.

Bộ môn Kịch trong những sáng tác của tôi
Nhật Tiến



Thời còn là những học sinh bậc trung học ở Hà Nội, lũ bạn bè yêu thích văn nghệ chúng tôi thi nhau sáng tác trong hào hứng, nhiệt thành và những sáng tác ấy cũng đã được báo chí thời ấy (khoảng từ 1951 đến 1954) chọn đăng. Cũng nhờ cái sự chọn đăng ấy mà chúng tôi thường phong cho nhau tước vị tùy theo mỗi người, như Vũ Mai Anh (học sinh lớp đệ Ngũ Chu văn An, tức lớp 8 bây giờ) có truyện dài Duyên Kiếp in trên tuần báo Hồ Gươm của Bác sĩ Bùi Cẩm Chương thì được phong làm văn sĩ cũng là xứng đáng lắm rồi. Còn những ngòi bút khác như Song Hồ, Tạ Vũ, Dương Vy Long, Yên Tri….vì có nhiều bài thơ xuất hiện trên các tờ Tia Sáng, Thời Tập, Giang Sơn, Chánh Đạo..v..v…nên thường gọi nhau là Thi sĩ ! Rồi cũng như thế, nhân tôi có vài vở kịch được in trên tuần báo Cải Tạo và nhật báo Giang Sơn (báo này in một vở kịch của tôi chạy liền 2 kỳ)…nên tôi được đám văn nghệ trẻ trung phong làm kịch sĩ !

Thực ra thì trong các bộ môn, quả là Kịch khó sáng tác nhất. Khó ở những nút thắt mở, khó ở những tình tiết, ở sự điều động các nhân vật ra, vô hợp lý trên sân khấu. Và dĩ nhiên người viết phải nắm thật vững tâm lý, cử chỉ, ngôn ngữ của các nhân vật. Hơn nữa, khi viết kịch, tác giả còn phải ghi nhớ tính cách của Kịch là chỉ được thể hiện cái "thực tại hiện đang xẩy ra”, nhưng qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật sẽ làm khán giả thấu hiểu được "tình huống" của câu chuyện, tức là quá khứ được phục hồi, lại chứa chất những tình huống có những khúc mắc, những vấn đề nan giải bầy ra cho người trong cuộc phải giải quyết (có sự tham gia suy nghĩ của khán giả) để rồi đi tới tương lai là cái kết thúc lúc hạ màn. Giới viết kịch gọi cái phút chót hạ màn này là "Coup de Rideau", nó cần phải có tính bất ngờ, gây ngạc nhiên thích thú và cả sự đồng tình, tán thưởng của khán giả. Kịch phải như thế thì mới được gọi là thành công.

Những vở kịch của tôi được sáng tác vào những năm 1953, 1954 thực ra không thể theo bén gót tính cách nghệ thuật như kể trên mà hầu hết chỉ là những vở kịch vui khơi nguồn từ những năm tôi sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo ở đó đã có nhiều lần tôi tham gia trình diễn những vở kịch gọi là Kịch Lửa Trại vốn đã mang lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực Kịch.

Kịch Lửa Trại là những vở kịch không bao giờ được soạn trước. Nó chỉ được hình thành vội vã, có khi chỉ có 10, 15 phút chuẩn bị để trình diễn trưóc khán giả vốn cũng là những Hướng Đạo Sinh đang ngồi chật cứng chung quanh lửa trại. Thông thường, nếu là trại Đoàn gồm 4 Đội thì mỗi Đội phải trình diễn một vở kịch theo một chủ đề mà anh Đoàn trưởng chỉ cho biết trước có …15 phút. Trong 15 phút phù du đó, chúng tôi phải chế ra một vở kịch theo chủ đề đã cho, rồi phân vai, rồi dặn nhau vội vã là hãy nói theo “như vầy, như vầy” để cho kịp thì giờ nhào ra trình diễn. Dĩ nhiên là một vở kịch như thế thì chẳng có chút nghệ thuật nào, nhưng nó tạo cho diễn viên một trí óc nhậy bén, biết vận dụng hết mức đầu óc sáng tạo cùng với một tinh thần nhanh nhẹn, tháo vát, biến báo, linh hoạt. Tuy nhiên khi trình diễn, vì những “lỗ hổng” trong nội dung vở kịch, vì những cử chỉ luống cuống, ngây ngô của diễn viên khi anh nọ nháy nhó nhắc anh kia phát ngôn khiến ngừoi coi cứ cười bò lăn làm tăng phần vui nhộn cho đêm lửa trại.

Là một Đội trưởng trong 4 đội của Đoàn, tôi đã nhiều “phen” sáng tác kịch trong tình trạng ngặt nghèo như thế và chính điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc viết kịch sau này và nhiều vở kịch vui do tôi sáng tác trong thời gian 1953 và đến giữa 1954 đã được đăng trên tờ Cải Tạo, Giang Sơn và một vài Giai Phẩm Xuân Năm Giáp Ngọ và Ất Mùi.

Sau Hiệp định Genève tháng 7-1954, vì có người thân phục vụ trong Ngự Lâm Quân ở Đà Lạt ( hồi đó còn gọi là Hoàng Triều Cương Thổ) nên tôi chọn nơi này để định cư trước tiên và nhận lời cộng tác với Ban Văn Nghệ Ngự Lâm Quân trong việc sáng tác những vở kịch truyền thanh trên Đài phát thanh riêng của binh chủng này. Một trong những diễn viên đã trìnhh diễn những vở kịch do tôi sáng tác trong thời kỳ đó là anh Đặng văn Dư, vốn là thân phụ của nhà văn Đặng Thơ Thơ sau này. Anh Dư hiện đang cư ngụ ở Orange County, Nam Cali.

Ở Đà Lạt được gần một năm thì tôi di chuyển về Sài Gòn, sau lại xuống các tỉnh miền Nam như Mỹ Tho, Bến Tre để theo đuổi nghề dạy học. Cũng chính tại đây tôi đã gặp Trương Cam Vĩnh là em ruột của anh Trương Bảo Sơn, một đồng chí của nhà văn Nhất Linh và tôi được biết nhà văn Nhất Linh vẫn đang chủ trương nhà xuất bản Phượng Giang (từng in truyện của Nguyễn thị Vinh và Linh Bảo) và đang rục rịch chuẩn bị cho ra mắt tờ Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay.

Bầu không khí trù phú, an bình của xứ dừa Mỹ Tho, Bến Tre đã không còn thích hợp cho việc soạn kịch, lại thêm nỗi buồn và nhớ những ngày tháng êm đềm của Hà Nội năm xưa nên tôi bỏ viết kịch để ngồi sáng tác văn chương. Truyện dài đầu tay của tôi, cuốn Những Người Áo Trắng được hoàn tất vào mùa Thu năm 1957 là ở trong hoàn cảnh đó. Rồi cứ theo đà, tôi viết tiếp Mây Hoàng Hôn, Những Vì Sao Lạc, Ánh Sáng Công Viên, Thềm Hoang …mà quên bẵng đi lãnh vực văn nghệ đầu đời của tôi là Kịch.

Tuy nhiên soạn kịch đối với tôi hầu như là một cái duyên nghiệp ràng buộc khó bỏ. Từ năm 1960, tôi rời mấy tỉnh miền Nam để về dạy học tại một số tư thục ở Sải Gòn và đây là một dịp để tôi tham gia trở lại sinh hoạt Hướng Đạo, làm Toán Trưởng Toán Vân Đồn thuộc Tráng Đoàn Bạch Đằng do anh Trần Trung Du (mất ngày 13-3-2000) làm Tráng Trưởng. Cũng vào năm 1960 đó, miền Tây có bão lụt nặng nề, Tráng đoàn Bạch Đằng có tổ chức một đêm văn nghệ ở Rạp Thống Nhất Sài Gòn để lấy tiền cứu trợ. Trong dịp này, anh Tráng Trưởng đã yêu cầu viết cho Tráng Đoàn một vở kịch để trình diễn. Thế là tôi lại quay về với sở trường cũ của mình để viết vở kịch ba màn có tên là Cơn Giông do chính các nam nữ Tráng sinh Hướng Đạo trình diễn. Luật sư Trần Sơn Hà hiện cư ngụ ở Quận Cam, Nam Cali cũng đã là một trong những diễn viên của vở kịch này.





Một vở kịch khác, chỉ một màn có tên là Bên Bờ Vực vốn được in trên tạp chí Văn của anh Trần Phong Giao vào khoảng năm nào tôi không còn nhớ, sau được anh chị em sinh viên Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ trình diễn trên sân khấu của Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn. Nội dung vở kịch diễn tả tâm trạng của giới trẻ trước nhiều nghịch cảnh xã hội đương thời nên cũng được nhiều anh chị em sinh viên thuộc giới trẻ hoan nghênh.

Mặc dầu vậy, Kịch không còn là bộ môn mà tôi muốn tha thiết gắn bó. Bởi nhiều l‎ý do. Trước hết là vào thời kỳ Văn Học Miền Nam nở rộ (thập niên 60-70 của thế kỷ trước), cùng thời sinh hoạt với tôi vốn đã có nhiều ngòi bút soạn kịch nổi tiếng như Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan với những vở như Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa; Thành Cát Tư Hãn, Hậu Trường, Ngộ Nhận , hay Trần Lê Nguyễn với Quán Nửa Khuya, Bão Thời Đại , Phan Tùng Mai với Người Giết Tần Cối, Doãn Quốc Sỹ với Trái Cây Đau Khổ, Ngô Xuân Phụng với Ác Mộng , Con Vật Phi Lý, Tinh Vệ với Bão Loạn, Cơn Lốc, Dương Kiền với Sân Khấu..v..v.. Một đội ngũ kịch tác gia với một số vở kịch phong phú như thế, tôi đâu còn dám có ‎ý tưởng chen chân vào.

Ngoài ra còn thêm một l‎ý do không kém phần quan trọng khác là ở miền Nam đã thiếu hẳn một sân khấu thoại kịch, trong khi sân khấu dành cho Cải Lương thì lại rất nhiều. Cho nên, một vở kịch được viết ra, đa phần là chỉ để đọc và hiếm hoi được mang trình diễn trên sân khấu. Đâu rồi những “mùa kịch” hằng năm như ở Hà Nội ngày xưa, mà ở đó cứ vào mùa Thu khoảng tháng Chín hay tháng Mười, khi trời bắt đầu se lạnh thì sân khấu Nhà Hát Lớn lại nhộn nhịp với các ban kịch như Tiền Phong, Sông Hồng trình diễn những vở kịch lừng danh như Lôi Vũ, Thế Chiến Quốc, Nửa Đêm Truyền Hịch, Bông Hồng Dại, Bến Nước Ngũ Bồ, Thành Cát Tư Hãn, Tâm Sự Kẻ Sang Tần..v.v..

Lúc đó tiết trời đã vào thu, không khí mát mẻ, người Hà Nội đều ăn bận chỉnh tề trong những bộ quần áo trang nhã, thanh lịch kéo nhau đi xem kịch như đi dự một buổi dạ hội trang trọng nào. Điều này đã gợi nhớ lại bầu không khí Thoại Kịch thời tiền chiến với những vở kịch của các Kịch tác gia như Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Long cùng với những ban kịch lừng lẫy một thời như ban kịch Tinh Hoa của Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, ban kịch Hà-nội của nhóm Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng ...

Tôi tưởng rằng mình sẽ không còn bao giờ nghĩ đến chuyện viết kịch nữa, nhưng tình hình lại đổi khác kể từ sau Tết Mậu Thân.

Từ năm 1969, tôi nhập ngũ và được biệt phái về làm Giảng Viên Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Cục Chính Huấn thuộc Tổng Cục C.T.C.T. Trung Tâm này nằm trong Biệt Khu Thủ Đô ở đường Lê văn Duyệt Sài Gòn. Những ngày đầu thì Trung Tâm tổ chức các khóa học dành cho các Hạ Sĩ Quan C.T.C.T, sau còn mở thêm các Khóa dành cho các SQ Tham Mưu thuộc các Tiểu Khu, Đặc Khu, Chi Khu, và nhiệm vụ sau cùng là tổ chức những khóa huấn luyện dành cho các Đại Đội Phó C.T.C.T. thuộc nhiều Quân Binh Chủng VNCH.

Tính đến tháng 4-1975, quân trường này đã mở được khoảng 20 khóa học dành cho các SQ Đại Đội Phó C.T.C.T., mỗi khóa có sĩ số chừng 400 SQ khóa sinh và khóa học kéo dài khoảng từ 3 hay 4 tháng. Cứ mỗi lần mãn khóa, các khóa sinh thường tổ chức môt đêm văn nghệ liên hoan có mời cả quan khách dân sự tới tham dự như Ông Giám Đốc nhà sách Khai Trí là người khóa nào cũng yểm trợ những phần thưởng cho các khóa sinh xuất sắc, hay như học giả Hoàng Xuân Việt, nhà văn Nguyễn thị Vinh là những khách thỉnh giảng được mời tới để trình bầy về một vấn đề văn hóa.

Trong dịp này tôi cũng soạn một vài vở kịch để cho các khóa sinh trình diễn, như vở kịch lịch sử một màn có tên Ngọn Cờ Núi Lam nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi dã cùng Nguyễn Trãi trương ngọn cờ “Thế Thiên Hành Đạo” để chống quân nhà Minh. Một trong những diễn viên của vở kịch này là Trung Úy kiêm Họa sĩ Vương Nghiêm hiện đang cư ngụ ở Washington DC.

Đã kể lại thì cũng nên kể cho hết. Ngoài những vở kịch trình diễn trên sân khấu, tôi còn sáng tác một kịch bản có hàng trăm diễn viên tham dự được trình diễn trên sân rộng. Đây là một kịch bản minh họa những công tác của một SQ Đại Đội Phó C.T.C.T trước, trong và sau một cuộc hành quân tại những khu vực có dân chúng cư ngụ. Kịch bản được SQ Khóa sinh trình diễn trong nhiều khóa học và đặc biệt nó còn được dàn dựng ngay trên sân vận động Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng Sài Gòn với sự tham dự của nhiều quân binh chủng trong Biệt Khu Thủ Đô và huy động đến cả phi cơ trực thăng trong kịch bản. Buổi trình diễn này đặt dưới sự Chủ tọa của Trung tướng Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng TC/CTCCT, có sự tham dự của Đại Tá Cao Đăng Tường Cục Trưởng Cục Chính Huấn và nhiều đại diện các Quân Binh Chủng trong Biệt Khu Thủ Đô. Đặc biệt lại còn có sự tham dự của một khách mời danh dự là một Trung Tướng thuộc ngành CTCT của quân đội Trung Hoa Dân Quốc nhân từ Đài Loan qua Sài Gòn công tác.

Tất cả những điều kể trên sẽ không bao giờ được viết ra nếu nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc không nêu vấn đề “Văn học tiền Bến Hải” và hỏi tôi về bộ môn Kịch mà tôi đã tham gia từ buổi khởi đầu khi tôi mới chập chững bước vào thế giới của văn chương.
Nhật Tiến
25-9-2015