.

Những huyền thoại về ngày Phật Đản




Có câu hỏi rằng:

...”... Mỗi mùa Phật Đản hằng năm, tôi đều được nghe giảng tại chùa hoặc đọc trong báo chí về lịch sử chào đời của đức Phật. Có mấy sự kiện rất khó hiểu, nhờ quý vị giải thích giùm:

1 -- Sự kiện thái tử Tất Đạt Đa được mẹ sanh ra qua ngả nách.

2 -- Mới ra đời, thái tử đã bước bảy bước, có bảy bông sen đỡ dưới chân.

3 -- Sau đó, thái tử đứng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tuyên bố : ” Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”, rồi thái tử nằm xuống, trở về trạng thái đứa trẻ sơ sinh.

Tôi thấy chuyện sinh ra bằng nách rất không hợp lý, không phù hợp với cơ thể học. Mới ra đời đã biết đi, biết nói, chuyện này có vẻ huyền bí quá. Còn câu “duy ngã độc tôn” là để chỉ Chân Ngã phải không ạ ?

Xin thưa rằng,

Trong một bài trước, chúng tôi đã trích dẫn lời dạy của thiền sư Soyen Shaku như sau:

...”...đức Phật đã khẳng định rằng những điều Ngài dạy đều không có gì khác thường, chỉ đơn giản là những sự kiện rõ ràng mà ai cũng có thể kiểm chứng. Ngài dạy rằng không phải chân lý được mở ra cho chúng ta từ những nguồn xa lạ, bí hiểm, mà do chính chúng ta tự khám phá qua công năng hành trì thiền quán, thanh tịnh hóa tâm, điều mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được.

Ngài cũng nhắc chúng ta rằng niềm tin đạo Phật không phải là mê tín mà là nhận định sáng suốt, niềm tin đó là chân lý đã được thực nghiệm, kiểm chứng, chứ không phải là niềm tin từ một nguồn giả tưởng nào đó do được mặc khải.

Phải chăng đó chính là nguyên nhân đã kết thành hoa trái là lòng khoan dung, từ bi, bất bạo động của nhà Phật....”...


Trên đây là ý kiến của thiền sư Soyen Shaku.

Đức Phật cũng dạy chúng ta trong bài kinh Kamala đại ý rằng:

“- Đừng vội tin vào bất cứ điều gì chỉ vì đã nghe thấy.

- Đừng vội tin vào các truyền thống chỉ vì chúng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

- Đừng vội tin vào bất cứ điều gì chỉ vì nó được nhiều người nói tới hoặc đồn đại.

- Đừng vội tin vào bất cứ điều gì chỉ vì nó được tìm thấy trong các sách vở.

- Đừng vội tin vào bất cứ điều gì chỉ vì nó được các bậc đạo sư hay các vị trưởng lão dạy bảo.”


- Nhưng sau khi quán sát và phân tích, khi đã thấy mọi thứ hợp với lẽ phải và đem lại lợi ích cho mọi người, thì hãy chấp nhận nó và sống phù hợp theo nó.”

Trong tinh thần đó, chúng ta tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi trên.

Trước nhất, chúng ta mang câu chuyện trở về thời điểm được cho là nó đã xảy ra, là ngày chào đời của thái tử Tất Đạt Đa.

Nhưng thái tử chào đời ngày nào?

Đó là một câu hỏi mà cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Có sử liệu viết rằng:

....”.... Không có tài liệu chính xác về ngày sinh của thái tử Tất Đạt Đa và ngày nhập niết bàn của đức Phật. Phần đông sử gia thuộc cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thì cho rằng thái tử chào đời vào khoảng năm 563 trước tây lịch và đức Phật nhập niết bàn vào khoảng năm 483 trước tây lịch. Nhưng gần đây, nhiều nhà sử học cho rằng ngài nhập niết bàn vào khoảng năm 410 hoặc 400 trước tây lịch, mặc dầu vẫn còn có những người giữ lập trường về ngày nhập niết bàn sớm trong khi những người khác thì cho là ngày trễ mới đúng...."... .

Và có tài liệu viết rằng:

...”... Vào ngày trăng tròn tháng Tư năm 625 trước tây lịch, thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại vườn Lâm Tì Ni. Ngay sau khi ra khỏi lòng mẹ, thái tử bước 7 bước, mỗi bước có một bông sen đỡ lấy bàn chân ...”...

Trong bài “Tìm hiểu ngày sanh của Đức Phật Thích Ca”, tác giả Nguyễn Phúc Bửu Tập đã viết:

... “ ...truy tầm năm sanh của đức Phật rất khó, chưa ai tìm ra được dữ kiện chính xác, khó chối cãi, về năm sanh của đức Thích Ca. Về ngày sanh của đức Phật cũng vậy, chỉ dựa trên truyền thống...”....

Như thế, ngày hoặc năm sanh của đức Phật mà cũng không còn tìm ra được tài liệu chính xác, vậy thì những chuyện như “ra đời từ nách mẹ”, hoặc “mới sanh đã đi 7 bước”, hoặc ”mới sanh đã nói”, vân vân, chưa chắc gì trong thực tế đã từng xảy ra.

Nhà Phật có câu rằng:

“Kinh sách như ngón tay chỉ trăng, thấy trăng rồi thì quên ngón tay đi".

Nếu coi ngón tay là mặt trăng là nhận lầm cả ngón tay và mặt trăng, không còn thấy được Chân Lý.

Trong cuốn Hé Mở Cửa Giải Thoát, hòa thượng Thích Thanh Từ dạy:

...“...Có một Phật tử hỏi chúng tôi rằng người xưa nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Tại sao y kinh giải nghĩa mà oan ba đời chư Phật? Tại sao lìa kinh một chữ tức đồng ma nói? Ðây chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị thấy rõ ý nghĩa của kinh điển đại thừa.

Kinh là lời của Phật, trong lời của Phật có khi Ngài nói trắng ra, có khi Ngài nói ẩn dụ, như vậy những chỗ Phật dạy ở trong ẩn dụ, nếu chúng ta giải trắng như những lời thường, đó là y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan.

Thí dụ như trong kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn, là phẩm quý vị thường tụng nhất. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn sau đây nói rằng: “Nếu có người cầu con trai, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, sanh được con trai. Người muốn cầu sinh con gái, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát sinh được con gái. Cho đến người niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì vào lửa không bị cháy, xuống nước không bị chìm”.

Như quý vị tu hành dạy các Phật tử cũng dạy như vậy, có phải không? thấy kinh Phật nói chúng ta cũng theo như vậy. Giả sử có người hỏi: Thưa quý cô tụng kinh như vậy mà cô tin kinh hay không? quý cô sẽ trả lời ra sao? Nếu tụng kinh không tin thì tụng kinh làm chi? Nếu bảo rằng: Tin, thì xin quý cô niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho chí thành mà vào lửa bị cháy, xuống nước bị chìm, chẳng lẽ lời Phật không phải là lời vàng ngọc, không phải là chơn lý hay sao? Rồi chúng ta trả lời ra làm sao?

Có cô Phật tử đến hỏi chúng tôi: Cô được một người bạn khuyên tụng kinh Phổ Môn niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu con trai, cô làm theo lời bạn, nhưng đến lúc sanh ra lại là con gái. Cô mới hỏi bạn: “Vậy kinh có linh không?” cô bạn không có lời để đáp lại. Tin và hiểu kinh Phổ Môn như vậy là thiếu thực tế.

Thường trong kinh điển đại thừa, khi nói đến các vị Bồ Tát là nói đến đặc tính tượng trưng của các vị: Như nói đến Ðức Quán Thế Âm là nói đến nhĩ căn là tai, nói đến Ngài Văn Thù Bồ Tát là nói đến nhãn căn là mắt, ...vân vân ...

Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần tượng trưng nầy. Cho nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là nhìn lại Tánh Nghe của mình, chớ không chạy ra bên ngoài. Khi nhìn lại Tánh Nghe của mình, thấy nó không tướng mạo thì làm sao lửa đốt cháy được, làm sao nước đắm chìm được?

Và khi mình sống được với Tánh Nghe thì mọi việc sẽ được như ý. Nên nói rằng cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, đó là tượng trưng cho mọi việc như ý. Nhìn lại Tánh Nghe của mình ví như mình được hòn ngọc Ma Ni bảo châu tức là hòn ngọc như ý. Nghĩa là được toại nguyện, được như ý và được diễn tả bằng: “Cầu cái gì được cái nấy”. Hiểu kinh như vậy, chúng ta mới thấy lời Phật là đúng, là chơn thật..

Kế đây, tôi xin nói đến câu “Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Giả sử có người nói với quý vị: Người nào trì kinh Pháp Hoa thì cỏ cây tươi tốt, người nào trì kinh Kim Cang thì cỏ cây héo sào, người nói như vậy quý vị có tin chăng? Quý vị thấy rõ ràng những chỗ nói mà không căn cứ vào kinh, mà chúng ta lại tin, đó là đồng ma thuyết...”....

Không riêng hòa thượng Thanh Từ, hòa thượng Tịnh Không, một bậc cao tăng Trung quốc thời hiện đại, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ, cũng dạy rằng:

...”... Chúng ta thường nghe câu nói sau đây: Nhà Phật thường nói “y văn giải tự, tam thế Phật oan” nghĩa là y theo câu văn hiểu nghĩa theo mặt chữ, thì ba đời Phật bị oan. Cứ chiếu theo văn tự để nghiên cứu, giải thích thì tam thế chư Phật là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật đều kêu oan uổng, quý vị hiểu lầm ý Phật mất rồi!

Trong bài kệ Khai Kinh có câu “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, tôi nói con người hiện tại hiểu sai lệch, nên trở thành “khúc giải Như Lai chân thật nghĩa” tức là hiểu cong vạy ý nghĩa chân thật của Như Lai, hoặc “ngộ giải Như Lai chân thật nghĩa” là hiểu lầm lạc ý nghĩa chân thật của Như Lai.
Quý vị xem: Có phải là Như Lai kêu “oan uổng” hay không? Học Phật pháp phải quy về tự tánh, điều này khẩn yếu lắm. Nói cách khác, giúp cho chúng ta đạt được tâm thanh tịnh, giúp chúng ta mở mang trí huệ, đấy chính là Phật pháp. ....”...


Như thế, quý vị Đạo Sư đã căn dặn chúng ta phải hiểu rõ nghĩa của lời Phật dạy. Chúng ta cũng cần nhớ rằng Phật nói kinh là để trị bệnh tâm cho chúng sinh, lời trong kinh sách cũng là đức Phật tùy bệnh tâm chúng sinh mà cho thuốc, chúng sinh nhiều tâm bệnh khác nhau thì cần nhiều pháp trị khác nhau, nhiều lời kinh với vô lượng nghĩa khác nhau, chứ không phải chỉ có một loại thuốc mà thôi.

Kinh Phật lại có những câu chuyện huyền ký với ý tứ tiềm ẩn, thí dụ mục đích đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa là để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Tri Kiến Phật, nghĩa là dạy cho chúng sinh thấu triệt được rằng mọi người đều có Phật Tánh, bởi vì trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa thì mọi người chưa biết đến Tri Kiến Phật, tức là Chân Tâm, Phật Tánh, Giác Tánh.

Vì kinh Pháp Hoa dạy về Phật Tánh, cho nên trong kinh có những câu như « vào nước không chìm », vào lửa không cháy », « đốt thân cháy lâu tới một ngàn hai trăm năm», « đốt cánh tay mãn bảy muôn hai ngàn năm » vân vân, đều là những ẩn dụ để nói về Chân Tâm bất sanh bất diệt, vào nước không chìm vào lửa không cháy mà thôi. Nếu lại dùng tâm chấp chặt của thế gian mà cho rằng những điều trên đã có xảy ra thật, tin rằng nhảy xuống biển sẽ không chìm, bước vào lửa sẽ không cháy, thì rõ ràng là không thông hiểu quy luật của vật chất, không thể có cái xác nào cháy lâu tới 1,200 năm hoặc cánh tay cháy lâu tới bảy muôn hai ngàn năm.

Trong tinh thần đó, chúng ta thử tìm giải đáp cho ba câu hỏi kể trên :

Câu hỏi thứ nhất :

- Sự kiện thái tử Tất Đạt Đa được mẹ sanh ra qua ngả nách.

Xin trả lời:

- Có thể coi như do hoàn cảnh tâm lý của dân chúng nước Ấn Độ vào thời đó và do lòng kính trọng đức Phật mà họ thần thánh hóa Ngài, cho là một vị giáo chủ không thể giống người bình thường, phải có những đặc điểm khác lạ, siêu nhân, nên qua truyền khẩu một thời gian dài mà nảy sinh ra những câu chuyện xa thực tế như vậy. Rồi nhiều năm tháng trôi qua, lời đồn đại truyền khẩu ngày càng lan rộng, trở thành giống như là sự thực.

Câu hỏi thứ hai:

-- Mới ra đời, thái tử đã bước bảy bước, có bảy bông sen đỡ dưới chân.

Xin trả lời:

-- Câu này có thể là một ẩn dụ, dùng sự kiện thái tử mới ra đời để trình bày quá trình hình thành loài người. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã phân tích cặn kẽ về 7 thành tố tạo nên con người, gọi là 7 Đại gồm:

Một là chất cứng, thuật ngữ nhà Phật gọi là Địa Đại, tạo thành thịt da xương cốt, vân vân..

Hai là chất lỏng, nhà Phật gọi là Thủy Đại, tạo thành máu huyết, nước mắt, nước tiểu, vân vân...

Ba là chất hơi, nhà Phật gọi là Phong Đại, tạo thành hơi thở, vân vân...

Bốn là chất nóng, nhà Phật gọi là Hỏa Đại, tạo thành sự ấm áp của cơ thể, vân vân...

Năm là khoảng trống rỗng, thí dụ những mô xốp, lỗ tai, cuống họng, nhà Phật gọi là Không Đại, tạo thành những khoảng trống để cơ thể hoạt động ...

Sáu là sự thấy biết thuần túy, không phân biệt, thấy chỉ là thấy, tùy duyên ứng dụng, thí dụ ở mắt thì nhìn, ở tai thì nghe, nhà Phật gọi là Kiến Đại, cũng gọi là “Tánh Thấy”.

Bảy là sự phân biệt đối tượng, duyên theo các căn mà nhận thức, suy lường hay dở tốt xấu trong đời sống, nhà Phật gọi là Thức Đại.

Như thế, bảy bước chân tượng trưng cho bảy Đại, là căn bản của đời sống con người.

Nói về bông sen đỡ dưới chân, trước hết chúng tôi xin nhắc với quý thính giả rằng nhà Phật dùng hoa sen để tượng trưng cho Chân Tâm, Phật Tánh, với hàm ý hoa sen mọc lên từ bùn nhơ mà vẫn thanh khiết cũng như Phật Tánh vốn ngay tại nơi con người mà không bị ô nhiễm, dù con người mang những niệm xấu ác trong tâm.

Tổng kết lại ý nghĩa 7 bước chân đều có hoa sen hứng là bởi vì hoa sen tượng trưng cho Chân Tâm, mà Chân Tâm vốn khắp không gian và thời gian, nên tất cả các Đại cũng vẫn ở trong Chân Tâm mà thôi.

Câu hỏi thứ ba:

- Sau đó, thái tử đứng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, tuyên bố : ” Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn”, rồi thái tử nằm xuống, trở về trạng thái đứa trẻ sơ sinh.

Xin trả lời:

- Giáo lý nhà Phật đều nằm trong khuôn khổ của Tam Pháp Ấn, nghĩa là ba dấu ấn của chánh pháp, gồm có Vô Thường, Khổ và Vô Ngã hoặc Chư Hành Vô Thường, Chư Pháp Vô Ngã, Niết Bàn Tịch Tĩnh, câu nào cũng hàm chứa Vô Ngã.

Do đó, nếu cho rằng đức Phật thị hiện qua hình thức thái tử sơ sinh để ra tuyên ngôn báo hiệu sau này tự mình sẽ thành bậc cao quý độc nhất trên đời bằng câu “duy ngã độc tôn” thì mâu thuẫn với giáo lý giải thoát mà đức Phật dạy chúng sinh sau này.

Còn như nếu cho rằng ngã đây là Chân Ngã thì đã không thấu triệt mục đích của đức Phật khi truyền dạy đạo Giải Thoát. Chữ Chân Ngã trong nhà Phật chỉ được tạm dùng để phá "chấp Không" trong đời sống của "Chân Lý Quy Ước' nhị biên.

Trong bình diện tương đối mà nói rằng có một cái thường hằng là Chân Ngã tức là chấp Có, sẽ lọt vào trường hợp Đại Ngã, Tiểu Ngã của giáo lý Bà La Môn và Ấn Độ giáo.

Trong cuốn luận Trung Quán, luận sư Long Thọ đã nêu rõ quan điểm của nhà Phật về Chân Lý là “bất dị nhưng cũng bất nhất” (không phải là khác nhưng cũng không phải là một, như tình trạng Tiểu Ngã nhập vào Đại Ngã, nghĩa là không thuộc bình diện tương đối), vượt ra ngoài các phạm trù “Có” hoặc “Không”, tạm gọi là tuyệt đối, không thể gán vào một nghĩa cố định.

Cho nên đức Phật đã nói: “Phàm lời nói đều không có nghĩa thật”.

“Nghĩa thật” tức là nghĩa tuyệt đối. Lời nói là quy ước của thế giới tương đối, không thể nói về Chân Lý Tuyệt Đối, về Chân Tâm, Phật Tánh, Buddha Mind, True Mind, vân ...vân. Muốn tới được cảnh giới này, cảnh giới “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, nghĩa là “đường ngôn ngữ đứt, nơi tâm suy nghĩ ngưng bặt”, thì phải thanh tịnh hoá tâm, phải tu chứng.

Kinh Viên Giác đã nói:

“Nếu đem tâm sinh diệt mà nói về Viên Giác thì Viên Giác cũng thành luân hồi”.

Con đường hành trì giáo pháp mà đức Phật mở ra cho chúng sinh để tiến tới từ bi, bình đẳng, giải thoát, là con đường rực rỡ như ánh sáng từ mặt trời. Nếu chúng ta tích cực hành trì theo lời Phật dạy, thì tâm chúng ta sẽ chuyển hóa một cách mầu nhiệm, không cần phải có sự hỗ trợ bằng những câu chuyện mơ hồ, huyền bí, tưởng như là đề cao đức Phật, nhưng thực tế là làm giảm bớt mất tinh thần trong sáng cao quý của đạo Phật.






Tuệ Đăng (ĐPK)
Nguồn: _https://phuongkhanhdo.wordpress.com/