Họp EU vắng Anh Quốc sau Brexit





Các lãnh đạo khối EU bắt đầu ngày thứ hai của cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels mà không có đại diện của Anh Quốc, sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời khối hồi tuần trước.

Hôm thứ Ba, 28/06, Thủ tướng David Cameron nói với 27 lãnh đạo EU rằng dù các mối liên kết trong tương lai là gì đi nữa thì hợp tác thương mại và an ninh là chuyện sống còn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc khối EU "tôn trọng kết quả" của cuộc bỏ phiếu Anh Quốc
.
Tuy nhiên bà Merkel và các lãnh đạo khác cũng nhắc lại yêu cầu Anh trình kế hoạch rời khối EU sớm nhất có thể.

Thoát khỏi media playergiúp đỡ với media playerRa khỏi media player. Bấm enter để quay lại hay tab để tiếp tục.

Xuất hiện ở cuộc họp hôm thứ Tư 29/06, Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói với BBC rằng Anh Quốc "không đủ khả năng để kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị".

Ông Michel nói cố gắng đạt đồng thuận trong toàn bộ khối 27 quốc gia sẽ tạo ra "sự bất động", và cho rằng một nhóm nhỏ các quốc gia cốt lõi có thể "tiến về phía trước nhanh chóng hơn mà không bị các nước khác cản đường".

Lúc này EU và Anh Quốc vẫn trong tình trạng bế tắc. Các lãnh đạo EU khẳng định không thể có thương lượng chừng nào Anh Quốc không chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - sẽ khởi động các cuộc đàm phán để Anh rút khỏi khối châu Âu.

Ông Cameron nói Điều 50 sẽ do Thủ tướng kế nhiệm kích hoạt, sớm nhất đến tháng 10/2016 quá trình này mới có thể được bắt đầu.

'Lo ngại lớn'

Thoát khỏi media playergiúp đỡ với media playerRa khỏi media player. Bấm enter để quay lại hay tab để tiếp tục.
Cuộc họp hôm thứ Ba ở Brussel là cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của ông Cameron ở EU, sau khi ông thông báo ý định từ nhiệm vào tháng 10/2016.

27 lãnh đạo còn lại sẽ sớm tiếp tục gặp gỡ ở thủ đô Bỉ nhằm bàn thảo về tương lai vắng Anh Quốc. Điều này chưa từng xảy ra trong 40 năm qua.

Phóng viên Chris Morris của BBC ở Brussels nói sẽ có kêu gọi đoàn kết và đổi mới, và những hứa hẹn cần được nhanh chóng thực hiện do cuộc bỏ phiếu của Anh làm rung chuyển tới gốc rễ của châu Âu.

Hôm thứ Ba, ông Cameron nói các nước còn lại của EU muốn có quan hệ "thân cận nhất có thể" với Anh Quốc sau Brexit.
Nhưng ông cho rằng nhập cư là "mối lo ngại lớn nhất" của các cử tri Anh Quốc, và cân bằng vấn đề này với việc tiếp cận thị trường chung châu Âu là "thách thức khổng lồ".

Ở Brussels, các chính trị gia Đức khẳng định Anh Quốc không thể chỉ lựa chọn một số phương diện của EU.



Bà Merkel và các lãnh đạo châu Âu yêu cầu Anh Quốc trình kế hoạch rời EU sớm nhất có thể

Bà Merkel nhấn mạnh rằng Anh Quốc phải chấp nhận tự do di chuyển nếu muốn tiếp tục tiếp cận thị trường chung châu Âu.

"Chúng tôi rất tiếc về kết quả này và nói rõ rằng quá trình pháp lý là Anh Quốc phải kích hoạt Điều 50," bà nói. "Ông Cameron nói ông ta sẽ nhượng lại cho chính phủ mới thực hiện.

"Chúng tôi đều đồng tình rằng trước thời điểm đó, không thể có thương lượng chính thức hay không chính thức."

Bà nói thêm: "Chúng tôi không thấy có cách nào thay đổi được điều này. Đây không phải là lúc mơ tưởng mà là dự kiến cho thực tế."



Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói Anh Quốc không có nhiều thời gian nghiền ngẫm về việc kích hoạt Điều 50.

"Nếu một ai đó từ chiến dịch vận động Remain [ở lại khối EU] trở thành Thủ tướng Anh, điều này có thể được thực hiện trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức," ông nói.

"Nếu Thủ tướng Anh kế tiếp thuộc chiến dịch vận động Leave [rời khối EU], điều này nên được thực hiện ngay trong ngày nhậm chức."



Anh Quốc sẽ phải chấp nhận tự do di chuyển nếu muốn tiếp cận thị trường chung khối EU?


Ông Cameron nói với phóng viên rằng các cuộc thảo luận diễn ra "bình tĩnh, xây dựng và có mục tiêu".

Ông cũng nói quyết định của Anh Quốc được tôn trọng, dù có "màu sắc buồn và tiếc nuối".

Trong khi EU muốn có thêm thông tin về kế hoạch tiếp theo của Anh Quốc và có được "mô hình rõ ràng", ông nói điều này có thể mất thời gian và "không cần phải ầm ỹ" để đàm phán có thể được tiến hành ngay.


BBC