Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc cũng giống như một chiếc đồng hồ, loại nào đơn giản nhất là thứ ít hư hỏng nhất.
Chamfort
Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123
Results 21 to 23 of 23

Chủ Đề: Một Chủ Nhật Khác

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    03 Rose Một Chủ Nhật Khác

    Một Chủ Nhật Khác

    Thanh Tâm Tuyền



    Tuy mượn khung cảnh thật nhưng các sự vật và nhân vật trong truyện đều hoàn toàn bịa đặt. Mọi trùng hợp giữa việc và người trong tiểu thuyết với việc và người ngoài đời thật, nếu có, là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của tác giả.

    Thời tiết đang độ giao mùa. Tháng Tư, mùa xuân rắc mưa bụi. Trời nguyên vẹn sắc xanh trong. Những đám mưa thưa, viển vông thoáng chốc. Nắng mát mẻ, tươi thắm ngay cả khi trời đang mưa.


    Những rừng cây biếc lục trên các triền núi cao phía Tây thành phố hiện rõ. Những đỉnh trọc phơi mầu đá. Đêm tỏ ngời.


    Cuối tháng tư, gió êm ngát trong ngày thỉnh thoảng nổi cơn lộng vào ban trưa hoặc ban chiều. Nắng reo vang trên đồi, trong các rừng thông, lá rộn rịp và trái khô rụng. Mầu nắng rực rỡ, chất nắng óng quyện như mật no ứ gió và phấn thông.


    Kiệt bị ho mất tuần lễ có lẽ vì không khí đầy phấn thông.


    Đầu tháng năm, đôi lúc ban ngày mưa rào nặng hạt, ngắn ngủi, báo hiệu mùa hè. Đã có sương mù ban đêm. Những buổi sáng trời quang tạnh, gió hẩy hẩy đón nắng. Từ đây cho đến ngày đổ những trận giông lấp kín trời đất, gió còn ngả ngớn giữa nắng , mưa êm dịu.


    Kiệt êm tĩnh lạ. Êm tĩnh đủ mọi thứ. Những ngày làm việc trôi chẩy. Thư từ tin tức gia đình đều đặn. Giấc ngủ không bị khuấy động. Mặc dù chung quanh không vậy.


    Cuối tháng ba bước sang tháng tư, trận chiến bùng nổ quy mô khốc liệt tại các vùng giới tuyến. Quảng Trị mất, Kontum, Bình Long bị uy hiếp. Đầu tháng năm ấy hoà đàm Ba Lê lại đình hoãn vô hạn định. Hoa Kỳ tái oanh tạc miền Bắc, dội bom Hà Nội, Hải Phòng, thả mìn phong toả các hải cảng Bắc Việt.


    Trong thị xã xuất hiện bóng dân chạy loạn từ Kontum đến, từ Huế vào. Lính tráng đi ngoài đường đội nón sắt, mang theo vũ khí. Quân trường, từng bị đột kích hồi năm Kiệt mới đổi lên, tăng cường bố phòng. Canh gác, tuần tiễu gia tăng. Báo động, phòng thủ nghiêm ngặt, có đêm hai ba lần. Các sĩ quan giáo sư đều bị huy động vào tiểu đoàn trợ chiến cho tiểu khu, các đại đội ứng chiến phân phối cho các cứ điểm thuộc phạm vi trường. Không khí căng thẳng, xớn xác.


    Vẫn giữ thói quen riêng lẻ, trong một tuần thế nào Kiệt cũng ngủ nhà một đêm. Giá của chút tự do ấy là những ngày phạt ghi vào hồ sơ.


    Nội trong tháng tư Kiệt ký lãnh mười sáu trọng cấm, trừ lương. Kiệt như quen với hình phạt và các thủ tục của nó. Hơn hai năm về quân trường này, Kiệt chưa hề thấy một ngày xả trại hoàn toàn. Bình thường là bẩy mươi lăm phần trăm, cứ ba đêm ngủ trại một đêm ngủ nhà, và lúc nào cũng sẵn sàng tăng lên trăm phầm trăm, hãn hữu lắm mới xuống năm mươi phần trăm và không bao giờ lệnh này kéo dài đến hai tuần lễ. Tổng cộng đến đầu tháng năm, số ngày thọ phạt của Kiệt khoảng từ bốn đến năm chục ngày.


    Kiệt lỳ.


    Mỗi lần bị gọi trình diện phải đứng nghiêm trang hay được mời ngồi, bị khiển trách nhiếc móc hay được bảo ban khuyến dụ, Kiệt đều nín lặng. Mặc. Kiệt mong được đổi đi thoát quân trường, đi thoát thành phố buồn tẻ phát ngấy. Nhưng có lẽ vì chàng là giáo sư, người ta còn cần và còn thương hại chưa nỡ thẳng tay.



    Vào đầu tháng năm Kiệt đã bỏ không đội nón sắt khi chạy ngoài phố.


    Các trường sắp sửa nghỉ hè. Ngoài những giờ trong quân trường, Kiệt dậy một số giờ sinh ngữ tại các lớp buổi tối của Hội Việt Mỹ và phụ trách giảng môn Quản Trị Sản Xuất tại Viện Đại Học. Kiệt nghe nhẹ mình khi bước vào các lớp trong những giờ cuối cùng của khóa học. Không còn chiếc nón sắt úp chụp, đỡ vẻ kỳ cục, và, đã trông thấy một thời gian thảnh thơi trước mắt, dù chưa biết sẽ làm gì.


    Trong tình thế nghiêm trọng, Kiệt không còn cách gì về Sàigòn thăm vợ con.


    Mỗi buổi chiều, Kiệt đều ra phố, uống cốc cà phê, ăn hai ba cái bánh cam, đọc tờ báo hàng ngày với mớ tin trễ hơn các đài phát thanh ngoại quốc ít nhất là 48 giờ. Những bạn đồng nghiệp đồng cảnh gặp nhau ngày một ngồi chung bàn bỏ mặc Kiệt trầm ngâm. Thường khi, nếu không bận đến lớp, Kiệt cùng vài ba người tản bộ quanh chợ, thẩn thơ bên bờ hồ, rộn ràng những chuyện lớn lao và vặt vãnh.


    Những buổi chiều thật đẹp. Gió thấp, gió cao, trùng trùng như nắng trên những quãng rộng. Kiệt bắt gặp mình mơ màng hắt hiu. Như thể gió cuốn bay mọi ý nghĩ ra ngoài trời. Kiệt húng hắng ho khi bất chợt hớp phải một ngụm gió lùa.


    Riêng chiều thứ năm và chiều thứ sáu, Kiệt ghé ty bưu điện.


    Kiệt không gửi và nhận thư qua khu bưu chính, tuy dùng địa chỉ này có thể tiện lợi. Kiệt không hẹn ai vào chỗ làm việc kiếm mình, trừ các bạn đồng đội. Kiệt không ở trong cư xá sĩ quan độc thân, cũng không xin nhà trong cư xá sĩ quan có gia đình.


    Từ ty bưu điện, Kiệt chạy về khách sạn P, nơi dành cho hạng du khách sang trọng.


    Mấy lúc này vắng du khách. Từ năm chiến tranh tái phát, thành phố trở nên bẩn thỉu. Trong gian phòng trà rộng thênh thang, kiến trúc có những cột lớn, Kiệt mặc sức ngồi suốt buổi không gặp một ai. Ngoài mặt tiền lắp kính trong là hàng hiên trồng hoa, dưới tầm mắt là hồ nước im và đồi cỏ. Khách sạn tọa lạc trên triền đồi có đường xe hơi lên tới trước cửa và một lối bực cấp bằng đá cho người đi bộ. Quang cảnh chỗ này còn giữ được vẻ thơ mộng.


    Ngồi ngả trong ghế bành mây, Kiệt đọc thư Thùy hoặc ngắm trời xa trên đồi. Chàng cũng có thể trông thấy bóng núi in hình khuôn mặt người đàn bà nằm ngửa. Khi mây mù giăng phủ những chỏm núi ấy, mưa sẽ đến. Cũng thường khi, Kiệt tới đây gọi điện thoại về Sàigòn.


    Tuần lễ đầu tiên của tháng năm, Kiệt mới nhận được thư Thùy viết từ giữa tháng tư. Trong thư Thùy nhắc hỏi Kiệt nhớ ngày gì sắp đến không. Kiệt nhớ vào cuối tháng tư là những ngày kỷ niệm hôn lễ của hai vợ chồng, sinh nhật đứa con đầu lòng và đứa con thứ ba. Đúng ngày kỷ niệm của hai vợ chồng, Kiệt đã gọi điện thoại cho Thùy, ngỏ ý tiếc không thể về với vợ con cũng không thể làm sao gửi quà. Thùy nói hôm trước đi phố nàng có mua một cái tẩu hút thuốc định gửi tặng Kiệt, sau nghĩ lại nàng đành cất ở nhà, sợ Kiệt ngậm ống điếu chọc cho chúng ghét thêm. Kiệt bảo vợ cứ gửi lên nhưng nàng không nghe.


    Trong một thư khác, Thùy hỏi ý kiến Kiệt định cho các con nghỉ hè ở đâu, về bên ngoại hay cùng mẹ lên thăm bố. Nàng sẽ xin nghỉ phép thường niên, đi thăm chàng. Kiệt đã trả lời vợ, trong tình hình này đi lại bất tiện, vả lại cơn bệnh xuyễn của nàng gặp khí lạnh phát tác sẽ làm khổ nàng, lý do nữa, chàng đang bị cấm trại nghiêm ngặt. Kiệt an ủi vợ ráng kiên tâm chịu đựng, trận chiến quyết định đang diễn tiến, ngày chàng cởi bỏ quân phục gần đến.


    Viết cho vợ nuôi hy vọng về trận chiến cuối cùng nhưng riêng Kiệt, chàng gạt bỏ ý tưởng ấy trong đầu mình. Bao nhiêu lần Kiệt trông thấy những cuộc chiến cuối cùng rồi? Chàng không thiết đến hy vọng.


    Kỷ niệm hôn lễ của hai vợ chồng năm nay là năm thứ tám. Thực ra đó chỉ là ngày hôn lễ chính thức. Trước ngày đó hai người đã sống chung với nhau.


    Kiệt và Thuỳ gặp nhau ở Âu Châu trong năm học cuối cùng của Thùy. Thùy bị gia đình gọi về khi bà mẹ ngã bệnh nặng hấp hối. Bà cụ qua khỏi nhưng lại bị bán thân bất toại và giữ Thùy ở nhà. Thùy gọi Kiệt về. Kiệt chần chừ: về để làm gì? Làm gì ở đấy? Em nhìn chung quanh em xem? Sang với anh. Thùy đáp: Em không thể bỏ má; anh không thể bỏ em; không phải anh chọn lý tưởng hay tổ quốc hay bất cứ thứ gì, anh chỉ chọn em, một mình em và đứa con sắp chào đời của chúng ta. Anh không nghe tiếng kêu xốn xang của em sao?


    Kiệt nghe tiếng kêu xốn xang của Thùy. Chàng trở về.


    Ban đầu Kiệt làm việc tại An Hoà Nông Sơn. Sau đó Kiệt bỏ Sàigòn làm cho một công ty ngoại quốc và rồi bị gọi vô Thủ Đức. Từ ngày ấy, đã sáu năm, Thùy thế chỗ Kiệt ở sở cũng như ở nhà. Ra trường Thủ Đức, Kiệt về quân nhu, làm trong phòng thí nghiệm tại một kho dầu. Ở trong quân đội, Kiệt thấy mình hao mòn sa sút, vô công rồi nghề, Kiệt quyết định với sự đồng thuận và khuyến khích của Thùy xin một học bổng du học của quân đội. Chàng được thuyên chuyển lên quân trường đợi ngày đi. Nhưng năm ngoái, phút chót đến ngày làm thủ tục xuất ngoại, Kiệt đổi ý. Khi có lệnh biệt phái, Kiệt được Bộ Kinh Tế xin, bị nhà trường ngăn chặn, trừng phạt tội cãi lệnh khước từ du học.


    Bây giờ Kiệt chỉ thấy con đường duy nhất của ngày về với gia đình: giải ngũ. Nhưng đến bao giờ?


    Gần đây Thùy báo tin cho Kiệt hay các bạn của chàng ở Bộ Kinh Tế lại làm thủ tục xin chàng lần nữa. Nàng cũng đã nhờ người thân trong gia đình vận động trên Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu để lần này việc biệt phái được êm đẹp. Thùy rất hy vọng, nhưng Kiệt rửng rưng.


    Trong thời gian này, Kiệt cũng nghe mình hờ hững, lạnh nhạt với vợ con. Chàng vẫn nghĩ tới Thùy, tới ba đứa con nhưng không tha thiết buồn khổ lắm. Dường như chàng mải chú ý đến những điều gì mơ hồ đâu đâu. Nhiều khi dưng không chàng sực nhớ những chuyện vụn vặt, vô nghĩa, và những nhớ tưởng ấy ám ảnh chàng triền miên. Có lúc Kiệt ngỡ ngàng thấy mình đang sống như một cái máy. Đầu óc chàng lờ đờ, chậm chạp. Nhưng đồng thời vang vọng ở chàng một niềm hoan lạc thầm thì khó dứt. Chàng bắt gặp những phản ứng bất chợt, kinh ngạc. Những lúc ấy chàng như tỉnh táo hẳn thấy cảnh tượng trời đất chuếnh choáng trong gió hoặc bấp bênh nhẹ bỗng như thiếu khí thở.


    Những trận gió vẫn la đà, mông lung. Tâm trí Kiệt phiêu lãng quanh những mép vực thẳm, có thể say ngã không hay.


    Rồi cũng qua - Kiệt tự nhủ - cũng qua như lần trước. Chàng nghiệm hình như cứ đến mùa gió thần trí chàng lại bị lao đao, khốn đốn.


    Riết rồi cũng quen, Kiệt tưởng vậy.

    Lần trước còn học trong Thủ Đức, một chủ nhật được phép xuất trại, Kiệt không về nhà. Chàng thức giấc lúc trời tối mịt, không đợi xe buýt, ra khỏi doanh trại cùng vài người như những bóng ma. Một chuyến xe lam đưa chàng về Sàigòn còn đèn thắp ngoài đường. Trên phố vắng vẻ, gió không lộng như ngoài xa lộ, nhưng hun hút xào xạc. Kiệt đứng trên hè ngó dãy phố đóng ỉm cửa, và như bị nhiếp hồn. Chàng tới bến xe lục tỉnh, bước lên một chuyến xe lô sắp rời bến. Chuyến xe đưa chàng tới Mỹ Tho. Kiệt lang thang trong tỉnh lạ, mướn phòng ngủ, rỡn nghịch với một lưỡi dao cạo. Vết sẹo trắng, nhỏ như vết cào xước trên cườm tay. Sáng hôm sau, Kiệt ngơ ngác lên xe trở lại Sàigòn, bị quân cảnh bắt giữ trả về trường.


    Kiệt không sao giải thích được với vợ về sự mất tích trong suốt một ngày nghỉ của chàng. Sự thật quá kỳ quặc không cách nào bầy tỏ với người khác, dù người ấy là Thùy, mà không mang vẻ giả dối, trơ trẽn.


    Thùy tra vấn, Kiệt chối quanh, bịa đặt vụng về. Thùy ghen, nàng nghĩ Kiệt trốn đi với một người đàn bà.


    Cuối cùng Kiệt đành nhận tội lỗi theo ý muốn của vợ. Chàng đã gặp người tình cũ, người tình thuở mới lớn. Cô gái đã có gia đình, lập nghiệp tận bên Lào, nhân về thăm nhà tình cờ gặp Kiệt. Chủ nhật ấy là ngày cuối cùng của cô ở quê hương, sáng hôm sau cô đã lên máy bay rời Sàigòn. Chàng yếu lòng, sa ngã, bị quyến rũ. Và chàng thề trên đầu ba đứa con không bao giờ gặp lại cô ta nữa.


    Thùy chấp nhận chuyện đó như nàng hướng dẫn, sắp xếp bằng những câu gạn hỏi, ròng rã hàng tháng. Nàng bằng lòng tha thứ, lần đầu và cũng là lần cuối, với đôi chút rẻ rúng khinh nhờn trong thái độ mà Kiệt đành chịu.


    - Em trả tự do cho anh, anh chịu không?


    -Anh đã nói anh không thể thiếu em.


    -Nhưng anh cũng không thể thiếu cô ta. Tình đầu làm sao quên.


    -Anh đã chẳng kể cho em nghe rồi về cái mối tình ngu ngơ này của anh từ hồi ấy. Có gì đâu, em biết chứ.



  2. #21
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Duy lấy làm lạ về mình. Hắn chỉ như cắn phải cục sạn khi ăn cơm, hơi bực. Nhưng chỉ thế thôi. Mai kia mốt nọ hắn lại vẫn đến thăm cô bé coi như không có chuyện gì xẩy ra. Rất có thể hắn lại đắm đuối say mê thực sự, quên hết thẩy mọi chuyện hoặc có nhớ cũng bỏ qua không đếm xỉa. Và rồi cũng bỗng chốc hắn lạnh nhạt vô cớ, nhưng vẫn tiếp tục đi lại để khỏi làm tổn thương tự ái kẻ khác. Hắn như thế hoài. Tình ở Duy như cây trái có mùa.


    Hắn không như Kiệt. Anh trầm trọng thái quá.


    Duy lái xe chậm, xuống hồ, lên đồi, tìm một chỗ vắng đậu. Còn sớm quá để đến Nghiêm.


    Những vạt nắng mỏng phủ trên các chòm cây cao, các triền núi xa. Đồi cỏ xanh rợp. Một mạn trời mây đen. Đêm có thể mưa. Gió là đà ẩm nặng.


    Họ ngồi yên trên xe.


    Trong khi Duy nhìn theo những bóng người thấp nhỏ đang đi theo một lối mòn dưới chân triền cỏ, Kiệt loay hoay mở xắc hành lý.


    Kiệt lấy ra một hộp kèn.


    Kiệt gù lưng, co đầu gối, chống khuỷu tay lên đùi, bụm tay ôm kín chiếc harmonica hình vành cung, thổi thì thầm. Duy chột dạ: điên thật. Kiệt say sưa như không còn biết mình ở đâu. Mắt lim dim, tóc xõa rũ trên trán. Hai bàn tay ôm kèn lúc ấp lúc mở, ngón tay rung lắc. Tiếng kèn ập òa, nhịp đệm lưỡi, tiếng ngân rung.


    Đồi vắng. Những người khác đều ở xa chỗ xe đậu. Gió có thể đưa tiếng kèn bay lan, nhưng người ta chẳng để ý hoặc nghĩ tai mình ù.


    Qua những giây bối rối mất tự nhiên, Duy ngớ dần theo tiếng đàn.


    Hắn mơ màng đến những giấc mộng chìm lẩn của Kiệt. Những điều thầm kín chôn giấu ấy không sao ai biết được. Có lẽ lúc này chính Kiệt cũng không nhận thức được rõ ràng. Khi anh buông thả đắm sâu, anh cũng chỉ gặp những vẻ mơ hồ. Nhưng dường như mọi điều ẩn mật kia đang bập bềnh trong tiếng kèn trổi. Những khuôn dạng của chúng xuất lộ rồi phôi pha trong thoáng chốc.


    Tất cả Kiệt bấy giờ còn sót trong tiếng khẩu cầm trên đồi chiều. Hiện đầy và hụt thiếu.


    Thổi dứt một bài, Kiệt quay sang cười với Duy. Nụ cười rạng sau quãng tăm tối. Duy cười tán thưởng. Kiệt thở lấy hơi rồi lại đưa kèn áp lên môi.


    Chiếc xe đậu sát một mép lũng. Dưới xa hồ phơi đục. Đường bên hồ chỉ có cây cối.


    -Để tôi thổi cho anh nghe bài này…


    Giống như thể hồi còn đi học, cùng bạn khoác vai đi trên đường vắng hoặc trong sân trường, Duy náo nức, lâng lâng.


    Kiệt thổi kèn rồi hát. Ngày ấy chia tay bên bờ đôi hàng châu rơi thấm ướt khăn em… Cố nén đau thương, hẹn rằng đường đời đừng có quên nhau. Đó là bài One day. Duy hát theo bạn, làm điệu khề khà: One day when we were young, one wonderful morning in May… You told me you loved me when we were young one day.


    Kiệt hứng chí. Anh nhắm kín mắt không còn thấy gì khác ngoài tiếng kèn và hơi thở của anh. Và tiếng hát vụng về của Duy nữa chứ, ngượng ngập một mình, vì Duy vẫn còn nhìn thấy cảnh vật mờ mờ trong mắt.


    Gió ùa qua một cơn ngắn, ướt. Mưa đổ trước khi trời tối không chừng.


    -Bài này nữa, biết không?


    Senerata. Duy hồi hộp ngang. Hắn nghe tới tận những âm rớt cuối, ngắt nửa, và hơi thở phì phà của Kiệt. Hắn ư ử theo điệu nhạc như rên trong khi buồn bã cuồn cuộn dâng lên như sóng.


    Kiệt hát: Tối giờ đây giờ yêu. Giờ này ngàn bóng yêu kiều. Chim với gió đan tình, bên suối huy hoàng, trong ánh trăng, mơ màng…


    -Em gái tôi nó hay hát bài này lắm. Duy thốt trong giấc mê chưa tỉnh. – Nó không biết lời.


    -Bài này nữa. Kiệt như không nghe Duy nói.


    Anh tiếp tục thổi kèn. Càng lúc tiếng khẩu cầm càng vang kêu, dồn dập, tha thiết, hỗn loạn, không thành bài. Kiệt thổi theo môi đưa, vồ bắt âm thanh ngẫu hứng, theo trí nhớ tơi tả. Tiếng kèn vang dội mãi trong tai Duy như tiếng vọng xô đập hai bên vách đá.


    Kiệt ho dữ dội, gập đôi người, đầu cụng vào thành xe. Rồi anh bật ngửa trên ghế, thở gấp. Duy biết hắn không còn cần thiết kể lể gì với bạn nữa.


    Mưa bắt đầu rớt lộp độp trên mui vải. Nhưng nắng còn phất phơ trên phố cao tít.


    Kiệt leo ra sau khoang xe, lom khom thay bộ quần áo đã nhầu nát. Bộ quần áo lôi ra từ trong xắc sạch sẽ hơn nhưng cũng hằn nếp gấp.


    -Tôi muốn thắt cái cà vạt…


    Duy đưa Kiệt về phòng mình ở cư xá. Kiệt chọn chiếc cà vạt to bản, sặc sỡ. Anh rửa mặt, chải đầu đỏm đáng trước khi đến Nghiêm.


    Tất cả mọi người mừng đón Kiệt. Anh chào hỏi, giữ đầy đủ bộ lệ ngoại giao. Nhìn anh người ta chỉ thấy một con người đang đau yếu. Chỉ cần thuốc thang tịnh dưỡng anh sẽ bình phục. Người ta nói với anh về khí hậu miền biển, về những phương cách trị liệu tân tiến. Rồi người ta cũng đề cập đến tình hình các quân y viện, thân phận những con bệnh giữa một hoàn cảnh chẳng những thiếu thốn còn bị ung thối vì tệ đoan tham nhũng. Kiệt lặng yên.


    Nghiêm từ dưới bếp chạy lên, tay cầm chiếc chảo không:


    -Kiệt… Thật hay. Mình đang nghĩ còn dư một miếng chắc là có khách quý. Đúng y như rằng. Anh sẽ ăn miếng danh dự ấy. Quý vị sẽ thưởng thức tài nấu nướng của Nghiêm. Chỉ có một món duy nhất: Chateaubriand nhưng quý vị sẽ thấy không đâu có, khắp Việt Nam không ai làm nổi…. Kiệt, ngồi xuống. Anh chọn nhạc hộ tôi đi. Nhà không đủ chảo, gia chủ đề nghị có miếng nào đưa lên xin quý vị cứ tùy tiện xếp đặt ăn ngay cho nóng mới ngon. Anh bạn thân của tôi lại có nhã ý đưa thêm vò rượu nữa thế là mình có hai vò. Quý vị tự rót uống, kể cả quý vị phụ nữ. Uống cho hết. Quý vị uống không hết có quyền đổ nhưng ly của quý vị lúc nào cũng có mầu đỏ xẫm mới, thơm, đừng để nhạt. Bây giờ tôi xin phép xuống bếp… Sống, chín, vừa vừa, quý vị thích thế nào xin ghi giấy chuyển đến nhà bếp quý vị sẽ được thỏa mãn. Vị nào không ý kiến, nhà bếp sẽ tùy tiện theo hứng…


    Chưa bao giờ Nghiêm nói nhiều như thế.


    Buổi họp chưa tới mười người kể cả vợ chồng Nghiêm. Phụ nữ chỉ có hai người là bạn học của vợ Nghiêm. Họ dè dặt, khép nép giống như chị, hiện diện giữa đám đàn ông chẳng mấy khi gặp dịp khoa trương thỏa thích, giải tỏa những ấm ức bất mãn chất chứa mỗi ngày, giống như những bông hoa mang trưng trong gian phòng nghèo túng bề bộn.


    Quay sang người đàn bà ngồi bên ăn uống ké né, Duy nói:


    -Bà ăn đi chứ. Đừng để ý đến bọn chúng tôi. Bọn đàn ông đây giống như đám con nít. Mặc chúng nó.


    Ý kiến của Duy bị phản đối dữ. Hắn la lên:


    -Con nít còn khá. Một lũ trẻ mồ côi, mất dậy…


    Bàn tiệc nhao nhao, mạnh ai nấy nói như chợ vỡ. Duy thích chí.


    -Để cho các bà phát biểu ý kiến.


    Duy đứng hẳn lên. Những người đàn bà cười khinh khích.


    Duy ăn không hết miếng thịt bò. Hắn say quá thể.


    Bàn dẹp trống. Sang mục bánh ngọt. Kiệt đặt đĩa mừng sinh nhật. Nhạc vẳng. Duy ê a. Sau khi Nghiêm mở các quà tặng, Duy bắt Nghiêm đứng thẳng, gắn lên ngực áo bạn hình hai cây súng bắt chéo, trịnh trọng tuyên bố:


    -Nhân danh tình bạn của đôi ta, tôi yêu cầu anh đeo trên ngực huy hiệu này kể từ giờ phút này trong một tuần lễ không được rời và anh sẽ phải đeo nó bất cứ lúc nào tôi yêu cầu…


    Nghiêm vuốt ve món trang sức, đưa tay chào và bắt tay Duy.


    Duy hả hê. Khi mọi người tản trong phòng, đợi cà phê, Duy còn cầm cốc rượu đầy. Hắn thấy Kiệt ngồi xoải cẳng trong một chiếc ghế dựa đặt bên cửa sổ. Duy tiến đến, tưởng Kiệt ngủ toan quay đi vừa lúc Kiệt bừng mắt. Con mắt sâu trũng lơ láo.


    -Anh uống với tôi nữa chứ. Duy nói.


    Kiệt gật đầu. Duy tới chỗ vò rượu nơi góc phòng, rót một cốc cho Kiệt. Hắn rót tràn, rượu đổ lênh láng.


    -Coi chừng, Duy. Nghiêm nhắc chừng khi Duy đi ngang.- Kiệt mệt.


    -Không sao đâu. Đến gần Kiệt, Duy cúi xuống đưa cốc rượu. - Phải không? Chơi với anh tôi lây bệnh rượu. Mai mốt anh đi, tôi uống một mình chán ngoét.


    Mùa giông bão đang tới. Rồi mùa đông lê thê nữa. Duy sẽ loay hoay ra sao giữa những trận mưa, trận gió quây quần, cảnh vật chĩu nặng và người thì khép kín trong riêng tây. Hắn như đã ớn lạnh, khiếp hãi nghe tiếng tạo vật run rẩy những cơn chết.


    -Kiệt! Mozart… Nghiêm kêu.


    Kiệt giơ cốc rượu, gật gù.


    -Divertimento.


    -Nhớ dữ. Nghiêm khen.


    Duy buông mình trong chiếc ghế khác gần đấy. Trời lởn vởn rì rào tiếng mưa nhỏ.


    -Mùa hè. Kiệt!


    Tiếng Nghiêm đánh thức Duy.


    Hắn dụi mắt. Gian phòng vắng ngắt chẳng còn ai ngoài ba người. Nghiêm đã thay quân phục. Nhạc vang rền một điệu thúc bách tưng bừng nhưng đâu đó trong tở mở ẩn náu vẻ não nuột. Như trái chín nẫu ngọt cay dưới nắng.


    -Mùa hè đó ư? Duy bật kêu lạc lõng khi khúc nhạc dứt.


    Vợ Nghiêm từ trong bước ra nói:


    -Các anh đi kẻo trễ. Gần mười một giờ rồi.


    Kiệt đứng lên:


    -Một bữa vui. Không ngờ lên trúng bữa vui.


    -Bữa nào anh đi, anh Kiệt?


    -Nội tuần sau.


    -Trước khi đi chúng mình còn một bữa riêng nữa chứ. Nghiêm nói.


    -Tất nhiên. Duy xen lời. - Nhiều bữa nữa.


    -Anh Kiệt về đâu? Vợ Nghiêm hỏi.


    -Tôi cũng vào trại. Kiệt đáp. -Nhà trả rồi.


    Duy đứng lên, xốc lại quần áo, bảo Nghiêm:


    -Anh Nghiêm chỉnh quá. Bữa nay bê bối một tí coi sao. Anh ở nhà với bà ấy đi, tôi lo hết cho. Ai lại bữa nay mà bỏ bà ấy ở nhà một mình coi không được.


    -Thôi đi cha. Nghiêm cười hiền. – Cha say khướt, lo cho mình chắc đã xong chưa. Tù cả đám. Tôi không chơi dại.


    -Yên chí mà, ở nhà đi.


    -Nói thế chứ đêm nay tôi trực cổng chính. Đã hẹn không vào tụi nó chửi chết.


    -Để xe gắn máy ở nhà, mình đi chung một xe. Duy lại đề nghị.- Mai tôi chở về.


    -Không. Tôi đi xe của tôi. Hai anh đi với nhau.


    Nghiêm bao giờ cũng thức từ tờ mờ sáng, dù mưa bão gió rét, về nhà cách sáu bẩy cây số, không một ngày sai sẩy, ăn điểm tâm với vợ con, đưa con đi học, rồi trở vào trường. Duy chỉ có thể bắt buộc phải thức vào giờ ấy khi cần đưa một người đàn bà ra khỏi phòng, tránh những con mắt tò mò.


    Duy và Kiệt bước ra sân đợi Nghiêm. Anh chàng còn giã từ vợ theo đúng nghi lễ.


    Nhà Nghiêm nằm lọt dưới trũng. Nhìn lên trời sâu như lòng giếng. Xung quanh rừng cây đen gió. Con trăng thượng tuần đang chạy đua cùng mây.


    Xe gắn máy của Nghiêm chạy trước. Xe dodge theo sau, soi đường. Vừa qua khỏi khúc quanh vào khu trường cũ, còi báo động rú lên xa xa. Ánh đèn nhất loạt tắt ỉm. Nghiêm khoát tay ra hiệu cho Duy vượt lên. Xe chạy ầm ầm, quanh quẹo. Bóng người hối hả qua trên những khoảng sân ngăn giữa các lớp nhà. Duy đánh vật với tay lái. Dưới lũng giữa hai khu trường, con đường mờ trắng ánh trăng và sương muối. Duy nhấn hết chân ga, cố đuổi kịp tiếng còi hụ trước khi tắt. Hắn ôm tay lái trên đoạn đường thẳng lên Vũ Đình Trường như muốn chạy cuồng theo xe. Trên mái hiên nhà Bộ Chỉ Huy toán trực đại liên đã xuất hiện. Men theo chân tường, người lúp xúp ra vị trí.


    Kiệt bỗng cất tiếng hát inh tai. Kiệt gào thì đúng hơn như muốn át tiếng còi hú, và tiếng động cơ.


  3. #22
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Toàn thân Duy rung chuyển theo một nhịp cười gay gắt không thể dằn. Ở khúc đường vòng nguy hiểm lên quảng trường xe nhẩy vọt tới bãi cỏ rồi mới chạy trở vào đường. Kiệt đổ đập vào vai Duy vẫn tiếp tục hát. Điệu hát dồn, nghiêng ngả, không lời. Păm păm păm… păm păm păm… Pa ra papa păm….


    Lùi xe vào bãi đậu, Duy nghe tiếng va quẹt rổn rảng. Rồi sự nín tuyệt ghê rợn. Tiếng còi đã biến. Kiệt ngây thừ trên ghế. Nhẩy xuống đất, Duy chạy vòng sang, lôi tay Kiệt. Kiệt âm a du dương. Duy kéo Kiệt đi mau. Kiệt ngoái cổ trông về phiá những ngọn núi. Duy lôi Kiệt xềnh xệch, bắt đầu chạy. Bấy giờ phía xa ngoài cổng trại, xe Nghiêm phóng tới. Kiệt dằng tay, đứng lại trên đường vắng tanh tối ám, bắc tay làm loa kêu:


    -Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday…


    Duy chụp Kiệt lôi chạy. Kiệt vừa thở vừa cười rinh rích. Tới được phòng Kiệt, Duy đẩy bạn đứng vào trong khuôn cửa bảo:


    -Mở khoá vào đi, đừng bật đèn.


    Xong hắn nhào về phòng, chụp nón sắt, đeo bao súng rỗng, chạy mau trong hành lang sân.


    Ra đến vị trí, Duy mệt ngất. Hắn ngồi dưới đất, tựa lưng, lịm đi.


    Gió kéo về rì rầm. Đêm trở lạnh.


    Tan báo động. Duy trở vào. Phòng Kiệt đã khóa. Hắn đẩy cửa vào bật điện. Phòng lâu không người ở xông mùi ẩm mốc. Đồ đạc đóng meo. Nhìn chiếc ghế ở bàn làm việc còn in dấu mới, Duy biết Kiệt đã vào ngồi. Trên mặt bàn có bao thuốc lá và bao quẹt. Khói thuốc còn phảng phất. Kiệt ra ngoài. Duy đốt thuốc sang phòng tắm, tiểu tiện. Có một lúc, hắn chuếnh choáng muốn xỉu.


    Gặp ông Thượng Sĩ già thường vụ trong hành lang, Duy hỏi:


    -Ông thấy Trung Úy Kiệt đâu không?


    -Vừa thấy ông ấy trên bãi đậu xe.


    Suy nghĩ Kiệt lên lấy xắc hành lý lúc xuống không kịp mang. Hắn tính ra xe giúp Kiệt một tay. Nhưng hắn chóng mặt nôn nao. Hắn vào phòng Kiệt, ngả lưng trên giường sắt, đợi. Gian phòng vuông, chật. Mùi nệm, quần áo dơ, giầy vớ nhét dưới gầm giường hôi rình.


    Kiệt dám đứng đội sương trên bãi ngắm trời ngắm đất, hát nốt điệu nhạc của anh. Nhưng Duy không còn sức ngồi lên đi kiếm bạn. Giấc ngủ kềm cứng hắn trên giường.


    Hắn nghe tiếng gió hú lộng trên đồi thông xa. Rồi tiếng đại bác câu đi từ bên trường cũ.


    Vốn tính mực thước quy củ, Nghiêm ghét lối phóng túng quá độ. Trong mọi hoàn cảnh chàng đều cố giữ thái độ điềm tĩnh, ôn hòa, ít khi Nghiêm mất tự chủ. Vậy mà vào những phút cuối ngày chủ nhật ấy, Nghiêm thấy mình buông thả, lệch lạc. Có lẽ tại chàng hơi quá chén. Sau một ngày bận rộn và căng thẳng ngấm ngầm không để lộ ra mặt, vì không được mãn ý, khi khách khứa đã ra về chỉ còn Duy và Nghiêm, Nghiêm mới thực sự được hưởng những giây phút vui sướng của mình, quên hẳn mọi bận tâm. Ngọc dục Nghiêm hai ba lần vào trại nhưng chàng cố ý trì hoãn – khác hẳn lệ thường - lấy cớ Duy đang say ngủ ngon và trong khi ấy thì chàng rót thêm rượu vào cốc của mình và mở nhạc nghe với Kiệt. Nghiêm cũng thoáng có ý nhờ bạn trực hộ, ở lại nhà khi Duy đề nghị và không thèm nghĩ đến đến những chuyện có thể xẩy đến trong khi chàng vắng mặt, không thèm nghĩ đến Thái, người cùng toán trực. Trước khi đi Nghiêm hôn vợ một cách xuồng xã, có thể gọi là thô bạo bất thường khiến Ngọc kinh ngạc, nhưng đồng thời tuồng như có vẻ quyến luyến khiến Ngọc xúc động.

    Phiện trực chỉ mãi đến muời một giờ hơn sáng thứ bẩy Nghiệm mới được thông báo. Chàng bị đôn lên thay thế một sĩ quan công tác bất thường. Chuơng trình ngày chủ nhật trù tính từ một tuần lễ trước đã sẵn sàng – khách khứa đã mời – không thể hồi. Ý định tổ chức bữa ăn sinh nhật không phải của Nghiêm mà là của Ngọc –sau một mùa hè buồn bã, vợ Nghiêm muốn có dịp vui gặp bạn bè. Thường mùa hè nào vợ chồng Nghiêm cũng có tổ chức một cuộc nghỉ mát tắm biển trong vài ba ngày ở Vũng Tàu hoặc Nha Trang, nhưng mùa hè vừa qua vợ chồng Nghiêm chịu hai cái tang liền trong vòng chưa đầy một tháng – tang ông thân sinh Ngọc, kế tiếp cái chết không toàn thây của Đôn, em trai Nghiêm – nên họ không còn thì giờ, phương tiện, tinh thần để đi chơi đâu. Trong album gia đình Nghiêm mỗi năm đều có dán một số hình kỷ niệm, năm nay chỉ có hình đám tang, không có hình vợ chồng chàng và mấy đứa con chụp trong cuộc đi chơi thường niên. Mặc dù Nghiêm không hoàn toàn đồng ý với vợ về việc tổ chức bữa ăn có mầu như một nghi lễ kỳ cục - Ngọc bảo chàng: năm nay anh ba mươi tuổi, đúng ba mươi tuổi… Trong khi Nghiêm chẳng có một ý nghĩ gì về tuổi tác của mình – nhưng chàng không tỏ lộ, chàng chiều Ngọc. Nghiêm đã quen sống với những điều bất ưng từ nhiều năm, chàng dễ dãi thích ứng mọi cảnh ngộ, buông xuôi không cưỡng, chỉ tách mình giấu kín ở một chốn nào bên trong mình vừa đủ tự vệ, bảo thủ đôi ba ý tưởng và tình cảm của chàng. Nhận được bản đính chính phiên trực, Nghiêm thêm khó chịu. Nghiêm bị du vào tình thế bắt buộc phải nhờ cậy người khác và không còn giữ nguyên tắc tự đặt cho mình khi sống trong quân ngũ: hoàn tất mọi tạp dịch một cách tề chỉnh không để ai nói động đến. Nghiêm không bao giờ vắng mặt một đêm cấm trại nào, Ngọc thường than thở nhiều khi hàng tháng trời không có được lấy một đêm chồng ngủ nhà. Nghiêm chưa hề nhờ ai trực thế một phiên trong khi chàng lại dễ dàng nhận thay cho bạn khi cần. Nghiêm luôn luôn nghiêm túc.


    Trước tám giờ sáng Nghiêm đã có mặt tại phòng trực cùng lúc với toán sinh viên sĩ quan. Trực cổng chính, mỗi phiên có hai sĩ quan, Nghiêm là sĩ quan phụ tá. Sĩ quan trực chính là Đại Úy Thái, nửa giờ sau mới đến. Thái vốn là bạn học của Đôn, đến bây giờ vẫn coi Nghiêm như anh, hai đứa cùng rủ nhau thi vào trường Võ Bị một khoá. Sau những ngày lăn lộn ở chiến trường, Thái được đổi về làm huấn luyện viên ở trường mẹ, còn Đôn tử trận. Gặp Thái làm sĩ quan trực chính, Nghiêm nhẹ bớt thắc mắc, chàng giải quyết được công chuyện một cách êm thuận không khó khăn. Chàng đề nghị Thái về nhà yên chí đưa vợ đi chơi – Thái vừa cuới vợ mấy tháng – chàng sẽ trông cho đến bốn giờ chiều, sau đó Thái thay chàng, chín giờ tối chàng lại có mặt nơi phòng trực. Buổi trưa, Nghiêm vào Câu Lạc Bộ ăn một khúc bánh mì cứng, uống cốc cà phê. Trong suốt thời gian trực, Nghiêm tự bầy những bài toán giải tích, chơi ô chữ, đọc truyện vui cười, và tìm điểm sai trong tranh vẽ đăng trong mấy số báo Chiến Sĩ Cộng Hòa cũ kỹ. Hai giờ trưa Thái vào để Nghiêm về sớm lo việc ở nhà và Nghiêm đã ân hận, thấy mình lợi dụng Thái khi chàng vào trại trễ hơn giờ hẹn.


    Lúc tiếng còi báo động hú vang, Nghiêm choáng người như bị luồng điện giật, thất kinh; chưa khi nào Nghiêm chạy xe bạt mạng đến như lúc ấy. Chiếc Suzuki đổ lao dốc, không đèn, như bị lôi cuốn theo sát chiếc Dodge chạy lồng đằng trước. Mặt mũi Nghiêm như bị bưng kín trong tiếng gió tạt và tiếng động cơ ầm ĩ mở đến mức tối đa. Chàng quên bẵng mọi nguy hiểm, chỉ còn một ý nghĩ: làm thế nào đến phòng trực trước khi dứt tiếng còi, trước kho đoàn kiểm tra tới. Ý nghĩ chiếm đoạt Nghiêm hoàn toàn, đánh bạt cả tiếng la gọi của Kiệt.


    Lệnh chấm dứt báo động hồi gần mười hai giờ. Nghiêm đi chân về phòng làm việc lấy đồ ngủ, dưới một bầu trời chuyển gió ào ào. Trên đường trở lại phòng trực, chàng bất chợt dừng bước ngửng trông con trăng yếu nhợt như lung lay trên những mảng mây xậm bay tới tấp. Trước mắt Nghiêm, bóng những ngọn đồi gần, rậm rạp khua tiếng. Không quay lại, chàng trông thấy toàn thể quang cảnh doanh trại sau lưng, lặng lẽ và thê lương. Một bóng người đứng thật xa, nhỏ xíu trong tầm mắt Nghiêm - bấy giờ chàng nhìn thấy lại - đứng giữa con đường hoang vắng, bên những toà nhà như lún thấp dần theo độ dốc, cất tiếng kêu:


    -Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday!


    Giờ Nghiêm mới thực sự nghe tiếng gọi của Kiệt, chỉ còn là tiếng vang dội sau bao giờ khắc qua trong tưởng tượng và tiếng vang ấy hiển lộng, rền rĩ, quái gở khiến chàng rùng mình. Chàng cũng thấy lại cảnh tượng trong gian phòng khách ở nhà với những khúc nhạc baroque, niềm vui sướng bất chợt thái quá đến muốn ứa lệ, buổi tối đã qua. Lúc này Nghiêm ngó thấy Duy đầy mầu mè, khôi hài. Còn Kiệt cuống rối, kỳ dị, Nghiêm không ưa.


    Về đến phòng trực thấy Thái chưa vào giường, Nghiêm bảo:


    -Cậu ngủ đi. Đêm nay để tôi lo.


    Nghiêm ngồi vào bàn giấy nơi đặt điện thoại, lật xem sổ sách. Sinh viên sĩ quan trưởng toán gác nhường ghế cho Nghiêm, bước ra hiên. Theo thói quen, Nghiêm đọc báo cáo quân số, vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, tiêu lệnh đặc biệt. Thái bật quẹt châm thuốc và ngồi im. Vì là phòng trực ở cổng nên trong phòng có kê một bộ sa lông gỗ có ba ghế dùng để tiếp khách. Phòng được ngăn đôi bằng tấm màn dạ tím, bên trong màn đặt hai chiếc giường ngủ song song. Nghiêm cũng mở hồ sơ tác xạ của hai khẩu súng cối trấn cổng, đặt trong hai cái hố ở bãi cỏ bên kia đường ra vào. Chàng nghĩ mình đang bị Thái tò mò nhìn ngắm nhưng bây giờ quả tình chàng đang sống trong tâm trạng phiêu lãng - rượu đang rã – và hờ hững trước mọi sự.


    Mười hai giờ hơn, Nghiêm còn ngồi hút thuốc lá nói chuyện với Thái. Thái nhắc những chuyện từ mười năm cũ, ngày còn đi học với Đôn ở trường trung học cũng như ở trường Võ Bị này. Ngày bọn chúng bỏ ngang theo võ nghiệp chúng hình như đầy lý tưởng. Bây giờ hoàn toàn không. Trong đám táng của Đôn, Thái và ba bốn tên bạn đồng khóa hiện ở đây đã lo liệu phụ giúp gia đình Nghiêm. Cứ nghe giọng Thái, Nghiêm nhận thấy cái chết của Đôn làm hắn đau đớn hơn chàng. Chàng có lẽ dửng dưng trước cái chết của em. Cuối cùng chỉ còn Thái nói, Nghiêm thỉnh thoảng xen một câu hỏi, thêm thắt một nhận định. Thái thuật những chiến dịch khốc liệt đã dự, nhắc tới hồi phải đi dẹp biểu tình, chống đảo chánh và hắn tự cho rằng mình đã già, đã thấu hiểu, chán ngán binh nghiệp, mặc dù chưa tới ba mươi tuổi.


    Trước lúc hai người vào giường nằm, có điện thoại từ phòng hành quân thông báo tin tiểu khu cho hay địch có thể tập kích hoặc pháo kích thị xã và trường trong đêm nay hoặc đêm mai.

    Thái vừa cười vừa bảo anh sinh viên nghe điện thoại báo cáo:

    -Tin của phòng 2 tiểu khu nghe cho biết vậy…


    Lúc ấy vào đúng một giờ đêm. Máy truyền tin trong phòng trực mở vào mỗi đầu giờ đang gọi các toán kích nằm ngoài vòng rào phòng thủ. Nghiêm thấm mệt. Nhắm mắt nằm trên nệm cứng lạnh, chàng chênh chao vì cơn mệt nhưng không ngủ được. Thái vừa đặt lưng xuống đã ngáy ngon lành. Mặt vách sau phòng trực gần giường Nghiêm có những ô cửa kính trông ra một lối cổng khác song song với lối qua mặt trước phòng, bị bể, che bằng bìa cứng, gió thổi lùng bùng. Gió từ dưới lũng sâu hoắm rậm rịt cây cỏ, dài suốt Vũ Đình Trường bốc lên.


    Sự vắng vẻ khua động cô quạnh của ban đêm ở trại lính nổi dềnh quanh Nghiêm mỗi lúc thêm dầy nhưng Nghiêm vẫn còn phần nào tỉnh thức. Hơi hóp lởn vởn những âm thanh, bóng dáng của buổi tối. Chàng thiêm thiếp trong giấc chiêm bao hồ đồ chỉ bừng hiện một hai hình ảnh sau cùng lúc giật mình.


    Nghiêm chập chờn như thế không biết bao lâu cho đến khi chàng choàng dậy vì tiếng động ở ngoài. Xe tuần tiễu. Có tiếng hỏi giật giọng:

    -Sĩ quan trực đâu?

    Nghiêm ngồi lên trong mùng trên mặt giường nhún nhẩy. Giường bên, Thái trở mình, càu nhàu bảo:

    -Mặc mẹ thằng khùng anh.

    Thái nhận đúng tiếng nói của người bước vô phòng, tiếp tục ngủ.


    Viên sĩ quan trực bộ chỉ huy tuần tiễu đêm ấy là Đại Úy On, tên dở người chẳng rõ điên thật hay giả bộ. Gương mặt bơ bơ, dáng dấp thô lậu, cử chỉ vụng về trong bộ binh phục nai nịt trang bị như sắp ra trận. On dềng dàng như một tên hề đóng trò. Y thi hành nhiệm vụ một cách chậm rãi, tỉ mẩn, tỉnh khô không cần biết đến thái độ người đối thoại. Miệng lẩm bẩm như đọc dần từng điểm có ghi trong bản tiêu lệnh dành cho sĩ quan trực bộ chỉ huy – bản tiêu lệnh dài gần ba trang in ronéo – không bỏ sót một chữ, đọc xong y lặp lại lớn tiếng hỏi và kiểm soát không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt. Quân số, vũ khí, hỏa lực cá nhân, quân tăng cường, các toán kích, phương tiện liên lạc, đèn phòng thủ, cách bố trí lính gác, đốc canh… Y đi ra, rồi trở vô, rồi đi ra không biết mấy bận. Nghiêm ngồi trên ghế ở bàn tiếp khách mặc On đi với sinh viên lục lạo chỗ ngủ của toán gác, sờ đầu người từng giường, leo lên sân thượng xét chỗ đặt đại liên, hạch hỏi lẩn thẩn những trường hợp xử trí đặc biệt do y bịa đặt ngớ ngẩn vô lý. Y hình như không biết buồn ngủ nên đụng đầu y khó ai ngủ nổi. Sau mỗi phiên tuần tiễu của On, sổ trực bao giờ cũng kín đặc thứ chữ rồng bay phượng múa gồm hàng loạt đề nghị sửa chữa, bổ túc, đề nghị nghiêm phạt và khen thưởng.


    Sau khi đi vòng khu cổng trở vào, On ra lệnh mở máy truyền tin liên lạc với các toán kính bên ngoài. Lúc ấy còn hơn muời lăm phút nữa mới tới hai giờ. Các máy chỉ mở vào mỗi đầu giờ, tuy nhiên, chiều ý viên Đại Úy khó tính, sinh viên trực vẫn gọi máy kêu thử. Tất nhiên không có tiếng đáp.

    -Trong trường hợp có lệnh khẩn cấp thì sao? On hạch hỏi.

    -Các toán kích bên ngoài đã nhận lệnh đầy đủ. Anh sinh viên đáp. – Không thể có lệnh đặc biệt cho họ. Họ nằm đâu là nằm đấy suốt đêm, không nhúc nhích.

    -Lỡ họ cần báo cáo tình hình?

    -Họ nổ súng là trong này biết mở máy liền.

    -Đâu phải lúc nào cũng nổ súng?

    -Nếu chưa đến nỗi nổ súng thì việc gì phải báo cáo thưa Đại Úy. Anh sinh viên mỉm cười.

    -Thí dụ họ phát giác địch đông và ở xa muốn gọi vào để xin pháo binh bắn tiêu diệt thì sao?

    -Làm sao ban đêm mà nhìn thấy xa được? Anh sinh viên lại cười.

    On vẫn chưa chịu, không nói nữa, lúi húi ghi chép vào sổ tay. Đối với y đó là một khiếm khuyết cần bổ túc. On thuộc loại người khi đã bắt có một ý tưởng thì níu chết lấy không chịu buông. Y chịu nặng những ý tưởng lổn nhổn, tán lạc.

    -Trung Úy biết bắn súng cối không? On quay hỏi Nghiêm bất ngờ.

    Nghiêm cười cười bảo:

    -Sinh viên họ bắn.

    -Tôi muốn Trung Úy cho lệnh bắn đạn sáng báo cho toán kích ngoài cầu biết có xe tuần tiễu ra.

    -Không được. Nghiêm ôn tồn đáp. – Xe ra là họ biết. Bắn đạn sáng họ cũng không hiểu gì đâu.

    -Lỡ xe xủa địch thì sao? On vẫn nghiêm trang. – Tình hình đêm nay đặc biệt. Trung Uý biết rồi chớ?

    -Tôi biết. Tôi biết…

    Nghiêm nhẫn nại giải thích với On, viện dẫn nọi lý do để y bỏ điều yêu cầu phi lý, vô ích không thể thi hành. Viên Đại Úy khật khùng khăng khăng đòi thực hiện bằng được ý mình.


    Y lý luận lúc này y là sĩ quan trực Bộ Chỉ Huy đại diện Chỉ Huy Trưởng mọi người phải tuân hành. Nghiêm chán nản không buồn nói nữa, bỏ mặc On đứng giữa phòng, trở vào ghế ngồi.


    -Để tôi nói với sĩ quan trực chính. On nói sau một hồi suy nghĩ.


    On vừa bước đến ngang tấm màn ngăn che chỗ ngủ thì Thái trong mùng quát tháo:


    -Đứa nào muốn bắn thì ra mà bắn. Đưa đạn cho nó…


    Thái đổ quạu, văng tục, đuổi On:


    -Đi ra, để yên tao ngủ… Đi không tao bắn thấy mẹ…


    On đứng khựng không lên tiếng đối đáp. Y lẳng lặng ra bàn quay điện thoại, nói chuyện với phòng hành quân. Y vẫn chỉ lập đi lập lại lời yêu cầu, lằng nhằng dây dưa đến mười lăm phút. Rõ ràng bầu không khí thù nghịch vây ngột ngạt vây quanh chẳng làm On nao núng. Rồi điện thoại cũng bị cắt đầu dây đằng phòng hành quân. On có vẻ ngẩn ngơ. Trước khi ra khỏi phòng, y quay chào Nghiêm: thôi cảm ơn Trung Uý, như không hề có chuyện gì bất thường xẩy đến trong những phút vừa qua.


    Nghiêm thở hắt, nhẹ nhõm. Chàng đợi nghe tiếng xe tuần tiễu qua cổng chậm chậm quẹo xuống con đường đất lẫn giữa rừng thông đưa ra các bãi tập, sân bắn của quân trường, rồi bước ra hiên đứng cho thoáng, trao đổi với hai sinh viên sĩ quan đang phiên canh thức vài câu bình phẩm diễu cợt nhẹ nhàng về nhân vật quái dị.


    Trời bớt gió. Sương mù buông che những ngọn điện thả dài quảng trường, những đốm đèn lù mù, trắng bệch.


    Nghiêm trở vào giường đã hơn hai giờ rưỡi sáng. Chàng buồn ngủ díu nhưng vừa chợp mắt thiu thiu, chàng đã giật mình vì một tràng súng nổ ròn nghe gần nhưng không rõ hướng. Xe tuần tiễu trở vô cổng, không theo lối phía sau phòng trực như thông lệ, đỗ lại ngoài hiên khoảng thời gian vừa đủ truyền một câu nói ngắn rồi phóng đi mất hút. Sau đó nổi lên những tiếng dóng một và những tiếng chân nhộn nhạo trước hiên.


    -Chuyện gì nữa vậy? Thái gắt.


    Sinh viên báo cáo địch xâm nhập lọt qua các toán kích xuất hiện sát hàng rào. Sắp có lệnh báo động của Bộ Chỉ Huy.


    -Thằng điên. Thằng điên. Chịu hết nổi. Thái trút sự giận dữ ra miệng.


    Chuông điện thoại reo. Thái tung mùng, xỏ giầy. Nghiêm cũng ngồi lên. Bộ Chỉ Huy báo động ra lệnh các cứ điểm tăng cường canh phòng cẩn mật, sẵn sàng nghênh địch. Một tên địch xuất hiện ở rừng thông bên đường ra sân bắn đã bị xe tuần tiễu bắn hạ. Thái vừa lầu bầu: tin thế nào nổi thằng điên, thằng điên, thằng điên… vừa quay máy gọi phòng hành quân xin xác nhận. Sự khích động của người chung quanh khiến Nghiêm nôn nao ngầy ngật. Chàng hết sạch cơn buồn ngủ.


    Trong khi Thái dặn dò cắt đặt sinh viên canh gác, nhắc nhở các vị trí đã chỉ định phân chia cho các toán trong trường hợp biến động, Nghiêm khoác áo lạnh ra ngoài.


    Trăng xanh lướt lênh đênh trên một nền trời êm tĩnh hơn hồi trước nửa đêm. Những tảng mây nặng đã bay biệt. Gió đều đặn miên man trên những đồi thông nghiêm mật, chan khắp không trung đổ bụi sương. Cảnh vật thiêm thiếp mơ màng.


    Ba giờ sáng Nghiêm còn dạo bước quanh khu cổng chính trên những con đường đất trải sạn nhỏ. Một bóng nê ông trên một trụ ở lối mặt sau phòng trực bắt đầu hư, ánh sáng bật chớp lập lòa. Chàng bị ru trong lạnh lẽo.


    Mùa hè đã hết. Hơn tuần nữa bọn trẻ tựu trường, Ngọc đi dậy trở lại. Mấy tháng nghỉ qua mau trong chộn rộn u ám. Quả là một mùa hè tang tóc đối với Nghiêm. Thật ra nếu không có hai cái tang, Nghiêm cũng chẳng thể đưa vợ con đi đâu. Tình hình chiến sự ác liệt giam cầm mọi người tại chỗ - trừ dân ở các nơi đã thành bãi chiến trường thì bị xô đẩy tuôn chạy. Trong tuần rồi tất cả các sĩ quan đều được lệnh tham dự một buổi hội an ninh để nghe thuyết trình về kế hoạch tấn công thị xã của địch và kế hoạch chống trả tự vệ của ta cùng những biện pháp cần thi hành về phương diện an ninh của mỗi cá nhân có nhà ở ngoài phố. Thành phố vẫn an bình một cách khả nghi từ cuối tháng ba bây giờ có dấu hiệu bị đe dọa. Những ý nghĩ về chiến sự không khuấy rối Nghiêm bao nhiêu, chàng luôn luôn bình thản vì nhận định mọi chuyện xẩy tới hay không ở ngoài quyết định, ngoài hy vọng mong ước cũng như tuyệt vọng giận dữ của mỗi người.


    Khi ngó mông về phía quảng trường lờ mờ trong màn sương vẩn, Nghiêm lại nghe tiếng la vang của Kiệt: Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday… Bây giờ tiếng vọng dội trên một chuỗi âm thanh tơ tưởng diễn tiến chậm rãi, thong thả, hoàn toàn khác với nhịp độ thật đã nghe của khúc nhạc. Tiếng vọng rõ mồn một nhưng dường như lại xa lắc ở bên kia một bức tường dầy. Nghiêm như đang cố phóng mắt tới những bến bờ Kiệt trôi dạt và chàng như ngơ ngác trước những kỷ niệm của riêng mình vật vờ đắm đuối trên một dòng chiêm bao trắng xóa.

    Nghiêm đứng dưới một tàn cây thấp, cành lá cứng im đẫm sương đêm với những chùm hoa không rõ mầu.


    Chàng hoảng hốt trong những ý nghĩ chập chờn về buổi tối, về Kiệt, về Duy, về mình, ở nơi chàng chờn vờn mớ linh cảm tối tăm như miệng hố sâu rì rào gió đùa, hương gió lạnh nhạt. Dường như gió chuyển rần rộ phía rặng núi xa, đứng đây không thấy. Không biết lúc nào từ phương ấy gió chuyển tới? Mai sáng hay chốc lát?


    Dứt khoát những ám thị tê tái, Nghiêm trở về phòng trực trong cơ bàng hoàng, đầu tóc và hai tay ướt đẫm sương đêm. Không khí trong phòng khuya ấm áp, đã bình thản trở lại. Thaí ngáy đều trong giường. Các sinh viên ngồi ngủ gật quanh bàn tiếp khách. Nghiêm cũng vào giường. Đã bốn giờ sáng.


    Chàng bỗng bị giật đứng vì những tiếng như quát bên kia bức màn dạ. Chàng táng đởm nhẩy chân không xuống đất. Người đứng lố nhố chật cửa ra vào. Nhiều miệng đua nhau nói.


    Nghiêm ngồi vào chiếc ghế trống bất động.


  4. #23
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Người bị xe tuần tiễu bắn hồi ba giờ sáng ở rừng thông bên kia đường ra sân bắn là Kiệt. Tại sao Trung Úy Kiệt lại lần mò ra đấy? Ông ta bệnh nằm cả tháng nay bên tiểu khu mà. Ai biết. Đúng là Trung Úy Kiệt. Xác quàn bên Niệm Phật Đường. Nguyên băng M.16 vào bụng và ngực. Ai bắn? Đại Úy On, ông Đại Úy khùng. Khùng gì? Ai chẳng phải bắn trong trường hợp ấy.


    Xác Kiệt nằm trên bàn, phủ vải, cuối gian phòng dài trần trụi. Đầu phòng đặt một bàn thờ Phật có tượng có đèn nhưng lạnh ngắt khói hương. Trên mặt sàn xi măng vương vài mẩu giấy xanh, đỏ, bệt sơn. Nơi này là chốn tụ tập của đoàn thiếu nhi Phật tử gồm các con em của trại gia binh, huynh trưởng là các sinh viên sĩ quan mộ đạo. Quanh vách gỗ căng những biểu ngữ về ngày lễ vu lan. Trong một góc bừa bãi những lon sơn, chổi cọ. Vài ba chiếc ghế bỏ giữa khoảng trống.


    Duy ngồi thừ hồi nào trên một chiếc ghế tựa vách.


    Nghiêm đứng cạnh bàn nhìn tấm vải thô đắp kín Kiệt. Chàng không mở tấm vải.


    Chàng nghe những tiếng động bên kia vách ván. Nửa lớp nhà, nơi đặt Niệm Phật Đường là phòng vãng lai dành cho sĩ quan cấp uý mới đến trường hoặc tiếp đón các phái đoàn không quan trọng. Chàng nghe tiếng hỉ mũi của Duy. Các ô kính trên vách mầu khói giống như mầu trời chàng vừa nhìn thấy bên ngoài.


    -Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday…

    Happy Birthday, Kiệt.


    Nghiêm đứng, bỏ quên mình, bỏ quên hết thẩy, chàng vẫn ngó thấy xác Kiệt được đắp điếm dưới lần vải có mầu lem luốc nhưng chàng không nhớ hình dáng Kiệt. Chàng cũng không nhớ cái chết của Kiệt. Chàng mặc sự trống rỗng hút cuốn tâm trí.


    Quanh cái chết của Kiệt lồ lộ biết bao câu hỏi, Nghiêm cũng không muốn hỏi. Ai trả lời được cho chàng? Ai?


    Rồi Nghiêm đến bên cạnh Duy nghe Duy nói. Lúc Duy rã rượu, tỉnh giấc trong phòng Kiệt, Duy biết Kiệt đã chết. Giọng Duy đầy ân hận.


    Nghiêm không chêm một lời.


    Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday…


    Câu nói cuối cùng của Kiệt?


    Khi có bóng người bước vào Niệm Phật Đường, Nghiêm lẳng lặng bỏ ra về. Thành phố đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp thảng thốt của một ngày trở mùa. Trời bạc phơi phới. Mây mỏng bay lướt thướt. Trên mặt hồ chi chít những cụm sương như cánh đồng trổ bông trắng xóa.


    Nghiêm chạy xe chầm chậm, đều đều, giữa đường mờ mờ hơi khói. Bỗng những trái nổ rớt đâu quanh, lay chuyển bầu không khí êm đềm, khép nép. Hỏa tiễn bắn vào thị xã chưa thức hẳn, rơi gần mấy cây cầu quanh hồ lớn. Nghiêm vẫn ngồi vững trên xe, chạy tới, chạy tới, không nhanh không chậm hơn, tâm thần quạnh tẻ, lặng lờ, và giật mình khi thấy mình đang đứng giữa gian phòng khách trong nhà, đã ngăn nắp sạch sẽ, chẳng lưu chút vết tích nào của buổi tối qua.


    Cờ bay… theo ngọn cờ bay…

    Nhạc báo thức trổi lên trong khu trung đoàn sinh viên sĩ quan. Tiếng hát vang qua loa sắt choe chóe. Ngày quân trường bắt đầu, một tuần lễ mới cũng bắt đầu.


    Sáu giờ trời vẫn nhá nhem mù sương. Hồi gần sáng đã đổ mưa. Mưa lạnh lẽo, tuy nhỏ mà hạt đều, báo hiệu tiết tháng bẩy mưa dầm. Mưa chỉ mới dứt cách nửa giờ. Sau trận mưa, sương ngút tỏa, lấp kín từ lũng thấp đến rừng cao.


    Giữa bãi cỏ trên quảng trường, sinh viên sĩ quan chỉ huy trung đoàn hô tập họp. Hiệu lệnh được truyền đi qua các sinh viên chỉ huy đại đội đứng ngoài đường trước các tòa nhà dùng làm trú phòng. Trung đoàn đồng loạt quần áo thể dục trắng tập họp chạy từng đại đội trong khoảng chưa đầy năm phút. Rồi khởi diễn cuộc chạy bộ mười lăm phút vòng quảng trường từ phạn xá tới cổng chính doanh trại. Tiếng hô nhịp luân chuyển đều đặn vang trong ban mai thiêm thiếp.


    Toán kích gồm năm người nằm tại ngã ba rừng thông lối ra sân bắn vào đến cổng trại lúc đại đội sinh viên đầu tiên đang vòng sang con đường song song chạy trở vào. Nhóm binh sĩ, do một trung sĩ còn trẻ làm trưởng toán, dáng điệu uể oải, mặt mũi phờ phạc. Họ vừa qua một đêm nhọc nhằn căng thẳng mất ngủ. Đợi một quãng hở giữa hai đại đội sinh viên, họ lần lượt băng qua, tản mác lầm lũi mỗi người một lối, và mất hút vào trong các tòa nhà.


    Gã trung sĩ trưởng toán là người duy nhất chậm chạp bước men một bên rìa đường tò mò trông các đại đội sinh viên chạy qua.


    Gã xách bên tay mặt túi đựng mìn claymore, tay trái ôm chiếc poncho ướt đầm, lưng đeo túi quân trang, vai đeo khẩu carbine M1, đi trên bãi cỏ ở đầu tòa nhà thứ nhất phía bên trái nhìn từ cổng vô. Bãi cỏ dầy sũng nước có một lối mòn dẫn đến cửa gian hầm phía sau tòa nhà.


    Gian hầm tụt sâu dưới đất là chỗ chứa vật liệu xây cất dư thừa đã được biến thành hàng quán bán lén lút vào buổi sáng sớm. Lối xuống quây ba mặt bằng bao cát chồng chất trông như một trạm gác. Gã trung sĩ đứng lại trên bực đất cuối cùng, còn ở ngoài sáng, nhìn xuống gian hầm mờ tối trước khi khom mình tiến vào.


    Một thiếu phụ đang nhóm bếp dầu đặt dưới đất ngay bên lối cửa ngửng nhìn khách mỉm cười. Hàm răng chị trắng đều. Chị trông có vẻ bề xề, một phần vì sinh nở nhiều lần, một phần vì mặc độn nhiều áo nhưng khuôn mặt thanh tú duyên dáng, đôi mắt và miệng cười trẻ trung, tươi tắn.


    Người khách đầu ngày trút bỏ đồ đạc đeo mang, ngồi nghỉ trên đống cây dài xếp sát một bên mé vách khuất tối. Lửa bếp chỉ vừa bắt đầu cháy xanh, ấm nước chế cà phê đặt trên. Trong gian hầm kín ẩn, xa với đường, nghe văng vẳng thấp thoáng tiếng hô nhịp chạy vọng lại khi một đại đội vượt quá tòa nhà và vòng sang đường bên kia.


    -Tối qua anh đi kích ở ngoài? Thiếu phụ hỏi, hiểu đó là câu thừa, nói tiếp – Anh đợi một chút cho nước sôi.


    Gã trung sĩ lặng thinh, mơ màng. Trong tâm thần mê mỏi, gã thanh niên nhớ đến trận mưa thấp thoáng lúc gần sáng và sự nín thinh tứ bề không một tiếng động sau trận mưa như thể đang hiển hiện sừng sững nỗi thâm u cùng tột của rừng núi. Gã giật mình xong lại lặng thiếp trong tưởng nhớ bâng khuâng những ngày nắng chói ở vùng biển hắn rời bỏ.


    -Đêm qua có chuyện gì thế? Hồi sớm trước khi qua đây tôi nghe dưới trại nói lùm xùm, không hiểu gì hết.


    -Tôi cũng không biết. Hình như hồi đêm xe tuần tiễu bắn chết một người. Có đúng không?


    -Nghe đâu người bị bắn là ông Trung Úy giáo sư gì... đây này. Thanh toán nhau hả anh?


    -Đâu có. Hay chuyện khác tôi không biết. Xe tuần tiễu nổ súng hồi gần ba giờ đêm ở ngoài rừng thông mà. Làm sao có chuyện thanh toán?


    -Vậy hả. Vậy mà người ta nói toàn chuyện ly kỳ. Người ta nói ông Đại Úy thù ông Trung Úy dụ ra rừng thông hạ sát…


    -Chuyện gì dữ ác?


    Gã trung sĩ gốc Bắc di cư học giọng Nam vụng về nhưng có điệu ngây thơ thực thà khiến người nghe không gai.


    Gã mới thuyên chuyển đến hồi sau Tết. Trước gã phục vụ ở trường Hạ Sĩ Quan dưới vùng duyên hải. Không gia đình thân thuộc, gã ăn ở ngay tại phòng sở như một sĩ quan độc thân và lạc lõng lủi thủi không bè bạn sau giờ làm việc.


    Lúc nhận lệnh đổi lên trường Võ Bị, gã mừng rỡ hí hởn vì nghĩ đã may mắn quá nhiều: vừa không bị đẩy đi đơn vị tác chiến vừa được đến ở thành phố nổi tiếng nên thơ vẫn nghe ca tụng. Gã đã nghĩ không vào quân đội chắc chẳng bao giờ gã có dịp thực hiển nổi một chuyến du lịch nghỉ mát ở nơi trưởng giả sang trọng này. Nhưng gã thất vọng tràn trề. Thành phố mơ mộng không thấy đâu. Phố xá quanh quẩn, buồn tẻ. Buổi tối hầu như mất biến. Ngày cũng như đêm quay cuồng theo gió. Cảnh vật quạnh hiu, nẫu ruột. Gã ngán ớn cái khí hậu thời tiết vắng ánh mặt trời, ẩm ướt lê mê ít khi khô ráo, nhất là những đêm nằm phơi giữa sương gió hoang vu lạnh lẽo.


    Mỗi đêm đi kích về, gã trung sĩ, vốn tính tằn tiện, thường ngày không điểm tâm, đều ghé xuống gian hầm uống một cốc cà phê. Trong quãng thời gian mù mờ ngây ngất sau đêm khổ dịch, gã bước vào đây như con mèo ướt tìm vào gian bếp có lửa ấm. Giờ này chưa thể có ai khác ngoài thiếu phụ vừa dọn hàng đến, có bữa gã về sớm ngồi thu lu một mình chực sẵn, và gã uống cốc cà phê sữa đầu tiên nước còn sôi bỏng.


    Trước sáu giờ, chồng thiếu phụ, một trung sĩ gầy gò giữ chân tống thư văn của phòng Chỉ Huy Trưởng, chở vợ sau xe mobylette từ bên trại gia binh qua, rồi phóng ra chợ mua đồ nguội về bán sáng như bánh mì, bánh bao, xôi gói - mỗi bữa chỉ bán một món – vì quán không có bàn ngồi và cũng không có chén dĩa, trừ mười cái ly úp trên một tấm ván mỏng có trải khăn đặt trên một thùng sữa. Khách hàng quen là các sĩ quan giáo sư có giờ sớm và các sinh viên đến lớp học đặt trong tòa nhà trên hầm hoặc tòa nhà kế cận, chỉ xuất hiện vào lúc hơn bẩy giờ - các lớp học khởi sự vào lúc bẩy giờ rưỡi trước giờ làm việc của sở nửa giờ. Người chồng của thiếu phụ chạy mua thức ăn chỉ có thể trở về sau bẩy giờ. Gã trung sĩ thường uống xong cốc cà phê trước đó và đứng lên vẫn còn dư đến cả giờ đồng hồ trước mặt – theo nguyên tắc gã được phép nghỉ bù buổi sáng sau đêm kích nhưng vì ở luôn tại phòng sở không thể trải ghế bố nằm nên gã nghỉ buổi chiều để đi chơi phố chợ hoặc xem hát bóng.


    -Trườg này năm nay chắc phải cúng cô hồn cách sao chớ… Thiếu phụ nói. –Để chi mới từ đầu năm tới giờ mà đã xẩy ra tới ba vụ chết người lãng xẹt.


    -Những ai mà tới ba chị?


    -Thì ông Trung Tá Thạch nhé...


    -Ông Trung Tá Thạch nào?


    -Ờ, ờ tôi nhớ lộn. Ông Trung Tá Thạch bị trước Tết, năm ngoái. Rồi tới vụ sinh viên dỡn súng trước phòng, bây giờ tới ông Trung Úy.


    Thiếu phụ vẫn quanh quẩn gần bếp lửa, quay mặt về phía gã Trung Sĩ. Từ trong góc tối không bị nhìn thấy, gã thanh niên trông rõ gương mặt thiếu phụ hiện lộ trong vầng sáng từ trên cửa hầm rọi xuống và ánh lửa chập chờn trên bếp soi ngang thân chị.


    Trên đường, xe hơi chạy qua. Các sĩ quan ứng chiến đang lần lượt rời trại. Lúc này không khí doanh trại lại vắng vẻ hiu quạnh. Sinh viên sĩ quan đã về phòng, thay quân phục, soạn cặp sách sắp xuống phạn xá điểm tâm trước khi đến lớp. Trời rạng hơn nhưng còn sương.


    -Anh không biết chứ ở đây năm nào cũng có tai nạn, không năm nào không có chuyện.


    -Ở đâu cũng thế.


    -Anh đợi một chút cho cà phê ngấm mới ngon.


    Thiếu phụ chuyền nước qua túi lược cà phê một cách chăm chú. Chị có đôi tay mềm dẻo, khéo léo, cổ tay áo len xắn cao. Sữa trắng mới khui đổ vào lòng ly trong trẻo và nước cà phê đen tuyền um khói. Lúc bấy giờ gã Trung Sĩ mới rời chỗ ngồi, đi vài bước đến gặp người đàn bà nhận ly cà phê. Gã ngồi xuống chiếc ghế đẩu ngay bên chỗ đứng. Trong hầm có bốn năm chiếc ghế bỏ vương vãi để tùy tiện khách muốn đặt đâu cũng được.


    -Vừa không?


    -Cám ơn chị.


    Viên Trung Sĩ ngoáy muỗng chậm rãi, mắt nhìn xa như theo dõi những tiếng động mơ hồ, chúm môi thổi ly nước nóng trước khi hớp một ngụm nhỏ.


    -Anh cần thêm sữa không?


    -Không. Cám ơn chị.


    Thiếu phụ quay gót, vặn nhỏ lửa đặt bình cà phê đã pha lên bếp. Chị ngời trên một cái ghế con, pha một ly sữa.


    -Tôi không biết uống cà phê.


    -Sao câu lạc bộ còn khiếu nại chị không?


    -Họ làm đơn thưa Bộ Chỉ Huy rồi. Nhưng mình cũng nhờ được anh em thông cảm.


    -Anh ấy làm trên văn phòng ông Tướng sức mấy ai dám đụng.


    -Một phần thôi. Phần khác là tụi tôi chỉ bán cà phê một lúc sáng sớm, đâu phải cả ngày. Bà chủ câu lạc bộ nhất định kiện với Bộ Chỉ Huy. Ông Tham Mưu Trưởng có kêu anh ấy vô hỏi, bây giờ còn đợi trình ông Tướng.


    -Bà chủ câu lạc bộ đẹp vậy mà ác ôn…


    Viên Trung Sĩ lại nhái giọng Nam và cười, xong liền đó gã đỏ bừng mặt ngượng nghịu về câu nói đùa táo bạo.


    Gã Trung Sĩ đã không ra khỏi gian hầm sau khi có khách bước vào. Hắn chỉ rời chiếc ghế đẩu rút vào trong góc cũ trên đống cây như lúc mới vô. Gã vẫn cầm ly cà phê đã cạn rồi thiu thiu lịm đi mất không hay. Gian hầm mỗi lúc một thêm đông đảo, chộn rộn. Người ngồi, kẻ đứng, người đi ra, kẻ đi vào. Trên đống cây cũng có nhiều người ngồi. Thỉnh thoảng viên Trung Sĩ bị xô đụng khi có sự chuyển dịch nới thêm chỗ cho một người, nhưng không tài nào tỉnh. Đêm qua gã chợp mắt được độ hai tiếng đồng hồ là cùng.


    Trong mớ tiếng động rào rào hỗn độn, lúc tạnh ngắt lặng lờ bao bọc, gã Trung Sĩ lõm bõm nghe qua làn sương mù che phủ trí não một vài mẩu sự kiện xẩy ra trong đêm đang được loan truyền bàn tán. Người bị bắn hạ là Trung Úy. Ông ta đang điều trị tại bệnh viện Tiểu Khu. Tại sao nửa đêm ông lại lang thang ở đấy? Ông Đại Uý khùng, chính ông Đại Úy khùng nổ súng, gây án mạng.


    Lúc gã Trung Sĩ choàng thức, gian hầm không đến nỗi ồn ào quá như nghe thấy trong cơn mê mệt. Gã mang trả ly và gặp người chồng lăng xăng bên cạnh vợ. Anh ta đang kể với ba khách hàng sinh viên sĩ quan về chuyện thoát hiểm của mình.


    -… Hai trái nổ. Một rớt ở gần cầu Miếu Âm Hồn. Một rớt dưới chân cầu Ông Đạo. Lúc ấy xe tôi đang chạy ở khoảng giữa. Mới đầu tôi nghe uỳnh ở sau lưng, vừa ngoái cổ lại dòm chưa biết nổ ở đâu thì lại nghe uỳnh ngay đằng trước. Quay lại thấy khói trắng còn bốc trên cầu Ông Đạo. Người mình rung rinh, ù tịt. Tối vẫn cứ thế chạy xe tới chẳng nghĩ tìm chỗ núp, chẳng hề nghĩ có thể còn trái thứ ba, thứ tư… Cứ chạy tới, có lẽ lúc ấy mình sợ quá mê đi. Tôi chắc là hoả tiễn. Lúc bẩy giờ hay bẩy giờ kém năm. Hồ thì còn đầy sương nên mắt mình hoa lên. Thiệt hút chết. Bây giờ nghĩ lại mới sợ…. Ông Trung Úy Nghiêm chạy trước tôi một quãng.


    -Ở đây nghe nổ cũng lớn. Thiếu phụ góp lời.


    Gã Trung Sĩ không hay biết, tự nhủ mình đã ngủ say quá, pháo kích không nghe. Gã nói với người chồng tay cầm túi nylon đựng bánh mì đang lấy đưa cho khách miệng không ngớt chuyện:

    -Cho tôi một ổ.


    Gã vừa gậm bánh mình vừa lơ đãng nghe chuyện xung quanh. Ba bốn sĩ quan giáo sư ngồi trên mấy chiếc ghế đẩu tiếp tục bàn luận, đặt nghi vấn, về những lý do đưa đến tai nạn giết chết Trung Úy Kiệt. Bọn sinh viên sĩ quan đã rút bớt về lớp, còn lại mất người nói chuyện pháo kích, nhắc nhở mấy trận đã qua nhắm vào trường, kể những điều được nghe thuật về những trận pháo kinh hồn tại mặt trận An Lộc.


    Trời trắng nhễ nhại. Dưới các lũng, sương đang tan dần còn những vệt nhỏ phơ phất. Cỏ lá xanh tươi. Ngày hy vọng có nắng. Gã Trung Sĩ chui ra khỏi gian hầm bước lững thững trên quảng trường trống trải lặng lẽ. Các lớp học đã hoạt động.


    Trong khi ấy, dưới Vũ Đình Trường nhìn thấy bao quát từ trên bãi đậu xe sau nhà Bộ Chỉ Huy, Đại Úy On mặc nguyên đồ trận, áo ngự hàn dã chiến, quấn khăn đỏ quanh cổ, đang chạy bộ lẽo đẽo một mình. Gương mặt y ngước vác như mải ngắm vòm trời đã sáng bạch.


    1972-1973

Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-30-2016, 03:51 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-10-2016, 03:05 AM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-31-2015, 01:08 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-20-2014, 02:42 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-08-2014, 01:01 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •