng). Những người khác thường có ráy tai dính, màu sắc thay đổi từ vàng cam đến đỏ cam.

Theo các nhà khoa học, đây là một trong nhiều phương pháp bảo vệ sáng tạo của cơ thể con người. Nó giống như một cái bẫy dính, ngăn vật thể lạ và vi khuẩn lọt vào tai. Ngoài ra, ráy tai cũng có thể tự làm sạch, bong tróc và rơi khỏi tai. Vì vậy, trừ khi có sự tích tụ quá nhiều ráy tai, chúng ta không nên loại bỏ chúng.


Cập nhật: 16/03/2015
Theo VnExpress.net

Điều cần biết khi lấy ráy tai


Cách lấy ráy tai an toàn nhất là mua thuốc nhỏ tai về, nhỏ vài giọt vào tai, nằm ghé sang một bên sao cho thuốc nhỏ ngấm vào tai trong vài phút. Sau đó xoay nghiêng đầu bạn để thuốc cùng ráy tai chảy ra ngoài.

Tại sao cần lấy ráy tai?

Theo Bodyandsoul, tiết ra ráy tai là cách vệ sinh tốt nhất mà lỗ tai tự làm sạch cho chính nó, đồng thời giữ da trong tai khỏe mạnh. Ráy tai, được bài tiết từ các tuyến trong ống dẫn tai, sau đó những sợi lông nhỏ sẽ đưa chất thải ra ngoài. Quá trình đưa ráy tai ra ngoài cũng giúp lấy đi bụi bẩn trong tai. Do đó ráy tai mà ta lấy ra là "hỗn hợp" của chất sáp trong tai, bụi bẩn và tế bào da.

Những chuyển động của hàm, chẳng hạn khi nói chuyện hoặc nhai có tác dụng massage, đẩy ráy tai ra phía ngoài và rơi ra. Do đó bạn đừng nghĩ rằng lấy ráy tai là phải thọc sâu vào bên trong tai, thực ra bạn không cần phải làm gì cả, ngoại trừ việc thỉnh thoảng lau sạch tai ngoài bằng khăn mềm. Tuy nhiên, đừng làm quá thường xuyên, vì nó sẽ lấy đi luôn lớp sáp bảo vệ lớp niêm mạc ống tai, thậm chí làm tai ẩm ướt có thể dẫn đến nhiễm trùng.




Tại sao tai thường bị bịt kín bởi ráy tai?


Hiện tượng này thường xảy ra khi ráy tai đang cố gắng chen ra ngoài. Lúc đó bạn có thể tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ. Riêng đối với một số người, tai dễ bị tắc do vài nguyên nhân như: ống dẫn tai hẹp hoặc rậm lông, tai sản sinh nhiều ráy tai hoặc ráy tai cứng, tình trạng da đầu, nhiễm trùng tai nhiều lần, sự tăng trưởng xương lành tính ở phần tai ngoài, tuổi tác (vì người càng lớn tuổi ráy tai càng khô), thiết bị trợ thính, đeo tai nghe trong thời gian dài cũng có thể gây cản trở cho quá trình ráy tai thoát ra ngoài nhưng không đáng kể.

Làm thế nào để khai thông khi bị ráy tai bịt kín?

Cách an toàn nhất là mua thuốc nhỏ tai từ hiệu thuốc. Nhỏ một vài giọt vào tai, nằm ghé sang một bên sao cho thuốc nhỏ ngấm vào tai trong vài phút, sau đó xoay nghiêng đầu bạn để thuốc cùng ráy tai chảy ra ngoài. Bạn có thể phải làm như thế vài lần.

Bạn cũng có thể làm mềm ráy tai bằng một vài giọt dầu ôliu, dầu dành cho em bé hoặc hydrogen peroxide.

Nếu tai bạn thật sự bị bít kín, nên đến bác sĩ để dùng ống tiêm đưa ráy tai ra ngoài hoặc sử dụng một loại dụng cụ lấy ráy tai đặc biệt.

Màu của ráy tai là gì?

Ráy tai có nhiều sắc thái từ vàng, nâu đến đỏ, tất cả đều bình thường. Với những triệu chứng bất thường chẳng hạn bạn có cảm giác ngứa tai hoặc mùi khó chịu, có thể bạn đã bị viêm tai. Ống dẫn tai của bạn cũng giống như một cái hang, vì vậy nếu bị nấm hoặc vi khuẩn, lúc này bạn cần uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Làm thế nào để nhận biết mình bị tắc nghẽn ráy tai?


Một vài triệu chứng sau đây để bạn nhận biết: Điếc nhẹ, đau tai, ù tai, chóng mặt. Hoặc khi bạn có thể có cảm giác lùng bùng ở tai, tuy nhiên triệu chứng này không hoàn toàn do ráy tai, nếu bạn bị cảm lạnh, có thể đó là do chất nhầy trong tai gây nên.


Cập nhật: 25/12/2013
Theo VNE

Lấy ráy tai thế nào cho đúng?



Nhiều trường hợp biến chứng vì lấy ráy tai thường xuyên, nên tự vệ sinh ống tai bằng cách nhỏ vào tai vài giọt oxy già rồi dùng khăn lau sạch.

Nhiều người rất ghiền đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai. Cũng có người tự lấy ráy tai ở nhà. Không ít người phải đi bệnh viện vì lấy ráy tai.

Bác sĩ Tô Quang Định, Phòng khám Bác sĩ Gia đình Sài Gòn cho biết ráy tai là chất tiết của da ống tai ngoài, bao gồm chất bã tiết ra từ nang lông, tế bào da ống tai, lông da ống tai. Tính chất vật lý của ráy tai phụ thuộc vào chủng tộc. Ráy tai có hai loại ướt và khô. Ráy tai ướt sền sệt, có màu vàng nhạt đến vàng nâu, có mùi hơi tanh. Ráy tai khô có màu xám. Bình thường ráy tai bị đẩy ra ngoài lỗ tai do hoạt động của khớp nhai phía trước ống tai.

Ráy tai có nhiệm vụ ngăn chặn bụi, vi nấm, vi trùng xâm nhập vào sâu bên trong ống tai ngoài để gây bệnh. Như vậy ráy tai là chất tiết sinh lý của da ống tai ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ tai và ráy tai sẽ tự đào thải ra ngoài lỗ tai. Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra.






Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra.

Theo bác sĩ Định, đã có nhiều nghiên cứu về nghe kém gây ra do ráy tai. Có người ráy tai nhiều làm bít ống tai ngoài gây nghe kém ù tai, cần phải lấy ráy tai. Không ít bệnh nhân đến khám vì biến chứng từ nhẹ (nhiễm trùng ống tai) đến nặng (thủng màng nhĩ) do tự lấy ráy tai.

Lời khuyên khi lấy ráy tai:

- Không lấy ráy tai thường xuyên.

- Không tự ý lấy ráy tai.

- Không nhờ người không có chuyên môn y khoa lấy ráy tai.

- Chỉ dùng khăn lau vành tai và lỗ tai, không cho bất cứ vật gì (que bông, móc tai kim loại...) vô sâu trong tai. Khi cần lấy ráy tai, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng là người hiểu biết, có kỹ năng giúp xử lý một cách khoa học.

- Nên tự vệ sinh ống tai bằng cách nhỏ vào tai vài giọt oxy già. Oxy già sẽ sủi bọt, đẩy ráy tai ra ngoài, ta chỉ việc dùng khăn lau sạch lỗ tai. Chỉ nên lấy ráy tối đa 2 lần trong tháng. Lưu ý sau khi nhỏ oxy già vô tai, bạn sẽ nghe tiếng lép bép trong tai. Tiếng lép bép này là do các bọt khí của oxy già bị vỡ ra, sau 5 phút sẽ hết.


Cập nhật: 07/03/2016
Theo VnExpress