Quan hệ Nhật-Trung xấu đi vì biển đảo





Ngoại trưởng Nhật triệu tập đại sứ Trung Quốc hồi sáng sớm thứ Ba, ngày 9/8, cảnh báo quan hệ hai nước xấu đi vì hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Ngoại trưởng Nhật cảnh báo quan hệ với Trung Quốc "xấu đi nghiêm trọng" vì tàu Trung Quốc liên tục đi vào khu vực tranh chấp giữa hai nước ở vùng biển Hoa Đông.

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nói đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối sự "xâm nhập" này.

Vào ngày thứ Sáu, khoảng 230 thuyền đánh cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào khu vực đảo mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.

Hiện Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng trên các vùng biển mà họ cho là lãnh hải Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền lâu năm giữa hai nước xảy ra xung quanh hòn đảo không người sống, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, được gọi là đảo Senkaku theo tiếng Nhật bản và đảo Điếu Ngư theo tiếng Trung.

Cảnh sát biển Nhật Bản nói vào ngày thứ hai, có khoảng 13 tàu hải tuần Trung Quốc, một con số cao hơn thông thường, trong đó một số thuyền được trang bị vũ trang, đã có mặt ở gần hòn đảo tranh chấp giữa hai nước.



Hòn đảo Senkaku (hay Điếu Ngư) không có người ở, hiện thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, nhưng vẫn tranh chấp với Trung Quốc


Trong ảnh do phía Nhật cung cấp, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển tranh chấp vào thứ Bảy ngày 6/8 vừa qua "Quan hệ Nhật-Trung đang xấu đi trầm trọng," Ngoại trưởng Nhật Kishida nói với ông Trình Vĩnh Hoa, đại sứ của Bắc Kinh ở Tokyo, theo thông cáo trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

"Chúng tôi không thể chấp nhận việc Trung Quốc đang có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng".

Ông Kishida liên tục đưa ra cảnh báo phản đối hành động của Trung Quốc từ hôm thứ Sáu về việc "xâm nhập và vi phạm chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi".

Ông nói phía Trung Quốc nên rút toàn bộ tàu thuyền của mình ra khỏi khu vực ngay lập tức.

Tại buổi gặp này, đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa nhắc lại lập trường Trung Quốc, dẫn lời ông nói với phóng viên, và yêu cầu hai nước tiếp tục đối thoại.

Ông Trình nói thêm nguyên nhân gia tăng số lượng tàu hải tuần Trung Quốc tại khu vực tranh chấp là để kiểm soát việc đánh bắt cá ngày càng tăng của tàu Trung Quốc, theo hãng tin AP.

"Xin hiểu rằng đây là nỗ lực của Trung QUốc để tránh những hệ lụy phức tạp của tình hình hiện tại", hãng AP dẫn lời ông Trình.




Vùng biển đang tranh chấp giữa nhiều nước ASEAN và Trung Quốc
Vào tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế rằng tuyên bố chủ quyền của nước này không có giá trị pháp lý ở Biển Đông.

Điều này làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng cùng có tranh chấp tại khu vực nói trên.

Vụ kiện này do Philippines đề xuất lên Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye. Philippines là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough và khu vực quần đảo Trường Sa (tên quốc tế là Spratlys).

Phía Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại song phương với phía Philippines ngoài phạm vi Tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Vào thứ Ba, đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte cử cựu tổng thống Philippines ông Fidel Ramos làm sứ giả phụ trách việc mở đường cho các cuộc hội đàm giữa Philippines và Trung Quốc. Hiện ông Ramos đang ở Hongkong để gặp gỡ với đầu mối liên lạc của Bắc Kinh.

Nguồn BBC