Con rơi của Hồ Chí Minh






Hans S. Nichols * Trần Quốc Việt (Danlambao)dịch 28/5/2001

Tin đồn đã đưa Nông Đức Mạnh lên làm người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhiều người nói tài năng chính trị của ông không phải là điều duy nhất mà giống Bác Hồ kỳ lạ.

Vào năm 1931 trong khi đang lùng bắt các gián điệp cộng sản ở các hải cảng Châu Á trong đế quốc của mình, người Anh đã xông vào căn hộ của Hồ Chí Minh ở Hồng Kông và bắt ông đang ở trên giường với một phụ nữ Trung Quốc. Đối với những người Xô Viết ủng hộ tài chánh cho ông, những người mà đã bác bỏ yêu cầu được kết hôn của ông vào mấy tháng trước đấy, điều này chẳng có gì lạ.

Nhưng hiện nay đối với những kẻ thần thánh hóa ông, những người đang bảo vệ huyền thoại Hồ Chí Minh, điều này đồng nghĩa với xúc phạm. Đối với những kẻ thêu dệt huyền thoại về ông ở trung ương đảng Bác Hồ là vị thánh cộng sản, đã thoát ra khỏi những ham muốn trần tục, và suốt đời chỉ gắn bó với cách mạng. Điều này và những bằng chứng khác từ hồ sơ cảnh sát Pháp và hồ sơ lưu trữ Liên Xô cho thấy Bác Hồ còn có những quan tâm khác. Hồ sơ hé lộ trong một chuyến đi ngang qua Liên Xô cũ ông bắt đầu quan hệ tình dục với một phụ nữ Nga có chồng. Trước khi mối quan hệ tình dục qua đường ở Nga này, nhà ái quốc người Việt đáng ngờ này còn say đắm trước sắc đẹp Pháp. Từ cuộc ái tình vụng trộm ấy loan ra những tin đồn về đứa con người Pháp.

Trong khi phải dồn hết mọi suy nghĩ và sức lực vào sự nghiệp cách mạng quốc tế, Hồ đã nhờ một người bạn phiến loạn cộng sản tìm cho ông một người vợ trong thời gian ông lưu lại miền duyên hải Trung Quốc vào cuối thập niên 1920. Hồ không biết người đồng chí của mình là gián điệp nhị trùng làm việc cho mật vụ Pháp. Trong lúc gián điệp này dành ra thời gian để tìm bạn gái cho Hồ y cũng báo cáo hết mọi chuyện về Paris.

Còn bây giờ đến bằng chứng chắc chắn nhất về lối sống phóng túng của Hồ: người con trai, Nông Đức Mạnh, trở thành tổng bí thư mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam một cách mờ ám.

Từ lâu trước khi ông có tên là Bác Hồ, ông có thể là Cha Minh. Hồ sơ tình báo cho thấy vào thời điểm người ta nghĩ ông trở thành cha Nông Đức Mạnh ông thậm chí chẳng phải là Hồ Chí Minh. Vào thời đó, ông vẫn còn dùng tên Nguyễn Ái Quốc và thật ra chỉ là một gián điệp cộng sản mờ nhạt - người thích mô tả về mình như là “người yêu nước đã phục vụ tổ quốc từ bao lâu nay.”

Frederick Brown ở trường đại học John Hopkins nói với Insight rằng “Việt Nam là xứ sở tin đồn và huyền thoại.” Sự thật về người lãnh đạo mới của Việt Nam vẫn ở đâu đó đằng sau lớp sương mù ban mai dâng lên trên mặt nước đầm lầy nông cạn tù đọng của vùng châu thổ sông Mekong. Dù theo như họ nói, “ Tất cả chúng tôi đều là con Bác Hồ,” nhưng các nguồn tin Việt Nam và các học giả Mỹ tin Mạnh chính là con ruột: một trong vài đứa con rơi của Hồ Chí Minh.

Hầu hết các bài báo đăng tin Mạnh trở thành người đứng đầu ĐCSVN đều viết ông là người dân tộc Tày, mặc dù không có tài liệu về cha mẹ ông, những người mà Mạnh nói đã chết khi ông còn rất bé. Tại hội nghị của các chuyên gia về Việt Nam vào cuối tháng Tư ở Houston, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ chín chính thức bầu Mạnh vào chức vụ tổng bí thư đảng, mọi người đều hỏi nhau về nhân thân cha mẹ ông. Ngay ở Hà Nội, người ta cũng bàn tán râm ran bóng gió rằng một trong những đứa con rơi của Hồ Chí Minh đã trở thành người lãnh đạo mới của Việt Nam.

William Duiker, tác giả sách tiểu sử đáng tin cậy nhất về Hồ Chí Minh có thể là người đầu tiên tính toán. Nếu Mạnh sinh vào tháng Chín 1940 thì như vậy vào lúc thọ thai Minh phải ở miền nam Trung Quốc. Duiker kiểm tra lại những ghi chép của mình: ông không thể nào không nghĩ đến khả năng người lãnh đạo mới của Việt Nam có thể mang nửa dòng máu Tàu.

Nếu Hồ là cha thì hoặc là Mạnh mang nửa dòng máu Tàu hay ngày sinh của ông bị khai man. Vì gốc gác và lý lịch mờ ám của Mạnh mà do ĐCSVN đưa ra không được minh bạch cho nên hoặc là một hay cả hai khả năng này đều có thể đúng.

Huyền thoại hiếm khi tự nhiên mà sinh ra. Khi hồ sơ Liên Xô được bạch hóa thì càng có nhiều bằng chứng rằng hình ảnh được xây dựng cẩn thận về Bác Hồ là nhà cách mạng khổ hạnh, chỉ gắn bó với sự nghiệp nước Việt Nam độc lập luôn luôn chỉ là nhiều huyền thoại hơn sự thực. Hilaire Du Berrier, một người Mỹ hoạt động bí mật cho cả Pháp và Mỹ chống lại người Nhật trong vùng này, chế giễu: “Hình ảnh ấy luôn luôn dối trá.” Nhưng như Zachary Abuza, giáo sư tại trường đại học Simmons ở Boston và là chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam, nhận xét: “Đảng Cộng Sản Việt Nam làm hết sức mình để phổ biến huyền thoại này.” Chắc chắn như thế.

Ước gì thói trăng hoa của Bác Hồ chỉ là thú vui tao nhã; ước gì Việt Nam có thể tồn tại chỉ bằng huyền thoại thôi.

Có nhiều rủi ro mất mát ở đây hơn thanh danh của nhà cách mạng và thanh danh của những phụ nữ Trung Quốc, Pháp và Nga mà ông đã tằng tịu: “Đến hôm nay đảng vẫn còn sử dụng Hồ để làm cho chế độ chính danh vì họ chắc chắn không đạt được sự chính danh nào về hoạt động kinh tế,” Abuza gợi ý.

“Dù các tin đồn này đúng hay không,” Carl Thayer ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu nói, “rõ ràng chúng vẫn có lợi cho Mạnh.” Tuy nhiên tổng bí thư đảng mới phải cẩn thận không khai thác quá xa gốc gác bí ẩn của mình vì, nếu ông ta là con của lãnh tụ cộng sản thì Bác Hồ không phải là người đẹp đẽ gì như đảng từ lâu đã khẳng định. Còn nếu bản thân Hồ đã hủ hóa với phụ nữ thì phải chăng về những phương diện khác ông đã phản bội lại niềm tin được đặt trọn vào ông?

Nếu khó lần theo nguồn gốc của huyền thoại thì nguồn gốc của tin đồn lại càng khó lần hơn. Câu chuyện Mạnh là con của Bác Hồ lần đầu tiên lan rộng ra khoảng độ cách đây tám hay chín năm. “Mọi người, đặc biệt là người Việt Nam, nói ông ta là con của Hồ Chí Minh” Duiker nói. Duiker từng công tác với sở ngoại vụ Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào thập niên 60 và trở lại Việt Nam vài lần để tìm tài liệu cho cuốn sách của mình.

“Chính Mạnh chẳng làm gì để dập tắt tin đồn, mà còn láu lỉnh trả lời một cách lảng tránh, “Tất cả mọi người Việt Nam đều là con của Bác Hồ.” Tuy nhiên một khi đã chắc chắn lên làm lãnh đạo đảng ông cố gắng tuyên bố ông không quan hệ gì với tin đồn. Không đưa ra lời phủ nhận hoàn toàn, ông tuyên bố ông mới đây đã về thăm mộ cha mẹ mình ở quê ông thuộc tỉnh Bắc Cạn. Và mọi người biết, như tùy viên báo chí ở tòa đại sứ Việt Nam ở Washington giải thích, nơi an nghỉ cuối cùng của Bác Hồ là ở Hà Nội.

Nhưng nếu Mạnh là đứa bé mồ côi ở bộ tộc thiểu số người Tày miền núi thì làm thế nào ông thăng tiến nhanh đến như thế? “ Người này vô danh tiểu tốt, “ William Turley, học giả nghiên cứu về Việt Nam ở đại học Southern Illinois nhận xét. “ Vậy ai là người đỡ đầu ông?”

Mặc dù vấn đề thân nhân cha mẹ của Mạnh không thể được giải quyết trong tương lai gần, nhưng các chuyên gia ở Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang cố gắng điền vào những chỗ trống trong tiểu sử của ông. Lý lịch khác biệt về việc ông ở đâu trong suốt thời gian từ cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70. Tiểu sử chính thức của đảng nói ông học lâm nghiệp ở Liên Xô từ năm 1966 đến 1971, rồi trở về một tỉnh miền bắc để áp dụng học vấn của mình. Nhưng nguồn Quốc Hội Hoa Kỳ chứng tỏ Mạnh vẫn còn học ở Hà Nội từ năm 1966 đến 1971 và chỉ dành một năm ở rừng Nga. Trong một lý lịch khác, Mạnh ở Liên Xô hầu như trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, đến năm 1975 mới trở về nước. Khi bị thúc ép phải giải thích những sự khác biệt này, các nhà ngoại giao Phương Tây ở Hà Nội và Washington đều quy cho bản lý lịch chính thức của đảng.

Đối với một số người ở Quốc Hội Mỹ, vấn đề về tiểu sử của Mạnh chỉ là kết quả khác của sự cả tin của Bộ Ngoại Giao và tình báo kém cỏi. Họ cho rằng các nhà ngoại giao đã bị lừa gạt rất lâu và cộng đồng thương mại thiện cảm đang đánh giá thấp vai trò của Mạnh trong chiến tranh. “Họ không biết người này là ai,” Al Santoli, trợ lý trưởng về ngoại vụ cho dân biểu Dana Rohrabacher, thuộc Đảng Cộng Hòa- bang California, nói.

Bây giờ 60 tuổi, lúc chiến tranh kết thúc Mạnh 34 tuổi. Cho dù ông tham gia vào chiến tranh như thế nào chăng nữa, điều quan trọng là ĐCSVN không nhắc đến vai trò của người lãnh đạo mới trong “cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Phải chăng Việt Nam muốn mở ra chương mới trong mối quan hệ với Hoa Kỳ? Santoli, chẳng hạn, không tin: “Ông ấy là cộng sản, và đấy mới chính là điều quan trọng.”

Vào năm 1986 khi Mạnh bất ngờ được nổi tiếng và được bầu vào Ủy ban Trung ương, đại hội lần thứ sáu quyết định đã đến lúc mở cửa kinh tế Việt Nam và phát động chương trình canh tân kinh tế gọi là đổi mới. Ngày nay, thu nhập trung bình của người Việt khoảng độ 370 đô la Mỹ- trong khu vực chỉ có Lào là nghèo hơn-đổi mới không thể nào được coi là thành công lớn. Trong khi Việt Nam nhìn thấy các nước châu Á khác hưởng tiến bộ kinh tế thì nền kinh tế của họ lại đầy rẫy yếu kém và tham nhũng. Đảng cộng sản từ lâu đã tìm kiếm một nhà lãnh đạo có thể vực dậy nền kinh tế trì tệ, giống như Bác Hồ giải phóng Việt Nam ra khỏi sự thống trị của thực dân.

Dân biểu Earl Blumenauer, thuộc Đảng Dân Chủ-bang Oregon, từng đến Việt Nam với Bill Clinton vào tháng Mười Một năm 2000. Blumenauer nhận xét, “Giới trẻ rất náo nức muốn có cơ hội tham gia vào kinh tế... Tất cả họ đang đòi hỏi điện thoại di động.” Tuy cái ấy có vẻ tầm thường, nhưng niềm hy vọng bây giờ của họ về kinh tế phát triển đặt vào Mạnh, một người lãnh đạo được đặt đủ tên từ “ứng cử viên thỏa hiệp” đến “nhà cải cách kín đáo”.

Điều này không có nghĩa rằng Mạnh tin vào dân chủ hay thị trường tự do. Nếu những người theo dõi tình hình Việt Nam đồng ý về một điều. Đó là ông là người cộng sản kiên định. Về những vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, họ nghĩ chính sách Việt Nam chỉ có vài thay đổi.

Dù sao đi nữa, Mạnh đã nhận được điểm cao trong tư cách chủ tịch Quốc Hội, đã lèo lái đảng ông hiện lãnh đạo. Quả thật, tài năng chính trị của Mạnh giống kỳ lạ tài năng chính trị của Bác Hồ, bậc thầy về nghệ thuật làm cho phái này chống phái kia và rồi mình ở giữa lãnh đạo. Ta có thể nói như thế về chuyện Mạnh trở thành người đứng đầu của ĐCSVN.

À đúng rồi, còn một điều giống nhau nữa- chẳng có báo cáo nào trên truyền thông Phương Tây về vợ con của ông. Phải chăng cha con cộng sản giống hệt nhau?


Hans S. Nichols


Nguồn:

Dịch từ tạp chí Insight on the News số ra ngày 28/5/2001, trang 14-15. Tựa đề nguyên tác tiếng Anh “Ho Chi Minh’s Love Child”