Trung Quốc 'nên tôn trọng phán quyết'







Người Việt ở Manila mừng 'chiến thắng' của Philippines sau vụ kiện

Philippines nói Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thông cáo viết, Ngoại trưởng Perfecto Yasay của Philippines sẽ đưa ra vấn đề này trong hai ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu bắt đầu vào thứ Sáu 15/07.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tham dự hội nghị.

Tòa trọng tài thường trực phán quyết hôm 12/07 rằng yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết.

Quốc gia này cho rằng tòa không có quyền tài phán và các hoạt động trong khu vực của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.


'Không phù hợp'





Mạng xã hội Philippines 'sáng tạo' hình ảnh và thông điệp 'Chexit' - tức 'China exit', nhắc về phán quyết của tòa trọng tài
Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (Asem) ở Ulaanbaatar, Mông Cổ vào thứ Sáu và thứ Bảy là cuộc gặp ngoại giao đa phương chủ chốt đầu tiên kể từ khi có phán quyết về Biển Đông.

Tham dự hội nghị có 53 lãnh đạo từ châu Á và châu Âu, trong đó có các quốc gia như Việt Nam và Malaysia - cũng tuyên bố chủ quyền lãnh hải trong khu vực.

Đây là cuộc họp đầu tiên chính quyền mới của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xuất hiện trên chính trường thế giới.

Bộ Ngoại giao Philippines nói ông Yasay, đại diện cho Tổng thống Duterte, sẽ "bàn thảo trong bối cảnh kế hoạch của Asem về cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp của Philippines trên Biển Đông và sự cần thiết đối với các bên tôn trọng quyết định gần đây".

Đây là phát biểu mạnh mẽ nhất của Philippines cho tới nay về phán quyết.

Ông Duterte có cách tiếp cận hòa giải hơn người tiền nhiệm Benigno Aquino, nói rằng Philippines muốn chia sẻ tài nguyên tự nhiên với Trung Quốc ở các vùng tranh chấp nếu tòa phán quyết có lợi cho Philippines.

Quốc gia này ban đầu khen ngợi phán quyết là "quyết định bước ngoặt", nhưng không tổ chức lễ mừng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với đa phần Biển Đông, nói hội nghị thượng đỉnh "không phải là nơi phù hợp để bàn" về vấn đề này.
"Không nên đưa vấn đề này vào nghị trình," Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nói với hãng tin Reuters.

'Phản đối chính thức'




Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói 'bị sốc' trước phát biểu của bà Julie Bishop
Phán quyết hôm thứ Ba do Philippines đề nghị thiết lập tòa trọng tài dưới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà cả hai nước cùng tham gia ký kết.

Philippines nói Trung Quốc vi phạm "quyền chủ quyền và gây "nguy hại nghiêm trọng tới môi trường rạn san hô" do xây dựng các đảo nhân tạo.
Phán quyết này mang tính bắt buộc nhưng Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền hạn thực thi.

Hôm thứ Năm 14/07, Trung Quốc nói đã gửi phản đối chính thức sau khi Úc thông báo sẽ tiếp tục thực thi quyền di chuyển trên Biển Đông sau khi có phán quyết bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, Reuters đưa tin.

Ngoại trưởng Julie Bishop cũng nói Úc ủng hộ quyền tương tự của các quốc gia khác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Lục Khảng, nói Trung Quốc đã chính thức phản đối "phát biểu sai" của Úc và Trung Quốc hy vọng Úc sẽ không hành động làm tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

"Thực lòng mà nói, tôi hơi sốc trước bình luận của bà Bishop," ông Lục Khảng nhận xét.


BBC