Một "nước Việt Nam" khác





Tính từ "Tháng Tư Đen" 1975, người Việt có mặt ở hải ngoại đã được đúng 41 năm. Khi đợt người tị nạn đầu tiên ồ ạt bỏ nước Việt Nam ra đi bất chấp gian nguy trước sự ngạc nhiên của thế giới ngu ngơ (khi chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã được tái lập, "đất nước đã sạch bóng quân thù"…), "bên thắng cuộc" giải thích rằng đó những kẻ có nợ máu với nhân dân, hay bất lương, đĩ điếm, lười lao động, những cặn bã của xã hội cũ không thể thích ứng với xã hội mới của "cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Nay, 41 năm sau, dân số người Việt, hay gốc Việt, ở hải ngoại được ước tính không dưới bốn triệu và vẫn còn đang tìm cách ra đi.

Và, đã từ lâu lắm rồi, Việt cộng đã liếm hết những gì họ nhổ ra, âu yếm gọi "Việt kiều" là "khúc ruột xa ngàn dặm của tổ quốc", và đang hục đầu vào cái "khúc ruột già" ấy tranh nhau ăn.

Sau 41 năm, người Việt ở hải ngoại đã hoàn thành một tiến trình hội nhập vào quê hương mới với thế hệ thứ hai sinh ra đầu tiên nay cũng đã vào tuổi trung niên, góp mặt ganh đua trong hầu hết các lãnh vực của đời sống, từ kinh tế tài chánh đến chính trị, quân sự, giáo dục, truyền thông…Và thế hệ thứ ba đã bắt đầu góp mặt.

Với sự thành công làm ngạc nhiên những cái đầu u tối đầy thành kiến, kỳ thị và ganh ghét, trước hết phải "vinh danh" văn hóa Việt Nam và thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn cộng sản.

Nhờ mang trong máu nền văn hóa của một xã hội lấy gia đình làm nền tảng, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm phương châm, những người Việt ở miền Nam rời bỏ đất nước trong nỗi kinh hoàng và mất mát toàn diện đã làm lại từ hai bàn tay trắng trên những đất nước xa lạ, và dẫn dắt con cháu đi đến thành công.

Hãy nghe một người Mỹ (có nghĩa là con cháu của những di dân lâu đời) mở mắt cho một người Mỹ khác:

"Tôi đã nghe tất cả những điều nhảm nhí này cách nay 41 năm khi làn sóng người tị nạn đầu tiên đến nước Mỹ. Nếu ông chịu khó tự tìm hiểu, họ chính là những người bị Hoa Kỳ bỏ rơi đến không còn phương tiện để tự vệ. Tôi đã ở VN từ 1971 đến 1975 và tận mắt chứng kiến thảm kịch khả ố của việc cắt đứt viện trợ này. Tôi ghê tởm nước Mỹ đến nỗi không muốn trở về nếu cha mẹ tôi không đang sống ở đây. Khi làn sóng người di tản tiếp tục đến, một số kẻ mang danh người Mỹ ngu ngốc mà làm tài khôn đã tiên đoán đây là một tai họa, họ nói rằng người Việt Nam lười biếng, ngu dốt, hèn nhát, bất lương, vân vân. Tất cả đều là sai lầm, tất cả chỉ là nổ sảng của những kẻ ngu xuẩn. Ông hãy làm một bài tập nhỏ: thu góp tất cả những dữ kiện, thống kê có được và ông sẽ thấy sắc dân Mỹ gốc Việt đang nằm trong số những công dân rất, rất tuyệt hảo của đất nước chúng ta. Họ có tỷ lệ phạm pháp thấp, học hành nhiều, mức độ ly dị thấp, và tuyệt vời về mọi mặt khác trong những sinh hoạt gia đình và xã hội lành mạnh. Nói thẳng ra, họ là những công dân tốt hơn số đông khác.

"Khi từ Việt Nam trở về Mỹ, tôi vẫn tiếp tục tiếp xúc với cộng đồng người Việt để thấy họ vẫn làm việc siêng năng, bền bỉ, đáng kính phục như ngày nào còn ở VN. Nhiều người có trình độ kỹ sư đi làm nghề chùi rửa nhà vệ sinh cho đến khi học xong tiếng Anh. Nhiều cựu viên chức cao cấp phải đi làm hai nghề với đồng lương tối thiểu, trong khi người vợ làm công việc lương thấp nhất cho các con được đi học. Một gia đình ba con nay đã thành chuyên gia: hai trong ngành y và một kỹ sư điện tử. Ông biết gì không? Hầu hết dân Mỹ sanh đẻ ở đây đã không có tinh thần kỷ luật, đạo tắc chức nghiệp như họ. Họ không ăn thịt chó, thịt mèo. Không ai nấu nướng trên sàn chung cư. Họ chỉ có một điều là làm việc rất, rất siêng năng, một nỗ lực mà nhiều người Mỹ đương thời lười biếng không muốn hay không kham nổi.

"Ông đã tuyên bố dựa trên những gì ông nghe chứ không dựa trên những gì ông biết. Một Thượng Nghị Sĩ tương lai không thể đặt nền tảng chính sách của mình trên tin đồn hay ‘nghe nói’. Những phát biểu của ông phản ảnh sự ngu dốt sâu xa về những bình diện quan trọng của đất nước, của những người làm thành cử tri đoàn bỏ phiếu. Ông đã không để ý đến Cộng Đồng người Việt, và tôi dám bảo đảm với ông, một số rất đông cựu chiến binh gốc Việt sẽ đặt vấn đề về những câu nói hết sức ấu trĩ của ông. Ông đã tự chứng tỏ không hề có chút kiến thức hay nhạy bén chính trị nào mà đòi lăm le cái ghế tại Thượng Viện Hoa Kỳ…" (Nguyễn Thế Thăng trích dịch từ bức thư của Bill Laurie gửi Faye Steward – Comments on Vietnamese Community)





Faye Steward là một ứng cử viên đảng Cộng Hòa ở tiểu bang Oregon, đã tuyên bố láo lếu về Cộng đồng người Việt và đang như ngồi trên đống lửa lo chống đỡ búa rìu dư luận, trong đó có lá thư của ông Bill Laurie dạy bảo khá nặng.

Nhân đây, cũng cần nói đến những hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt của các cộng đồng người Việt ở hải ngoại từ nhiều năm nay làm người bi quan thường lên tiếng chỉ trích. Nào là chia rẽ. Nào là quá nhiều hội đoàn và phe nhóm, nhưng hữu danh vô thực. Nào là chửi nhau, chụp nón cối cho nhau. Nào là tranh giành nhau chức tước, danh vọng, dù chỉ là chức hàm, danh hão, vân vân.

Thực ra, những chỉ trích trên đây phần nào cũng đúng, nhưng đó chỉ là những hiện tượng "chậm tiến" còn sót lại nơi một số người vẫn giữ nguyên não trạng làng xã mang theo từ Việt Nam, đang dần dần… rời khỏi cuộc chơi.

Trong khi đó, một nước Việt Nam khác đang thành hình ở hải ngoại với thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai, thứ ba.

Nhiều người đã sai lầm với ý nghĩ rằng không bao lâu nữa người gốc Việt ở hải ngoại sẽ tan biến vào quê hương thứ hai khi thế hệ thứ nhất không còn nữa. Các con cháu của thế hệ này sẽ mất gốc và bị đồng hóa vào dân Mỹ, dân Tây, dân Canada, dân Úc, vân vân.

Không hẳn như vậy. Trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, người ta đang chứng kiến một sự về nguồn đáng ngạc nhiên trong giới trẻ.

Mục Sổ Tay này trước đây vài tuần, bài "Một con đường, ba thế hệ" có nói tới tổ chức AASUCCESS ở Vùng Hoa-Thịnh-Đốn đang trên đà phát triển qua sự hợp tác hài hòa của ba thế hệ người Việt tại đây mà nòng cốt là những người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai.




Chiều chủ nhật 10 tháng tư vừa qua, một cuộc tiếp tân khá long trọng đã được tổ chức tại nhà riêng anh Nguyễn Trọng Đạt, con chim đầu đàn của AASUCCESS, để mừng mùa xuân mới và anh có dịp cảm ơn những người đã trợ giúp tổ chức này trong những năm qua. Tại đây, người ta thấy sự góp mặt của nhiều lứa tuổi, từ 20 tới 80, mà không có sự ngăn cách, không có ai nhân danh chủ tịch và không có diễn văn, diễn từ. Anh Đạt đã cảm ơn mọi người và nói vắn tắt về đoạn đường đã qua của mình trên quê hương mới, từ một chú bé thuyền nhân trên mười tuổi hơn 30 năm trước một mình đặt chân lên đất nước xa lạ này, nhờ gia đình thân nhân cưu mang, giúp đỡ và cố gắng vươn lên để có ngày hôm nay, và anh thấy có bổn phận phải trả cái ơn ấy cho gia đình, xã hội, và cộng đồng. Anh giới thiệu người cha và cảm ơn ông đã cho anh rời gia đình đi vượt biên 30 năm trước và ông đã tiếp lời con cảm ơn mọi người, từng người, đầu tiên là ông bà Nguyễn Quốc Quân đã bảo lãnh và đùm bọc con mình trong những năm đầu. Ăn mặc xuề xòa, cử chỉ khiêm tốn, nhưng qua những lời lẽ đầy nghĩa tình và nhân bản, người ta thấy nơi ông bản sắc của nền văn hóa Việt Nam mà ngày nay hầu như không còn nữa ở quê nhà.

Tại cuộc tiếp tân này, người ta chú ‎ đến một màn ảnh lớn trên đó rọi chiếu bản sơ đồ của "Trung tâm sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam" được biết là một dự án lớn mà AASUCCESS đặt trọng tâm thực hiện. Đây là ước mơ lâu năm của người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn.

Tham dự buổi tiếp tân này có nhiều người tai mắt trong cộng đồng người Việt ở đây, kể cả ông Chủ tịch Đoàn Hữu Định và ông Đinh Hùng Cường, người sẽ ra ứng cử chức chủ tịch nhiệm kỳ sắp tới với một chương trình làm việc khá lớn, trong đó có chủ trương trẻ hóa sinh hoạt cộng đồng và xây dựng một "Trung tâm sinh hoạt Cộng đồng".

Hai mục tiêu này có đạt được hay không cũng cần có sự hợp tác của giới trẻ mà những năm qua đã vắng bóng trong những sinh hoạt cộng đồng mang màu sắc chính trị.

Riêng ông Đinh Hùng Cường thì không phải là người xa lạ với cộng đồng người Việt trong vùng thủ đô nước Mỹ. Có lẽ gia đình ông là những người trong nhóm tị nạn đầu tiên tới đây định cư sau ngày quốc nạn năm 1975 và đã làm nên cơ nghiệp bằng nghề sơn nhà. Nhưng đó là chuyện riêng của gia đình ông cũng như bao nhiêu gia đình người Việt tị nạn khác đã gây dựng lại cuộc đời từ con số không.

Người ta biết nhiều tới ông Đinh Hùng Cường là do những đóng góp của cả gia đình ông trong tiến trình xây dựng cộng đồng ta tại đây ngay từ những ngày đầu. Người ta còn biết tới ông Đinh Hùng Cường vì ông là bố vợ một ông tướng Mỹ đã mặc áo dài khăn đóng theo phong tục Việt Nam trong ngày cưới con gái ông. Người ta cũng biết tới ông có bà mẹ vợ được con cháu tổ chức lễ sinh nhật 100 tuổi rất long trọng cách đây không lâu và trong những năm qua cụ luôn luôn có mặt bên cạnh con cháu trong những cuộc biểu tình chống cộng.

Gần đây, trong cộng đồng cũng có những lễ Thượng Thọ, Đại Thọ do con cháu tổ chức mừng cha mẹ theo tập tục Việt Nam trong đó con cháu đã nói lên tấm lòng hiếu thảo, tôn kính và ghi ơn cha mẹ. Những ngày Tết ta, các cháu thuộc thế hệ thứ ba xúng xính trong những bộ quốc phục mới tinh theo cha mẹ tới mừng tuổi ông bà để được lì xì.

Những sinh hoạt trên đây không phải là đặc thù của Cộng đồng người Việt Vùng Hoa-Thịnh-Đốn nhưng có thể phóng chiếu tới nhiều nơi ở hải ngoại đang tạo thành một "nước Việt Nam" khác, một nước Việt Nam vô hình nhưng mang Hồn Nước thiêng liêng, bất diệt để một ngày sẽ trở về gây dựng lại cơ đồ mục nát.


Ký Thiệt