.

'Không cần luật súng, chỉ cần tước bỏ vũ khí trong tâm'


SACRAMENTO, California (NV)
- Trưa ngày 20 Tháng Sáu, dưới ánh nắng chói chang và cái nóng thiêu đốt của mùa Hè California, hàng trăm người đứng đợi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma bên ngoài bậc thềm của tòa nhà Quốc Hội California, chỉ mong được thấy vị lãnh đạo tôn giáo tối cao của Tây Tạng, trong chuyến thăm đầu tiên, lịch sử, của ngài tại thủ đô của nơi được mệnh danh là tiểu bang vàng.




Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội California, Sacramento.
(Hình: Hà Giang/Người Việt)


Mọi người nôn nao là phải. Vào năm 2009, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng đã dự định đến thăm Sacramento, nhưng không hiểu vì sao chuyến đi lúc ấy không thành. Lần này, có lẽ để đền bù cho sự mong đợi kéo dài bảy năm, ngài đến thủ phủ của California, không chỉ để đến thăm, mà còn đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội.

Nôn nao chờ đợi

Theo thời khóa biểu, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma sẽ đến phòng họp khoáng đại của Thượng Viện lúc 12 giờ 45 phút trưa, nhưng tới 1 giờ 15, vẫn chưa thấy bóng dáng ngài đâu.
Sốt ruột, nhưng người đứng đợi không vì thế mà sờn lòng. Họ đã đến từ nhiều nơi khác nhau, có người từ rất xa, từ tối hôm trước, người khác khởi hành từ tờ mờ sương để kịp đến nơi. Họ giờ đây, người che dù, người trốn nắng dưới những cái lọng đủ mầu sặc sỡ, người khác tay cầm bình phun nước, thỉnh thoảng xịt vào người để chống chỏi với cái nóng ngày càng như đổ lửa. Nhiều thanh niên thiếu nữ trong trang phục Tây Tạng, cầm cờ Tây Tạng, vui cười chụp hình với bạn bè dưới nắng, vui như trong ngày hội.

Bên trong phòng họp, 120 nhà lập pháp thuộc lưỡng viện Quốc Hội California, và nhiều nhân viên hành chánh khác, đã vào chỗ ngồi. Dọc theo bờ tường hai bên phòng, giới báo chí sẵn sàng với máy quay phim, máy ảnh với những ống kính telephoto to khổng lồ, tất cả quay mặt về cuối phòng, chỉ chờ hai cánh cửa đang đóng kín hé mở là tay sẽ bấm lia lịa để mong mình có được tấm hình độc đáo nhất.

Một nhiếp ảnh gia hơn 30 năm kinh nghiệm đứng phía bên trái tôi nhìn đồng hồ: 1 giờ 40 phút. Vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Chúng tôi đã đứng, ngồi, rồi lại đứng ở đúng vị trí của mình như thế từ khoảng 11 giờ sáng, vì nhu cầu an ninh đòi hỏi rằng sau 12 giờ trưa, không ai, kể cả các nhà làm luật cũng không được bước vào phòng họp. Thấy tôi nhìn, người đồng nghiệp mỉm cười, cái nhìn nhẫn nại đầy ý nghĩa. Tôi cũng cười, lắc đầu, chặc lưỡi: “Mình tiếp tục chờ.” Anh nói: “Ðúng thế! Ðợi chờ, và tiếp tục đợi chờ. Ðó là việc nhà báo chúng ta làm, và luôn luôn phải làm...” Thuở chờ đợi thời gian sao dài thế!

Như đọc được nỗi băn khoăn của chúng tôi chị Jacqui Nguyễn, phụ trách truyền thông kiêm giám đốc giao tế cho người Mỹ gốc Á Châu của Thượng Viện, từ đâu chạy tới thông báo:

“Ngài bị trễ, bây giờ vẫn chưa thấy ở bên ngoài.”

Giờ này mà chưa đến bên ngoài, thì cũng ít nhất 15 phút nữa mới vào đến đây. Chúng tôi không ai bảo ai cùng co giãn cho một chút thoải mái. 1 giờ 50 phút, người bạn bên phải tôi nhận được text của đồng nghiệp ở phía ngoài, kèm theo tấm hình: Ồ, ngài đã đến...

Mọi người giờ đây đồng loạt đứng bật dậy, lại kiểm soát máy ảnh, máy quay phim, máy thu thanh một lần nữa. Lại cùng nhau hướng về hai cánh cửa gỗ đang khép kín. Trên bục, người phát ngôn viên thông báo phiên họp lưỡng viện Quốc Hội California bắt đầu...

Khi người điều khiển chương trình đọc tên một loạt người được vinh hạnh ra cửa hộ tống Ðức Ðạt Lai Lạt Ma vào phòng họp, hai cánh cửa mở ra, rồi ngài xuất hiện giữa hai hàng người, khi tất cả cử tọa đứng dậy, tiếng vỗ tay đón chào làm át đi những tiếng bấm máy liên tục, mọi chờ đợi căng thẳng, mệt mỏi của chúng tôi biến đi đâu mất.




Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được 120 nhà lập pháp California chào đón nồng nhiệt.
(
Hình: Scott Strazzante, The Chronicle)

Con người cần được thương yêu

Mục đích chính của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma trong việc đến thăm thủ phủ của tiểu bang California hôm nay là để đọc diễn văn, hay nói đúng hơn, để chia sẻ tâm sự với giới lập pháp của tiểu bang này.

Tôn giáo dạy cho con người lòng từ bi, sự vị tha. Giới lập pháp đặt ra luật để an dân, trị nước. Lãnh đạo tôn giáo và giới lập pháp có điểm gì tương đồng. Hỏi một cách khác, một vị lãnh đạo tôn giáo có thể khuyên giới lập pháp điều gì thiết thực nhỉ?

Nếu ai lắng nghe tâm tư của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được bày tỏ ngày hôm đó, thì sẽ nhận ra rằng, họ có thể chia sẻ với nhau nhiều điều lắm. Nhất là trong bối cảnh dân Mỹ còn đang bị ám ảnh bởi những cuộc khủng bố, gần đây nhất là vụ thảm sát tại Orlando, trong cùng ngày Thượng Viện Hoa Kỳ đã bác bỏ bốn đề luật điều chỉnh đạo luật kiểm soát súng.

Nhìn vào phản ứng của cử tọa, có thể kết luận rằng, trong vòng 30 phút ngắn ngủi, bài diễn văn thân mật như những lời tâm sự của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã để lại cho giới lập pháp California nhiều điều phải suy gẫm.

Mở đầu bài diễn văn, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma vẫy tay chào mọi người, và nói:

“Mọi người ngồi đi, ngồi đi, tôi không mấy hình thức và thích sự trịnh trọng. Chúng ta phải đứng, chúng ta phải chào, chúng ta phải thế này, phải thế kia, rồi cuối cùng chúng ta sẽ thành ra căng thẳng...”

Rồi ngài đi ngay vào đề:

“Chúng ta là một phần của nhân loại. Mỗi người là một phần của 7 tỉ người trên trái đất. Thân thể chúng ta có thể khác nhau, chúng ta có thể có tôn giáo khác nhau, người đạo Phật, người đạo Thiên Chúa Giáo, chúng ta ở nhiều cấp bậc khác nhau, nhưng chúng ta như nhau vì cùng là con người, cùng được sinh ra và sẽ cùng chết đi giống nhau, mọi khác biệt đều không quan trọng...”

“Nhưng điều quan trọng là mỗi con người chúng ta dù sang hay hèn đều cần có tình thương, đều rất quý tình thương. Vì thế người được lớn lên trong sự yêu thương, của mẹ, của Thượng Ðế là những người giàu có nhất. Tình thương yêu của mẹ, tình thương yêu của Thượng Ðế là món quà quý giá nhất của đời sống. Những em bé hồi nhỏ không được yêu thương, lớn lên, dù thành công thế nào, trong thâm tâm mãi mãi vẫn có một sự bất an.”

Hòa bình đến từ thanh thản nội tâm

Rồi trước những khuôn mặt tư lự đăm chiêu của cử tọa, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói tiếp:

“Tình thương yêu là điều then chốt cho hòa bình thế giới. Nhiều nhà khoa học nói với tôi rằng tính chất căn bản của con người là từ bi (nhân chi sơ tính bản thiện). Vì thế chúng ta có nhiều hy vọng. Chứ nếu bản chất căn bản của con người là thù hằn và giận dữ thì nguy rồi... Tôi tin một trăm phần trăm chúng ta có thể làm cho thế giới này hòa bình.”




Một thoáng hài hước của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.
(
(Hình: AP Photo/Rick Pedroncelli)

Ngài khẳng định:

“Hòa bình cho thế giới phải đến từ bình an trong tâm mỗi con người. Hạnh phúc đến không phải từ tiện nghi vật chất, nhưng là hạnh phúc bên trong. Tôi thấy nhiều người rất nghèo, thậm chí những người vô gia cư sống rất hạnh phúc vì họ được bao quanh bởi bạn bè, bởi những người yêu thương họ. Họ hạnh phúc hơn những chính trị gia, những người giầu có nhưng phải sống trong những nỗi nghi ngờ về đời sống, phải cảnh giác sự cạnh tranh của người chung quanh.”

Về vai trò của tôn giáo, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói:

“Dù là người có tín ngưỡng hay không, tất cả chúng ta đều có cùng một tiềm năng cho hòa bình, cho an bình trong nội tâm. Vì thế chúng ta phải quyết tâm là những con người tốt, có lòng vị tha, và con người ai cũng có khả năng phát triển lòng vị tha của mình.”

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói rằng ba mục đích của đời mình là: a) Cổ động sự thương yêu nhau và lòng vị tha, b) Cổ động sự hòa hợp tôn giáo, c) Cổ động việc bảo vệ trái đất.

“Trái đất này là nhà của chúng ta, nếu nhà chúng ta là một đống đổ nát thì chúng ta không còn nơi nào khác để đi, ngoại trừ mặt trăng. Mặt trăng là đẹp, nhưng chúng ta không thể đến đó để sinh sống. Chúng ta không có lựa chọn nào khác hơn là phải bảo vệ ngôi nhà của mình,” ngài nói tiếp.

Nhấn mạnh thêm về nhu cầu hòa hợp tôn giáo, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma khẳng định:

“Nói rằng đạo Hồi xấu là hoàn toàn sai. Và nhân danh tôn giáo để giết người là điều không thể tưởng tượng được!”

“Vậy làm sao để hòa đồng tôn giáo?” Ngài hỏi và tự trả lời: “Chúng ta, như tôi đã nói, mỗi người là một phần của nhân loại. Suy nghĩ một cách hợp lý thì những vấn nạn chúng ta có ngày hôm nay là do con người chúng ta tạo ra, vì thế chúng ta phải tự giải quyết những vấn nạn đó. Thế kỷ này phải là thế kỷ của hội thoại. Chúng ta sẽ luôn luôn có những bất đồng, nhưng không thế nào giải quyết những bất đồng bằng sự xa cách và bằng vũ lực, mà phải gặp mặt trực tiếp, nói chuyện trực tiếp.”

Nhận xét về giới trẻ ngày nay, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tâm sự:

“Tôi cảm thấy thế hệ này con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu và giá trị vật chất. Giáo dục của nhà trường cũng không thấy dậy con người điều gì về giá trị tâm linh, về giá trị nội tâm. Ðể có thể tạo ra hòa bình thế giới, một xã hội hạnh phúc, cả một thể thế hệ phải được giáo dục để trở nên vị tha hơn. Nếu cả xã hội chung quanh giới trẻ chỉ quan tâm đến quyền lực và bạc tiền, thì trẻ con lớn lên cũng trở thành như vậy.”




Lần đầu tiên Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội California.
(Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Tôi thấy chúng ta phải suy nghĩ rất nghiêm túc về việc làm sao phải dậy cho cả một thế hệ hiểu rằng hòa bình thực sự đến từ an bình trong nội tâm. Nếu chúng ta lòng lúc nào cũng đầy hận thù, giận ghét thì làm sao có thể có sự an bình trong tâm, và hòa bình thực sự.”

Kết luận của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được nhiều cử tọa cho là bất ngờ, khi ngài nói rất thản nhiên:

“Gần đây tôi thấy quý vị đang ồn ào về luật kiểm soát súng. Tôi thấy tước bỏ vũ khí phải đến từ trong tâm. Ðó là điều cốt yếu. Tước bỏ vũ khí cũng không đến từ luật. Nếu đã tước bỏ vũ khí từ tâm, thì chúng ta chẳng bao giờ cần đến luật kiểm soát súng nữa.”

Thương yêu xóa bỏ hận thù. Hòa bình đến từ thân tâm an lạc. Giáo dục thay cho những bộ luật. Ngăn ngừa thay cho trừng trị. Ðó là những thông điệp chính của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cho giới lập pháp tiểu bang California chiều hôm Thứ Hai, 20 Tháng Sáu.

Bài nói chuyện của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma chấm dứt giữa tiếng vỗ tay vang dội của cử tọa. Ngài bước ra khỏi phòng một cách khó khăn vì liên tục được mọi người bao vây, thăm hỏi.

Phải tận mắt nhìn thấy cách tiếp xúc của ngài với từng người, ánh mắt hồn nhiên như một đứa trẻ của ngài, người ta mới nhận ra được rằng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã áp dụng được điều ngài truyền bá khắp nơi. Ðang bước đi thấy một em bé được mẹ bế trên tay, ngài reo lên:

“Oh baby.”

Rồi chạy ngay đến gần để nựng nịu em bé. Ði một khúc nữa, đụng phải một nhân viên an ninh to lớn, ngài reo lên:

“Too tall!”

Ngước nhìn anh, rồi kiễng chân lên một cách hài hước hồn nhiên giữa tiếng cười của mọi người.

Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, người đã có cơ duyên gặp được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cách đây một năm, là một trong những người hoàn toàn bị ngài “chinh phục.”

Bà tâm sự với nhật báo Người Việt:

“Tôi gặp ngài trong dịp mừng sinh nhật thứ 80 của ngài ở UCI, và đã gặp ngài nhiều lần sau đó, trong đó có một lần tôi bay đến Minnesota để gặp ngài và đề nghị đón tiếp ngài ở Westminster, cũng như mời ngài đến diễn thuyết ở lưỡng viện Quốc Hội. Ngài đã đồng ý với cả hai đề nghị. Phải mất gần một năm chúng tôi mới cùng văn phòng của ngài tổ chức được hai sự kiện này. Ở ngài có một cái gì đó rất thật, rất thánh thiện. Ngồi bên cạnh ngài tôi quên hết những buồn phiền, những áp lực của công việc một thượng nghị sĩ. Và sau khi nghe ngài thuyết giảng tôi cứ vương vấn với ý nghĩ mình phải làm gì cho người dân trong vùng của mình. Chỉ cần một số người trong quốc hội nghe và truyền đi thông điệp thương yêu và hòa bình của ngài, thì cũng tốt lắm...”

Chuyến viếng thăm lịch sử của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tại Sacramento đến trong nhiều mong đợi, nhưng thoáng qua rất nhanh. Người cuối cùng trong phòng họp chần chờ mãi rồi cũng phải ra khỏi nơi họ vừa sống những giây phút có thể gọi là thoát tục. Nhà báo nào lưu luyến lắm rồi cuối cùng cũng phải rời khỏi nơi này để chạy đua với thời gian cho bài báo kịp lên khuôn.

Ngài đã đi rồi, nhưng lời của ngài hình như vẫn còn vang vọng trong không gian. Tôi tự hỏi hôm nay, có nhà lập pháp nào trở về nhà trong đầu còn vương vấn lời nói của ngài như Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn bị “chinh phục” cách đây một năm không.
Hy vọng là có.

Hà Giang/Người Việt
Tuesday, June 21, 2016