Trung Quốc có động cơ chính trị trong vụ xả nước sông Mekong





Hai chiếc xuồng nằm trên mặt đất nứt nẻ trong một vùng khô hạn tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam. Việt Nam đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 90 năm qua, theo một tuyên bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.



Việc xả nước sông Mekong là để giảm bớt hạn hán kỷ lục ở Đông Nam Á, nhưng các nhà phân tích cho biết việc xả nước của Trung Quốc chỉ là bề nổi và khó có thể xoa dịu những ngờ vực phía hạ nguồn về động cơ chính trị của Bắc Kinh.

Đông Nam Á hiện đang chịu hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến nguồn cung cấp nước từ sông Mekong cho cả sinh hoạt lẫn nông nghiệp gặp khó khăn.

Sông Mekong, mà Trung Quốc gọi là Lan Thương, chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua Vân Nam sang Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trung Quốc đã xả nước từ đập Cảnh Hồng ở Vân Nam từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 10 tháng 4. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ xả thêm nước cho đến khi “thời kỳ mực nước thấp" kết thúc.

Trong khi một số nhà quan sát hoan nghênh động thái này, các nhà phê bình nói rằng Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm hạn hán bằng cách xây dựng rất nhiều đập nước trên sông.

Ông Zhang Mingliang, giáo sư tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Tế Nam, cho biết, việc xả nước chỉ là bề nổi và dường như không thể vượt qua sự chỉ trích từ lâu về việc quản lý nước ở thượng nguồn của Trung Quốc.

Trung Quốc hy vọng Hội nghị thượng đỉnh các nước Mekong sẽ khôi phục lại đề án cơ sở hạ tầng giữa những lời chỉ trích về các dự án đập nước lớn phía thượng nguồn con sông.

Ông Zhang nói: “Đã có sự chỉ trích việc kiểm soát nguồn nước của Trung Quốc từ các nước khu vực sông Mekong trước kỳ hạn hán năm nay”.

Theo trang tin Mizzima của Myanmar, động thái của Trung Quốc “nhấn mạnh sức mạnh Trung Quốc hiện nắm giữ đối với lưu vực sông Mekong”.

Ông Pianporn Deetes, giám đốc chiến dịch ở Thái Lan và Miến Điện cho nhóm vận động Sông ngòi Quốc tế, cho biết việc xả nước dường như có động cơ chính trị.

Tại Việt Nam, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở 10 trong số 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 1,8 triệu người đang bị thiếu nước sinh hoạt và gần 160 ngàn ha lúa bị phá hủy tính từ cuối năm ngoái tới nay.

Năm 2010, Trung Quốc từng bị lên án là không xả đủ lượng nước từ các đập thượng nguồn, gây khó khăn kinh tế cho các cộng đồng cư dân hạ nguồn Mekong.

Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong trong công tác ứng phó với hiện tượng khí hậu khắc nghiệt và bảo vệ tài nguyên nước.

Theo SCMP, VOA