Nhật Bản sẽ gia tăng sự hiện diện tại biển Đông





Hải quân Philippines và Nhật Bản tập trận chung chống hải tặc tại vùng biển ngoài khơi vịnh Manila vào ngày 13/7/2016, một ngày sau phán quyết của PCA về biển Đông.




Giới chức Nhật Bản cho rằng những hành động nguy hiểm của Trung Quốc có thể dẫn đến những hậu quả ngoài dự tính. Lo ngại này khiến Nhật phải gia tăng khả năng quốc phòng và hợp tác với các nước trong khu vực.

Trung Quốc là mối quan ngại hay đe dọa cho Nhật Bản?

Sách trắng quốc phòng hàng năm của Nhật Bản công bố hồi đầu tuần này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những hành động lấn át của Trung Quốc trước các nước láng giềng, và cảnh báo những hậu quả khôn lường có thể xảy ra bởi những hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhận định về hành động của Trung Quốc được phân tích trong sách trắng năm nay, chuyên gia về quốc phòng an ninh Tetsuo Kotani thuộc viện nghiên cứu quốc tế Nhật Bản cho biết:

Trung Quốc đã chủ động hơn trong các hành động của mình ở biển Đông và Hoa Đông trong vài năm qua. Vì vậy sách trắng quốc phòng của Nhật Bản lần này tăng số trang nói về các hoạt động của Trung Quốc trên biển cho thấy Nhật Bản đang ngày càng quan ngại hơn về các hoạt động của Trung Quốc ngoài biển.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản được công bố chỉ vài tuần sau phán quyết của tòa Thường trực Trọng tài quốc tế (PCA) liên quan đến vụ kiện giữa Trung quốc và Philippines ở biển Đông. Theo phán quyết này, những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc trong đường đứt khúc 9 đoạn đã bị bác bỏ về mặt pháp lý và lịch sử. Tòa cũng không công nhận những thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước là đảo và do đó không có vùng đặc quyền kinh tế. Phán quyết được cho là không có lợi cho Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã chính thức tuyên bố không tuân thủ phán quyết này.

Trong sách trắng mới công bố, chính phủ Nhật Bản cho rằng Trugn Quốc đang có xu hướng thực hiện những hoạt động đơn phương mà không có sự thỏa hiệp và biến những thay đổi mà nước này đang cố tình thực hiện nhằm thay đổi hiện trạng thành sự đã rồi.

Giới chức Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là mối quan ngại đối với Nhật Bản nhưng cũng đã có những thảo luận liên quan đến việc nên gọi Trung Quốc là mối quan ngại hay là mối đe dọa với Nhật Bản.
- Chuyên gia Tetsuo Kotani
Nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani nhận định đây sẽ là xu hướng trước mắt ở cả biển Đông và Hoa Đông.

Tôi nghĩ là trong thời gian tới Trung Quốc vẫn sẽ có những hành động gây hấn không chỉ ở biển Đông mà cả ở biển Hoa Đông. Nhưng trong thời gian dài thì tôi không chắc ảnh hưởng của phán quyết này có làm thay đổi thái độ của Trung Quốc hay không.

Chỉ vài ngày sau khi PCA ra phát quyết, Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ tiến hành tập trận trên biển Đông và yêu cầu tàu bè các nước không qua lại khu vực tập trận trong vài ngày. Hôm 2 tháng 8 vừa qua, hải quân Trung Quốc cũng đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở biển Đông. Trong khi đó, giới diều hâu trong quân đội Trung Quốc gần đây cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo nước này phải mạnh mẽ hơn trong các hành động chống lại sự can thiệp của Mỹ ở khu vực. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn mới đây cũng kêu gọi quân đội và nhân dân Trung Quốc sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn dân trên biển.

Ngay ở biển Hoa Đông, sách trắng quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết chỉ trong vòng 1 năm tính đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản đã 571 lần huy động máy bay lên ngăn cản những máy bay Trung Quốc bay vào vùng trời của Nhật Bản, tức tăng thêm 107 lần so với năm trước đó.

Từ trước đến nay, Nhật Bản vẫn cho rằng Trung Quốc là mối quan ngại cho an ninh của Nhật Bản nhưng bây giờ tình hình đã có thể thay đổi, theo nhận xét của ông Tetsuo Kotani:

Giới chức Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là mối quan ngại đối với Nhật Bản nhưng cũng đã có những thảo luận liên quan đến việc nên gọi Trung Quốc là mối quan ngại hay là mối đe dọa với Nhật Bản. Theo tôi Nhật Bản đang nằm ở thời điểm bước ngoặt để cân nhắc xem nên coi Trung Quốc là mối đe dọa hay là mối quan ngại.

Nhật Bản gia tăng hiện diện ở biển Đông


Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản Tomomi Inada (trên bục) được chào đón tại Bộ Quốc phòng ở Tokyo, hôm 4 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Nhìn nhận mối đe dọa đang gia tăng từ những hành động của Trung Quốc trong khu vực, Nhật Bản trong thời gian qua cũng đã tăng chi phí quốc phòng và tiếp tục mở rộng hợp tác với Mỹ cùng các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines.

Tháng 3 vừa qua, chính phủ Nhật đã thông qua ngân sách quốc phòng là 44 tỷ đô la, mức cao nhất trong vòng 4 năm tăng liên tiếp dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ tướng Nhật nói với báo chí rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật đang ngày một nguy hiểm và trên thế giới bây giờ không một nước nào có thể tự bảo vệ mình một mình. Theo ông ngân sách quốc phòng mới sẽ giúp Nhật Bản ngăn chặn chiến tranh.

Trong lĩnh vực hợp tác an ninh với các nước, Nhật Bản trong các năm qua cũng đã mở rộng hợp tác với Việt Nam và Philippines bằng cách trang bị và đào tạo quốc phòng. Bà Yuki Tatsumi, chuyên gia cao cấp của Nhật thuộc trung Stimson, Hoa Kỳ cho biết:

Nhật Bản chắc chắn sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Philippines và Việt Nam không nhất thiết là phải thông qua hợp tác quân sự mà có thể qua vốn ODA để cho Philippine và Việt Nam mượn hoặc mua một số các vũ khí đã qua sử dụng. Các lực lượng hải quân và tuần duyên của các nước này có thể sử dụng những trang thiết bị này.

Trong thời bình, Bộ quốc phòng có thể đào tạo nhân sự cho hai nước để sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này. Những hoạt động này không bao gồm việc phải bắn bất cứ phát súng nào. Những hợp tác này có thể được thực hiện và mở rộng và hy vọng là với hợp tác an ninh ở mức thấp, và hậu cần, Nhật Bản có thể giúp các nước khu vực Đông Nam Á, những nước đang phải chật vật đối phó với một Trung Quốc hung hăng, xây dựng khả năng của mình để có thể đối phó với Trung Quốc.

Nhật Bản thời gian qua cũng đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng nằm trong khuôn khổ vốn ODA trị giá 500 triệu Yên dành cho Việt Nam.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vào cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý đẩy nhanh chương trình cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam nhằm giúp cải thiện những khả năng về an ninh biển cho Việt Nam. Đây cũng là chương trình nằm trong khuôn khổ ODA của Nhật dành cho Việt Nam.

Nhưng theo tôi dần dần thì Nhật sẽ gia tăng tần suất đi qua biển Đông, cùng các hoạt động đào tạo và tập trận ở khu vực biển Đông.
- Chuyên gia Tetsuo Kotani


Chuyên gia Tetsuo Kotani cho rằng trong khi những mong đợi về khả năng Nhật Bản có thể tham gia tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông khó có thể xảy ra thì Nhật Bản vẫn có thể gia tăng sự hiện diện của mình ở biển Đông trong các hoạt động khác.

Việc tham gia thường xuyên ở biển Đông là khó khăn đối với Nhật Bản vì Nhật Bản còn bận rộn với vấn đề ở biển Hoa Đông, vì Nhật phải tuần tra ở khu vực này. Nhưng theo tôi dần dần thì Nhật sẽ gia tăng tần suất đi qua biển Đông, cùng các hoạt động đào tạo và tập trận ở khu vực biển Đông. Có thể đó không phải là các hoạt động tuần tra nhưng sau vài năm thì theo tôi Nhật Bản sẽ gia tăng sự có mặt của mình ở biển Đông.

Theo chuyên gia Tetsuo Kotani, các hoạt động diễn tập chủ yếu sẽ là những hoạt động phối hợp giữa nhiều quốc gia thay vì chỉ là đơn lẻ giữa Nhật Bản với Việt Nam hoặc Nhật Bản với Philippines. Hồi tháng 4 vừa qua, 2 tàu chiến Nhật Bản cũng đã ghé thăm cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam. Trước đó, tàu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã từng cập cảng Sài Gòn, Đà Nẵng của Việt Nam.



Việt Hà, phóng viên RFA