Cô em gái ngốc nghếch bị bỏ rơi, một câu chuyện xúc động lòng người…


Đứa trẻ tự kỷ bị bỏ rơi nơi xó chợ được một người tốt bụng nhận về nuôi, và rồi, những việc làm của cô bé ấy khiến người ta xúc động mãi…


Cha của A Lệ đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi cô còn quá nhỏ, mẹ cô còn trẻ đã phải ở góa. Năm cô 10 tuổi, có một lần hai mẹ con cùng đi ra chợ, nhìn thấy một đám trẻ đang vây đánh một bé gái.Bé gái ấy không hề chống trả lại, khắp người chỉ toàn là bụi bẩn và nước miếng. Người mẹ vội vàng chạy đến gạt đám trẻ đó ra, rồi đỡ bé gái lên. Đứa bé này khoảng chừng 6, 7 tuổi, ánh mắt đờ đẫn, hỏi gì cũng đều không biết.

“Nó là con ngốc, mấy ngày trước bị người ta bỏ ở đây”,
lũ trẻ nhao nhao ầm ĩ mà nói với mẹ của A Lệ.
Bà mẹ phủi sạch bụi đất trên người bé gái này rồi nói: “Hãy theo cô về nhà nào!”.
A Lệ nhìn nhìn mẹ, hỏi:
“Tại sao phải dẫn con bé ngốc này về nhà chứ?”.
Mẹ nói: “Nếu như không có người lo cho nó, thì nó sẽ bị lạnh chết hoặc đói chết, đâu thể thấy chết mà không cứu chứ con”.
A Lệ nghển thẳng cổ ra, hỏi:
“Vậy tại sao những người khác đều không quản? Nó lạnh chết hay đói chết thì có liên quan gì với chúng ta chứ?”.

Vừa nghe thấy lời này, người mẹ liền giơ tay lên giáng cho A Lệ một bạt tai.
Chính vì cái bạt tai này, A Lệ đã ghi hận lên người con bé ngốc này.Cô bé ngốc được mẹ dẫn về nhà, tắm gội, cắt tóc cho nó, lại còn lấy quần áo lúc nhỏ của A Lệ ra cho nó mặc. Trong miệng nó đôi lúc cũng nói những câu mơ hồ, nhưng không ai nghe rõ được là con bé đang nói những gì.Người mẹ thương xót nói rằng:

“Sau này gọi con là A Tú vậy, A Tú, A Lệ, vừa nghe qua thì đã biết là hai chị em”.
A Lệ tức đến không chịu được, nói với mẹ rằng:
“Con không có em gái”.

Mùa xuân, trong làng có một bác sĩ thường xuyên đến khám và chữa bệnh. Người mẹ vội vàng dẫn A Tú đi kiểm tra.Bác sĩ kiểm tra một hồi, cuối cùng nói với mẹ rằng:

“Đứa trẻ này có phần tự kỷ, đầu óc chỉ tương đương với đứa trẻ ba tuổi. Cách trị liệu tốt nhất chính là quan tâm đến nó nhiều hơn, trò chuyện với nó nhiều vào, tuyệt đối đừng có bỏ rơi nó”.


Người mẹ ghi nhớ lời dặn của bác sĩ, chỉ cần A Tú vừa ngủ dậy, liền luôn miệng nói này nói nọ với nó, không chỉ bản thân mẹ nói thôi, mà A Lệ cũng cần phải nói nữa.
Thấy A Lệ xụ mặt xuống, mẹ liền đặt ra một quy định cứng nhắc, mỗi ngày ít nhất phải nói với em gái một trăm câu. Cô giận dỗi, liền nói lung tung một hồi như cái máy, A Tú ngơ ngác nhìn cô, ánh mắt đờ đẫn như chẳng hiểu gì cả.A Lệ ghét cay ghét đắng A Tú. Chỉ cần cô đến trường, thì sẽ có bạn học chỉ chỉ trỏ trỏ bàn tán sau lưng cô rằng:

“Chính là nhà nó đã nhận nuôi một con ngốc đấy!”.

Nghe thấy những lời này, cô tức đến tỏ mặt tía tai.
Chỉ cần mẹ không ở bên cạnh, A Lệ liền đối với A Tú rất tệ hại. Hoặc là không cho A Tú ăn no, hoặc là quăng ném quần áo của con bé khắp mọi nơi, bởi dù sao thì con bé cũng không biết nói chuyện, cũng không biết mách lại với mẹ.Có những lúc, mẹ bảo A Lệ dắt A Tú ra ngoài chơi với các bạn. Nhưng thử hỏi có ai lại thích chơi với một con bé ngốc cơ chứ? Chỉ cần A Tú bước chân ra ngoài, thì sẽ bị đám trẻ trong xóm xúm lại bắt nạt, thậm chí có đứa còn quăng rác ném đất, ném lon nước lên người A Tú, rồi cùng nhau vỗ tay reo lên rằng “con ngốc”.A Tú ôm đầu trốn vào trong góc tường, miệng nuốt nước mắt, khẽ kêu lên hai tiếng “chị ơi”, nhưng A Lệ trước sau lại không thèm để ý.



Năm A Tú lên 8 tuổi, mẹ bảo A Lệ dẫn theo A Tú đến trường. A Lệ khóc lóc nói với mẹ rằng:

“Con thà nghỉ học, cũng không muốn dẫn A Tú đi”.

Không có bố, gia cảnh lại nghèo, bản thân A Lệ vốn đã cảm thấy rất mặc cảm tự ti rồi, vậy nên cô không muốn dẫn theo đứa em gái ngốc nghếch này để mọi người cười nhạo được.
Mẹ thở dài chẳng biết làm sao.

Tuy trường học chỉ ở làng bên cạnh, A Tú lại không thể một mình đi đến đó được. Ngay ở trong làng, nhiều lúc con bé còn đi lạc nữa, huống hồ là ở ngoài thôn? Không có cách nào khác, mẹ đành phải nhốt A Tú ở trong nhà. A Tú cũng chịu ở yên một chỗ, cầm lấy que củi vẽ vẽ vạch vạch trên mặt đất, hễ vẽ một cái là mất hơn nửa ngày trời.
Thoáng một cái đã mấy năm trôi qua, A Tú giờ lớn khôn trở thành một thiếu nữ, gương mặt tròn trịa xinh đẹp, nhưng đầu óc vẫn không có thay đổi gì lớn. Cô đã nhớ được đường, có thể theo mẹ ra ruộng làm những công việc đồng áng, có thể lo liệu việc nhà.

Còn A Lệ thì lại thuận lợi học xong cấp ba, và thi lên đại học.
Giống như chim ưng bay ra ngoài tổ, A Lệ cảm nhận được cái cảm giác tự do thoải mái trước nay chưa từng có. Một năm này, cô đã sống rất vui vẻ, thậm chí rất ít khi thấy nhớ nhà.

Nhưng sau khi cô nghỉ hè về lại nhà, vừa mới bước vào cửa thì đã nghe chuyện chẳng lành.
Mẹ cô trúng gió nằm liệt trên giường, A Tú cõng mẹ ngồi lên chiếc xe ba gác, tự mình kéo mẹ đến bệnh viện, cách một ngày phải đi một lần. A Lệ giật mình hỏi mẹ rằng:

“Mẹ, mẹ bị bệnh khi nào vậy? Sao mẹ lại không nói với con một tiếng?”.
Mẹ nói:
“Đã hơn ba tháng rồi, kinh phí nằm viện đắt quá, nhưng cách ngày cần phải truyền nước biển, vậy nên A Tú đã kéo mẹ đi, đi mấy dặm đường đến bệnh viện huyện”.


A Tú nhìn chị mỉm cười, không nói một lời nào. A Lệ bước lên phía trước, nhìn thấy bả vai của A Tú bị sợi dây thừng siết chảy máu, trong lòng không khỏi xúc động. Cô hỏi A Tú:

“Có đau lắm không?”.
A Tú lắc lắc đầu, nói: “Mẹ không đau, thì em cũng không đau”.

A Lệ đẩy A Tú ra, khăng khăng tự mình giành kéo chiếc xe ba gác. Nhưng mà, kéo được khoảng vài chục mét, A Lệ thật sự kéo không nổi nữa. A Tú tiếp lấy dây thừng, bước nhanh như bay.
Cô vừa đi vừa trò chuyện với mẹ:

“Mẹ ơi, qua mương rồi, mẹ nhớ cẩn thận; mẹ ơi, qua cầu rồi, mẹ nhắm mắt lại; mẹ ơi, cái cây trước mặt đã trổ hoa rồi, mẹ có nhìn thấy không? Mẹ ơi, sắp đến bệnh viện rồi, mẹ mang giày vào đi…

Truyền nước biển cho mẹ xong, trở về đến nhà, A Tú bèn núp vào trong phòng của mình. A Lệ đi lên đẩy cửa, phát hiện cửa đã bị khóa trái. Mẹ nhìn thấy liền nói:

“Em con đang kiếm tiền đấy, căn bệnh này của mẹ, cũng đã tiêu tốn hơn ba nghìn đồng rồi, đều là A Tú kiếm cả đấy”.


“Kiếm tiền? Nó biết kiếm tiền ư?”,


A Lệ tròn xoe con mắt, cảm thấy thật không thể tin nổi.
Mẹ mỉm cười rồi nói: “Làng mình có người làm việc cho xưởng thêu của huyện. Hôm đó có một thầy thiết kế đến làng, đi ngang qua cửa nhà chúng ta, nhìn thấy A Tú lấy que củi vẽ hoa, vẽ chim, vẽ nhà trên mặt đất, nhìn cả một hồi lâu. Con cũng biết đấy, mười mấy năm nay, A Tú lúc rảnh chẳng biết làm gì cả, chỉ biết vẽ vẽ thôi.Không ngờ rằng, thầy thiết kế đó sau khi xem xong tranh của A Tú, hôm sau lại đến đưa tặng cho Tú nhi rất nhiều rất nhiều bút vẽ, bảo nó vẽ thử xem sao. Nếu vẽ được tốt, một bức sẽ được trả 10 đồng. Biết được có thể kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, Tú nhi rất vui mừng, mỗi ngày đều cố gắng vẽ cho được mười mấy bức”.



Nghỉ hè xong, A Lệ nuốt nước mắt nói với mẹ rằng:

“Con muốn nghỉ học, con không thể để cho A Tú một mình chăm sóc mẹ được, hơn nữa, con cũng biết rõ điều kiện kinh tế trong nhà”.


Mẹ thở dài, buồn bã đồng ý, A Tú lại lắc lắc đầu. Cô chạy vào trong phòng của mình, lấy ra mấy cọc tiền đã dùng dây thun buộc sẵn. Úp úp mở mở nói với A Lệ rằng:

“Chị à, tiền đi học….. tiền đi học của chị này”, rồi cô lại vỗ vỗ vào cái túi của mình, nói với mẹ: “Mẹ ơi, tiền chữa bệnh của mẹ, ở đây có …… ở đây có”.

A Lệ nhìn từng tờ từng tờ tiền lẻ cũ kĩ nhàu nát, tựa như đã được dành dụm từ lâu lắm rồi, khóc òa lên. A Tú sợ hãi nhìn, đưa tay muốn lau nước mắt cho chị. Đây là lần đầu tiên A Lệ nhìn kỹ bàn tay của em gái, bàn tay đó vốn dĩ nên là một bàn tay đẹp đẽ giống như của mình, nhưng giờ đây, bàn tay đó thô ráp giống như vỏ cây, đến ngày hè, thì nứt ra từng vệt từng vệt máu.Có một ngày, A Tú quên khóa trái cửa lại, A Lệ rón rén bước vào. Cô nhìn thấy A Tú quỳ trên sàn nhà, trong tay nắm chặt cây bút vẽ, giống như nắm chặt thanh củi vậy. Bởi dùng sức không đều, A Tú thường hay vạch nát bức tranh, vậy nên đành phải vẽ lại từng bức từng bức một.Nhìn thấy cảnh này, trong lòng A Lệ không khỏi chua xót, khắp mặt nóng ran. A Tú chưa từng đi học ngày nào, nên trước nay chưa từng có ai dạy cô cách cầm bút như thế nào!

Trong lòng A Lệ, giống như bị cái gì đó bóp nghẹt lại.
Chính ngay lúc A Lệ học năm thứ tư đại học, mẹ cô bị nhồi máu cơ tim qua đời. Cô nhận được điện thoại xong, lòng nóng như lửa đốt. Nhưng khi cô chạy đến trạm xe lửa, thì phát hiện rằng không thể về nhà được, vì miền nam có trận bão tuyết, khoảng trăm nghìn người bị kẹt lại trong trạm xe lửa.Không còn cách nào khác, cô đành phải gọi điện thoại về nhà, nhưng không lần nào có người nghe máy. Lúc đầu, A Lệ đau lòng, lo lắng, sốt ruột, sau đó tức giận. A Tú rốt cuộc đã chết đi đâu rồi, tại sao lại không nghe điện thoại.

Ở trạm xe lửa chờ đợi suốt 10 ngày trời, A Lệ cuối cùng đã lên được chuyến tàu trở về nhà. Vừa vào đến cổng, cô liền nhìn thấy ánh mắt lảng tránh của người hàng xóm.
Chầm chậm đẩy cửa ra, A Lệ nhìn thấy giữa nhà đặt một thi thể, bên trên đắp một tấm chăn màu trắng. Cô bước đến, từ từ vén tấm chăn ra. Trong chốc lát, cô điếng cả người. Dưới tấm chăn không phải là mẹ, mà là A Tú! Sao lại là A Tú? Thế còn mẹ đâu?Người hàng xóm lắc lắc đầu, nghẹn ngào nói:

“Từ sau khi mẹ con qua đời, A Tú cứ quỳ mãi ở trước linh cữu, ngơ ngơ ngác ngác không ngừng gọi mẹ tỉnh dậy để A Tú đưa mẹ đi khám bệnh. Thi thể mẹ con đã để lại nhà bảy ngày, mọi người thấy thực sự không thể chờ con thêm được nữa, nên đành phải an táng.
Buổi tối hôm đó, có cơn bão tuyết, A Tú nửa đêm lại bò dậy, ôm hết tất cả chăn mền đi ra mộ. Nó đúng là ngốc mà, lại đem hết toàn bộ số chăn đó đắp lên nấm mồ của mẹ con. Còn nó thì co rúc ở dưới gốc cây, lạnh cóng cả người. Đến khi người trong làng phát hiện ra, thì nó đã chết cóng rồi…”.

Còn chưa đợi người hàng xóm kể xong, A Lệ mắt tối sầm lại, ôm chầm lấy A Tú khóc lóc thảm thiết.


Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV