Người Hồi giáo Shia chiếm tòa nhà Quốc hội





Người biểu tình Iraq bên ngoài Vùng Xanh
Những người ủng hộ một giáo sĩ Hồi giáo Shia quyền lực đã cắm trại ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Baghdad, sau khi hàng ngàn người xông vào khu vực an ninh Vùng Xanh.

Lần đầu tiên trong nhiều tuần, những người biểu tình xông vào khu vực này, nơi có các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.

Lực lượng an ninh sử dụng hơi cay và bắn nhiều phát súng, nhưng không xảy ra thương vong nặng.

Người biểu tình giận dữ về việc trì hoãn thông qua một chính phủ kỹ trị minh bạch hơn.

Sáng Chủ Nhật 1/5, hàng trăm người vẫn còn tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội.

Những người biểu tình vẫn còn tụ tập bên ngoài

Người ủng hộ giáo sĩ Moqtada Sadr nghĩ một chính phủ mới sẽ ít tham nhũng hơn bộ máy hiện tại, vốn dựa trên sự trung thành đảng phái và tôn giáo.
Thủ tướng Haider al-Abadi kêu gọi người dân quay trở lại khu vực được phép biểu tình.

Trước đó, những người biểu tình đã chiếm tòa nhà và vượt qua hàng rào bao quanh Vùng Xanh, làm đổ một phần bức tường.

Cuộc vây ráp bắt đầu sau khi Quốc hội thất bại trong việc kêu gọi đủ số lượng cho một cuộc bỏ phiếu nội các mới.

Người ta ném đá vào các xe hơi vì nghĩ các xe này chở các đại biểu rời khỏi khu vực này.
'Sụp đổ' nếu không cải cách
Trong tòa nhà quốc hội, người biểu tình chiếm ghế của các đại biểu và chụp ảnh.

Trước đó, ông Sadr, người từ thành phố phía nam Najaf, cảnh báo chính phủ có thể sụp đổ nếu không cải cách.

Ông Sadr muốn thủ tướng Abadi cam kết một kế hoạch thay thế các bộ trưởng bằng các nhà kỹ trị phi đảng phái.

Những đảng mạnh trong Quốc hội từ chối thông qua thay đổi này suốt nhiều tuần qua.

Ông Abadi, người bắt đầu nắm quyền từ 2014, hứa sẽ dập tắt tham nhũng và làm giảm căng thẳng với các nhóm Hồi giáo Sunni.


ông Sadr từng bị cáo buộc liên quan đến vụ giết giáo sĩ phe đối lập

Moqtada Sadr là một giáo sĩ dòng Shia và nhóm dân quân của ông, Quân đội Mehdi, trở nên nổi tiếng sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq hồi 2003 bằng cách kích thích tinh thần chống Mỹ. Những người theo ông Sadr liên tục có đụng độ với quân đội Hoa Kỳ.

Ông Sadr bị lệnh bắt giữ năm 2004 vì có liên hệ với vụ giết một giáo sĩ phe đối lập.

Nhóm dân quan của ông cũng bị cáo buộc tra tấn và giết hàng ngàn người Hồi giáo Sunni trong một cuộc tàn sát giáo phái năm 2006 và 2007. Ông Sadr trốn tới Iran trong thời gian này.

Năm 2011, ông Sadr trở về Iraq sau khi tự đi tỵ nạn, bắt đầu nói giọng hòa giải và kêu gọi Iraq đoàn kết và hòa bình.

BBC