Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Tất cả hạnh phúc của mình có đều do hạnh phúc của mình cho.
Sully Prudhomme
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 12 of 12

Chủ Đề: Tấm Lòng Vàng

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Tấm Lòng Vàng

    Tấm Lòng Vàng

    tác giả : Nguyễn Công Hoan





    MỤC LỤC [−]

    1. Vua Zéro
    2. Ai?
    3. Lúc vẻ vang
    4. Phân vân
    5. Hối hận
    6. Tháng ngày qua
    7. Quan huyện
    8. Thầy trò
    9. Tính việc
    10. Công việc
    11. Lòng mẹ
    12. Những ngày cuối cùng





    I

    Vua Zéro

    Này! Các anh! Thế nào nhỉ? Ở đám tế, muốn bảo đứng dậy, họ xướng thế nào nhỉ? Hơơơng. À phải...

    Nói xong, anh Tam khuỳnh hai tay ra đằng trước, dài giọng ra mà:

    - Hơơơng!

    Tiếng cười rầm rầm:

    - Kìa vua Zéro! Ngài có nghe tiếng không?

    - Ngài lờ mãi! Ngài quỳ gan thế!

    Tiếng vỗ tay đôm đốp:

    - A hay! Hơơơng! Đức ơi! Hơơơng! Ơ nó cứ quỳ bạt mạng đi thôi!

    Anh em cười nôn ruột. Nhưng thầy giáo hất tay, bắt mọi người đi chơi xa.

    Từ lúc ấy, sân trường mới được vui vẻ. Chỗ này, vài anh đuổi nhau. Chỗ kia, vài anh rủ nhau đánh bi. Cạnh hàng rào anh Thơm nhồm nhoàm chiếc bánh tây. Ở góc trường, anh Lục hút thuốc lá vụng. Anh Đa, anh Banh khoác tay nhau, đi bách bộ, lầm bầm đọc bài chốc nữa. Anh Tý vạch xuống đất để hỏi anh Học bài tính vừa rồi.

    Chẳng còn ai để ý đến Đức đang quỳ ở góc lớp ba như ban nãy nữa. Ông giáo Chính ngồi ở bàn giấy, gấp quyển vở lại, gọi:

    - Đức! Anh lại gần đây.

    Rồi thầy nghiêm nét mặt, nhìn Đức. Đức, khoanh tay, cúi gầm, e lệ đến cạnh bàn thầy đứng im.

    Ông giáo trỏ quyển vở, trang nghiêm nói:

    - Anh không đáng tên là Đức! Anh ngẩng lên nhìn tôi đây.

    Đức sợ hãi, thưa:

    - Dạ!

    - Vở anh giữ rất sạch sẽ, sao không bài nào anh thuộc!

    Đức im lặng, không đáp.

    - Tôi nhận thấy độ ba tháng nay, anh đổi khác hẳn. Trước anh chăm chỉ bao nhiêu, nay anh lười biếng bấy nhiêu. Tại làm sao thế?

    Đức vẫn không đáp.

    - Tôi rất không bằng lòng. Các bạn anh đặt tên anh là vua Zẻro! Anh hay phải phạt! Anh có xấu hổ không?

    Thẹn thùng, Đức khẽ đáp:

    - Bẩm thầy, có.

    - À, có! Vậy sao anh không chịu học? Sao anh còn lười? Lười đến nỗi cả quần áo cũng để bẩn thỉu quá! Tôi tiếc cho anh rất sáng dạ. Anh phải biết, người sáng dạ đến đâu mà lười, cũng không bằng người tối dạ mà chăm. Tôi phạt anh là để anh sửa lỗi. Nhưng nếu anh không sửa lỗi, thì từ nay tôi không phạt nữa.

    Đức cảm động, hai mắt mọng những nước.

    Ông giáo nói tiếo:

    - Trước anh là một người học trò rất ngoan ngoãn. Tôi tưởng lên lớp này, anh vẫn ngồi đầu như năm ngoái ở lớp tư. Thế mà chỉ được một tháng, rồi anh đổi khác hẳn. Tuy trong lớp, anh không nghịch ngợm, anh chịu khó nghe, anh trả lời được những câu hỏi khó, nhưng đến bài học là anh không thuộc bao giờ, có khi bài làm, anh cũng bỏ dở. Giá anh chịu khó một tí đã đủ hơn anh em rồi. Vậy mà đến bây giờ, trong năm mươi người, anh ngồi thứ bốn mươi sáu! Anh có thấy rằng anh học lùi lại không?

    - Bẩm thầy, có.

    - Tại làm sao anh về nhà không chịu học? Có phải anh đã làm phiền cho cha mẹ tốn kém vì anh không?

    Nói xong, thầy im, nhìn Đức một lúc để cho lời nói ấy thấm thía đến tận đáy lòng Đức-

    Thì quả nhiên, ở mắt Đức, hai giọt nước ứa ra, to dần, rồi chảy dài xuống má.

    Nhưng thầy vờ mắng:

    - Anh còn cho là oan, phải không?

    Đức lấy vạt áo chùi nước mắt, đáp:

    - Bẩm thầy, không phải thế ạ.

    - Được, thầy me anh có nhà không? Rồi tôi đến chơi để mách rằng anh lười biếng.

    Đức nức nở, khóc to ra tiếng.

    Ông giáo lấy làm lạ, hỏi to:

    - Sao anh khóc?

    - Bẩm thầy, con có dám lười đâu.

    Thấy câu nói vô lý, thầy cau mặt lại. Nhưng rồi thầy cười gằn và hỏi vặn:

    - Hừ! Anh không dám lười! Thế tại làm sao không bài nào anh thuộc? Anh ở nhà làm gì?

    Đức run run đáp:

    - Bẩm thầy, tại ở nhà, con không được học.

    Rồi Đức òa lên khóc.

    Ông giáo nhìn Đức, chừng cũng cảm động, ông thở dài. Rồi nghĩ ngợi một lúc, chờ cho Đức lau nước mắt, ông dịu dàng, hỏi:

    - Tại làm sao anh không được học? Anh nói dối! Ai cấm anh học?

    - Bẩm thầy, bà chủ nhà con.

    - Nhà trọ ấy à?

    - Vâng.

    - Tại làm sao?

    - Tại bà ấy không cho con học.

    - Sao lại không cho?

    - Bẩm thầy, đã bốn tháng nay, con không trả tiền trọ.

    Ông giáo ngồi thẳng lại, cau mặt nghĩ rồi hỏi:

    - Nhưng bà ấy cấm anh học bài à?

    - Bẩm không cấm, nhưng con không có lúc nào để học bài cả.

    - Thế buổi sáng, sao anh không chịu khó dậy sớm để học?

    - Thưa thầy, sáng nào con cũng dậy từ bốn giờ. Nhưng con phải thổi cơm để bà ấy ăn rồi đi chợ. Khi con rửa bát và cho lợn ăn xong, thì đã gần giờ học.

    - Buổi trưa?

    - Buổi trưa, bà ấy giao cho con nhuộm vải hoặc kiếm củi.

    - Buổi chiều, nhiều thì giờ, sao anh không học sẵn?

    - Buổi chiều, tan học, con phải đi đón gánh hàng cho bà ấy. Rồi về nhà thổi cơm. Bữa ăn người và bữa ăn lợn xong là vừa tối.

    - Thế lúc xong việc, anh để thì giờ làm gì?

    - Bẩm thầy, hôm nào con không phải chia bài, thì bà ấy sai con các việc lặt vặt. Con chẳng được lúc nào rỗi cả. Con biết rằng con lười học thì thầy ghét, nhưng con biết làm thế nào?

    Đức nói đến đây, lại bưng mặt khóc. Rồi một lát, Đức thưa:

    - Thấy không có thì giờ làm việc nhà trường, nhiều bận con muốn xin phép thầy thôi học, nhưng con lại tiếc. Con tiếc kỳ thi Sơ học yếu lược sắp tới này.

    Ngẫm nghĩ hồi lâu, thầy hỏi:

    - Thế nhà anh không có đày tớ à?

    - Bẩm thầy, đã ba tháng nay bà chủ con cho thằng nhỏ về, nói rằng đã có con thay nó.

    Ông giáo nhăn mặt, đăm đăm đôi mắt:

    - Thế bà ấy có hay đánh anh không?

    - Bẩm có, vừa đánh, vừa hay nhiếc. Thỉnh thoảng, con đi mượn sách, bà ấy cũng bảo con đi chơi, dọa đuổi mấy lần.

    - Thầy anh đâu?

    - Bẩm thầy, thầy con mất rồi.

    - Thế me anh?

    Đức lặng người, không đáp được. Ông giáo hỏi gặng:

    - Thế me anh đâu?

    - Bẩm thầy, u con đi lấy chồng.

    - U anh không cho anh tiền cơm nữa à?

    - Bẩm thầy, trước thì tháng nào u con cũng gửi tiền cho, mỗi tháng ba đồng. Nhưng một độ, con không thấy u con cho tiền. Rồi dì con qua huyện, nhắn cho con biết rằng u con mới mất độ tháng chín.

    Ông giáo Chính động lòng, nhìn Đức, thương hại. Nhưng hình như ông thấy có một chỗ vô lý trong câu nói của Đức, bèn hỏi:

    - À, anh bảo u anh mất, sao tôi không thấy anh để tang?

    - Bẩm thầy, con không có khăn áo tang. Mà dù có cũng không dám mặc, vì sợ bà chủ con biết con mồ côi, thì đuổi con thật.

    - Thế anh vần giấu bà chủ à?

    - Vâng, vì nhà u con ở xa đây lắm.

    Ông giáo Chính cắn môi, ra ý nghĩ ngợi, rồi lại nghiêm mặt, nói:

    - Thễ họ hàng thân thích anh, có ai ở gần đây không?

    - Bẩm, không có ai ở gần đây, vì họ hàng cha dượng con thì ghét con, mà họ hàng cha đẻ con thì bỏ con. Họ ngoại con nghèo quá.

    Thầy lặng một lúc, nhìn Đức, rồi nói:

    - Nhưng dù thế nào, anh cũng phải chăm chỉ, vì anh là học trò. Thôi, cho ra chơi.

    Đức ngậm ngùi, ra hiên rồi xuống sân. Ông giáo nhìn theo, rồi sang lớp khác.

    - A ha! Vua Zero!

    - Hơơơng!

    Anh em túm lại chế nhạo. Đức đứng thần người ra, ủ rũ như con gà bị nước mưa, không cười không nói.

    Anh Tam đến gần Đức, chắp hai tay, vái một cái thật dài, rồi bắt chước Đức lúc không thuộc bài, khoanh tay nhìn lên trần, vân vê chiếc khuy áo.

    Anh Sinh bưng miệng bấm anh Tòng, khẽ nói:

    - Gớm, tóc nó dài và xù như cái mái nhà rơm mới lợp.

    Anh Bàng, đứng sau Đức, ghé mặt vào cổ áo, rồi bịt mũi.

    Anh Tụng vờ trỏ cái núi đằng xa nhưng quặp hai ngón chân vào chỗ rách ở quần Đức, giật mạnh cho toạc to ra.

    Thấy vậy, anh Tam cười sằng sặc, pha trò thêm:

    - Để cái cửa sổ rộng cho nó mát. Ồ! Quần vua Zéro thêu hoa thịt, chúng mày ạ.

    Nhưng ông giáo thấy tiếng cười ầm ầm, chạy ra. Anh em tản mỗi người một nơi, xong còn quay lại nhìn Đức, bộ dạng bơ phờ, mà nhăn răng ra cười. Các anh ấy cười cái áo thâm nước dưa vừa rộng vừa dài như áo mượn.

    Đức vẫn đứng im như không tủi thẹn vì sự chế giễu thâm ác của bạn, mà chỉ tủi thẹn vì cái tình cảnh khốn nạn của mình vừa giãi bày với thầy giáo Chính mà thôi.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tấm Lòng Vàng




    XI

    Lòng mẹ

    Ông giáo Chính và bà giáo Chính dạo này không ngày nào được vui vẻ cả. Hạn trả nợ, chỉ còn hơn một tháng nữa thì đến, cho nên cả hai người cùng lo, lo đến nỗi kém ăn mất ngủ.

    Nhất là bà giáo, đã lo nợ, lại còn nhớ con.

    Từ ngày Phú bỏ nhà đi, bà giáo vẫn hỏi dò tin. Nhưng chưa ai bảo cho đích xác cả.

    Có người mách Phú đã phẫn chí, xin một chân làm bếp phụ ở tàu thủy để sang Tây kiếm việc làm. Có người nói Phú vì nghèo đói mà phải ứng mộ làm phu để đi Tân thế giới. Có người bảo Phú vẫn còn chơi bời cờ bạc, rồi đâm ra trộm cắp, có lẽ đã bị ở tù.

    Tuy đó là những lời đồn hão, nhưng con đẻ đứt ruột ra, ai mà không áy náy.

    Ngày nào cũng chống hết, lại để lại cho người ta cái buổi chiều. Cái buổi chiều có mặt trời lẩn sau rặng tre, có sương mù che các làng xóm, có bức màn phủ kín cả non sông. Rồi tiếng giun đùn, tiếng dế rúc, tiếng trăm thứ sâu bọ khác rì rì nổi lên, như những giọng than thở, sầu oán không thể dứt.

    Cho nên cứ vào buổi chiều, thì y như bà giáo Chính thờ thẫn cả người. Có khi thấy cảnh buồn quá mà động lòng, thì lại một mình ti tỉ khóc.

    Nhiều lúc bà giáo bàn với chồng cho mình đi khắp nơi tìm Phú. Nhưng động nói đến tiền hành lý, thì bà lại thở vắn than dài.

    Lương của ông giáo Chính đi phải đóng dần để trả món nợ một nghìn của Phú rồi. Còn đâu thừa để bà được đi tìm con nữa.

    Một hôm, ông giáo tiếp thư của người chủ nợ nhắc rằng đến đúng mồng một tháng Sáu tây này, thì phải trả tám trăm, cả gốc lẫn lãi. Người ấy lại nói quyết rằng nếu không trả thì sẽ kiện.

    Ông giáo thở dài, lau cặp kính trắng, rồi lắc đầu, nói với vợ:

    - Như thế này thì nhà ta đến lúc xuống rồi đây.

    Bà giáo, ruột rối như mớ bòng bong, đáp:

    - Hay là ta liều đi hỏi vay chỗ nào để trả vậy?

    - Vay chỗ nào cũng phải chịu lãi. Mà cái tiền lãi lại nguy hiểm hơn vi trùng các bệnh. Nghĩa là nó cũng đẻ rất mau, mà không bao giờ chết. Rồi chẳng mấy chốc, nó sẽ gặm, sẽ đục hết cả đến xương, đến tủy người có nợ.

    Bà giáo đáp:

    - Nhưng nếu không trả được thì họ kiện.

    Ông giáo chán nản, than thở:

    - Họ kiện thì thật là lôi thôi! Biết làm thế nào bây giờ?

    Bà giáo lắc đầu, chống tay vào bàn, ngẫm nghĩ. Nhưng bỗng bà thấy trên đôi má hóp của chồng có hai dòng nước mắt. Bà giật mình, hỏi cớ. Ông giáo nói:

    - Ta đến phải bán nhà ở bên quê đi mất. Mà có lẽ họ định lấy nhà của ta. Khốn nạn! Nhà là của ông cha để lại. Thật là một vật đáng quý. Ông cha ta, mồ hôi nước mắt mới mua được từng ấy đất, dựng được mấy nếp nhà rộng rãi, đẹp đẽ. Thế mà đến nay, mình không những không thể làm cho nó đẹp đẽ, rộng rãi hơn, lại để cho người ngoài chiếm đoạt mất. Xấu hổ quá! Nhục nhã quá!

    Nghe ngần ấy lời, bà giáo rưng rưng nước mắt, rồi gục đầu, vừa khóc vừa nói:

    - Nhà ta vô phúc quá! Giá thằng Phú nó như người ta, chịu khó chăm chỉ thì bây giờ ta được an nhàn, sung sướng biết bao nhiêu! Ngờ đâu nó dại dột, đến nỗi ngần ấy tuổi đầu còn để khổ cho cha mẹ. Nó ở xa, nó đi vắng, nó có biết đâu những lúc cha mẹ nó bị đau đớn như thế này!

    Rồi hai vợ chồng chuyện trò mãi. Sau cùng, ông giáo cố lo tiền cho bà giáo lên Hà Nội để khất lại người chủ nợ thêm mấy tháng nữa.

    Nhưng chủ nợ chẳng nể lời bà giáo, cứ khăng khăng một mực dọa kiện. Họ định bụng lấy nhà, thì dại gì chịu bỏ phí dịp tốt. Bà giáo đến chơi những chỗ họ hàng và bạn bè giàu có để thử hỏi vay nhưng chẳng may không ai có sẵn tiền cả.

    Không còn kế gì khác, bà giáo đành phải về không, chịu chờ đến ngày khổ nhục vậy.

    Song mỗi ngày qua, cái buồn nó lại ray rứt ông giáo và bà giáo hơn lên. Nhưng hễ cứ buổi chiều thì bà giáo lại nhớ đến Phú mà khóc. Bà khóc lắm, đến nỗi sinh ra đau mắt.

    Ông giáo thì gan hơn, chỉ ngậm ngùi một mình, chớ không hề than vãn với ai một lời. Ông đành giương mắt ngồi nhìn cho cái việc đời nó qua một cách tàn nhẫn.

    Nhiều bận, ông lo cho bà vì buồn quá mà sinh ốm, nên cố lấy lời khéo mà khuyên giải, nhưng đã sáu, bảy tháng nay bà lo sợ, thương con, nay lại tiếc nhà, những nỗi buồn như đã khắc sâu vào trong óc. Vả lại, nhà đành mất, con đành khuất, nợ còn phải trả thì bà quên sao được mà không nẫu ruột, rầu gan.

    Một hôm ông giáo Chính xem nhật trình, bỗng mừng rú lên, gọi bà giáo mà bảo rằng:

    - Thẳng Phú đã biết hối.

    Bà giáo cuống quýt, trống ngực thình thình, chạy ra hỏi:

    - Thế nào? Nó đâu?

    - Nó đã làm một quyển sách, tên là: Việt Nam Văn học sử. Nó đã đem in để bán. Quyển sách ấy hay lắm. Trong tờ báo này, người ta viết một bài rất dài để khen.

    Bà giáo sung sướng, nói:

    - Thế là tôi yên tâm rằng nó vẫn còn sống.

    Ông giáo gật:

    - Và nó đã biết hối, biết tìm những việc có ích mà làm. Như thế này thì đáng giận nó trăm phần, tôi cũng phải khen nó mà sẵn lòng tha thứ cho nó.

    Rồi ông giáo vui vẻ đọc lại cả bài báo cho bà giáo nghe. Bà giáo chăm chăm để ý, nở nang khúc ruột.

    Đọc xong, ông giáo đặt tờ báo xuống, ngậm ngùi, buồn bã nghĩ ngợi.

    Bà giáo cũng ngẩn ngơ bảo chồng:

    - Thành ra bây giờ tôi thương thằng Phú bội phần. Tôi biết rằng nó lập công để chuộc tội với lương tâm. Bây giờ nó đã biết nghĩ. Nó làm quyển sách này, được người ta khen ngợi. Thế mà giá nó lại ở nhà, có phải là mình được sung sướng biết bao nhiêu không?

    Nói xong, bà rơm rớm nước mắt. Ông giáo không thể giấu được nỗi lòng nữa, cũng nói:

    - Phải, vả cuối tháng này em Mai nó thi ra. May nhờ trời đỗ được, thì gia đình mình còn mong hạnh phúc nào hơn được nữa!

    Nhưng mà ở đời cái vui bao giờ cững thoáng qua mà thôi. Chỉ cái buồn mới luôn luôn làm bận lòng người ta. Nghĩ đến con trai làm việc ích cho đời, nghĩ đến con gái nay mai đỗ đạt, ông giáo và bà giáo chỉ quên nợ được một lát mà thôi.

    Mà mỗi ngày qua, mối buồn càng khổ gỡ. Nó như bị chất đống lên to dần, ngổn ngang trong dạ.

    Trước thì hàng tháng, sau thì hàng tuần, nay thì hàng ngày, thì giờ như đưa ông giáo Chính và bà giáo Chính đến gần dần cái cảnh cơ nghiệp tan tác.

    Rồi sau hết, có một đêm, trằn trọc mãi không ngủ được, ông giáo bèn mở cửa, bắc ghế ngồi ở hiên để nghĩ ngợi. Nhưng hết ngồi lại đứng, hết đứng lại ngồi, chốc chốc vùng dậy, ông lại đi bách bộ. Xung quanh ông, cảnh tối tăm man mác, làm cho ông rùng rợn sực nghĩ đến nỗi sau này mà kinh. Một là bị cái lụy đi vay, hai là bị cái nhục mất nhà, ba là bị cái khổ ngồi tù. Ông đắn đo, suy nghĩ. Ông chỉ muốn làm thế nào cho vuông tròn tiếng tăm. Đi vay, hẳn không có ai đủ sức giúp được ông. Mất nhà, vậy suốt đời ông bị đau đớn. Ở tù, thế thì xấu hổ, khổ sở gì cho bằng!

    Đâm liều, ông mới lẩn quẩn mà lẩm bẩm: "Chỉ còn một kế nữa, ta có thể tránh được nỗi khó khăn, là ta tránh cõi trần. Ta tự tử là thoát hết nợ".

    Được ý ấy, ông như thấy nhẹ nhõm cả người. Rồi vào nhà, ông nhìn lên bìa lịch treo trên tường và nghĩ:

    "Hai mươi chín tháng Năm rồi. Ba hôm nữa là mồng một tháng Sáu, ta sẽ được thấy cái kết quả sự học của con gái ta. Ta sẽ thấy cái giấy của chủ nợ dọa bỏ tù ta. Thế thì ba hôm nữa, người ta sẽ thấy ta là người thiên cổ".

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tấm Lòng Vàng


    XII

    Những ngày cuối cùng

    Những ngày cuối cùng của ông giáo Chính cũng làm cho Đức lo mất ăn mất ngủ, suốt cả ngày thờ thẫn như người mất trí. Phú hỏi, Đức thở dài, đáp:

    - Tôi có việc gia đình rất khó nghĩ. Nhưng anh không nên biết, vì là việc riêng của tôi.

    Phú lại nhận thấy Đức đi Hà Nội luôn.

    Nhiều lúc, Phú tưởng bạn giận gì mình nên cố gạn hỏi, song Đức đều nói là chuyện rất kín.

    Đức sở dĩ buồn, chỉ tại đầu tháng năm vừa rồi, Đức không được nhà cái chồng họ cho, vì đã bỏ hạ quá.

    Nếu không có tiền họ, thì hạn nợ của ông giáo Chính đến nơi rồi, Đức lấy gì mà trả? Mồng một tháng sáu. Cái ngày ác nghiệt ấy cứ lững thững tiến lại gần dần dần. Nó sẽ quyết định cho ông giáo Chính của Đức một bề: Hoặc mất nhà, hoặc sạch nợ. Nhưng mà sạch nợ sao được?

    Ông tham Tống hết sức xếp tiền cho Đức vay, nhưng ông không dám nói chắc trước. Vì một nghìn đồng bạc, lo vào lúc này, khó lắm.

    Đến ngày mua họ tháng thứ tám, tức là tháng Sáu tây, ông tham Tống viết giấy cho Đức lên hôm hai mươi tháng Năm, vì hôm ấy mua họ.

    Đức hồi hộp, đánh liều bỏ hai trăm, may sao lại mua được.

    Nhưng mà món tiền một nghìn, đã phải trừ đi hai trăm, chỉ còn có tám trăm. Vậy muốn trả cho hết nợ, Đức còn phải lo thêm hai trăm nữa.

    Cho nên Đức phải đâm ngược, chạy xuôi chịu nói khó để vay những chỗ bạn bè thân mà Đức chắc mẩm sẵn tiền, nhưng cũng không ai có cả.

    Thôi thì Đức đã có tám trăm, cho nên Đức nhờ ông tham Tống cố xếp cho Đức được tiêu trước ngày mồng một tháng Sáu. Ông tham Tống thấy bạn cần lắm, nhận lời và cam đoan không để cho bạn phải lỡ.

    Cùng quá, Đức bèn đến người chủ nợ ông giáo Chính, để xin trả trước tám trăm, còn bao nhiêu khất lại trả dần, nhưng người ấy không nghe, nói:

    - Tôi không thể cho chịu được một đồng xu nhỏ. Ông cứ bảo ông giáo cố xoay cho được một nghìn, rồi tôi trả văn tự. Bằng không, tôi sẽ kiện tại tòa.

    Đức nói sao, người ấy cũng vẫn một niềm sắt đá.

    Hôm ấy cũng là hai mươi chín tháng Năm. Đức nóng cả ruột, cả gan. Còn ba hôm nữa là hết hạn nợ. Đức lo quá, thành ra phát sốt, phải xin nghỉ ba ngày.

    Phú săn sóc, trông nom cho Đức, giục Đức uống thuốc. Nhưng Đức chỉ thở dài thành những tiếng rên kinh hồn.

    Nào Phú có hiểu Đức đang vì cha Phú và Phú mà đến nỗi này đâu. Khốn nạn thân Đức! Chỉ một mình biết tấm lòng của mình, hết lòng vì thầy, đến nỗi vất vã, khổ sở.

    Lúc ấy, Đức đang nằm trùm kín chăn và Phú ngồi ở cạnh giường, bỗng thằng đầy tớ đưa cho Phú một phong thư.

    Phú nhìn phong bì, ngạc nhiên, nói:

    - Lạ quá, anh ơi! Sao Hội Việt Nam Hàn Lâm lại viết thư cho tôi?

    Đức vừa rên hừ hừ, vừa nói:

    - Anh thử xem họ nói gì?

    Phú bóc thư ra đọc:

    Thưa Ngài!

    Hội Việt Nam Hàn Lâm có giải hàng năm để thưởng cho những tác phẩm nào có ích.

    Nay xét quyển Việt Nam Văn học sử của Ngài thực là có ích, soạn rất công phu, vậy hội định thưởng giải nhất.

    Vậy Việt Nam Văn Học hội xin kính tặng Ngài số tiền ba trăm bạc, xin Ngài vui lòng nhận cho.

    Nay kính thư

    Hội trưởng

    (ký tên)

    Tái bút. - Mời Ngài quá bộ đến Hội quán hồi tám giờ sáng ngày ba mươi tháng năm, để Hội đồng được tiếp chuyện và giao số tiền thưởng.

    Phú chưa đọc xong thư, Đức ngồi nhỏm dậy, sửng sốt cả người, run lẩy bẩy và châu đầu vào tờ giấy để cùng đọc.

    Rồi hai anh em reo rầm, vỗ tay, nhảy nhót như trẻ con.

    Một lát, Phú ngẫm nghĩ, nói:

    - Phần thưởng này là của riêng anh, anh nhận lấy, vì công anh.

    Đức cảm động, lắc đầu:

    - Không. Anh không sẵn tiền, vậy anh lấy mà tiêu.

    Phú đáp ngay:

    - Thế này thì công bằng: ta để làm của công, rồi đem tiêu vào những việc công ích của xã hội.

    Đức gật:

    - Phải lắm.

    Nhưng kỳ thực, Đức đã sướng mê lên, vì món tiền này, thêm vào với tám trăm kia thì thừa trả nợ.

    Cho nên Đức khỏi sốt liền, và mong cho chóng đến ngày hôm sau.

    Hai anh em hôm ấy rất vui vẻ, mở tiệc ăn mừng.

    Cơm xong, Đức nghiêm trang, bảo Phú:

    - Bây giờ là lúc anh về nhà, cho ông bà đỡ mong.

    Phú ngậm ngùi như quyến luyến bạn, nhìn Đức, không đáp. Đức lại bảo:

    - Đến mồng một tháng Sáu thì anh về. Rồi nếu tiện, anh lại đến đây ở chung với tôi ngại gì.

    Phú lau nước mắt, đáp:

    - Nhưng tôi lo lắm. Vì có lẽ tôi sẽ bị thầy tôi bắt ở nhà.

    - Anh không lo. Rồi ta sẽ gặp nhau luôn luôn. Tôi quyết thế.

    Phú thở dài:

    - Ngày mông một tháng Sáu là ngày rất buồn của gia đình tôi. Món nợ của thầy tôi và món nợ của tôi đều hết hạn... Sao anh lại bảo tôi về?

    Đức lắc đầu:

    - Anh không ngại. Ngày ấy, gia đình anh sẽ rất vui vẻ.

    Phú cho là Đức muốn khuyên mình về, và nói cho mình yên tâm, cho nên càng gần hôm mồng một tháng Sáu bao nhiêu, Phú càng buồn bấy nhiêu.

    Rồi khi ra xe lửa về nhà, Phú bơ phờ vừa nhớ bạn, vừa lo lắng.

    Chẳng mang theo quần áo gì cả, Phú chỉ lấy cái ảnh của Đức làm đồ hành lý là đủ thôi.

    Lúc chia tay, Phú gạt nước mắt, bắt tay bạn.

    Đi xe gần đến nhà, Phú trống ngực thình thình, lo quá. Tới nơi, Phú không dám vào thẳng nhà vội, còn lảng vảng ở ngoài công để dò la.

    Lúc ấy, ở trong nhà, ông giáo Chính đang mong tin con gái. ông đã quyết định trút sạch nợ đời.

    Ông ngồi thần trên ghế, thỉnh thoảng thở dài, ra ý chán nản quá.

    Bỗng có người phu trạm đem vào hai bức thư. Ông giáo thấy chữ đề bì rất lạ thì xám ngắt mặt lại. Bà giáo ở trong nhà đi ra, thấy chồng có vẻ lo sợ quá, bèn hỏi:

    - Thư của ai vậy?

    - Không biết. Nguy lắm rồi! Tôi đoán là chủ nợ dọa bỏ tù.

    Bà giáo hết vía, hỏi:

    - Nhưng mà hai bức thư à?

    - Phải.

    Rồi run run, ông đeo kính, mở cái thư dày ra xem trước. Bỗng ông rú lên một tiếng, mừng rỡ bảo vợ:

    - Trời ơi! Thằng Phú đã trả hết nợ hai trăm rưỡi riêng của nó rồi. Đây là cái biên lai người ta gửi lại cho nó.

    Bà giáo mừng rộn người lên, hỏi dồn:

    - Thế à? Thế à?

    - Phải, trong biên lai nào cũng có viết một câu: "Nhận một món tiền bốn mươi đồng của ông Nguyễn văn Phú".

    - À, ra nó trả dần từng tháng một.

    Nhưng vui vẻ chỉ được một lát, ông giáo lại bắt đầu lo. Còn cái phong bì dẹt chưa mở ra. Đấy có lẽ mới là cái thư nó quyết định cái đời ông. Vì vậy, trong khi bóc, ông đã tưởng tượng đến chiều nay, ông chỉ còn là cái xác không hồn, xung quanh thì vợ con ăn mặc sô gai mà gào khóc thảm thiết.

    Phong bì vừa bóc ra, ông giáo nhìn tờ giấy bỗng đứng phắt dậy, kinh ngạc:

    - Ồ! Nó lại trả được cả món nợ một nghìn! Đây là cái văn tự ấy, có chua một câu: "Trả cả gồc lẫn lãi, ngày ba mươi tháng Năm tây".

    Rồi hai người nhìn nhau nghẹn ngào, không nói được một câu nào cả. Một lúc, bà giáo buồn bã, bảo:

    - Bây giờ tôi thương nó quá! Biết nó ở đâu mà tìm nó về?

    Bỗng bà òa lên khóc:

    - Con ơi!

    Nhưng vừa lúc ấy, Phú ở ngoài bước vào vẻ mặt lo lắng. Nhất là Phú thấy trong nhà có tiếng khóc, chắc cha mẹ đang có tin buồn.

    Phú cúi chào, sợ hãi.

    - Ố kìa! Con! Trời ôi!

    Rồi hai cha mẹ chạy ra, ôm choàng lấy Phú, khiến Phú hết hồn, chẳng hiểu làm sao cả. Bà giáo mừng quá, nói một thôi, một hồi như mê sảng. Ông giáo lặng một lúc, thong thả bảo Phú:

    - Thầy me thấy con biết hối, làm sách có ích và được giải thưởng đầu của Việt Nam Hàn Lâm hội, thì thầy me rất vui lòng. Vả con lại trả được nợ cho thầy và nợ riêng của con, thầy me rất sung sướng.

    Phú ngơ ngác. Ông giáo đứa cho Phú xem tám cái biên lai và một cái văn tự. Phú càng ngạc nhiên.

    Bỗng có tiếng gót giày mang cá ở ngoài cửa bước vào, và tiếng reo lanh lảnh:

    - Lạy thầy ạ, lạy me ạ. Con đỗ rồi! Ô kìa, anh Phú!

    Mọi người quay lại, thì ra cô Mai. Mai cười khanh khách:

    - Con đỗ rồi! Con đi ô-tô với bà đốc nên về được sớm.

    Cả nhà như chiêm bao, cuống quýt lên. Bà giáo rối rít hỏi han và kể chuyện Phú cho Mai nghe. Lúc bấy giờ, Phú mới hiểu đầu đuôi việc

    Cảm động quá, Phú bèn rút cái ảnh của Đức trong túi ra, nói:

    - Thưa thầy me, thế thì ân nhân của gia đình ta là người này. Chính người này đã khuyên bảo cho con nên người. Chính người này đã trả nợ cho nhà ta. Chính người này bấy lâu đã nuôi con.

    Ông giáo Chính ngẩn mặt ra nghe, rồi đeo lại kính để nhìn ảnh cho rõ. Bỗng ông giật mình:

    - Ồ, anh huyện Đức! Trời đất ơi!

    Bà giáo sửng sốt nhìn ảnh, rồi chảy nước mắt, nói với Phú và Mai:

    - Tức là cái anh học trò thầy, ngày xưa được thầy giúp cho mỗi tháng ba đồng để ăn học, các con ạ.

    Mọi người đều cảm động, hết lời khen ngợi Đức.

    Ông giáo Chính thấy gia đình không ngờ đoàn tụ vào giữa lúc trong nhà được bao nhiêu tin mừng, sung sướng quá, nói cười rất vui vẻ và kể lại chuyện Đức cho mọi người nghe.

    Nhưng chỉ vui vẻ, độ năm phút thôi, tự nhiên ông bỗng nghĩ ngợi nhăn mặt, ra ý buồn bã.

    Rồi ông chống tay vào má, hai mắt mơ màng. Mọi người im lặng, chẳng hiểu vì sao, thì thấy ông thở dài và than rằng:

    - Ta không ngờ trước ta làm cái ơn nhỏ mọn đến nỗi ta quên đi, mà người chịu ơn nhớ mãi và đền ta một cách trung hậu như thế này. Thật là tấm lòng vàng, ta lấy làm khó nghĩ quá.

    Nói đoạn, ông lại thở dài. Rồi như chợt nghĩ ra điều gì, ông đưa mắt nhìn Mai, ngồi trước mặt.

    Lúc ấy, hai má hây hây, Mai đang cầm cái ảnh Đức, ngắm nghía bằng đôi mắt ngây thơ, ra chiều bồi hồi, man mác...


    Hết

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Tết ấm lòng cùng chàng trai khuyết tật tài hoa và nghị lực
    By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-08-2016, 03:13 AM
  2. Phá lấu lòng heo, lòng bò
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-06-2015, 02:17 AM
  3. Tấm lòng dân Mỹ đối với Tử Sĩ
    By khieman in forum Văn Hóa - Văn Nghệ
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-06-2014, 02:27 AM
  4. Tấm lòng của chàng trai nghèo vật chất, giàu lòng nhân ái
    By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-28-2014, 02:24 AM
  5. Tấm Lòng Của Biển
    By giavui in forum Audio Sinh Hoạt Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-08-2014, 02:06 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •