Chuyên gia kinh tế: “Việt Nam chưa hoàn thành công nghiệp hóa, nhưng môi trường đã bị phá rất nhiều!”



“Tôi xin báo động Việt Nam chưa hoàn thành công nghiệp hóa nhưng môi trường đã bị tàn phá rất nhiều! Tôi cho rằng với khối FDI, nên nghiêm cấm thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc nhân nhượng để họ xả thải và gây ô nhiễm môi trường”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.



Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh. (Ảnh: Giáo dục VN)

Việc Việt Nam thất bại trong việc đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 không chỉ là nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, mà thực tế Quốc hội cũng đã thừa nhận.

Trong khi đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường – vốn song hành với quá trình công nghiệp hóa – lại đang hiện diện rất rõ nét tại Việt Nam.

Nói về thực trạng ô nhiễm hiện nay, chuyên gia kinh tế – TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận: “Rừng đã bị tàn phá gây ra khô hạn. Ô nhiễm không khí ngay ở Hà Nội đã đến mức báo động”.


Ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Đầu tháng 3/2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức 388 điểm – mức nguy hiểm. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội thậm chí được đánh giá còn cao hơn Bắc Kinh.

Phản bác lại ý kiến Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh, nhưng phần đông giới khoa học đều thừa nhận: “Việt Nam đang được xếp hạng một trong những nước ô nhiễm bụi cao nhất thế giới”.

Theo thống kê, ô nhiễm không khí làm giảm mức tăng trưởng GDP vào khoảng -2,5%. Mức ô nhiễm cao gây ra 3 hệ lụy: Máy bay không thể cất/hạ cánh đúng giờ và xe cộ khó di chuyển, dễ gây tai nạn; sức khỏe con người bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí y tế; và nhà cửa, đường xá, xe cộ, máy móc đều bị mòn, làm đội chi phí, TS. Doanh phân tích.

“Tôi xin báo động Việt Nam chưa hoàn thành công nghiệp hóa nhưng môi trường đã bị tàn phá rất nhiều!”, TS. Doanh cảnh báo.

“Chúng ta phải sớm lập lại môi trường trong lành cho tương lai của chúng ta hôm nay cũng như cho con cháu mai sau. Nếu không, tài nguyên bị can thiệp, môi trường bị tàn phá, ô nhiễm thì tương lai đó sẽ là một tương lai rất khó khăn”.


Cá hết hàng loạt ở kênh Thị Nghè – Nhiêu Lộc do ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: Internet)

Đánh đổi tăng trưởng với môi trường: Bài học từ Trung Quốc

Trong báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã trích dẫn nghiên cứu của Yue S. và các cộng sự năm 2016 về ảnh hưởng của FDI tới vấn đề môi trường của Trung Quốc. Nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả về mặt môi trường của đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào mức ô nhiễm và phát thải của ngành được đầu tư, trong khi “tác động tràn” của chuyển giao công nghệ sạch và công nghệ môi trường không lớn.

Nhìn về Việt Nam, theo CIEM, gần đây đã có chiều hướng dịch chuyển dòng FDI sang các lĩnh vực tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm,… vào Việt Nam nhưng nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường.


Tình hình thu hút FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây. (Ảnh: CIEM/TCTK)

Trong các dự án FDI ở Việt Nam, đa số công nghệ sử dụng trong dự án FDI chưa phải là loại tiên tiến, hiện đại, chỉ ở mức trung bình so với thế giới (trên 80%). Rất ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao (5-6%), một số công nghệ ở mức thấp và lạc hậu (khoảng 14%), một số ít trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu.
“Tôi cho rằng với khối FDI, nên nghiêm cấm thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc nhân nhượng để họ xả thải và gây ô nhiễm môi trường”, TS. Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Còn theo khuyến nghị của CIEM, một mặt, Việt Nam cần tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thông qua việc xóa bỏ các rào cản hành chính và thể chế. Mặt khác, rất cần phổ biến đầy đủ và siết chặt việc tuân thủ các qui định về bảo vệ môi trường đối với các nhà đầu tư để có thể lựa chọn được các nhà đầu tư có chất lượng, có ý thức bảo vệ môi trường của Việt Nam trong quá trình đầu tư.

Theo Cafebiz