Vì an ninh quốc gia, TT Hàn Quốc không khuất phục trước áp lực





Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong một buổi lễ kỷ niệm 71 năm giải phóng Bán đảo Triều Tiên, tại Seoul, 15/8/2016.

SEOUL —
Trong bài phát biểu thường niên trước toàn dân hôm 15/8 nhân 71 năm giải phóng Bán đảo Triều Tiên cuối Thế Chiến II, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bảo vệ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gọi tắt là THAAD, đồng thời nhấn mạnh tới các vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn.

Bà Park tuyên bố rằng Hàn Quốc sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước các áp lực từ bên ngoài về các vấn đề an ninh quốc gia.

Nữ tổng thống Hàn Quốc không đề cập cụ thể tới sự phản đối cũng như việc Trung Quốc bóng gió đe dọa trả đũa về mặt kinh tế, sau khi chính quyền Seoul gần đây đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ gọi tắt là THAAD.

Trung Quốc và Nga bày tỏ quan ngại rằng hệ thống này nhằm mục đích củng cố sức mạnh của Mỹ trong khu vực, và rằng hệ thống radar tinh vi sẽ được dùng để giám sát các hoạt động quân sự của hai nước này ở Đông Bắc Á.

Không những vậy, bà Park cũng không đề cập tới sự phản đối của những người dân Hàn Quốc sống gần địa điểm dự kiến sẽ triển khai THAAD vì họ lo ngại rằng nơi cư trú của mình sẽ trở thành một mục tiêu tấn công bằng tên lửa của Bắc Hàn.

Sóng gió trong quan hệ liên Triều

Thay vào đó, Tổng thống Hàn Quốc thách thức những người chỉ trích mình đề xuất một cách thức hay hơn để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa về tên lửa đạn đạo và hạt nhân ngày càng gia tăng từ Bắc Hàn.

Bà Park cũng nói rằng Bắc Hàn sẽ tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn về kinh tế cũng như tiếp tục bị cộng đồng quốc tế cô lập cho tới khi nào Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Mối quan hệ liên Triều đã xấu đi kể từ khi Bắc Hàn bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư hồi tháng Một, và một vụ phóng rocket tầm xa sau đó.


Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Hàn hồi tháng Ba, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tỏ ra thách thức và thực hiện thêm các vụ phóng thử tên lửa khác.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, bà Park tập trung nêu bật các vi phạm nhân quyền tràn lan ở Bắc Hàn.

Bà nói: “Chúng ta sẽ không làm ngơ trước những nỗi khổ và tình cảnh lầm than của người dân Bắc Hàn do những quyết định sai lầm của chính quyền Bắc Hàn”.

Năm 2014, Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản báo cáo, ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và tràn lan ở Bắc Hàn, trong đó có việc bắt giữ không đưa ra xét xử, đánh đập, tấn công tình dục, cưỡng bức lao động và tra tấn.

Theo bản phúc trình này, nhiều vi phạm nhân quyền xảy ra trong các trại cải tạo, nơi ước tính khoảng 80 nghìn tới 120 nghìn người đàn ông, đàn bà và trẻ em đang bị giam giữ.

Lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Bình Nhưỡng không đề cập trực tiếp tới tình trạng vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, nhưng các biện pháp trừng phạt khác của Hoa Kỳ hồi tháng Bảy có nhắm tới các cá nhân vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, những ai truy tìm những người bỏ nước ra đi hoặc thực hiện việc kiểm duyệt ở Bắc Hàn.



Tương tự như vậy, hồi tháng Ba, Hàn Quốc cũng đã thông qua một dự thảo, theo đó đặt việc cải thiện nhân quyền ở bên kia biên giới là một điều kiện trong bất kỳ chương trình viện trợ nhân đạo nào, cũng như sẽ ghi lại các vi phạm nhân quyền bởi chính phủ cũng như lãnh đạo Bắc Hàn.

Vấn đề nhạy cảm


Trong khi đó, cả Tổng thống Park và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều thận trọng không có những phát biểu và hành động thái quá, gây tổn hại tới thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái để giải quyết tranh cãi về việc Tokyo bắt các phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục trong Thế Chiến II.

Đôi bên cũng cam kết kiềm chế không công kích lẫn nhau sau khi ông Abe ngỏ lời xin lỗi chính thức và đồng ý đóng góp hơn 8 tỷ đôla vào một quỹ hỗ trợ nạn nhân của Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng Seoul và Tokyo phải đối mặt trực diện với lịch sử, và hợp tác với nhau nhằm thiết lập mối quan hệ hướng tới tương lai.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật đã gửi lễ vật tới đền thờ Yasukuni, chứ không tới thăm viếng địa điểm gây tranh cãi này. Đây là nơi thờ các tử sĩ, trong đó có cả các vị lãnh đạo Nhật từng bị kết án phạm các tội ác chiến tranh.

Cá nhân ông Abe không tới thăm đền thờ này kể từ tháng 12 năm 2013 để tỏ lòng tôn kính những người đã ngã xuống vì đất nước.

VOA