Quyền tự do biểu đạt trên facebook




Logo minh họa của Facebook, ảnh ngày 9 tháng 5 năm 2016.



uần qua câu chuyện về MC Phan Anh đang là đề tài nóng toàn Việt Nam khi MC này là khách mời của VTV trong chương trình 60 phút mở, và anh đã bị đưa ra “đấu tố” bởi những chia sẻ anh viết trên facebook cá nhân của mình. Nhân sự việc này, chúng ta lại nhớ lại việc chính quyền ban hành nghị định về việc xử phạt học sinh - sinh viên nếu có những hành vi đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin bị cho là kích động gây rối, chống phá nhà nước, xâm hại an ninh quốc gia, cho là nhạy cảm, chưa được kiểm chứng trên các mạng xã hội. Và đó cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ tuần này cùng với 3 bạn khách mời bạn Từ Anh Tú, Thảo, Lâm Duy, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Chân Như: Các bạn nhận xét thế nào về quy định hạn chế quyền của sinh viên học sinh của chính quyền Việt Nam?

Từ Anh Tú: Theo em đấy là quy định rất vi hiến và trực tiếp vi phạm chính pháp luật của nhà nước Việt Nam bởi vì quyền căn bản ấy em nghĩ không chỉ những học sinh sinh viên mà bất kỳ một công dân nào khi họ sinh sống trên lãnh thổ của Việt Nam thì họ đều được hưởng. Bởi theo lẽ thường, đối với những người trí thức tương lai như những học sinh sinh viên thì họ nên khuyến khích có những phản biện đằng này họ lại tìm cách hạn chế những quyền ấy để làm cho sinh viên của Việt Nam ngày càng thụ động chỉ biết giống như những con robot biết nghe lời thôi. Nói chung em phản đối việc ấy.

Chính quyền đánh vào ngay từ “trong trứng nước” khi tất cả các sinh viên hay một học sinh nào đó mà chia sẻ bất kỳ một bình luận hoặc những thông tin thuộc về chính trị.
- Thảo
Thảo: Theo em, em thấy rằng chính quyền Việt Nam hiện nay khá khắt khe và mạnh mẽ. Hầu như chính quyền đánh vào ngay từ “trong trứng nước” khi tất cả các sinh viên hay một học sinh nào đó mà chia sẻ bất kỳ một bình luận hoặc những thông tin thuộc về chính trị. Mà không hẳn là sinh viên đâu, chẳng hạn, ngay cả em là một giáo viên đi nữa mà đôi khi còn bị hạn chế ở những quyền đó thì huống chi là đến những sinh viên và học sinh. Như vậy thì chính quyền Việt Nam quá hà khắc trong việc để mọi người tự bày tỏ quyền tự do cá nhân của mình.

Lâm Duy: Mình cũng chia sẻ một phần đối với quan điểm của hai bạn Tú và Thảo nhưng mình xin nói thêm ở vài điểm như thế này. Mình thấy trong những cái quy định có đến 10 những hành vi mà sinh viên không được làm.

Thực ra họ hoàn toàn có thể quy định những quy định nội bộ để làm sao đảm bảo môi trường học thuật. Tuy nhiên, một số những quy định khác như là anh có nhắc đến: đăng tải bình luận hay chia sẻ nội dung được cho là vi phạm an ninh quốc gia hay gọi là phản động trên mạng hoặc tụ tập đông người hay là biểu tình khiếu kiện thì hai quy định này mình thấy nó có vấn đề. Nếu nhà trường áp dụng hai quy định cấm này thì rõ ràng nhà trường đã vượt qua khỏi quyền hạn của mình tức là không nên nhầm lẫn giữa những nội qui trong nhà trường và luật pháp, vì nhà trường ngoài chức năng cung cấp dịch vụ giáo dục ra thì không có chức năng như là những cơ quan hành pháp hay là tư pháp và sinh viên ở ngoài nhà trường họ là một công dân bình thường như những công dân khác. Và đã là những công dân khi bên ngoài nhà trường thì họ sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp có liên quan và nhà trường không có chức năng như một tòa án.

Chân Như: Nhiều người liên tưởng về thời kỳ miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thời đó, các phong trào học sinh – sinh viên nở rộ, có nhiều cuộc biểu tình, thậm chí bạo động chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Các bạn đánh giá thế nào về hành xử của chính quyền Việt Nam hiện nay đối với sinh học sinh viên trong các vấn đề chính trị xã hội.

Thảo: Em cũng xin nói vấn đề hiện tại của chính quyền Việt Nam. Họ hạn chế hoàn toàn những thông tin không cho học sinh, sinh viên biết hiểu nghe và bày tỏ quan điểm của mình. Do vậy, rất dễ hiểu khi không may một nhân tố nào đó bất chợt cảm nhận được, hiểu được và muốn nói ra được quan điểm cá nhân của họ thì chắc chắn khi đó chính quyền Việt Nam cảm thấy đã đi ngược lại bởi những gì họ đã xếp đặt nên họ sẽ sử dụng tất cả những biện pháp nào có thể được để “tấn công” lại những sinh viên học sinh đó. Em phải dùng từ tấn công ở đây trong ngoặc kép, nghĩa là sẽ tấn công vào tinh thần và cái thứ hai là tấn công vào thể xác.

Bên cạnh đó, họ còn gây nên những nguy hiểm cho cả những người thân của những người mà dám đứng ra nói lên quyền mà họ cần phải biết, cần phải hiểu. Vì thế, có lẽ sử dụng áp lực đối với sinh viên học sinh là điều mà chính quyền Việt Nam hiện nay đang làm ngày càng rất cấp thiết và mọi người chúng ta cảm thấy nó đi ngược lại với những gì thuộc về đạo đức của con người.


Một cựu nhân viên Facebook cho rằng tin tức bảo thủ và quan điểm cố hủ thường ít được ưu tiên trên trang Facebook. Ảnh ngày 11 Tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO
Lâm Duy: Những quy định cấm mà vừa nãy mình cho là bất hợp lý không thuộc quyền hạn của các cơ sở giáo dục vừa được bộ giáo dục ban hành. Tiếc là ở Việt Nam không có tòa án hiến pháp và nếu như có tòa án hiến pháp thì những quy định này có thể sẽ bị đâm đơn đơn kiện vì những cáo buộc được cho là đi ngược lại với quyền tự do dân chủ, vốn được quy định trong hiến pháp Việt Nam hiện tại. Chính quyền muốn sinh viên tư duy theo quan điểm của chính quyền. Đó là lý do tại sao các tổ chức trong nhà trường như là Đoàn thanh niên, Hội sinh viên ra sức định hướng theo quan điểm từ chỉ đạo của cấp trên của chính quyền.

Với những điều mà mình được nghe được thấy và được biết thì thời Việt Nam Cộng Hòa và thậm chí là ở những nước trong khu vực thì sinh viên không bị cấm đoán những hình thức tự do ngôn luận như lập hội biểu tình ôn hòa, meeting diễn thuyết, miễn là những hoạt động này diễn ra trong ôn hòa. Thậm chí, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn khá nổi tiếng của Việt Nam từng là sinh viên dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông có một tấm hình còn lưu lại chụp trong buổi diễn thuyết ngoài trời, ông đứng cạnh một tấm băng-rôn có ghi “chúng tôi thách đố mọi sự đàn áp của Thiệu Kỳ”. Như vậy, trong số các nhà trí thức miền Nam cũ rất nhiều người từng lãnh đạo phòng trào phản chiến, những phong trào đòi hỏi cải cách những chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bằng những cuộc biểu tình của sinh viên thời đó. Và tới nay họ vẫn đảm nhiệm một số những chức vụ trong bộ máy chính quyền hiện tại. Mình nghĩ những người này có lẽ là những minh chứng sống cho những quyền tự do, dân chủ mà họ được hưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và so sánh với cái thời nay là như thế nào.

Chân Như: Còn nhìn sang một số nước láng giềng của Việt Nam như, Miến Điện, Hồng Kông và nhiều quốc gia khác, các trường đại học, với sinh viên và các giáo sư là cái nôi của nhiều cuộc chuyển biến chính trị. Các bạn nhận xét sao về phong trào của họ?

Từ Anh Tú: Trước hết em nói rộng ra thì mình đang sống ở trong một chế độ độc tài Cộng sản. Việc họ tìm cách để ngăn cấm sinh viên có những phát biểu chính kiến của mình trên mạng cũng giống như ở ngoài không nhằm một mục đích nào khác ngoài việc triệt tiêu mọi mầm mống phản kháng mọi sự đấu tranh dân chủ. Tất nhiên, so với ở những nước khác chẳng hạn như Hồng Kông cũng có rất nhiều các phong trào biểu tình sinh viên, những cuộc biểu tình ấy hoàn toàn rất ôn hòa và bình thường, nhưng ở Việt Nam mình ngay cả sự ôn hòa gần như họ hạn chế tối đa tức là họ muốn triệt mọi mầm mống đấu tranh từ bên trong “trứng nước”.

Lâm Duy: Mình có theo dõi phong trào tại Miến Điện hay phong trào Dù Vàng ở Hồng Kông. Phong trào Dù Vàng là một phong trào được khởi xướng do những người trẻ chủ yếu là những sinh viên, học sinh - những người có ăn học và có tư duy phản biện rất tốt và họ biết rõ mục đích đấu tranh mà họ nhắm tới là làm gì. Kể cả phong trào ở Miến Điện thì cũng có đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ.

Nhìn chung, ở những nước như Hồng Kông hay Miến Điện thì nền tảng tam quyền phân lập được tôn trọng. Do vậy, mình nghĩ đây là những lợi thế mà những cuộc biểu tình của sinh viên ở những nước lân cận họ có lợi thế hơn ở Việt Nam là chỗ đó.

Thảo: Em có theo dõi vào năm 2014 ở Hồng Kông xảy ra cuộc biểu tình với một thủ lĩnh biểu tình cũng ở lứa tuổi sinh viên là Josuha Wong. Cảnh sát ở tại Hồng Kông sử dụng những dùi cui điện, những hơi cay để đối phó người biểu tình để giải tán chứ không có nghĩa là họ trấn áp và buộc người biểu tình phải ngưng hoạt động.

Nên khuyến khích học sinh, sinh viên chia sẻ những suy nghĩ, chính kiến của mình nhất là những suy nghĩ mang tính thiết thực như hiện nay.
- Từ Anh Tú
Tương tự đó vào năm 2015 tại Miến Điện cũng xảy ra một cuộc biểu tình của sinh viên để phản đối một đạo luật giáo dục, chính quyền của Miến Điện cũng trấn áp lại người biểu tình với một biện minh là do người biểu tình tự chống lại cảnh sát nên họ mới chống lại. Điều này cho chúng ta thấy được rằng ở Việt Nam và ở những nước khác đều có sự khác biệt là người ta vẫn sử dụng những hành động để người ta ngăn lại cuộc biểu tình nhưng người ta vẫn cho phép người dân biểu tình để bày tỏ quan điểm của mình.

Chân Như: Sau cùng các bạn có đề xuất gì của chính các bạn để có thể phát huy hết vai trò của người trẻ sinh viên học sinh trong việc xây dựng một thể chế tốt đẹp cho VN?

Thảo: Đối với em là một người làm việc trong ngành giáo dục và tiếp xúc với học sinh sinh viên hầu như là khá nhiều nên điều đầu tiên em nghĩ trước hết cần phải cho học sinh tiếp cận được với một nguồn thông tin chính xác và luồn thông tin đa dạng từ nhiều nơi của cùng một sự việc. Khi sinh viên, học sinh hiểu được vấn đề đó thì họ mới dám nói ra được quyền tự do của họ; còn một khi họ không biết được một cách chính xác thì họ không thể nào có thể đấu tranh để tìm được một cái gì đó mà họ nghĩ là họ phải thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại của chính quyền Việt Nam.

Và điều thứ hai, đó là bản thân em có thể giúp cho những sinh viên, học sinh mà em đang theo dạy trước hết phải cho họ biết được cái quyền của họ, họ được gì và họ có quyền như thế nào và họ hoàn toàn có quyền được nói lên những điều gì mà họ cảm thấy là sai, những điều gì họ cảm thấy không đúng. Còn nếu để giúp hết tất cả những người trẻ sinh viên học sinh trong việc xây dựng cho Việt Nam thì cần phải sự hỗ trợ của chung sức rất nhiều người chứ không phải riêng em.

Lâm Duy: Theo mình nghĩ, sinh viên Việt Nam hay học sinh cần dẹp bỏ quan niệm “đó không phải là chuyện của tôi”. Chính từ quan niệm sai lầm đó mà những vấn đề thực ra có liên quan với họ, như là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, về tham nhũng… có liên quan trực tiếp đến họ nhưng có thể là tâm lý sợ hãi, sợ bị trả thù, sợ bị trừng phạt làm cho họ không dám lên tiếng về những gì họ tin là đúng. Và để dẹp bỏ được những tư duy đó, mình nghĩ việc thay đổi triết lý giáo dục cũng rất cần thiết. Đó là triết lý giáo dục khai phóng làm cho một con người có tư duy độc lập và khi có tư duy độc lập họ sẽ có tư duy phản biện, sẽ tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau. Chính những điều đó sẽ làm cho họ có hành động đúng đắn và sẽ gạt bỏ đi cái tư duy “đó không phải là chuyện của tôi”.

Từ Anh Tú: Em nghĩ mình nên khuyến khích học sinh, sinh viên chia sẻ những suy nghĩ, chính kiến của mình nhất là những suy nghĩ mang tính thiết thực như hiện nay.

Ví dụ như việc cá chết hàng loạt, em nghĩ rằng tất cả những sinh viên, học sinh nên chia sẻ một cách công khai, nói lên về sự việc vụ việc ấy bởi vì vụ việc ấy nó tác động đến tất cả mọi người trong xã hội này, không chỉ những ngư dân mà chính những học sinh và sinh viên và gia đình họ cũng đều bị ảnh hưởng. Vậy thì không có lý do gì chúng ta lại không dám lên tiếng hay suy nghĩ cả. Và những điều ấy chắc chắn không thể quy kết những học sinh, sinh viên vào việc xâm phạm lợi ích của nhà nước.

Chân Như: Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình.


RFA