Máy bay rơi, sự thật ở đâu?





Đám tang Đại tá phi công Trần Quang Khải, người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Sukhoi SU-30MK2 do Nga sản xuất hôm 14 tháng 6 năm 2016. Ảnh chụp hôm 20/6/2016.



Hai vụ rơi máy bay vào tuần qua tiếp tục khiến nhiều người quan ngại về hằng loạt vấn đề tại Việt Nam; đặc biệt là khả năng chiến đấu của quân đội trong nước hiện nay.

Cần minh bạch thông tin

Thông tin chính xác, minh bạch về vụ việc chiếc Su- MK30 rơi khi luyện tập hôm 14 tháng 6 và chiếc tuần thám CASA 212 làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc Su MK30 hai ngày sau đó là yêu cầu được nhiều người nêu ra trong những ngày qua.

Cựu trung tá Vũ Minh Trí thuộc Tổng Cục 2 trước đây cho biết ý kiến về vấn đề này:

“Thông tin cũng giống những vụ việc khác rất không rõ ràng, minh bạch khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi và nhiều suy đoán khác nhau. Tôi nghĩ đó là tình hình chung ở Việt Nam hiện nay, không phải trong vụ tai nạn này mà trong rất nhiều sự vụ khác, ví dụ như chặt cây hay cá chết… Người dân đã quan và không thấy làm lạ!

Có thể thấy vừa qua xảy ra một số vụ khủng bố ví dụ như ở Pháp người dân rất quan tâm; thậm chí người ta còn thay đổi biểu tượng, để tang, chia buồn trên facebook. Còn sự kiện này kể cả trên báo chính thống không thấy bày tỏ xót thương mà chủ yếu là tập trung về nguyền nhân xảy ra tai nạn!”

Quan ngại về trang thiết bị


Trong khi đó bà Nguyễn Nguyên Bình, một cựu quân nhân và là con gái của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, thì cho rằng bà không tin tưởng vào thông tin do báo chí/truyền hình nhà nước loan đi. Tuy nhiên bà có những suy luận riêng về hai vụ việc máy bay rơi căn cứ vào thực tế tìm hiểu và quan sát lâu nay:

Từ những năm 80, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến chiến tranh điện tử. Từ đó đến nay chiến tranh điện tử của Trung Quốc chắc cũng phát triển nhiều và họ cũng có nhiều cách để khống chế Việt Nam bằng điện tử.

- Bà Nguyễn Nguyên Bình

“Từ những năm 80, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến chiến tranh điện tử. Từ đó đến nay chiến tranh điện tử của Trung Quốc chắc cũng phát triển nhiều và họ cũng có nhiều cách để khống chế Việt Nam bằng điện tử. Khi xảy ra những chuyện như vậy rồi thì Mỹ có đề nghị vào giúp nhưng lãnh đạo Việt Nam lại không đồng ý. Thế nhưng lại để cho Trung Quốc ‘ào ào’ vào; mà Trung Quốc vào tức nhiên phức tạp hơn chuyện họ không vào. Đằng nào phi công cũng chết rồi, máy bay cũng rơi rồi mà Trung Quốc thường có mưu ‘bẻ què cho thuốc’; tức bắt con chim bẻ què chân rồi rịt thuốc để kể công!

Ý nghĩ thứ hai của tôi là những thiết bị đi mua do các lãnh đạo quân đội có thể họ ‘giữ’ giá. Theo tôi máy bay mua của Tây Ban Nha, của Nga… dù cùng một nhãn mác, cùng series nhưng người đi mua có thể mặc cả với giá rẻ hơn và cũng mua được cái như người khác mua. Số tiền dôi ra bỏ túi. Khi xảy ra sự cố thì không thể kiện hãng sản xuất vì họ sẽ nói mua với giá như thế nào thì chỉ có thể bán đến thế thôi!”

Lo lắng về đối tượng chiến đấu


Từ hai vụ rơi máy bay trong điều kiện được nói không có gì quá bất thường như vừa qua; những người quan tâm bày tỏ quan ngại đến khả năng tác chiến hiệu quả của quân đội Việt Nam hiện nay.

Bà Nguyễn Nguyên Bình trình bày quan điểm về việc xác định đối tượng chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam:

“Trước đây tôi làm ở Cục Bình Luận thì chính tôi làm ở bộ phận nghiên cứu Trung Quốc, và tôi làm những buổi phát thanh binh vận quân đội Trung Quốc. Làm được một thời gian thì sau khi có ký kết với nhau lập lại quan hệ bình thường, không còn bộ phận ấy nữa. Gần đây tôi nghe nói có chuyển đổi xem Trung Quốc là đối tượng để phải nghiên cứu. Thế nhưng chỉ nói qua loa thế thôi!.

Bây giờ quân đội chiến đấu mà không xác định được mục tiêu, không xác định đối tượng thì làm sao chiến đấu được. Bây giờ tôi thấy ‘chập chà, chập chờn’; như thế rất khó. Vì chiến đấu với quân đội này thì có đặc điểm này, còn quân đội kia có đặc điểm khác chứ. Làm sao nghiên cứu đặt ra chiến thuật, chiến lược… được.”

Cựu trung tá Vũ Minh Trí cũng có quan điểm về vấn đề này:

“Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa nhất là phải xác định cho đúng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội. Xác định cho đúng đối tượng phục vụ của quân đội.

Hiện nay mục tiêu xác định chưa chính xác: gọi là quân đội nhân dân nhưng lấy đảng làm lý tưởng lớn nhất, tôn chỉ cao nhất. Với lý tưởng và tôn chỉ đó thì không có thể có được một quân đội mạnh.”

Ý kiến cư dân mạng


Sau khi xảy ra vụ rơi hai máy bay chiến đấu với 1 phi công vớt được xác và 9 người còn mất tích tính đến ngày 20 tháng 6; nhiều cư dân mạng đăng hình ảnh các vị sĩ quan cũng như quân nhân khóc lóc thảm thiết trước sự ra đi của đồng đội.

Hiện nay mục tiêu xác định chưa chính xác: gọi là quân đội nhân dân nhưng lấy đảng làm lý tưởng lớn nhất, tôn chỉ cao nhất. Với lý tưởng và tôn chỉ đó thì không có thể có được một quân đội mạnh.

- Cựu trung tá Vũ Minh Trí

Nhiều người bày tỏ lòng thương cảm đối với gia đình những nạn nhân; trong khi đó có những bài viết nêu rõ quan điểm như của tác giả Cương Biên ‘Tôi oán giận Quân đội Nhân dân Việt Nam đã để 10 chiến sĩ chết oan uổng’. Tác giả cho rằng ’10 phi công ra đi hôm nay là kết quả tất yếu của sự kết hợp hoàn hảo ‘giặc ngoài, thù trong’!’. Và Cương Biên nêu câu hỏi ‘Làm người bảo vệ sự sống cỏn của Quốc gia Dân tộc mà lại ôn hôn thắm thiết kẻ thù, lại mũ ni che tai không nghe dân nói, lại TRUNG VỚI ĐẢNG thì quân đội có còn là quân đội của nhân dân không?’

Facebooker Hoàng Nguyễn Văn viết rõ ‘Tôi không thể cảm thương người thề ‘tuyệt đối trung thành với đảng’, làm theo sự ‘lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng’. Khi họ tự nguyện là công cụ của đảng thì nhân dân bị đối xử tệ thế nào ai cũng đã rõ.’

Bạch Hoàn trên trang facebook cá nhân cũng nêu câu hỏi ‘Vì sao những quả pháo sáng mua bằng tiền thuế của dân lại bị xịt? Ai chịu trách nhiệm về điều này? Pháo sáng ấy thuộc lô hàng nào? Do doanh nghiệp nào sản xuất? Đơn vị nào nhận khẩu? Mẹ già, vợ dại, con thơ của người lính đã ra đi không thể trở về, đồng đội của họ và nhân dân cần một câu trả lời.’



RFA