LHQ: Iraq đối diện với khủng hoảng nhân đạo biến động





Lực lượng an ninh và người dân tập trung tại hiện trường vụ đánh bom xe liều chết ở khu vực nhiều người Shia sinh sống, phía đông Baghdad, Iraq, ngày 25 tháng 4 năm 2016.

Iraq đang nỗ lực đối phó với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo biến động nhất trên thế giới cũng như chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan hung hãn, trong khi oằn mình dưới mức giá dầu thấp, mặt hàng xuất khẩu chính yếu của nước này, và bất ổn chính trị đang lớn dần. Thông tín viên Sharon Behn của VOA đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Lise Grande, Điều phối viên Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, để nói về những thách thức mà Baghdad đang đối mặt.

VOA: Tổn thất của việc chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo là gì?

Grande: Tổn thất của cuộc chiến làm suy yếu và đánh bại IS là hết sức to lớn ở Iraq, kể từ khi ISIL nổi dậy vào năm 2014, hơn 3,4 triệu người Iraq đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Nhiều người trong số những người này đã mất tất cả mọi thứ. Họ đã mất tài sản, mất cộng đồng, họ bị buộc phải sống lưu vong, tác động là hết sức to lớn. Chỉ riêng trong năm qua, chúng ta đã thấy 1 triệu người phải tản cư, và dự liệu của chúng tôi là khi chiến dịch đánh IS tăng cường độ, chúng ta có thể chứng kiến lên tới thêm một triệu người, nếu không phải nhiều hơn, phải tản cư trong những tháng tới. Nếu bạn nhìn vào tỉ lệ phần trăm dân số bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ISIL, chúng ta đang nói về gần một phần ba cả nước Iraq phải trả trả giá ở một mức độ nào đó.

Có 3,4 triệu người đã phải tản cư, nhưng có thêm 7 triệu người Iraq sống trong những cộng đồng cho ở nhờ. Những cộng đồng này đang gặp khó khăn vì họ đã mở cửa đón nhận, họ đã mở ra cộng đồng của mình, và họ là những gia đình cho ở nhờ, và điều kiện sinh sống của chính họ đã xấu đi vì lý do đó.

Nhìn chung, chúng tôi đã ước tính rằng có khoảng 10 triệu người Iraq hiện cần một số hình thức hỗ trợ nhân đạo nào đó, và đến cuối năm nay con số đó có thể sẽ lên gần 12 nếu không phải 13 triệu người Iraq. Đó là một con số rất lớn, vô cùng lớn.
VOA: Điều này đã có tác động gì đối với người dân Iraq?

Grande: Bất cứ khi nào có rất nhiều người phải tản cư và tản cư vì bạo lực kinh hoàng, họ đang lánh khỏi những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất từng gây ra trên thế giới. Thật khó mà tin được những tình cảnh mà họ đang rời bỏ và những tình cảnh mà họ đang lánh khỏi. Và trong mọi trường hợp, tác động tâm lý gần như trong thể tính toán được. Chúng ta sẽ thường nhắc tới điều mà chúng ta gọi là một thế hệ mất mát, và đây là một thế hệ mất mát không chỉ là trẻ em mà cả những người trẻ tuổi, thực tế là cả những gia đình. Việc dời cư, bạo lực và tác động đối với người dân, nó hủy hoại cuộc đời. Người ta có thể hồi phục, người ta chắc chắn sẽ hồi phục, nhưng vào lúc khủng hoảng chứng kiến những gì xảy ra là việc đau lòng.

VOA: Có những cơ hội nào cho sự hòa giải sau sự phân cực và bạo lực như vậy?

Grande: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong những trường hợp những gia đình ở lại dưới sự kiểm soát của ISIS, có mối ngờ vực sâu sắc về động cơ của họ làm điều đó, từ những gia đình đã rời đi, và khi những gia đình này quay trở về, và những gia đình không rời đi vẫn còn ở đó, vấn đề làm thế nào bạn hòa giải những nhóm người này, làm thế nào bạn ngăn chặn sự trả đũa - ở một trong hai bên - là hết sức to lớn. Trong số 3,4 triệu người phải tản cư từ khi ISIS nổi dậy, 500.000 người đã trở về nhà chỉ riêng trong năm qua. Họ đã trở lại những cộng đồng của họ đã được giải phóng khỏi ISIL và bây giờ nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Và sự hòa giải, khoản tiền bồi thường có vai trò rất lớn trong quá trình này. Chúng tôi đã thấy trong nhiều trường hợp những gia đình không chuẩn bị sẵn sàng quay trở lại cho đến khi họ biết rằng khoản tiền bồi thường sẽ được chi trả, rằng đã có một quá trình phân xử ở cấp cộng đồng định ra những loại bồi thường cần thiết để ngăn chặn sự trả đũa.

Điều rất quan trọng là tầng lớp chóp bu chính trị và những nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào việc hòa giải chiến lược, rằng có một sự phân bổ chính trị giữa tất cả những nhà lãnh đạo chính trị trên khắp cả nước, bất kể họ từ đâu tới, để mà hợp nhất Iraq. Có một yếu tố rất hệ trọng cho sự hòa giải xảy ra ở cấp độ cộng đồng và đây là những gì mà tôi vẫn mô tả, nơi mà những gia đình và những bộ tộc và những cộng đồng tìm cách giải quyết bất đồng, và cùng tồn tại và sống với nhau như họ đã từng làm trước đây. Đó là một quá trình khó khăn, nhưng nó rất hệ trọng.


Một người cha đau buồn giơ hình của con trai ông, một người lính Iraq đã thiệt mạng, trong một phòng xử án Baghdad, ngày 08 tháng 7 năm 2014.

VOA: Những gia đình phải tản cư đã có thể quay trở lại cộng đồng của họ đã được chiếm lại từ tay IS hay chưa?
Grande: Khi thành phố Tikrit nổi tiếng được giải phóng và được các lực lượng chính phủ kiểm soát, khi điều đó xảy ra Liên Hiệp Quốc đã có thể giúp chính quyền địa phương bình ổn khu vực này tương đối nhanh chóng để những gia đình có thể trở lại, và việc này cho chúng tôi rất nhiều sự tự tin rằng quá trình bình ổn có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng và tương đối không tốn kém. Sau đó Ramadi được giải phóng. Và trong trường hợp của Ramadi, thành phố này bị đặt bẫy mìn. Và nó bị đặt bẫy với một số trong số những thiết bị nổ tự chế phức tạp nhất mà chúng tôi từng nhìn thấy ở bất cứ nơi nào, và toàn bộ thành phố bị đặt mìn theo một cách không thể đoán định được. Vì vậy, chúng tôi phải đi từng con đường, từng khu vực, để xác định nơi đó có bị đặt mìn không và nếu nó thì tháo bỏ để những gia đình có thể trở về an toàn.
Chuyện này không xảy ra ở Tikrit nhưng nó xảy ra ở Ramadi và chúng tôi rất lo lắng là nó sẽ xảy ra ở một nơi như Mosul, ở Fallujah và Hawija và trong những khu vực khác vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của ISIL.

VOA: Bà có thể ước lượng tác động nhân đạo của trận chiến giành thành trì Mosul của IS không, thành phố lớn thứ hai ở Iraq?
Grande: Nó sẽ tùy thuộc vào cách thức mà trận chiến được thực hiện. Nếu thiệt hại hạn chế, chiến sự được kiềm chế, dân chúng được bảo vệ trong quá trình đó, vậy thì chúng tôi dự liệu rằng 300.000 người sẽ bị ảnh hưởng. Nếu giống như Ramadi, có thể có hơn 1 triệu người đến 1,2 triệu người sẽ phải tản cư. Nếu nhà của họ bị phá hủy, họ sẽ phải tản cư hàng tháng trời. Nếu có đầy rẫy bẫy mìn và thiết bị nổ tự chế thì cộng thêm nhiều tháng nữa.

VOA: Những tổ chức nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về việc đối xử với những người Sunni lánh nạn và tản cư, ví dụ ở Kirkuk. Chuyện gì đang xảy ra?

Grande: Tôi nghĩ rằng vấn đề này về an ninh của dân chúng sẽ có vai trò trọng yếu đối với tất cả mọi thứ xảy ra. Nó đã có vai trò trọng yếu trong trường hợp Kirkuk, nơi có những gia đình đến từ Hawija và nhà chức trách có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu những gia đình này có thể đã ủng hộ ISIL hay không, họ có thể đã đồng lõa hay không. Vì vậy yếu tố rà soát an ninh tác động tới việc liệu những gia đình có thể di chuyển hay không, khi những gia đình đang được rà soát thì nhà chức trách muốn họ ở yên tại chỗ, không muốn họ di chuyển. Theo hiểu biết của chúng tôi với nhà chức trách, một khi quá trình rà soát đã xong và những gia đình được chấp thuận, họ có thể di chuyển, họ là công dân Iraq mà, họ được phép di chuyển và đi tới nơi nào mà họ lựa chọn. Nhưng chính quá trình rà soát này, tất nhiên đó là thẩm quyền của nhà chức trách để thực hiện, chúng tôi cũng đã khuyến khích họ rõ ràng, minh bạch về việc này, công bằng và công tâm về cách mà nó được thực hiện. Nhưng đó là khi những gia đình bị nhà chức trách câu lưu. Như bạn đã chỉ ra, việc này đang xảy ra ở Kirkuk, nó xảy ra khi những gia đình rời Ramadi, nó đang xảy ra với những gia đình đang lánh khỏi Hit. Nếu người dân ồ ạt lánh khỏi Mosul, tất nhiên chuyện đó cũng sẽ xảy ra.


Lực lượng an ninh Iraq kiểm tra giấy tờ tùy thân tại một trạm kiểm soát gần lối vào Ramadi, 70 dặm (115 km) về phía tây Baghdad, Iraq, ngày 03 tháng 4 năm 2016.
VOA: Iraq có lực lượng an ninh song song, quân đội Iraq và lực lượng dân quân Shia gộp chung dưới cái tên Hashd al Shaabi hoặc Lực lượng Huy động Quần chúng (PMF), một nhóm mà đã bị cáo buộc có những vi phạm nhân quyền. Làm thế nào có thể hòa giải họ?

Grande: Tôi nghĩ rằng đã có một số bước rất tích cực, trong đó Lực lượng Huy động Quần chúng đã được chính thức đưa vào bộ tư lệnh và những cấu trúc kiểm soát của lực lượng an ninh Iraq, và điều đó đã định hình và tạo nên kỷ luật cho cách thức mà PMF hoạt động. Từ quan điểm của Liên Hiệp Quốc, một trong những điều quan trọng nhất trong bất kỳ bối cảnh xung đột hay bạo lực hay chiến tranh nào là sự tôn trọng của các bên tham gia xung đột đối với luật nhân đạo quốc tế. Đây là một điểm mà chúng tôi đã nêu ra với khắp lực lượng an ninh Iraq, với tất cả các bên trong cuộc xung đột, với Lực lượng Huy động Quần chúng, giúp giáo dục họ về những nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế và tiếp tục nhấn mạnh rằng là một bên trong cuộc xung đột luật áp dụng cho họ. Rõ ràng là đã có những vụ vi phạm khắp các lực lượng. Một phần trách nhiệm của chúng tôi là theo dõi những vụ đó, báo cáo và thực hiện bước quan trọng nhất là vận động những thủ phạm chấm dứt. Họ phải chịu trách nhiệm về điều đó.

VOA: Sự bất ổn chính trị ở Iraq đang ảnh hưởng đến tình hình như thế nào?

Grande: Một trong những điều rất quan trọng về Iraq hiện nay là Iraq không chỉ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà là ba cuộc khủng hoảng cùng lúc. Một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo biến động nhất, lớn nhất thế giới là ở Iraq. Đồng thời, chính phủ cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh rất lớn trong khi họ đang cố gắng làm suy yếu và đánh bại ISIL. Và thứ ba, đất nước đang đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính có thể là nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây, cả ba cuộc khủng hoảng đang diễn ra cùng một lúc. Rất khó để đối phó với một trong ba cuộc khủng hoảng này. Cố gắng đối phó với cả ba thì gần như là tê liệt. Và tôi nghĩ điều mà chúng ta đang thấy là những nhà lãnh đạo chính trị đang chật vật đối phó với cả ba. Điều này đã tạo ra những căng thẳng và những vấn đề mà rất khó để quản lý. Nhìn từ quan điểm nhân đạo, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là có một chính phủ ổn định, minh bạch và rằng chính phủ duy trì trách nhiệm của mình theo luật nhân đạo quốc tế và làm tất cả mọi thứ có thể để bảo đảm rằng người dân được an toàn và rằng họ nhận được những dịch vụ mà họ cần và đáng có để tồn tại. Đó là điểm mấu chốt.

Lực lượng an ninh Iraq và lực lượng dân quân Shiite kéo một lá cờ của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở bang Amerli xuống, ngày 01 tháng 9 năm 2014.
VOA: Bà có nhận đủ kinh phí không?
Grande: Không
Một trong những điều mà tôi có thể nói là đáng thất vọng và theo một cách nào đó là gây sốc, Iraq được nhắc tới khắp toàn cầu, mỗi ngày khi bạn xem tin tức quốc tế, xem tin tức trong khu vực, mở một tờ báo ra, rõ ràng Iraq là một trong những chuyện lớn vào thời điểm này, song chúng tôi không thể tài trợ những hoạt động nhân đạo ngay cả ở mức độ tối thiểu.

Bây giờ là tháng tư và chúng tôi chỉ có 20 phần trăm khoản tiền quy định chúng tôi cần cho cả năm.

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải xem xét việc tái cân bằng sự tham gia của quốc tế, để không chỉ đơn giản là cộng đồng quốc tế hỗ trợ về mặt quân sự nhưng chúng tôi cũng đang hỗ trợ những hoạt động nhân đạo, những hoạt động bình ổn, đó là hậu quả trực tiếp của những hoạt động quân sự đang diễn ra.


VOA: Chính phủ Iraq và chính phủ Mỹ dường như có những khác biệt quan điểm về sự ổn định của Đập Mosul. Liên Hiệp Quốc nghĩ gì về tiềm năng con đập bị sụp đổ?

Grande: Chúng tôi chắc chắn quen thuộc với phân tích của Mỹ về Đập Mosul. Chúng tôi luôn luôn trao đổi với những cơ quan chức chính phủ về hiểu biết của họ về tình hình. Tôi nghĩ rằng việc văn phòng Thủ tướng mới đây chủ động liên lạc với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và yêu cầu chúng tôi giúp họ thiết lập một hệ thống báo động và cảnh báo khẩn cấp cho thấy rằng họ có cùng chung lo ngại rằng Đập Mosul đập có thể không ổn định, nếu không họ đã không hỏi chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc với chính phủ suốt bốn tháng qua để thiết lập loại hệ thống đó. Chúng tôi cũng đã phát triển một tập hợp những giao thức mà sẽ kích hoạt một phản ứng quốc tế trong trường hợp đập bị vỡ.





VOA