.

Nói trỏng và người trẻ Việt Nam ngày nay

Người Việt mình có nhiều điểm khá độc đáo trong tâm lý. Một trong những điều đó là rất chú trọng lời ăn, tiếng nói. Nhiều khi điều này được đặt lên hàng đầu, trở thành quyết định cho thành công của nhiều công việc, nhất là ở phút đầu tiên, khi con người cần gây ấn tượng cho đối tác.

Một ai đó có thể xuất hiện bằng một hình thức bên ngoài khá sang trọng, bắt mắt, kèm những chi tiết liên quan đến nhân thân: Học vị, nghề nghiệp, chỗ đứng xã hội, kinh tế vững vàng v.v…. Nhưng nếu cất lời mà không lọt lỗ tai thì mọi thứ nói trên sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, người chẳng có được ưu thế về mọi mặt như vừa nhắc tới mà nói năng dễ nghe thì sẽ nhanh chóng khiến đối tượng tiếp xúc có thiện cảm, làm cho người ta có thể quên mọi nhược điểm khác.





Không phải vô cớ, các cụ ta dạy:

“Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Không mất tiền mua, tức là rất sẵn, có rất nhiều, chẳng khó gì để có được, vậy thì sao không lựa chọn những lời lẽ đẹp để làm “vừa lòng nhau”?

Ông bà ta lại cũng khuyên:

“Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”.

Ăn mà không nhai, sẽ có hại, không tiêu hóa được thành các chất nuôi cơ thể. Giống như vậy, nói phải nghĩ vì nếu không sẽ bộp chộp, nói những điều dại dột, khiến người nghe phật ý, khó chịu, ghét, khinh mình.

Người Việt mình rất nghét thói nói trống không, xách mé. “Trống không” tức là không có chủ ngữ, thể hiện mình bất lịch sự, thiếu văn hóa, coi thường người khác, không tự trọng.

Ví dụ, hỏi người ta mấy giờ mà cất lời:

“- Mấy giờ rồi?”

Ngay cả nói với người ngang hàng, bề dưới cũng rất cần ra đầu ra đũa, không thể trống không, ví dụ:

“- Cháu ơi, làm ơn cho chú hỏi: mấy giờ rồi?”.

Với người xa lạ hoặc bề trên lại càng cần chu đáo, lễ phép, lịch sự.

Nói năng mà từ tốn, dễ nghe thì dù có bị làm phiền, người ta cũng dễ đáp ứng lời yêu cầu, sự nhờ vả của mình. Ví dụ : Người ta đang xem ti vi, mình gõ cửa muốn hỏi thăm đường đi, hay nhà ai đó, ắt là họ bị làm phiền. Nhưng mình có lời xin lỗi, rồi nói “Làm ơn, cho hỏi…”, sau đó lại cảm ơn, thể hiện thái độ khiêm nhường, từ tốn của người nhờ vả thì người ta vui vẻ, sẵn sàng trả lời, có khi còn đưa sang tận nhà người mình định hỏi. Mình chỉ cần nhờ một có khi người ta đáp ứng hai. Ai đó mất rất nhiều công sức, thậm chí tốn kém tiền bạc giúp mình việc gì mà mình biết nói và thể hiện lòng biết ơn, coi trọng, đề cao giá trị việc họ giúp mình thì họ sẽ hả lòng, không đòi hỏi trả ơn, còn nói:

“- Không có gì, việc nhỏ thôi mà”.

Nhưng ngược lại, việc họ giúp chỉ nhỏ bằng móng tay, con kiến mà mình bộc lộ sự coi thường, phủi công, vô ơn thì họ sẽ phật ý, bực mình, bỗng thấy việc giúp mình là to tát, phí công.

Được lời như cởi tấm lòng là như thế. “Được lời” ở đây tức là được sự ghi nhận, trân trọng, nâng niu, đề cao, biết đến công sức, tấm lòng, chứ không hẳn là phải đền đáp bằng tiền bạc, vật chất.

Nhưng người Việt mình lại tinh tế ở chỗ: đủ phân biệt những lời chân thành, xuất phát từ trái tim nồng hậu, tấm lòng thiện chí với những lời “có cánh”, giả dối, phát ra chỉ cốt để nịnh, lấy lòng, mong vụ lợi, thỏa mãn ý đồ ích kỷ. Lòng người Việt ta luôn rộng mở, sẵn sàng “cởi” với bất cứ ai có thiện chí, biết tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần. Khi “được lời”, điều đó lại càng được bộc lộ, phát huy.
Sơn Nữ​
(Sưu tầm)​
***
Dany's status:​

Thật sự thì bài sưu tầm này không liên quan nhiều lắm đến thông điệp Dany muốn chia sẻ với mọi người. Nhưng tìm mãi cũng chỉ có bài viết này là đầy đủ và trọn ý nhất, còn lại thì chỉ được thảo luận trên các diễn đàn và không có bài nào chi tiết hơn thế này.​

Chủ đề Dany muốn đề cập ở đây là việc nói trỏng của đại bộ phận người trẻ hiện nay chứ không đơn giản là khái niệm "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" trong bài viết trên. Thực tế mà nói thì hai vấn đề này cũng có chung một quan điểm, đó là: phép lịch sự.​

Các bạn thân mến, là một người có văn hoá và đã được giáo dục trở thành một công dân văn minh, chắc hẳn từ các em tween, các bạn teen và những người trẻ "không còn teen" không ai trong chúng ta muốn nghe những lời nói bất lịch sự và không đầu không đuôi, phải không? Đây không phải là vấn đề nói chuyện tục tĩu hoặc vô duyên gì cả, chỉ là lời nói được phát ra không có chủ ngữ, thậm chí không có cả đại từ nhân xưng, làm người nghe cảm thấy không biết được là mình đang nói chuyện với ai, và mình có vị trí như thế nào trong cuộc giao tiếp đó.​

Nói thế nào nhỉ, Dany dám khẳng định, đến những em nhỏ hơn mình rất nhiều tuổi, mình cũng chưa bao giờ có thái độ của một đàn chị mà nói những câu ra lệnh (bạn cũng biết câu ra lệnh là gì phải không?) với các em, nhưng, ngược lại Dany đã gặp khá nhiều người trẻ có cách cư xử như vậy.

Với vấn đề này thì mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau; có thể bạn nghĩ, với người lạ, không nhất thiết phải lịch sự cặn kẽ như thế; cũng có bạn sẽ nghĩ theo hướng ngược lại, quá thân thiết rồi nên không cần phải khách sáo chi ly đến vậy, v.v...

Nhưng với Dany, dù xa lạ hay thân thiết, thì lúc nói chuyện với nhau, chúng ta cần phải phân rõ vị trí của nhau và cho nhau sự tôn trọng tối thiểu.​

Một vài người dễ tính, họ sẽ bỏ qua lối hành xử trên của bạn, vì có thể họ nghĩ rằng: thôi thì chỉ là người dưng, chấp làm gì cho mệt. Và cũng có vài người tuy khó chịu, nhưng họ sẽ không nói ra và sẽ chỉ duy trì cuộc nói chuyện chưa đến 3 câu với bạn. Bạn nghĩ sao nếu biết được suy nghĩ của những người này? Nếu là bạn, bạn sẽ muốn nghe những lời nói lịch sự, hay một câu trả lời ngắn gọn đến bất nhã?​

Không chỉ trong sự nhờ vả mới xuất ra những lời dễ nghe để thuyết phục người được nhờ, mà trong cả giao tiếp hằng ngày cũng cần những câu dễ nghe tương tự. Thực tế thì lúc này, không kể đến phải uốn lưỡi bảy lần hay suy nghĩ kỹ trước khi nói hay những hình thức to tát nào khác, bạn chỉ cần thêm một tiếng "anh ơi", "bạn ạ", hoặc "vâng, dạ" (nếu là với người trên), thì dù lời bạn nói ra không được thông minh lắm hoặc có phần vô tâm thế nào, thì chí ít bạn cũng đã giữ được cho đối phương sự tôn trọng cần thiết.​

P/S: Đây là những suy nghĩ của riêng bản thân Dany, viết ra còn dài hơn cả bài sưu tầm nữa Nhưng mình cảm thấy đây là vấn đề thật sự khá là nghiêm trọng, chí ít là với những người hơi bị khó tính như mình nhưng tìm mãi không thấy có bài viết nào trình bày chi tiết về vấn đề này, mong là các bạn teen lẫn hết teen rồi sẽ có chung quan điểm với Dany, hihi.


Danielle1992
_http://forum.matngu12chomsao.com/threads/noi-trong-va-nguoi-tre-viet-nam-ngay-nay.20758/