Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Cái trở ngại to nhất của hạnh phúc là trông chờ một hạnh phúc khác to hơn.
Fontenelle
Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối
Results 11 to 20 of 26

Chủ Đề: Cây Bàng Không Rụng Lá

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    03 Rose Cây Bàng Không Rụng Lá

    Cây Bàng Không Rụng Lá


    Tác giả : Phong Thu



    MỤC LỤC [−]

    Đi tìm việc tốt
    Một lời giao ước
    Chín điểm
    Thăm cô giáo ốm
    Bếp lửa
    Choai và Vá
    Bồ nông có hiếu
    Cây cột mốc và con ngựa
    Cái cúc màu xanh
    Trò chơi của bố
    Cái kẹo và con cánh cam
    Con cóc
    Ai giống mẹ
    Chú bé và ông già nhặt đá
    Tiếng mưa
    Đôi bàn tay mẹ
    Cây ổi Bo
    Hoa mướp vàng
    Quà gửi bố Chú và cháu
    Cô bé tóc bím
    Cái hầm trú ẩn
    Xạ thủ số 2
    Bức tường có nhiều phép lạ
    Cây bàng không rụng lá
    Chiếc máy kỳ lạ
    Cháu trai ông đánh giậm
    Những hạt bỏng ngô
    Bữa khoai trưa
    Cu chim
    Vườn ông vườn xuân
    Mẹ tôi
    Người học trò lễ phép
    Nhớ bà
    Chiến công đầu tiên của người đội viên mới
    Đối thủ
    Cánh buồm trên sông
    Ụ súng xanh


    Đi tìm việc tốt

    Vừa mới thức giấc, Hùng đã bổ choáng bổ choàng từ trên giường lăn xuống đất. Việc đầu tiên là Hùng đi tìm cái chổi. Mắt nhắm mắt mở, chân lùa guốc, tay bíu thành giường, Hùng vội vội vàng vàng như đang có việc gì to tát lắm. Thực đấy. Hùng sắp sửa làm một việc tốt trong ngày chủ nhật đây: quét nhà đỡ mẹ. Nhưng, tìm thấy chổi rồi Hùng mới nhận ra nhà đã sạch bong. Thật chán quá. Chị Hà đã quét tự bao giờ. Hùng cầm chổi đứng ngẩn ra một lúc. Ai bảo Hùng không dặn trước chị Hà nào? Nhớ mãi mới được bốn việc tốt, bây giờ hỏng mất một rồi còn đâu! Hùng lo quá. Cô giáo đã dặn cả lớp: "Các em có thể quét nhà giúp mẹ, trông em, hoặc ra đường thấy em bé nào ngã thì đỡ dậy, thấy cụ già nào đi ngang đường thì giúp cụ tránh xe". Hùng cứ phải nhẩm đi, nhẩm lại như một bài học thuộc lòng. Thế mà, chưa gì đã mất một. Thôi, đành phải làm sang việc thứ hai vậy. Hùng không có em bé nào. Anh, chị thì Hùng có nhiều lắm. Trông em bé của bạn khác có được không nhỉ? Được lắm chứ! Chỉ cần sao em bé đó bé hơn Hùng, độ lên một lên hai là được thôi mà. Nếu thế thì khối. Quanh đây nhiều trẻ con lắm. Nghĩ vậy, Hùng hớn hở hẳn lên.

    Hùng vừa bước ra khỏi cửa thì gặp bác Cảnh trai, người ở cùng dãy nhà trong khu tập thể. May quá, bác Cảnh có em bé. Hùng sang thử bên ấy xem sao. Thằng cu con nó quen Hùng lắm nhớ, chả là thỉnh thoảng Hùng vẫn sang chơi với nó mà. Hùng đẩy cửa bước vào nhà bác Cảnh. Thấy Hùng đến, bác Cảnh gái tươi cười:

    - Anh Hùng kìa! Anh sang chơi với em đấy à?

    Hùng bẽn lẽn chào bác Cảnh gái rồi ngồi xuống bên cạnh thằng cu con. Nom nó y như củ khoai ấy. Thằng bé ngoan thật. Nó cứ choai choai, choai choai bò khắp giường. Chốc chốc, nó lại u ơ như bảo Hùng cái gì đấy và toét miệng ra cười. Song, cũng thực là không may cho Hùng. Hùng ngồi chơi bên nhà bác Cảnh đã lâu lâu mà nó chẳng khóc cho mà dỗ. Hùng vừa bày trò chơi, vừa đợi nó khóc. Hùng có khối trò chơi. Lúc thì Hùng giả làm tiếng gà trống gáy, lúc thì Hùng giả làm con ếch vừa nhảy vừa kêu ộp ộp. Thằng cu con cứ xoắn lấy Hùng. Nó có vẻ yêu anh Hùng lắm.

    Đợi thêm một lúc nữa, thằng cu con cũng chẳng khóc cho mà dỗ. Hùng sốt ruột quá. Đã thế, bác Cảnh lại còn nhờ Hùng trông em hộ một lúc để bác đi mua mớ rau. Hùng "lạy giời" nó khóc cho vài tiếng, vậy mà nó cứ im thin thít mới chán chứ! Mãi cho đến lúc bác Cảnh về rồi, Hùng vẫn chưa làm được một việc tốt nào. Hùng đành phải đứng lên, chào bác Cảnh, tạm biệt chú bé rất ngoan kia để đi tìm một việc khác vậy.

    Hùng bước ra phố và định bụng cứ đứng đợi ở một chỗ nào đấy xem có em bé nào vấp ngã, Hùng sẽ chạy tới và nâng em lên. Hùng cứ đứng như thế cho đến lúc đã chồn cả chân mà chẳng có ai ngã hết. Chợt Hùng thấy một ông cụ già từ trong ngõ bên cạnh bước ra đường. Hay quá, khéo mà cụ sắp sang đường cũng nên. Cụ đã đi gần ra tới mép đường. Hùng vội vàng rời cái cột đèn đi rảo tới. Nhưng cụ già không sang đường. Cụ đến bên thùng rác công cộng và vứt vào đó mẩu thuốc lá hút đã gần hết và một vê giấy lớn. Xong xuôi, cụ đi thêm một quãng nữa và đứng đợi tàu điện ở đó. Hùng khe khẽ thở dài. Chán quá. Lại hụt mất rồi.

    Hùng lững thững bước về nhà. Không biết em sẽ làm việc tốt gì để ngày mai đến lớp báo cáo với cô giáo và đội nhi đông đây? Lúc về gần đến nhà chả hiểu nghĩ thế nào, Hùng lại cố đứng lại một lúc nữa. Biết đâu, nhỡ có việc tốt nào đến thì sao? Mới đầu nghe cô giáo nói, Hùng tưởng đi tìm việc tốt cũng dễ thôi. Thế mà cũng hơi khó đấy chứ! Nội trong ngày hôm nay, Hùng phải cố làm lấy một việc tốt, nếu không thì xoàng quá. Đang nghĩ ngợi như thế, Hùng trông thấy một bác nông dân - vì bác mặc quần áo nâu nên Hùng đoán đúng là bác nông dân. Hình như bác mới ra Hà Nội thì phải: bác đang đi tìm số nhà. Bác cứ quanh đi rồi quanh lại. Chắc là bác lạ phố. Hùng liền bước tới gần bác và chào:

    - Cháu chào bác. Bác tìm số nhà bao nhiêu ạ?

    Bác nông dân nhìn Hùng, trả lời:

    - Chào cháu. Bác tìm số nhà 80B.

    À, số nhà 80B. số 80B ở đằng kia chứ sao lại ở đây? Đây mới là số 60 mà. Hùng nhanh nhảu nói luôn:

    - Số nhà 80B ở đằng kia cơ bác ạ.

    Bác nông dân lắc đầu:

    - Bác đến rồi, nhưng không thấy có số nhà nào là số 80B cả.

    Không đợi bác nông dân nói hết, Hùng liền chạy về dãy nhà có mang số 80. Đúng là không có số 80B thật. Hùng đứng thừ người. Thế là thế nào nhỉ? Nhìn dãy tường vôi mới quét trắng tinh, Hùng sực nhớ ra. Thảo nào.

    Nhà mới quét vôi, chắc là ai đấy đã cất biển số đi rồi, chưa mang ra treo lại. Hùng gõ cửa và hỏi thăm. Đúng là cái nhà có mang số 80B thật. Hùng hớn hở chạy về chỗ bác nông dân đứng đợi và dẫn bác đến. Bác nông dân cứ khen cậu bé ngoan quá. Hùng thèn thẹn, vội chào bác và chạy biến đi. Được người khác khen, Hùng thấy làm sao ấy.

    Trở lại chỗ đứng lúc nãy, Hùng không yên tâm. Suốt từ sáng đến giờ, chưa làm được việc nào tốt như cô giáo dặn cả. Chả lẽ lại cứ dựa cột đèn mãi hay sao. Ngày mai biết báo cáo với cô giáo, với đội thế nào đây? Có lẽ phải nói thật thôi. Hùng sẽ báo cáo là có đi tìm việc tốt mà mãi không thấy. Để cho mọi người tin, nếu cần thiết thì Hùng sẽ nói thật kỹ là hồi mấy giờ Hùng ở đâu, đến chỗ nào và làm gì. Hùng không nói dối ai bao giờ.

    Đứng như thế một lúc nữa, Hùng thấy khát nước quá trở về, sờ ấm nước thấy nguội tanh. Hùng nhớ đến bố. Bố hay uống nước nóng lắm. Mà bố đi lao động ở công viên Thủ Lệ sắp về rồi. Hùng phải đun cho bố một ấm mới được. Hôm nay chủ nhật, cả nhà đi vắng hết, chỉ có mỗi mình Hùng nên ấm nước mới nguội thế này đây mà. Bố đi lao động. Mẹ phải thường trực ở bệnh xá, chị Hà họp ban văn nghệ của lớp để duyệt các bài hát. Chốc nữa mọi người về cả, nước không có, chắc là chị Hà hay mẹ lại phải đun thôi. Hùng đun nước cho cả nhà uống được không nhỉ? Được chứ. Thế là Hùng vội vàng đi nhóm bếp để đun. Loay hoay mãi mới nhóm được bếp. Hùng vùa đun vừa giụi mắt. Khói quá. Bàn tay nhọ nhem của Hùng đã bôi liền mấy cái râu lên mép rồi. Nom Hùng buồn cười lắm. Nước mắt nước mũi thi nhau ứa ra.

    Một lúc sau, ấm nước bắt đầu reo lên ù ù thì Hùng nghe thấy có tiếng người từ phía cửa sổ trên nhà gọi vọng xuống:

    - Có ai ở trong nhà không ạ?

    Hùng giật cả mình. Tiếng ai như tiếng cô giáo. Hùng biết thưa với cô thế nào đây? Hùng chưa làm được việc tốt nào cả. Cô đã đến nhà rồi, phải lên mở cửa đón cô thôi. Hùng vội vã lên mở cửa cho cô. Thấy Hùng, cô giáo không nhịn được cười:

    - Em làm gì mà nhọ cả mặt thế?

    Hùng luống cuống đưa tay lên quệt. Càng quệt, càng nhọ. Cô giáo liền dắt tay Hùng:

    - Phải lấy nước mà rửa chứ, em!

    Và cô hỏi:

    - Từ sáng đến giờ Hùng làm được bao nhiêu việc tốt rồi?

    Hùng xịu mặt, nói lúng búng:

    - Thưa cô... thưa cô em... em chưa ạ!

    Cô giáo hơi ngạc nhiên. Cô hỏi thêm:

    - Thế em đang nghịch cái gì ở dưới bếp ấy?

    - Thưa cô... không ạ. Em đun nước nóng cho bố em uống.

    Cô giáo gật đầu và dịu dàng:

    - Từ sáng đến giờ, em đã làm gì nói cho cô nghe nào.

    Hùng thong thả kể lại tất cả mọi việc đã xảy ra hồi sáng. Bắt đầu từ lúc sang nhà bác Cảnh rồi gặp bác nông dân ra sao, Hùng không dám giấu cô một điều gì.

    - Cô ạ, em hết cả việc tốt rồi. Cô bảo em làm với...

    Giọng Hùng run run như sắp khóc. Nghe xong, cô giáo khẽ vuốt tóc Hùng:

    - Ồ, em làm được nhiều việc tốt rồi đấy. Việc gì cô phải bảo em nữa, em ngoan lắm.

    Hùng lạ lùng ngước mắt nhìn cô. Cô nói thật hay là cô nói đùa?

    Thấy Hùng có vẻ ngơ ngác, cô giáo cười và giải thích:

    - Này nhé, Hùng đã trông em cho bác Cảnh đi chợ, thế là một việc tốt. Hùng tìm số nhà giúp bác nông dân, thế là hai việc tốt. Hùng lại biết đun nước cho bố nữa, thế là ba. Từ sáng đến giờ, Hùng không chạy nắng như chủ nhật trước, thế là bốn. Chưa hết một buổi sáng mà Hùng đã có bốn việc tốt, em đáng khen lắm!

    Ôi, sung sướng quá. Hùng đã làm được bốn việc tốt rồi cơ à! Việc tốt là như vậy à? Ồ, thế thì Hùng có thể làm được nhiều việc tốt nữa đi ấy chứ. Vậy mà Hùng cứ đi tìm mãi...

    Hùng bẽn lẽn ngửng lên nhìn cô giáo. Em muốn nói thêm một điều gì nữa rất vui mà chưa nói được. Hùng sực nhớ đến ấm nước. Em chạy vội xuống bếp. Cô giáo nhìn theo em tủm tỉm cười.

    5-1964


    Một lời giao ước

    Hồi còn học lớp vỡ lòng, đôi bạn nhỏ này chưa quen nhau. Nhưng từ ngày lên lớp một đến giờ, Trang và Thắng trở thành đôi bạn thân tự lúc nào không biết nữa. Hôm đầu tiên mới đến trường, hai đứa lớ ngớ thế nào, cùng được vào lớp Một A mới hay chứ. Thoạt đầu, Thắng nhìn Trang, Trang nhìn Thắng như thể hai chú mèo con làm quen với nhau vậy. Thế rồi, Thắng thấy cái mũi của Trang tẹt, nom buồn cười quá, hóa ra cười thật. Thấy Thắng cười, Trang cũng cười: "Ơ, cậu này răng cũng sún như mình!"

    Buổi học đầu tiên trôi qua rất nhanh. Đôi bạn chưa kịp tìm ra được chuyện gì để nói với nhau.

    Sáng hôm sau, Thắng mang đi một chai nước tướng. Gặp Trang, Thắng khoe luôn:

    - Tớ đem nước đây, cậu uống không?

    Trang trố mắt ra nhìn. Chai nước hồng hồng, nom thích quá.

    - "Xi-lô" hả? Cậu mang "xi-lô" à?

    Thắng lắc đầu, giơ cái chai lên, lắc một cái.

    - "Xi-rô" chứ! "Xi-lô" là cái quái gì. Không phải "xi-rô" đâu. Nước trà đấy. Nhưng mà loãng thôi, nước đặc, bố tớ mới uống được. Bố tớ bảo trẻ con uống đặc cồn ruột lắm. Cậu có biết cồn ruột là thế nào không? Ghê lắm nhớ, tớ đã có lần cồn rồi!

    Trang bụm môi, cau mày ra vẻ nghĩ ngợi:

    - Cồn... ruột à? Không, tớ chả biết. Tớ chỉ biết đau bụng thôi. Cậu bị đau bụng bao giờ chưa? Ghê lắm nhớ.

    Tưởng cái gì chứ đau bụng thì Thắng biết quá đi rồi. Cồn ruột mới lạ chứ.

    - Tớ biết rồ...ồ...i..., nhưng mà từ năm ngoái kia. Cậu muốn khỏi bị đau bụng thì phải đem nước đun sôi mà uống như tớ đây này.

    Nói rồi, Thắng múa cái chai lên. Trang nhìn cái chai, thắc mắc:

    - Cậu tu à?

    - Ừ, tu.

    - Thế thì mất vệ sinh chết.

    Ừ nhỉ. Thắng ngớ người. Đúng là mất vệ sinh thật.

    Hai đứa liền bàn với nhau thế này: kể từ ngày mai, mỗi đứa mang nước một hôm; đứa nào không phải mang nước thì mang chén, như vậy sẽ rất vệ sinh.

    Từ ngày ấy đôi bạn càng trở nên thân thiết.

    °

    Lên học lớp một kể cũng hay thật. Không như ở lớp vỡ lòng đâu nhé. Bài học dài hơn này, sách giáo khoa có những bốn năm quyển này. Sách ngần nào, vở ngần ấy. Lại còn cả bảng con và mấy viên phấn kèm theo. Sáng ra đi học mà vội vội vàng vàng, thế nào cũng để quên. Trước khi đến lớp, Thắng phải mở cặp ra để xem còn thiếu cái gì không... Đủ rồi, thế là yên trí phóng thẳng đến trường.

    Ngồi trong lớp, không được nói chuyện. Cô giáo đã dặn thế. Vậy mà chả hiểu làm sao Thắng lại cứ quên. Nhiều lần, cô giáo bắt gặp Thắng và Trang đang gân cổ, đỏ mặt lên như cãi nhau về một chuyện gì đấy. Hôm thì Thắng thắc mắc về cái chuyện tại sao Trang bằng tuổi Thắng mà Trang lại lùn hơn? Trang bảo là tại đêm nằm co nên lùn. Thắng không chịu. Thắng nằm co sao Thắng lại cao? Hôm thì Trang cãi với Thắng là con ngựa chỉ có ba chân. Thắng không chịu. Thế nhưng bức vẽ con ngựa treo trên tường lớp lại không đủ bốn chân. Thắng thật không muốn nói chuyện trong lớp một tí nào mà vẫn cứ phải nói.

    Không nói, nó tức lên cơ. Lúc bị cô giáo phê bình, Thắng xấu hổ lắm. Phải tìm cách thôi đi mới được.

    Vào một buổi học khác, Thắng đã định hỏi Trang: tại sao mở mắt thì trông rõ, nhắm vào thì mù tịt, nhưng Thắng nhớ ra là không được nói chuyện ở trong lớp. Thắng liền bảo Trang:

    - Này, từ nay tớ với cậu không nói chuyện trong lớp nữa nhá!

    Trang gật đầu. Thực ra, mọi chuyện đều do Thắng khởi đầu. Cô giáo thấy hai đứa thì thào, cô gọi Thắng đứng lên. Cô hỏi:

    - Sao em lại nói chuyện?

    Thắng trả lời:

    - Thưa cô, em không nói chuyện ạ.

    - Thế thì em nói gì?

    - Thưa cô, em nói với bạn Trang là từ nay giở đi hai đứa không nói chuyện trong lớp nữa đấy ạ.

    Cô giáo cười và cho Thắng ngồi xuống.

    Bắt đầu từ hôm sau, để thực hiện lời giao ước ấy, Thắng ngồi rất nghiêm. Một bài, hai bài, rồi ba bài học đã trôi qua, Thắng thấy nó thế nào ấy. Có một lúc, Thắng nhìn ra sân, thấy một con gà què, Thắng định bảo Trang. Song, nhớ là không được nói chuyện, Thắng thôi vậy.

    Ở trong lớp có lắm cái lạ lùng và buồn cười thật cơ. Chẳng hạn như cái đinh đóng trên tường để treo tranh đã chúc hẳn xuống rồi mà vẫn chưa chịu rơi. Mỗi lần gió lùa vào lớp, bức tranh khẽ đung đa đung đưa. Thắng đoán thế nào nó cũng rơi mà nó không rơi cho. Mải nhìn cái đinh, Thắng quên cả nghe bài. Thắng cứ thắc mắc mãi về chỗ tại sao nó lại không rơi? Mà, khi nó rơi rồi, cái đinh sẽ bắn đi đâu? Chẳng may, đang lúc nghĩ lung tung như thế thì cô giáo gọi Thắng. Thắng giật mình không biết trả lời cô giáo ra sao nữa. Thật là khuyết điểm. Thắng đỏ nhừ cả mặt, hai chân cứ thay nhau di di trên nên gạch. Thắng xấu hổ quá và tức cái đinh vô cùng. Ai bảo nó không rơi? Nó mà rơi thì có phải là Thắng không nhìn nó nữa không nào?

    Đến giờ ra chơi, Thắng đi nhặt ngay một cục gạch vỡ đem vào lớp, kê ghế sát vào tường, trèo lên đóng lại cái đinh. Có như vậy, chốc nữa mới khỏi nghĩ về nó.

    °

    Trong lớp, Thắng học vào loại khá nhất. Trang thì hơi kém về môn tập đọc một tí. Song Trang hơn Thắng chỗ Trang không hay nghịch. Thắng rất muốn cho Trang đọc cũng thạo như mình. Hằng ngày, lúc mới đến lớp, đôi bạn rủ nhau học ôn, đọc lại bài cũ. Thoạt đầu, hai đứa cùng đọc. Sau đó, đọc từng đứa một. Thắng giả làm cô giáo gọi Trang đọc bài. Trang cũng thưa y như thực và đứng lên hẳn hoi. Kiểu vừa học lại vừa chơi này thế mà thú. Chỗ nào Trang đọc chưa đúng, Thắng dõng dạc đọc mẫu ra dáng lắm. Việc làm ấy của Thắng và Trang ai ngờ cô giáo biết. Cô liền khen Thắng trước lớp là có tinh thần giúp đỡ bạn. Thắng đâm ra lúng túng mới lạ chứ! Hôm sau, Thắng bảo Trang:

    - Cô đã khen tớ với cậu rồi, ngày nào chúng mình cũng phải ôn, đồng ý không?

    Trang im lặng một lúc, rồi nói:

    - Nhưng tớ không đồng ý cậu nói chuyện với tớ trong lớp đâu. Cậu phải nghe bài và không được nghịch cơ.

    - Ừ, tớ không thế nữa...

    Sang tuần sau, cả lớp họp để bầu lớp trưởng, nhiều bạn đề nghị bầu bạn Thắng. Thắng cuống cả lên. Thắng có làm lớp trưởng bao giờ đâu. Thắng đứng ngay dậy:

    - Thưa cô, cô đừng bầu em ạ. Em sợ lắm ạ.

    Cô giáo khẽ lắc đầu:

    - Sao em lại sợ?

    - Thưa cô em... chỉ muốn làm lớp... lớp... viên thôi ạ.

    Cô giáo bật cười:

    - Các bạn bầu em chứ cô có bầu em đâu. Không sợ Thắng ạ, rồi cô sẽ bảo em.

    Thắng quay sang Trang:

    - Tớ cấm cậu đấy!

    - Cấm gì?

    - Cấm bầu tớ.

    Trang không nghe:

    - Kệ. Tớ cứ bầu...

    Và, thế là Thắng được bầu làm lớp trưởng.

    Từ khi làm lớp trưởng đến giờ, Thắng và Trang vẫn thân thiết với nhau. Đôi bạn ngày ngày vẫn cùng uống chung một chai nước, ngồi chung một bàn. Có một chuyện rất đặc biệt là đã nửa năm học nay, Thắng không để cô giáo phải gọi đứng dậy vì nói chuyện trong lớp nữa.

    9-1963

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Xạ thủ số 2

    Bọn máy bay Mỹ ác quá, chúng bắn cả trẻ con. Hôm ấy Thỉu đang chăn bò thì có máy bay giặc đến. Thỉu chưa kịp ngẩng lên thì đã nghe thấy tiếng bom nổ. Thỉu chạy ríu cả chân. Một chú bộ đội thấy Thỉu đang chạy trên bãi cát liền bế Thỉu xuống hầm. Mỗi lần máy bay giặc chúi xuống, chú bộ đội lại lấy tay lấy ngực che gọn Thỉu vào lòng.

    - Ngồi yên cháu nhé, đừng sợ.

    Thỉu nép vào người chú. Súng của chú đâu? Sao chú lại đeo cả ba lô? Chắc là chú vừa đi đâu về. Chú bộ đội ngước mắt như muốn tìm ai. Một lát sau, Thỉu thấy một chú bộ đội khác đến, đưa cho chú bộ đội đang ở bên Thỉu một cây súng và gọi tên chú là chú Ngọc (chú Ngọc đi nghỉ phép về qua đây thì gặp máy bay và gặp luôn cả Thỉu).

    Thấy chú Ngọc cho đạn vào súng để bắn máy bay Mỹ, Thỉu hơi nhích xa chú ra một tí và ngồi xuống, bịt tai lại. Súng nổ to thật. Tiếng nó đi qua tay, vào tận trong lỗ tai.

    - Đoàng!

    - Tằng tằng!

    Thỉu thấy vai chú Ngọc giật giật. Thỉu nghiêng mặt nhìn chú. "Chú có làm sao không?" Không, chú còn quay lại cười với Thỉu:

    - Đừng sợ. Cháu xem chú bắn đây này.

    - Vâng.

    - Khăn của cháu đâu?

    Thỉu móc túi lấy cái khăn, giũ giũ. Đây là khăn của chú Ngọc đưa Thỉu lúc nãy. Chú dặn khi nào chú bảo bịt mồm lại thì bịt. Nhưng, chú chưa bảo.

    Thỉu nhìn ngón tay trỏ của chú ấn cò súng. Bấm vào đấy là nó nổ ngay! Thỉu nhích lại gần chỗ chú Ngọc, hai tay bịt tai buông ra từ lúc nào không biết nữa. Chú bắn nhanh quá. Bắn nhanh đến nỗi chú lắp đạn không kịp. Thì ra bắn súng phải lắp đạn. Mỗi lần hết đạn, chú lại qườ tay vào chiếc mũ lấy ra một băng. Thỉu rụt rè động vào cái mũ đựng đạn rồi cầm lấy một băng đạn. Nó lành lạnh, nằng nặng. Thỉu nhấc luôn một băng ra ngoài, hai tay nắm thật nhẹ. Thỉu sợ bóp mạnh nó nổ! Thỉu từ từ cạy khẽ một viên. Thế là được một viên. Bỗng Thỉu thấy chú Ngọc qườ tay lấy đạn, Thỉu giúi luôn viên đạn vào tay chú. Chú Ngọc cười:

    - Đưa chú cả băng.

    Thỉu đưa cả băng.

    Giờ thì Thỉu nghe rõ tiếng nổ ở cây súng của chú Ngọc rồi. Nó kêu "Đoàng!". Thỉu ngồi gần vào chú Ngọc hơn nữa, mắt nhìn lên nòng súng. Thỉu đếm: "Một, hai, ba... viên", nhiều viên quá, thành ra lại nhầm!

    Thỉu cầm sẵn băng đạn thứ hai, chờ chú Ngọc. Cứ mỗi lần hết đạn, chú Ngọc nói: "Tiếp đạn!" thì Thỉu lại giúi đạn vào tay chú. Chú nhìn Thỉu:

    - Xem chú bắn máy bay của thằng Giôn-xơn này!

    Thỉu cũng cười theo chú:

    - Chú à, chú bắn rơi chúng nó xuống cho cháu xem!

    Chú Ngọc gật đầu, Thỉu nhấc băng đạn thứ ba...

    Cứ như thế, Thỉu đã tiếp đạn cho chú Ngọc được sáu băng, cho đến lúc lũ máy bay giặc phải cút chạy.

    Các chú bộ đội biết chuyện này, gọi Thỉu là "Xạ thủ số 2".

    1965

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bức tường có nhiều phép lạ

    Quy lại chống tay, tì má, nhìn lên bức tường trước mặt. Màu vôi xanh mát hiện ra như tấm màn ảnh rộng. Ngoài kia, nắng cuối xuân đã gay gắt. Quy phanh cúc áo, đọc nhẩm đề bài tập làm văn: "Em hãy tả lại quang cảnh một trận mưa rào...". Trời thì nắng mà bài văn lại... mưa. Quy lật đi lật lại tờ giấy nháp một cách vất vả. Cái bút trong tay cứ chìa ngòi lên trần nhà. Tờ giấy nháp này mà cứ để trắng mãi thì...

    Quy khe khẽ thở dài và nhớ đến bố. Bố em là một người viết văn. Bố tài thật đấy. Mỗi lần ngồi vào bàn, là y như bố viết được ngay. Rất nhanh, rất nhiều. Cũng có khi, ngồi xuống ghế xong, bố tì cằm lên bàn tay trái, nhìn thẳng vào bức tường trước mặt. Cứ thế bố nhìn. Nhìn một lúc, lúc nữa... khoảng độ hai ba lúc gì đấy, rồi bố cầm ngay lấy bút, viết lia lịa, viết quên cả ăn cơm! Hình như bố đã nhìn thấy ở bức tường ấy nhiều điều cần viết. Hoặc, chính cái bức tường đã bảo cho bố viết. Thế thì cái bức tường này nó có thứ phép lạ gì đây, chỉ cần ngồi ngắm một vài lúc là... văn ra ngay!

    Quy chớp mắt. Cái bức tường là cái bức tường có màu xanh dìu dịu... Quy lại chớp mắt. Ơ, con nhện! Con nhện đang chăng lưới. Cứ để cho nó chăng tơ mà xem, bẩn nhà ngay. Thế là Quy đứng lên tìm chổi lông gà khua con nhện. Con nhện không còn làm bẩn trần nhà được nữa. Nhưng, bức tường vẫn chưa bảo Quy cách làm bài tập làm văn.

    Em lại căng mắt quan sát bức tường. Lẽ ra thì tường phải thật nhẵn kia đấy. Vậy mà cũng có những vết lồi lõm nhỏ tí nổi lên. Hẳn là vôi quét tường bị sạn, hoặc vữa miết chưa mịn... Tường rộng thế mà bố chẳng treo ảnh. Hay là bố sợ treo ảnh thì ảnh nó che mất các phép lạ? Quy loay hoay mãi với tờ giấy nháp và cái bức tường, thèm thuồng biết viết giỏi, viết nhanh như bố...

    "Em hãy tả lại quang cảnh một trận mưa rào..." Có tiếng động ở ngoài cửa. Bố về! Ôi, thật là đúng lúc quá!

    °

    Quy chạy lại giật tay bố:

    - Bố ơi, con nhìn mãi vào cái tường như bố nhìn ấy, mà chẳng thấy trận mưa rào đâu cả...

    Người cha tủm tỉm nhìn đứa con láu lỉnh và hiểu ngay là Quy định hỏi gì.

    - Con không thấy à?

    - Không ạ.

    - Thật chứ?

    Quy chợt nhớ ra:

    - À... có ạ. Một con nhện, nhưng con đã bắt nó rồi.

    - Chỉ có thế thôi?

    - Còn ạ. Những cái nốt nhỏ li ti...

    Người cha hiền từ xoa đầu đứa con trai:

    - Bố thì bố thấy nhiều thứ lắm...

    Đôi mắt Quy ngước lên, chờ đợi.

    - Bố thấy những trận mưa rào hồi năm ngoái, năm kia, năm kìa... cả cái dạo con chạy ra mưa nghịch nước, bị ướt hết rồi mẹ con mắng ấy...

    Quy nhoẻn cười:

    - Vâng.

    - Bố còn gặp lại trận mưa bão mãi tận năm xửa năm xưa khi bố còn bé tí. Bà nội đi cấy về, rét quá, không nói được... Trận mưa thật tai ác. Sấm, chớp liên hồi... Bà về mà chẳng còn hạt gạo nào để nấu ăn cả...

    Quy chớp chớp đôi mi mắt dài và cong:

    - Bố có thấy cái thuyền giấy con thả ở rãnh nước không?

    - Có chứ.

    Quy nghĩ ngợi:

    - Cả các chú bộ đội ngồi bên ụ pháo nữa chứ ạ?

    Bô gật đầu.

    - Cả những chiếc ô-tô chạy trong mưa?...

    - Tất cả. Cả đoàn người tay cuốc, tay mai lên mặt đê chống lụt...

    Đôi mắt Quy chớp chớp:

    - Bố ạ, hồi mưa to năm ngoái ấy, chúng con cũng đun nước đem lên đê cho các anh chị thanh niên xung phong uống đấy. Hôm ấy, trời đang nắng thì mưa...

    Người bố lại tủm tỉm:

    - Thế mà con bảo là con chẳng thấy gì.

    Quy ngơ ngác:

    - Thật đấy, bố ạ...

    - Ừ. Bây giờ, con thử ngồi lại vào bàn xem. Mắt con nhìn về phía cái tường, nhưng con hãy nghĩ đến những trận mưa mà con đã biết...

    Quy nghe lời bố, ngồi vào bàn.

    Một lúc, một lúc nữa, Quy chạy lại, bố đã đi đâu rồi ấy...

    Quy nhìn lên bức tường và thấy chiếc thuyền giấy của em đang trôi bềnh bồng giữa sân. Những chiếc mũ sắt lấp lánh nước mưa của các chú bộ đội. Những vai áo ướt sũng nước mưa của người đi cày... Những hạt mưa đan nhau rơi xuống rào rào...

    Quy cầm lấy bút, cắm cúi viết, quên cả việc ngẩng lên nhìn bức tường có nhiều phép lạ...

    Bức tường vôi xanh mát vẫn chờ Quy. Đến bài tập làm văn sau, và cả những bài toán khó nhất, bức tường vẫn có thể giúp Quy làm được.

    Đã thành thói quen, mỗi khi gặp chỗ bí, em nhìn lên bức tường vôi xanh, nhưng trong óc thì suy nghĩ, thế là ý bật ra, hết cả bí.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Cây bàng không rụng lá

    Phố tôi tên thật không phải là phố "Cây Bàng". Nhưng bọn trẻ con chúng tôi lại cứ thích đặt tên phố theo nhận xét của mình. Chẳng hiểu những đứa khác đã nghĩ thế nào; riêng tôi, tôi gọi thế là bởi phố tôi có một cây bàng.

    Ai đã trồng cây bàng ấy, tôi không rõ. Chỉ biết rằng bây giờ cây đã to lắm rồi. Đến mùa quả chín, một mùi thơm ngòn ngọt lờ lợ tỏa ra, lên mãi tận gác ba, gác tư.

    Nhưng cây bàng này thật chẳng có gì là đặc biệt. Vỏ nó xù xì, lá nó hung hung và dày như cái bánh đa nướng. Tán bàng xòa ra giống mấy cái ô nối tiếp nhau ba, bốn tầng. Cây bàng hiền lành như một người ít nói. Dưới gốc, người ta hay dựa xe đạp và có khi đứng tránh mưa nhỏ. Tôi cũng không để ý đến cây bàng lắm. Chắc là tại nó mọc ở mặt hè, còn tôi, tôi ở mãi trên gác. Song, đến một ngày nọ (là ngày bao nhiêu, tôi quên mất rồi) khi tôi đã biết suy nghĩ, tôi mới nhận ra được một điều rất lạ: "Cây bàng này không rụng lá".

    Thế thì tài thật. Đã có lần, tôi đứng chờ ở dưới gốc khá lâu mà chẳng thấy có cái lá nào rụng xuống cả. Tôi nhớ rằng, cách đây ít lâu, cây bàng trụi thùi lụi, cành đâm dọc đâm ngang, có bói cả ngày cũng không ra một cái lá nào. Vậy thì bấy nhiêu lá đã biến đi đâu?

    Lạ xiết bao khi một lần tôi thoáng trông thấy một chiếc lá bàng vừa rời cành, chao xuống gốc. Tôi vội vàng chạy hết bốn mươi tư bậc thang xuống đến nơi, thì chẳng thấy chiếc lá nào trên mặt đường hết cả...

    Sực nhớ tới câu chuyện "Quả táo vàng" mà tôi đã đọc trong sách, tôi ngờ rằng có lẽ phải dùng gậy vàng, giả bạc để chọc và hứng mới lấy được cái lá bàng ấy chăng? Hẳn khi lìa cành, lúc chạm phải mặt đất là chiếc lá biến ngay đi?

    Tuy rất ham đọc truyện cổ tích, nhưng tôi chưa có thể tin ngay rằng chiếc lá bàng kia đã chui vào trong lòng đất.

    Vậy thì cái lá ấy nó có rụng không?

    Tôi đem chuyện đó hỏi bố tôi. Bố tôi là một thầy giáo, hẳn bố tôi biết rõ hơn tôi nhiều điều.

    Nghe tôi kể xong, bố tôi hơi nhíu đôi lông mày, từ từ đứng dậy.

    - Nào, con ra đây.

    Hai bố con tôi cùng đứng ngoài hành lang, nhìn xuống đường phố. Cây bàng như ngủ yên dưới bầu trời thoang thoảng ánh trăng non...

    - Lúc này là tám giờ, con ạ...

    Tôi không hiểu bố tôi nói "tám giờ" để làm cái gì. Chỉ biết rằng, độ vài chục phút nữa là tôi đi ngủ. Hôm nay có thể vì câu chuyện cây bàng này mà tôi sẽ thức lâu hơn.

    Bố tôi nói tiếp:

    - Con có thể thức đến mười rưỡi được không?

    - Được ạ.

    Tôi chưa kịp nghĩ gì thêm thì bố tôi lại chậc lưỡi:

    - Thôi, con cứ ngủ đi rồi bố gọi.

    Thấy vậy, tôi càng lạ về chuyện tại sao bố tôi đã bảo tôi thức, rồi lại bảo tôi ngủ. Tôi định bụng cứ thức để chờ. Nhưng rồi, tôi buồn ngủ và định là... ngủ tạm thôi. Trong nhà, lúc này chỉ còn có một mình bố tôi ngồi chấm bài. Tôi đoán mãi không ra những điều bí mật gì đây mà bố tôi chưa cho tôi biết...

    Thế rồi, tôi ngủ thật.

    Tôi đã ngủ như thế nào, chỉ có hai hàng mi của tôi rõ mà thôi. Lúc bố gọi tôi dậy, thì trời vừa mưa xong. Mưa mùa hè, thường là hay đột ngột vậy.

    Bố tôi bảo tôi mặc quần dài vào rồi đi xuống gác.

    Trời đã khuya khuya, quãng gần mười một giờ rồi thì phải.

    Xuống tới mặt đường, tôi đứng sững lại. Trước mặt tôi, những chiếc lá bàng nằm la liệt trên đường phố như những cái quạt mo lung linh ánh điện. Thật là lạ, lá rơi nhiều thế này mà đến sáng mai, tuyệt không còn một cái! Xa xa... đâu tận cuối phố, tôi nghe thấy tiếng chổi tre khua loạt soạt. Từ nãy, bố tôi chỉ đứng yên. Tôi ngước nhìn, dò hỏi. Bố tôi nói khẽ:

    - Con có nghe thấy gì không?

    - Có ạ. Tiếng chổi tre.

    - Đó, những chiếc lá sẽ đi theo cái chổi tre ấy đấy...

    Cùng lúc, tôi nhìn thấy hai bác công nhân mặc áo khoác xanh, miệng đeo khẩu trang trắng, đang vừa đi vừa quét đường phố và cúi nhặt những chiếc lá rơi bỏ vào thùng rác có bánh xe...

    Tôi vụt hiểu tất cả: vì sao cây bàng không rụng lá.

    °

    Sớm hôm sau, tôi đi học. Khi qua những cây bàng, tôi thấy đường phố vẫn sạch trơn.

    Khác với mọi lần, buổi nay tới lớp, tôi bước chầm chậm để nhìn được kỹ những cây bàng. Cây bàng có rụng lá. Những cái lá ấy không chui vào trong lòng đất mà được các bác công nhân của thành phố quét sạch, mang đi. Thế ra, khi tôi ngủ rồi, vẫn có người làm việc. Nếu không, nếu không có người làm việc trong đêm, quét những cái lá rụng ấy đi, thì thành phố sẽ ngập lá bàng...

    Từ trên cây, một chiếc lá nhẹ nhàng chao xuống. Chiếc lá vừa chạm đất, tôi vội nhặt ngay lên bỏ vào thùng rác. Tôi vụt nhớ ra cái lần tôi chạy hết bốn mươi tư bậc thang để đuổi theo chiếc lá mà không thấy.

    Cầm chiếc lá trong tay, tôi hiểu rằng tôi không phải là đứa trẻ đầu tiên đã nhặt lá rơi cho sạch sẽ đường phố. Và, chắc chắn rằng, tôi cũng không phải là đứa cuối cùng.

    Tôi không có chổi tre để quét đường phố. Nhưng tôi rất sẵn sàng làm công việc đó để quét hết những chiếc lá rơi cho thành phố của tôi đẹp đẽ. Và, còn để cho những đứa trẻ nào đấy, cũng bằng tuổi tôi, ngỡ rằng cây bàng không rụng lá...

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chiếc máy kỳ lạ

    Khi tôi viết lại câu chuyện này, thì những người bạn thời niên thiếu của tôi đã trở thành người cao tuổi. Các bạn của tôi làm nhiều nghề khác nhau. Kẻ trước, người sau, lần lượt nghỉ hưu. Thực lòng, chúng tôi không muốn thế. Bởi vì rằng trên đời này, không có gì đáng sợ hơn là khi thấy mình không còn đóng góp được gì nữa cho đời sống, xã hội. Vì thế, nên khi một nhà khoa học lão thành, nhân buổi bạn bè gặp nhau đã nêu lên một việc thế này:

    - Bọn mình thử làm một cái máy điện tử đặc biệt để tặng tuổi thơ của chúng mình đi!

    Nghe thế, ai nấy đều vui vẻ bằng lòng. Một nhà báo gật gù:

    - Nhưng đó là thứ máy gì và để làm gì chứ?

    Nhà khoa học tủm tỉm:

    - Máy-tìm-hộ. Đại khái đấy là cái máy giúp các cô bé, chú bé nào đó tìm lại những thứ mà mình đã bỏ quên hoặc đã đánh rơi mất ấy!

    Hay lắm! Ý nghĩa lắm!

    Gọi là máy cho... oai, chứ thực ra nhà khoa học của chúng tôi chỉ sắp đặt lại một vài chi tiết quan trọng của chiếc "ca-sét" đời mới rồi bỏ nó vào trong cái "hộp đen" có mắc loa ra ngoài. Thế thôi. Song, các bạn đừng vội nghi ngờ. Cái máy này có thể tự thu, tự phát cả tiếng lẫn hình và biết trả lời nhờ một chiếc máy khác tối tân hơn được đặt trong gian "vi-tính" hiện đại nhất. Công trình ấy được làm xong thì trong số chúng tôi đã về cõi mất mấy người. Tôi là người trẻ nhất, được phân công ghi chép lại những câu chuyện về chiếc máy đó. Quả là một công việc quá sức của tôi.

    Chiếc máy gần như phải làm việc suốt ngày. Vì khi nghe tin ở chỗ chúng tôi có chiếc máy hay hay như thế, nên có rất nhiều người đến dùng nhờ. Nhờ tìm hộ một thứ gì đấy, một điều gì đấy.

    Một cô bé đánh rơi mất con búp bê nhồi bông rất đẹp đã tới và mếu máo:

    - Máy tìm hộ cháu con búp bê ấy đi!

    Máy trả lời:

    - Em hãy về nhà tìm ở trong chiếc chăn hoa.

    Cô bé về nhà và rũ chiếc chăn hoa sau khi nằm chưa gấp ở cuối giường, thì thấy con búp bê thật. Máy giỏi quá!

    Một chú bé đến nhờ tìm hộ hòn bi "ve". Máy trả lời:

    - Hòn bi nằm ở độ sâu một mét rưỡi so với mặt đường ở phố Hàng Địa, ngách cống 34 thuộc hệ thống cống số 5 theo ký hiệu của Công ty thoát nước.

    Nhiều bạn nhỏ, nhiều người lớn, nhờ "Máy tìm hộ" của chúng tôi mà đã tìm thấy vô số đồ vật quý giá, có người còn tìm thấy đứa con bị lạc.

    Tiếng đồn về chiếc máy kỳ lạ đã bay đi khắp nơi. Tại một tỉnh kia, có một người vốn quê ở Hà Nội, khi ra đi, người ấy đang học dở lớp 8. Lúc này, đã... sắp già... như tôi. Người ấy tới hỏi nhờ máy:

    - Tôi chỉ xin hỏi một câu thôi. Hết bao nhiêu tiền tôi xin trả.

    Chúng tôi mời ông cứ tự nhiên, tha hồ hỏi, không phải trả tiền. Người ấy vào phòng máy một lúc rồi trở ra, mặt buồn rười rượi. Vẻ thất vọng hiện rõ trên đôi mắt ông. Chúng tôi nhìn nhau. Máy hỏng rồi chăng? Chưa một ai khi vào đây, lúc trở ra lại như thế. Tôi vội hỏi:

    - Sao thế bác? Máy hỏng à?

    - Không. Máy rất tốt.

    - Vậy thì sao nom bác buồn thế?

    - Câu hỏi của tôi, máy không trả lời được.

    - Bác hỏi về điều gì ạ.

    - Tôi nhờ máy tìm hộ tuổi thơ của tôi. Vì lúc bé, tôi chẳng để ý gì đến hồi ấy hết cả.

    - Máy đã trả lời bác thế nào?

    - Máy nói rằng: Ai đã đánh mất tuổi thơ thì người ấy phải chịu, không thể nào tìm lại được.

    Nghe người ấy nói - người sẽ là bạn già của chúng tôi, ai nấy đều khẽ thở dài. Là vì rằng, chúng tôi, kẻ ít, người nhiều ai cũng có một điều gì đó, lẽ ra không nên có, không nên như thế. Đó chính là điều mất mát trong thời niên thiếu, một phần tuổi thơ của mình, nay không thể nào tìm lại để làm lại được nữa...

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Cháu trai ông đánh giậm

    Mưa cuối mùa bao giờ cũng rả rích. Cứ tưởng mưa bắc cầu sang tận cuối thu. Vậy mà không. Nắng hanh vàng đã đẩy bổng mây lên, để lộ hẳn mênh mông khoảng trời xanh thẳm. Đồng quê dạt dào...

    "Làng tôi xanh bóng tre..."

    Không hiểu tại sao, cứ đến mùa thu thì tôi lại nhớ và thì thầm bài hát có câu hát ấy.

    Làng... cái tên gọi nghe đã xa xa, xa xưa... khi ai cũng quen nói: xã, xóm.

    Làng... nhắc nhở đến rặng cây và vòm xanh bao quanh những ngôi nhà thấp lè tè, sập sè trong khóm lá. Và nhẹ vẫy trên thinh không trắng lóa những cánh cò. Chỉ cần nhớ lại tới chừng ấy, đã thấy lòng êm dịu, bâng khuâng.

    Chóng thế đấy. Cứ thoảng nhanh như tiếng hót của bầy chim. Mới hôm nào bọn choai choai chúng tôi còn là một lũ "chíp hôi", cứ tanh tách tựa đám cào cào, vậy mà bây giờ... Có đứa đã vỡ tiếng, vừa nảy ra ria mép. Một nửa số lộc ngộc trong bọn tôi, gồm những đứa hăng hái, hăm hở nhất, được chi đoàn chọn làm lớp đối tượng Đoàn. Lần đầu tiên, chúng tôi phải làm lý lịch, cần thiết phải kể đủ ba đời: Đời ông, đời cha rồi đến đời mình. Nghiêm túc đấy. Chẳng biết những đứa khác thế nào, chứ tôi thì cứ như con tàu đang chạy bị hãm đột ngột. Mà, các toa dồn nhau là những trò trẻ con và những ý nghĩ cóc nhảy. Mọi sự nhí nhố và bắng nhắng phải dừng lại nhường chỗ cho cái lúc nghĩ ngợi cần thiết. Đây là mục "Hoàn cảnh gia đình". Bố... nghề nghiệp. Mẹ... nghề nghiệp... ông... nghề nghiệp. Hóa ra, đâu chỉ mình tôi. Tất cả đều ngớ ra và hỏi lẫn nhau. Tất nhiên, đứa nào cũng phải hỏi bố mẹ.

    Cậu Thắng "thoắng" bạn rất thân của tôi có vẻ hớn hở một cách... trẻ con.

    - Cậu có biết ông tớ làm nghề gì không?

    Tôi chịu.

    - Phó... cối nhớ!

    "Phó cối" là gì? Thấy tôi ngơ ngác, cậu ta cười hì hì:

    - Là người chuyên đóng cối xay thóc ấy mà!

    Thú thực, tôi chưa trông thấy cái cối ấy bao giờ. Để biết được, sau đó tôi và Thắng phải lên "Nhà Bảo tàng Cách mạng" của huyện, mới nhìn thấy... Cậu ta lại hỏi:

    - Thế... ông cậu làm nghề gì?

    - Nghề... đánh giậm!

    Thắng trợn cả mắt:

    - Đánh... giậm à? Thật không?

    Chỉ hai tiếng: "đánh giậm" thôi, nhưng đó là cả một câu chuyện dài có từ lâu lắm. Khi tôi hỏi bố tôi rằng: "Ông nội con làm nghề gì ạ?" Bố tôi đã bảo vậy. Muốn rõ đầu đuôi, tôi đã phải ngồi nghe bố tôi kể. Kể tới tận cái ngày xưa hầu như người dân tỉnh Thái Bình của tôi phần lớn là người nghèo. Nghèo đến nỗi phải bỏ quê hương đi kiếm ăn ở khắp nơi. Vào tận trong Nam, xuống biển, lên rừng, đâu đâu cũng thấy dân Thái Bình và được tặng cho cái tên: "Dân bị gậy" - tức là đi ăn mày - Không phải chỉ đi ăn xin, xin ăn, mà ăn mày cả trời đất, sông biển vì nghèo, ông nội tôi đi đánh giậm thật. Ruộng đất không có. Nhà cửa thì chỉ túp lều lợp rạ, tường và cửa cũng là rạ đan thành phên quây quanh. Không có tiền mua lưới để đánh cá, đánh tôm, thì đan giậm để đánh giậm vậy. Ngày ấy từ cái nồi, cái chậu đến cái bát ăn cơm, đều bằng đất - đất nung. Ngày bố tôi còn bé, nào có biết dép lê, dép nhựa "săm bô" săm piếc gì đâu. Bố tôi còn bảo: Suýt nữa thì bố chết đói vào cái đợt đói tháng ba năm 1945 ấy. Đói quá, vặt cả cỏ mà ăn. Đến nỗi trâu bò không có cỏ, đói theo lăn ra chết cùng với người... Dạo đó, bố tôi mới lên hai. May, bà tôi đem gửi bố tôi lên nhà cụ tôi ăn nhờ các ông bà là em ông nội tôi, bố tôi mới còn sống. Thật quá sức tưởng tượng của tôi.

    Tôi không hiểu. Bố tôi lại kể:

    - Vào lúc đói ấy thì có người của Việt Minh về hô hào dân làng đi phá kho thóc của Nhật, của bọn quan huyện, quan tỉnh để cứu dân rồi làm Cách mạng Tháng Tám.

    Thật là cả một bài lịch sử. Nhưng cứ như chuyện cổ tích thôi khi tôi được biết thêm đời ông tôi, ông mù chữ, mãi khi đã gần ba mươi tuổi, ông mới bắt đầu học "i-tờ". Đến đời bố tôi thì khác. Giờ đến tôi...

    "Quê hương là chùm khế ngọt..."

    Ấy là khi bố tôi không phải đánh giậm mà nuôi tôi. Đến tôi, thì cả cái giậm, tôi vẫn chưa biết hình thù nó ra sao. Phải sang tận xã bên cạnh, tôi mới nhìn thấy cái giậm của một gia đình sống ở bãi sông làm nghề đánh cá.

    "Quê hương... nếu ai không nhớ..."

    Tôi luôn nhớ. Nhưng nỗi nhớ ấy sẽ không đầy đủ, không làm sao hình dung ra được rằng: mãi từ ngày xưa có người đánh giậm...

    Người ấy là ông tôi...

    Con trai người đánh giậm là bố tôi...

    Và tôi là cháu ông đánh giậm...

    Nhưng bố tôi không phải nuôi tôi bằng giậm. Đi bộ đội về, bố tôi cầm cày, cày ruộng, trồng lúa cùng mẹ tôi thay cho ông bà tôi đã già. Nhưng tôi thì lại được đi học. Tôi không phải đánh giậm, chưa cầm nổi cái cày... thế mà còn sung sướng hơn ông tôi nhiều quá. Mãi năm gần bốn chục tuổi, ông tôi mới biết xem phim là như thế nào...

    "Làng tôi xanh bóng tre..."

    Tôi cứ nhắm mắt, nhắm mắt để cố hình dung ra cảnh sau lũy tre xanh ấy, có mái tranh lụp xụp, có ông đánh giậm... chỉ sống lại, sống thật với vợ con kể từ hôm có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn tre, trên nền trời mùa thu xanh thẳm ấy...

    Bản lý lịch tôi đã viết xong. Giá ông tôi còn sống, thấy tôi đã bắt đầu lớn, chắc ông tôi vui lắm...

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Những hạt bỏng ngô

    Bạn đã từng nhá bỏng ngô bao giờ chưa? Ngon lắm! Hạt ngô bé thế mà lúc rang nó nở ra, tròn như những quả táo trắng và xốp. Thứ quà này dễ mua vì không cần phải có nhiều tiền. Chỉ cần nói xin tiền để mua bỏng ngô thôi, thế nào bố mẹ cũng cho. Bỏng ngô không thể ăn no, nhưng ăn mãi vẫn không thấy chán. Hẳn một túi bỏng, chỉ đánh vèo đã hết. Hết rồi, còn thèm, còn thơm mãi trong miệng. Nhiều khi chỉ ăn dè, dè mà cũng cứ veo veo. Hôm nào trời mưa, không đi đâu được, có nắm bỏng ngô, vừa nhai vừa kể chuyện cổ tích, thật tuyệt. Ấy là cái thú của bỏng ngô. Còn câu chuyện về những hạt bỏng ngô của tôi, không biết có giống với bạn nào không? Tôi xin kể:

    Nhà tôi ở giữa phố. Cái phố mang tên một nhà thơ, nếu cụ còn sống, thì cũng đến hơn sáu trăm tuổi. Thơ của cụ chỉ người lớn mới hiểu được. Chắc ngày ấy chưa có nhà thơ viết cho trẻ con đọc. Bây giờ, thơ cụ in mãi tận sách giáo khoa lớp 10, lớp 11 kia. Còn lâu tôi và các bạn mới học đến. Thơ rất hay, toàn nói về điều thương người.

    Phố nhà tôi từ mấy năm rồi, hàng quán đông quá lắm, chật cả vỉa hè. Toàn người lớn là người lớn ra mua, vì trẻ con không uống bia, không hút thuốc lá, không ăn cơm "bình dân", không "trà lá", thì ngồi vào đấy làm gì. Một ngày kia, ngày nào thì tôi không xem lịch, bên cổng một nhà số chẵn, có bà cụ ra ngồi cùng một chiếc thúng to tướng, bên trong đặt bọc ni-lông trong suốt, nhìn rõ những hạt gì to to, tròn tròn căng mọng lên ở trong đó. Thấy hay hay, tôi bước tới ngó xem thì... trời ơi! "Bỏng! Bỏng ngô!". Cùng lúc có đứa đứng ở đàng sau tôi reo lên như đang xem đá bóng: "Bỏng ngô! Chúng mày ơi!" Thấy vậy, bà cụ cười:

    - Mua đi! Mua mở hàng cho bà đi nào!

    Chẳng đứa nào có tiền hết cả. Có đứa cười trừ. Có đứa nghệt mặt ra. Tôi cũng lúng túng, thú thật:

    - Cháu không có tiền ạ!

    Tưởng bà cụ sẽ hất tay: "Thế thì đi chỗ khác!" như mọi người lớn vẫn hay nói với chúng tôi thế, thì bà cụ lại cười cười:

    - Vậy thì bà đãi các cô các cậu mỗi cháu vài hạt. Lúc nào có tiền thì ra đây bà bán cho!

    Tôi là đứa nhận nắm hạt bỏng sau cùng. Bà vừa đưa cho tôi, vừa khen:

    - Anh này lớn, biết nhường các em nhỉ!

    Tôi vừa sung sướng vừa nóng cả mặt. Bà cụ yêu con trẻ quá. Đứa nào là cháu của bà ở nhà, chắc tha hồ mà ăn bỏng, tha hồ mà sướng. Tôi cảm ơn, nói lời xin bà cụ và tự nhiên thấy lòng rưng rưng buồn. Tôi không có bà. Vì bà tôi mất đã lâu.

    Là người cùng phố, nhưng mãi hôm ấy tôi mới được biết. Biết bà với cái tên chúng tôi gọi y như thấy bà khi ấy: "Bà bỏng ngô".

    Bà bán rất rẻ, lần nào, sau khi đong đầy cái bát bằng gỗ dùng để đong bỏng, đổ vào túi hay mũ cho chúng tôi, bà cũng nhón thêm cho vài hạt. Ấy thế mà có người lớn, lúc mua, bà đã thêm cho rồi, mà vẫn còn cố thọc tay vào bọc đòi thêm vài hạt nữa. Tham quá!

    Bà cụ bán bỏng mà bọn trẻ chúng tôi rất thích như tôi đã kể, còn có một sự thân thiết nữa chỉ chúng tôi mới cảm thấy. Bà hiền lành và luôn luôn khuyên chúng tôi những điều giá như ở nhà thì đã bị mắng. Ví dụ như lúc bọn trẻ nói tục, cãi nhau, có đứa đánh nhau, thì bà lại can:

    - Đừng thế các cháu ơi! Bà xin. Bà cho mấy hạt mà nhai này!...

    Có đứa trèo cây, bẻ cành, bà cũng gọi xuống nhắc nhở và dúm cho vài hạt. Nhiều hôm đi học về, không có việc gì, không biết chơi gì, tôi lại tha thẩn ra cái cổng có bà ngồi mà nhìn phố xá. Bà đã quen, nên thỉnh thoảng bà lại gọi cho tôi một nắm. Tôi đã đủ trí khôn để nói:

    - Thế này thì bà hết vốn mất!

    Bà cười:

    - Hết làm sao được. Hết bà lại mua...

    Ngừng một thoáng, bà tiếp:

    - Có thứ không thể mua được cháu ạ...

    Bà nói với bà hay nói cho tôi, lúc đó tôi chưa hiểu. Nhưng rồi bỗng một ngày...

    Bà bỏng ngô không ra cổng ngồi...

    Hôm sau, hôm sau nữa, vẫn vắng bà...

    Tôi dè dặt hỏi thăm mới biết là bà cụ đã về trong quê ở với con cháu. Căn hộ đã để lại cho gia đình khác. Tôi ngẩn ngơ cả người, thờ thẫn mãi.

    Từ buổi ấy, phố nhà tôi vẫn đông, lại có thêm hàng quán mới, nhưng sao tôi chẳng thấy vui hơn. Sung sướng quá cho cậu nào đang được ở với bà, có bà...

    Ấy là tình thương. Tình thương là thứ không thể mua được.

  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bữa khoai trưa

    Tên nó là Sinh. Con nhà nghèo mà nó lớn nhanh như thổi. Đến lớp 8, mới 14 tuổi mà nó đã cao vổng lên, giọng vỡ ồm ồm, quần áo mặc tháng trước, tháng sau đã ngắn. Tuổi nó, đã gần chục đứa được kết nạp Đoàn, mà nó thì chưa. Lần nào chi đoàn họp, đưa ra nhận xét, các bạn nó đều nhận xét: "Bạn ấy... làm sao ấy!". Chê không chê, bảo là xấu thì không xấu. Chỉ là làm sao thôi?

    Làm sao là làm sao? Chắc tại nó học không giỏi, lại không có gì là... đặc biệt. Nhiều hôm sắp đến giờ vào lớp rồi, nó mới hớt hơ hớt hải chạy đến trường. Trống tan học một cái, nó vù ra cổng ngay. Chỉ hôm nào trực nhật, quét lớp, lau bảng nó mới đến sớm và ra về sau cùng. Nó đợi các bạn về hết rồi săm soi, nhìn kỹ từng ngăn bàn một, xem có ai để quên cái gì không. Bạn nào ngồi đâu, nó nhớ hết. Có đứa bút hết mực, chắc là vứt đi, bỏ vào ngăn bàn, nhưng nom đẹp quá, nó cầm về, hôm sau đem trả. Đứa bạn ấy xì một cái: "Tao vứt đi đấy mà!". Sinh hơi nhíu lông mày: "Thế thì bỏ vào thùng rác chứ!" Và nó cầm cái bút ra quẳng vào thùng rác. Thế có "hâm" không chứ! Mấy cậu tếu táo đã chế sau lưng nó là "Sinh hâm". Chế sau lưng thôi, vì một lần cậu Dũng gọi "Sinh hâm", Sinh đã nhìn thẳng vào mặt Dũng mà hỏi:

    - Tại sao cậu gọi tớ là Sinh hâm? Tớ là Sinh hâm thì cậu là Dũng gì?

    Nhìn vẻ mặt không đùa của Sinh, chàng Dũng ta vội lảng:

    - À... Thế thì tớ xin lỗi! Đùa một tí mà...

    - Không đùa kiểu ấy!

    Nói xong, Sinh thôi.

    Nhà Sinh nghèo, nghèo thật. Nhưng bố mẹ nó quyết chí cho nó đi học, ít nhất cũng phải học hơn bố mẹ nó. Một lần trong bữa ăn, bố nó bảo:

    - Đời bố mẹ chỉ được học ít. Các con phải học thay cho bố mẹ. Không có học, khổ lắm con ạ!

    Sinh đã đủ trí khôn thưa lại:

    - Nhưng nhà mình nghèo. Con học, bố mẹ khổ.

    Mẹ nó nhìn nó, ánh mắt dịu dàng:

    - Bố mẹ lo cho con được. Càng nghèo, càng phải học.

    Những hôm phải ở lại trường, nó mang theo khi thì mấy củ khoai luộc, khi hai ba bắp ngô nướng, không thì nó nhịn. Thường là khoai. Khoai luộc càng nguội càng ngon. Ở lớp, chỉ mình nó thế. Cho nên, khi những đứa khác, cả con trai lẫn con gái rủ nhau ra ngoài mua bánh mì, ăn cơm, ăn phở, thì Sinh ngồi lại ở trong lớp hoặc ra gốc cây vắng ngồi ăn một mình. Nó tự biết, chỉ có nó mới ăn trưa như thế thôi. Một lần, cái Hà bắt gặp nó ăn khoai, đã ngạc nhiên:

    - Cậu ăn khoai à?

    - Ừ, khoai.

    - Sao không mua bánh mì mà ăn? Khoai, chán chết!

    Sinh cười. Chả nhẽ bảo là không có tiền! Nên nói:

    - Tớ thích ăn khoai!

    Thực ra, ăn bánh mì ba-tê, bơ, xúc xích nữa, ngon chứ! Chả mấy khi Sinh được ăn. Ăn có bố, có mẹ, có anh chị em, mới đành lòng. Ăn một mình, nhà đã nghèo, nuốt sao được? Ấy là Sinh tự bảo mình thế. Cái Hà, nhà nó sang lắm, làm sao nó hiểu. Nó ngạc nhiên là phải. Ở nhà, Sinh phải làm rất nhiều việc.

    Và trưa nay, Sinh lại mang khoai đi ăn trưa. Đến chiều, cả lớp lao động ở trường. Sinh có ý chờ các bạn đã ra cổng hoặc đã ngồi túm tụm cùng ăn, mới ra gốc cây bàng ngồi giở gói khoai ra. Nó nhác thấy cậu Dũng chạy vào lớp một lúc rồi chạy ra, đi vơ vẩn ngoài sân. Mọi lần, Dũng ăn trưa hăng hái lắm, gọi bạn bè và có khi còn mời cả đám con gái, mời Sinh nữa kia. Dũng luôn luôn có tiền. Bữa nay, Dũng có vẻ tránh tránh thế nào ấy. Bất chợt, khi Sinh nhìn Dũng, thì Dũng cũng nhìn Sinh. Sinh gọi luôn:

    - Cậu ăn trưa chưa?

    Dũng lắc đầu, toan bước đi. Sinh gọi với:

    - Lại đây chén với tớ!

    Dũng ngần ngừ, rồi cũng bước tới chỗ Sinh ngồi. Sinh mở rộng gói khoai, cười ân cần:

    - Khoai thôi! Nhưng mà ngọt lắm!

    Sinh bóc một củ đưa cho Dũng. Dũng ngồi xuống ăn ngon lành.

    - Cậu quên mang bữa trưa à? - Sinh khẽ hỏi.

    - Không. Chơi "tá lả" với chúng nó, thua hết rồi!

    Ra thế. Sinh bóc tiếp củ nữa, đưa Dũng, nói:

    - Chơi cái thứ ấy làm gì!

    Dũng lẳng lặng ăn hết veo hai củ khoai, thích thú:

    - Ngon quá, cậu ạ!

    Khoai ngon hay còn có gì hơn thế, chẳng biết. Nhận thêm nửa củ khoai, Dũng hỏi:

    - Cậu mua khoai ở đâu thế?

    Sinh vừa nhai vừa nói:

    - Nhà tớ trồng đấy. Ăn tha hồ...

    Và Sinh hồn nhiên cười như không phải đang ăn khoai. Dũng nhìn Sinh, thấy cậu ta lúc này mới đúng là cậu ấy chứ không phải là cậu Sinh mà Dũng và những đứa khác đã nghĩ và nhận xét, chế giễu cậu ấy. Dũng chợt nhớ và hỏi:

    - Cậu đi bộ đến trường à?

    - Ừ, đi bộ. Xe đâu mà đi?

    Nhớ có lần thấy Sinh hớt hơ hớt hải chạy vào lớp, mồ hôi mồ kê bết cả tóc mà lòng Dũng nôn nao, vừa thương, vừa phục cậu ấy. Chắc cậu ấy phải làm việc nhà nhiều lắm, chứ đâu có được như bọn Dũng.

    Bữa khoai trưa hôm nay mang vị ngọt lạ lùng...

  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Cu chim

    Chẳng biết là từ hôm nào, và bắt đầu từ ai, Cu Chim bị gọi là... Cu Chim. Tên bố mẹ đặt cho và ghi trong giấy khai sinh ấy, nó là Nguyễn văn Quý kia. Thằng Quý. Bạn nó, đứa nào cũng gọi nó thế. Thế mà bây giờ, nó hóa ra là thằng Cu Chim. Năm mười tuổi, học lớp 4 rồi, Cu Chim chưa bị gọi là Cu Chim, nó loắt choắt, còi cọc như con chim sẻ. Mùa hè, cởi trần, mặc quân đùi, mẹ nó cười:

    - Nom kìa, cái rốn to hơn người!

    Nó xấu hổ, kéo vội quần lên. Chả là rốn nó bị lồi. Tức thế. Những lúc sực nhớ ra, nó lấy ngón tay cái ấn vào. Đến tuổi lên 10 thì đã đỡ. Học lên đến lớp 6, nó đã ý tứ không phơi rốn ra nữa, thì lại phải mang cái tên là Cu Chim. Mới nghe, cu Quý tức lắm. Vừa tức, vừa thẹn. Song, đầu đuôi đều tại nó hết.

    Sự thể thằng Quý mang tên Cu Chim bắt đầu từ cái ngày nó ham đi bẫy chim. Bẫy chim sẻ trong sân, bắt chim sẻ đồng ở ngoài đồng và lấy nhựa mít nhử cả chim chích trong vườn. Không có tiền mua lồng ngoài chợ, nó đan lấy. Đan kiểu cái rọ đựng trứng gà ấy, đan mắt nhỏ hơn là được. Mỗi lồng có thể nhốt từ một đến ba con chim. Mới đầu, nó bẫy chim sẻ bằng cách rắc vài hạt thóc, úp kênh cái rá lên bằng que tre dòng dây ra xa, hễ chim vào ăn là giật. Bắt chim ra mới khó. Loay hoay mãi có lần chim bay mất. Sau, nó lấy cái áo cũ chùm ra ngoài cái rá, lừa cho con sẻ chạy vướng lùng bùng, bấy giờ mới tóm lấy. Chỉ hai ba hôm đầu, nó đã bẫy được hơn chục con, lồng chim treo la liệt từ trong nhà ra ngoài sân. Bố mẹ nó bắt đem ra ngoài, không có bẩn lắm. Để ở ngoài cứ bị con mèo móc, nó nảy sáng kiến đem treo lên cành bưởi, cành chanh, cây có gai, mèo chịu. Hằng ngày, cứ đi học về là nó lo bắt mồi để nuôi chim. Mẹ nó không cho lấy thóc, bảo: "Thóc ăn chứ thóc đâu mà nuôi chim?" Bắt trong sân chán, nó bẫy ngoài ruộng. Chẳng bao lâu nó đã có được hơn hai chục cái lồng chim treo đầy vườn. Bố nó lấy làm lạ:

    - Cái thằng, tự nhiên lại mê chim. Lạ thật.

    Mẹ nó thì nói:

    - Cho nó chơi chim còn hơn đi chạy rông, nghịch bậy.

    Nhưng tại sao tự nhiên thằng Quý lại mê chim đến thế chứ? Điều này thằng Quý không nói ra. Chim bắt được nó không bán. Có lần bố nó nửa đùa nửa thật bảo nó làm thịt chục con cho bố uống rượu, nuôi làm gì mà nuôi lắm thế. Tưởng thật, thằng Quý rơm rớm nước mắt, bố nó cười:

    - Bố nói đùa đấy!

    Vào hè, sau vụ gặt, chim sẻ về rất đông. Ấy là lúc những người đi bắt chim xuất hiện. Họ không bẫy mà đánh bằng lưới, môi mẻ hàng mấy chục con. Hàng trăm, hàng nghìn con bị nhốt vào lồng chật cứng, đèo trên xe đạp, chở lên thành phố bán. Tại các quán bia, chim sẻ quay đặt đầy một bàn. Đi học về, nhìn thấy người uống bia, nhai chim sẻ rau ráu, có người mỗi con chỉ một miếng, thằng Quý nhắm cả mắt cả mũi lại mà bước. Ghê hơn là khi nó nom thấy hàng xâu, hàng xốc con chim bé như quả cau bị vặt trụi lông, cái mỏ há ra, cái đầu hêu hếu mà thương, mà kinh quá. Thế này thì lấy đâu ra chim nữa cho họ bắt, họ ăn? Chim bay xung quanh, chim làm tổ ngay trên mái nhà, ngoài vườn đấy, nhưng mà chưa bao giờ thằng Quý bắt chim, ăn thịt chim. Nó chỉ chơi với chim, ngắm con chim lích tích, rí ráu vào những khi ở nhà một mình. Buổi trưa nhà phơi thóc, phải ngồi trông, nó chỉ đuổi gà chứ không đuổi chim. Nó còn đùa với đàn sẻ đồng, xua cho bay rợp cả mắt. Con sáo đậu trên lưng, đậu cả trên sừng trâu, nom mới thích chứ.

    Họ ăn, họ bắt chim như thế kia thì hết mất chim chứ còn gì nữa. Chính vì nghĩ như vậy mà thằng Quý đã nảy ý định bẫy chim về nuôi. Do nuôi chim, nó biết được khối điều hay về loài chim. Chẳng hạn: chim sẻ, chim chào mào không thích sống một mình. Phải có hai ba con một lồng nó mới không buồn. Cào cào ngon thật đấy, nhưng chim chích không thích ăn. Chim sẻ không khoái giun... Bạn bè đến chơi bảo thằng Quý bán bớt đi, chim cuối mùa được giá lắm. Một nghìn ba con, một nghìn một đôi cũng có người mua. Quý chỉ lắc đầu:

    - Tớ không bán.

    Nhưng rồi đến lúc thằng Quý không thể làm thêm lồng, nuôi thêm chim được nữa. Vả lại; chim đã vãn. Trong sân nhà nó cũng chẳng còn mấy con chim. Cho nên, bẫy được con mới, nó lại thả con cũ ra. Mẹ nó nom thấy, bật cười:

    - Bắt vào, thả ra, thế thì bắt làm gì hở con?

    Thằng Quý nhìn mẹ định nói gì đấy, rồi lại thôi. Mẹ nó tủm tỉm nói ngọt:

    - Hôm nay có các bác trên tỉnh về chơi, con đãi bố với các bác một bữa...

    Cu Quý vẫn không nói gì. Ấy cũng là khi cu Quý đã được nhận cái tên mới là Cu Chim. Chắc lũ bạn nó đặt cho.

    Mấy hôm sau, thằng Quý nghe bố nó nói đến chủ nhật thì nhà có khách. Nó giật mình nhìn mẹ. Suốt cả ngày hôm ấy nó ra vẩn vào vơ, bần thần với đám lồng chim, quanh quẩn ở nhà, hết cho chim ăn, nhấc lồng mang ra ao cho chim uống nước, rồi lại vào nhà ngồi. May mà nghỉ hè rồi, chứ không thì nó không còn bụng dạ đâu mà học bài. Đến tối hôm ấy, thằng Quý thầm quyết định một việc quan trọng. Nó đi ngủ sớm và sáng hôm sau nó dậy rất sớm ra vườn lần lượt mở hêt nắp lồng chim. Mở xong, nó đi thẳng ra ngõ như để chạy trốn ai ấy...

    Nắng lên. Nghe tiếng chim ríu ran nháo nhác bay tới tấp trong vườn, mẹ nó nhìn nhìn, kêu lên:

    - Quý ơi! Chim xổng hết rồi kìa!

    Không thấy nó đâu, mẹ nó chạy vào vườn, đứng sững.

    - Khổ. Thằng bé sợ nhà ăn thịt chim của nó đây mà...

    Song, thằng Quý đã nghĩ khác. Bọn người đánh chim đã đi hết rồi. Đã đến lúc thả bầy chim ra cho nó sinh sôi, nảy nở, đẻ trứng, ấp con...

  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Vườn ông vườn xuân

    Mẹ tôi sinh tôi ở thành phố, lúc tôi được bố mẹ cho về quê thì ông nội tôi đã mất rồi. Ông không có ảnh để lại. Bà bảo bố tôi rất giống ông. Nhưng tôi lại thấy bố tôi giống bà, nhất là cái mũi và khi bà cười. Bố tôi cười y như thế. Bà dẫn tôi ra vườn, đến cạnh cái bể đựng nước, chỉ vào cây mít:

    - Ông mất từ ngày nó chưa ra quả.

    Tới giữa vườn, bà trỏ cây nhãn:

    - Lúc ông đi, nó mới cao bằng cháu.

    Ra bờ ao, có cây sung cành lá rùm ròa, thân cây ngả ngả, nhoài là là, xỏa lá cành xuống gần mặt nước, bà kể:

    - Cây này ông trồng, rồi ông uốn nó xuống để cho cá ăn sung. Bố cháu ngày bé cứ cưỡi lên thân cây như cưỡi ngựa ấy. Có bận lăn tòm xuống ao, ướt như chuột.

    Tôi ngơ ngác:

    - Thế mà bố cháu không việc gì ạ?

    Bà cười:

    - Ao nông, bố cháu lại biết bơi.

    Nhìn sang bên kia, viền quanh bờ ao là cả một bờ tre bao kín.

    - Tre ông trồng đấy - Bà bùi ngùi - ông định làm lại cái bếp. Tre chưa kịp đảnh cây thì ông ra đồng nằm.

    Mộ ông kề bên mảnh ruộng hai sào của nhà giữa cánh đồng. Vi vu gió là gió. Lui vào phía trong bờ ao vài bước chân, là cây táo ngọt, quả nhon nhon bằng đầu ngón tay giữa của trẻ con, ăn ngọt đến no thì thôi. Bà bảo:

    - Táo có gai, nhưng quả nó lành. Muốn ăn phải chọc cho rơi xuống, không trèo được, không lo trẻ bị ngã. Vì thế ông trồng cho vui vườn.

    Vườn của ông theo lời chỉ dẫn của bà tôi, có nhiều thứ cây. Chuối um tùm sau nhà. Trước sân là năm cây cau cao vút. Dưới gốc cây cau thứ nhất đứng ở thềm nhìn ra, là bể nước. Một bẹ cau được buộc từ lưng gốc vào bể lấy nước mưa giữa trời. Giữa quãng cách của những cây cau là cây dành dành và hoa mẫu đơn. Lá mẫu đơn hái đun nước uống vị hay hay như nước chè hâm. Quả dành dành giã nát, cho chút muối đắp mắt khi bị đau mắt đỏ. Nước quả dành dành màu vàng như nghệ, dùng nhuộm vải được. Hoa mẫu đơn dùng để cúng. Cúng xong, rút cái nhị hoa ở từng cọng hoa ra mút, nghe ngòn ngọt như đường. Nhai cả hoa cũng được. Bà kể thêm:

    - Tất cả đều do ông trồng từ trước. Lụi cây nào, bà bảo các chú trồng lại cây ấy, đúng như khi ông còn sống.

    Tôi ngẩn ngơ hỏi:

    - Sao ông lại trồng cây mít ở đây?

    Bà nhìn bể nước:

    - Bể nước cần mát. Lá mít không độc, lại tỏa bóng râm. Rụng vào bể lá nào, lá ấy vẫn còn tươi nguyên, mấy hôm sau vớt ra chưa bị ủng.

    Mảnh vườn nhỏ lúc tôi đã đủ trí khôn để nhớ, thấy có cả cam, mận, chanh, bưởi nữa. Riêng cây xoan, cây khế thì mọc tít ở rìa vườn và ngoài ngõ, gần cổng. Bởi lá khế chua, lá xoan đắng, cành vươn ra đến đâu, trụi đất đến đấy, không thứ cây ăn được nào sống nổi dưới gốc. Mà trong vườn thì còn có lá lốt, lá mơ, ngải cứu, khoai sọ, nhọ nồi, thài lài... mọc dưới những cây cao. Rau má, rau sam bò lan... toàn là thứ rau khi cần thì dùng để ăn và để làm thuốc. Ví như ngải cứu, nhọ nồi, đánh gió, giải cảm, dùng cho bà đẻ ăn, thật là lạ lùng đối với tôi khi ấy.

    Vào vườn, tôi nhớ đến ông và tự hình dung ra ông đã trồng cây, cặm cụi vun xới ra sao. Dù chỉ hoàn toàn là tưởng tượng, nhưng bóng hình ông không thể nhạt nhòa khi cây vườn còn mãi mãi xanh tươi, cảnh trí và sự sắp đặt các loại cây, từng loại cây đều là có chủ định và có khoa học.

    Tết đến, hoa mận nở trắng. Đầy vườn lá xanh non. Sang xuân, thì hoa bưởi, hoa chanh, hoa nhãn. Mẫu đơn thì đơm bông cả bốn mùa. Các Tết được sống ở quê, đêm giao thừa nào bà tôi cũng đặt một mâm cúng lên mặt bể nước để vái vọng trời đất và mời ông trở về vui với con cháu cho cây vườn đỡ nhớ, cho cửa nhà yên vui...

    Đến tận bây giờ tôi không sao quên được. Mảnh vườn ấy là Vườn ông - Vườn xuân...

    Xuân 1995

  11. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mẹ tôi

    Tôi có người bạn nhỏ, tên cậu ấy là Lâm. Nhà Lâm đông anh em, nên mọi thứ so với bạn bè không thể nào bằng được. Bạn khác mất chiếc bút máy, thì lập tức bố mẹ đã mua cho chiếc mới ngay. Với Lâm thì không. Cái bút bi mà cậu ấy đang viết từ mấy tháng nay, chỉ thay ruột, còn cái vỏ vẫn tốt. Lâm còn biết chữa khi bút bị tắc mực. Tôi có hỏi sao cậu ấy cẩn thận, tiết kiệm thế? Lâm trả lời:

    - Nhà tớ nghèo, mà mẹ tớ lại không được khỏe.

    Tôi nghe, vừa quý vừa thương cậu ấy.

    Hồi đầu năm học, tôi có cho Lâm vay hơn chục nghìn để mua sách giáo khoa. Vì trong buổi nộp tiền, Lâm không có đủ, tôi đã đưa cho Lâm số tiền mua sách hãy còn thừa. Về nhà, tôi nói lại cho mẹ tôi biết. Mẹ mắng:

    - Ngày mai, phải đi đòi về. Hay là tiêu bậy rồi?

    Tôi biết đến mai, Lâm chưa thể trả và cũng không muốn mẹ tôi hiểu lầm về tôi và Lâm. Miệng thì "vâng", nhưng trong lòng, tôi lo lắm.

    Hôm sau, mẹ tôi hỏi, tôi thưa là Lâm chưa có. Mẹ tôi không vui, và tôi cũng băn khoăn, không biết làm thế nào. May sao, ba ngày sau, Lâm mang tiền đến trả đúng vào lúc mẹ tôi đang có nhà. Cậu ấy hai tay cầm tiền, thưa với mẹ tôi:

    - Thưa bác, hôm nọ cháu thiếu tiền mua sách nên...

    Mẹ tôi mỉm cười nhìn Lâm đăm đăm rồi bất chợt hỏi:

    - Ai vá áo cho cháu đấy?

    Lâm có vẻ ngượng. Tận lúc ấy tôi mới nhìn thấy miếng vá ở vai áo bạn tôi. Màu vải của mụn vá khác với màu vải của áo. Lâm khẽ thưa:

    - Cháu... vá lấy đấy ạ!

    Mẹ tôi âu yếm bảo Lâm:

    - Cháu cởi áo ra - Và quay về phía tôi - Con lấy áo của con cho bạn mặc tạm kẻo lạnh...

    Nói rồi mẹ tôi đứng lên mở ngăn kéo đựng đồ khâu, lấy kim chỉ và chọn mụn vải giống với màu vải áo của Lâm, vá lại áo cho nó. Vá xong, mẹ vừa cắn chỉ vừa nhìn Lâm:

    - Chắc mẹ cháu bận lắm, hay mẹ cháu ở xa?

    Lâm hơi cúi đầu:

    - Vâng. Mẹ cháu bận lắm, mà các em cháu thì còn nhỏ ạ!

    - Cháu là lớn nhất?

    - Vâng ạ!

    Lúc Lâm đã ra về, mẹ tôi mới bảo tôi:

    - Bạn con là một đứa con biết thương mẹ và ngoan. Hôm nọ mẹ mà biết, mẹ đã không mắng con.

    Tôi liền thưa rõ ý định của tôi:

    - Con đã định để dành tiền rồi trả lại tiền của mẹ thay cho bạn ấy, nhưng cậu ấy không chịu. Cậu ấy bảo: "Đã vay thì phải trả. Nếu không cậu sẽ bị mẹ cậu mắng".

    Mẹ tôi im lặng. Một lát, người bảo:

    - Thỉnh thoảng, con rủ bạn ấy sang nhà ta chơi và học bài với nhau cho vui...

    Tôi ôm lấy mẹ, nóng cả mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra vì sung sướng.

Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •