Biển Đông sau phán quyết về Đường Lưỡi bò






Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố nước này tôn trọng phán quyết của tòa PCA và yêu cầu Trung Quốc cũng tôn trọng.

Việt Nam nên đàm phán song phương hay không về chủ quyền trên Biển Đông đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 là một trong các nội dung được Bàn tròn Thứ Năm hôm 14/7 và các khách mời thảo luận nhân Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới ra phán quyết về 'Đường chín đoạn' trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Từ Đại học Bình Dương, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Vũ Cao Phan nêu quan điểm:

"Tôi nghĩ Việt Nam nên chấp nhận đàm phán song phương (với Trung Quốc) và bắt đầu ngay với Hoàng Sa. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta chấp nhận đề nghị của Trung Quốc là đàm phán song phương, không có gì vô lý hơn là tôi chấp nhận mà anh không. Nhưng cái vô lý của Trung Quốc lại là không chấp nhận đàm phán ở Hoàng Sa, vì sao?

Tôi nghĩ Việt Nam nên chấp nhận đàm phán song phương (với Trung Quốc) và bắt đầu ngay với Hoàng Sa. Vì sao? Bởi vì chúng ta chấp nhận đề nghị của Trung Quốc là đàm phán song phương, không có gì vô lý hơn là tôi chấp nhận mà anh không


TS. Vũ Cao Phan, ĐH Bình Dương

"Trung Quốc cho đó là của mình rồi, không cần phải bàn cãi nữa, thế nhưng trước đây đã đưa ra rất nhiều lập luận của Trung Quốc, như thế là không đúng. Người ta gọi là tiêu chuẩn kép.

"Đối với Senkaku, tức là Điếu Ngư, Nhật Bản ở trạng thái giống như Trung Quốc ở Hoàng Sa hiện nay, nhưng Trung Quốc kiên quyết đòi đàm phán và cũng có gây một vài nhiễu loạn ở xung quanh đó.

"Đối với Việt Nam thì ở Hoàng Sa, Trung Quốc lại giống như tư thế của Nhật Bản và Trung Quốc bác bỏ, cái đó rất là vô lý. Tôi không thấy có một điều nào vô lý hơn. Nhưng ở Việt Nam, dường như có cảm giác là Hoàng Sa khó lấy lại được, hay là vì thái độ của Trung Quốc luôn luôn bác bỏ.

"Các cán bộ ngoại giao (Việt Nam) nói chuyện cho biết khi họ đề cập đến Hoàng Sa, họ (Trung Quốc) đập bàn đập ghế và không nói được nữa, thế thì vì không nói được nữa cho nên chúng ta không đề xuất để đàm phán Hoàng Sa ư?," Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC.

'Không song phương được'



PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao không tán thành quan điểm Việt Nam nên đàm phán song phương với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và ở Biển Đông.

Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng, phản biện ý kiến trên của học giả từ Đại học Bình Dương và đưa ra quan điểm của mình. Ông nói:

"Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của tác giả vừa nói vừa rồi, không thể có chuyện đàm phán song phương được. Ở đây không phải vấn đề là Việt Nam cố chấp, mà vấn đề là Trung Quốc luôn luôn bác bỏ chuyện đàm phán này.

"Cho nên việc đàm phán song phương, tôi thấy là không khả thi, việc quan trọng, nếu muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thì cần phải đưa câu chuyện này ra bên thứ ba, để mà giải quyết như là trường hợp Philippines đã khởi kiện ra tòa PCA đối với Hoàng Sa.
"Và đối với Trường Sa cũng vậy, phán quyết này theo tôi không phải là không có lợi cho Việt Nam, chuyện đường lưỡi bò là một chuyện, nhưng tôi xin thưa rằng việc mà Tòa tuyên bố rằng các cấu trúc thực thể ở Trường Sa không có quyền mở rộng ra đặc quyền kinh tế, đấy cũng là một vấn đề có thể nói là một thắng lợi.

Bây giờ chỉ có chuyện thẩm quyền bên thứ ba là cơ quan tài phán quyết định việc này. Chứ không thể nào mà đi đàm phán với một người mà xâm chiếm của người khác, sau đó mà lại đi đàm phán với họ được, quan điểm này rất sai lầm.
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Giám đốc Viện PLD

"Bởi vì các bạn biết rằng tàu thuyền Trung Quốc ở vùng Hoàng Sa, ở các bãi cạn nửa nổi, nửa chìm họ cải tạo, mà họ chiếm được, thì ngư dân Việt Nam trong mấy năm qua đã bị Trung Quốc dùng vũ lực để phá, rồi đâm chìm, rồi áp chế và dùng vũ lực, do đó phán quyết này một lần nữa khẳng định Trung Quốc không có quyền làm như vậy.

"Một điểm nữa, chúng tôi xin lưu ý, cũng có ý kiến cho rằng nếu Việt Nam nhiệt tình ủng hộ, thì nó bất lợi cho Việt Nam, bởi vì trong một số thực thể ở Trường Sa, nếu công nhận, thì vô hình chung thừa nhận chủ quyền của Philippines đối với các thực thể đó.
"Nhưng mà theo tôi, ý kiến như vậy là không ổn, bởi lẽ chúng ta biết thẩm quyền của Tòa, tòa đã xác định là không giải quyết vấn đề về chủ quyền, do đó cho nên không có gì đáng ngại cả và theo tôi Chính phủ Việt Nam cần phải bày tỏ quan điểm rõ ràng là ủng hộ phán quyết này.

"Và tôi tin rằng nếu Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc, thì những kết luận ở trong một số chi tiết của các thẩm phán có thể là căn cứ, tình tiết có thể vận dụng, bổ sung cho hồ sơ pháp lý của Việt Nam khởi kiện Trung Quốc, và một lần nữa tôi nhắc lại quan điểm đàm phán song phương với Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm.

"Cho nên tôi đề nghị tác giả xem lại câu chuyện này, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận chuyện đó và có thể chúng ta không bao giờ đàm phán được, bởi vì về mặt hồ sơ lịch sử, pháp lý, Hoàng Sa đã khẳng định là của Việt Nam, điều đó rất rõ, bây giờ chỉ có chuyện thẩm quyền bên thứ ba là cơ quan tài phán quyết định việc này.

"Chứ không thể nào mà đi đàm phán với một người mà xâm chiếm của người khác, sau đó mà lại đi đàm phán với họ được, quan điểm này rất sai lầm" nguyên Phó Vụ trưởng, Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Giao, nêu quan điểm.

Khách mời



Thoát khỏi media playergiúp đỡ với media playerRa khỏi media player. Bấm enter để quay lại hay tab để tiếp tục.

Bàn tròn thứ Năm của BBC và các khách mời tuần này thảo luận về tình hình an ninh, chủ quyền trên Biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Bàn tròn có sự tham gia của các chuyên gia và nhà nghiên cứu chính trị, pháp lý và bang giao quốc tế từ Việt Nam và hải ngoại. Trong đó có:

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế từ Đai học Maine, Hoa Kỳ.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Việt Nam (PLD).
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nhà phân tích chính trị và quan hệ quốc tế từ Đại học Bình Dương.

Nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu), từ BBC World Service, London.

BBC Việt ngữ sẽ tiếp tục giới thiệu các ý kiến trao đổi, tranh luận tại Bàn tròn Thứ Năm tuần này về Biển Đông hậu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong các bài vở tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.


BBC