Thù hận: Chiến tranh dường như chưa chấm dứt





Ông Bob Kerrey (thứ hai từ phải sang) tại Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5/2016 ở TPHCM.

Bao giờ hết hận thù?

Báo chí chính thức do nhà nước quản lý ở Việt Nam đã dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng, sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh một nhà trí thức nổi tiếng, từng giữ các trọng trách về đối ngoại trong Quốc hội và Chính phủ, đã phản bác một cách đầy hận thù việc ông Bob Kerrey giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Bob Kerrey là một người có quá khứ nặng nề trong chiến tranh Việt Nam và như lời bà viết nguyên văn “lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey” để giao nhiệm vụ này. Phải chăng 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, hai quốc gia Mỹ Việt đã bình thường hóa quan hệ một cách toàn diện, nhưng hận thù vẫn còn nằm sâu trong tâm thức những người Việt Nam mà bà Tôn Nữ Thị Ninh là một đại diện.

Trên các báo điện tử gọi là lề phải ở Việt Nam, đa số ý kiến của giới trí thức, chuyên gia và tướng lĩnh, cựu chiến binh quân đội nhân dân đã phản biện quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh, họ thể hiện sự tha thứ và chấp nhận việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.

Điều này làm cho người Mỹ thắc mắc không hiểu sau khi Việt Nam ký kết hiệp định cho mở Đại học Fulbright Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế như thế, thì bây giờ Việt Nam lại thay đổi chính sách… Tôi thấy đây là sự can thiệp tương đối vụng về.
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam lại cũng để lộ quan điểm không muốn ông Bob Kerrey ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam. Ngày 2/6 một ngày sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh nổ phát súng quan điểm hận thù trên mạng Zing News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng trong cuộc họp báo ở Hà Nội. Tuy ông Bình sử dụng ngôn ngữ ngoại giao thận trọng, nhưng hàm ý khá rõ rệt. Hầu hết báo điện tử lớn như VnExpress, Vietnamnet, Dân Trí, Người Lao Động đều có dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng, Việt Nam tin tưởng phía Mỹ và lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ… Ông Lê Hải Bình đã nhấn mạnh là những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không có gì có thể bù đắp được.

Thông thường, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong một cuộc họp báo chính thức, được xem như quan điểm không chỉ của Bộ Ngoại giao mà là của Chính phủ Việt Nam.

Một sự kiện khác gây ngạc nhiên trên báo chí lề phải, nếu ông Lê Hải Bình trong tư cách người phát ngôn Bộ Ngoại giao có phát biểu như vừa nêu về trường hợp ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright, thì ngày 4/6 trên báo Tuổi Trẻ ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM lại rất cởi mở khi ông nói: "Vượt lên thù hận, chúng ta sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa." Một số báo khác đã đưa lại bài trên Tuổi Trẻ, nhưng đến ngày 7/6 thì bài đã bị gỡ xuống không còn truy cập được. Phải chăng quan điểm hòa giải của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng không hẳn được các giới chức Đảng chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên bộ môn quan hệ quốc tế Đại học George Mason tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, nhận định về sự kiện liên quan:

“Ông Bình không thể phát biểu với tư cách cá nhân mà phát biểu với tư cách chính phủ hay ít nhất cũng với tư cách của một bộ trong chính phủ. Tôi không nghĩ đó là sáng kiến riêng của Bộ Ngoại giao. Nếu đây là ý kiến của chính phủ thì nó là môt vi phạm vụng về đến nguyên tắc tự trị đại học, nền tảng quan trọng nhất của bất cứ một trường đại học có đẳng cấp quốc tế nào. Điều này làm cho người Mỹ thắc mắc không hiểu sau khi Việt Nam ký kết hiệp định cho mở Đại học Fulbright Việt Nam với tiêu chuẩn quốc tế như thế, thì bây giờ Việt Nam lại thay đổi chính sách… Tôi thấy đây là sự can thiệp tương đối vụng về.”

Vì một tương lai tốt đẹp hơn

Ông Bob Kerrey, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, nhân vật trong tâm trận bão dư luận, có thời gian là Thượng nghị sĩ rồi Thống đốc Tiểu Bang ở Hoa Kỳ. Được biết trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông Bob Kerrey là chỉ huy biệt kích thủy bộ. Sau này, ông nhận trách nhiệm đã chỉ huy một trận đánh được mô tả như một cuộc thảm sát tại tỉnh Bến Tre. Trên báo chí Hoa Kỳ, ông Bob Kerrey nói rằng sự việc xảy ra ám ảnh ông suốt đời. Và ông tự nhủ mình sẽ làm mọi việc có thể, để giúp đỡ Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến để nói về Đại học Fulbright tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ngày 7 tháng tám năm 2015. AFP PHOTO

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó Chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội, cựu Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu âu EU, là người phóng đi ngọn lao đầu tiên khơi lại thù hận. Trong bài viết gởi đăng trên mạng Zing News hôm 1/6, bà Ninh tự mô tả mình không phải là người vì quá khứ mà gọi là ghét hay ác cảm với người Mỹ. Như hầu hết người Việt Nam, bà nói sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên để hướng tới tương lai cùng với nhân dân hai nước vì lợi ích chung. Bà Ninh nói bà hy vọng việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam ở TP.HCM góp phần tạo động lực cho nền giáo dục đại học Việt Nam lành mạnh, chất lượng và hội nhập thế giới. Nhưng bà đã vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey là chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam.

Bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh đã gây bão trong dư luận, một số người ủng hộ quan điểm của bà. theo đó không thể nhân danh tương lai mà bỏ qua sự thật. Nhưng một số nhiều hơn thể hiện qua các bài trên báo chí chính thức, chấp nhận việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm chức chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam với nhiều phát biểu rất đáng chú ý như, ‘Đừng quên quá khứ nhưng đừng mãi sống với thù hận… Chuyện Fulbright: Xóa thù hận chứ không được quyền xóa lịch sử…Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright: nên tha thứ, cùng hướng tới tương lai… Cần cái nhìn điềm tĩnh, suy nghĩ toàn diện hơn trước khi phán xét Bob Kerrey…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có bài phát biểu khá dài trên VietnamNet hôm 3 tháng 6. Người đọc báo xin trích câu nói đầy ý nghĩa của nhà thơ: “Không ai quên lịch sử, không ai được phép quên lịch sử. Chúng ta xóa đi thù hận chứ không được quyền xóa lịch sử. Nhưng chúng ta không được đánh tráo khái niệm giữa sự tha thứ và sự lãng quên.

Trong mối quan hệ mới ‘khép lại quí khứ’ thì đừng nhắc lại tội ác của người này, người kia nữa. Vấn đề bây giờ người ta góp phần xây dựng cho một Việt Nam đổi mới và người ta đưa tri thức, nâng cao trình độ dân trí cho nước Việt thì đừng phân biệt người này, người kia.
-Đại tá Bùi Văn Bồng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, trường hợp của Bob Kerrey đã vô tình trở thành chất thử thái độ của chúng ta với lịch sử. Chúng ta đã lên tiếng. Chúng ta được quyền như thế và phải như thế. Hãy nói ra hết để rồi mỗi chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng thật thanh thản. Nhà thơ kết luận, Bob Kerrey chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta, hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé.

Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân tại đồng bằng sông Cửu Long nói với Đài Á châu Tự do:

“Trong mối quan hệ mới ‘khép lại quí khứ’ thì đừng nhắc lại tội ác của người này, người kia nữa. Vấn đề bây giờ người ta góp phần xây dựng cho một Việt Nam đổi mới và người ta đưa tri thức, nâng cao trình độ dân trí cho nước Việt thì đừng phân biệt người này, người kia; miễn là họ có tấm lòng giúp cho Việt Nam có hiệu quả.”

Sau khi khơi mào cơn bão thù hận với bài viết trên Zing News ngày 1/6, đến ngày 6/6, bà Tôn Nữ Thị Ninh tiếp tục gởi thư ngỏ cho người Việt Nam và các bạn Mỹ. Nội dung được cho là để đối phó với trận mưa đá của cộng đồng mạng. Bà Ninh nói là sẵn sàng gặp lại ông Bob Kerrey để trao đổi về những việc góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt. Bà Ninh cũng dẫn lời một số người không ủng hộ việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm chủ tịch Đại học Fulbright, điển hình như phát biểu của Phó Giáo sư Jonathan London trên BBC, ông cho rằng, đó là một quyết định vô trách nhiệm và muốn thành lập một đại học mới ở Việt Nam thì ít nhất phải nhạy cảm với lịch sử của hai nước…

Tuy vậy, trong thư ngỏ bà Ninh đưa ra thông tin liên quan đến nguồn tài chính 20 triệu USD tài trợ cho Đại học Fulbright Việt Nam là không xác thực. Infonet và nhiều báo đã đăng phản hồi của Đại học Fulbright Việt Nam.

Cho dù trận bão hận thù và tha thứ sẽ xoay chuyển tới đâu, cho dù chủ tịch Bob Kerrey tại chức hay người khác thay thế, thì trường đại học Mỹ đầu tiên này ở Việt Nam cũng sẽ chính thức tuyển sinh vào tháng 9/2016, Đại học Fulbright Việt Nam dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên từ 80 tới 100 sinh viên cho chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách công. Theo thông tin chính thức được phổ biến, từ năm 2018, Trường Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam sẽ chính thức tuyển sinh hệ đại học. Nếu như mọi việc được tiến hành đúng kế hoạch, Đại học Fulbright Việt Nam có thể là nơi đào tạo bài bản nhất cho tối đa 10.000 sinh viên mỗi niên khóa.


RFA