.

Những người Chăm lây lất bán thuốc






Một cụ già người Chăm ngày ngồi bán, tối ngủ sạp chợ.
RFA photo



Chúng tôi đã gặp họ nhiều lần, trong mỗi chuyến đi, ở những khu chợ khác nhau từ miền Trung ra tận Lạng Sơn, Mống Cái, ở đâu họ cũng buồn và lẻ loi, ngày ngày kiếm cơm bằng việc bán thuốc gia truyền từ cây cỏ, đêm tới lại xin bảo vệ chợ để ngủ. Bởi chỉ có vậy mới đủ tiền giắt lưng về quê. Họ là những đồng bào Chăm còn sót lại ở Đồng Xuân và Sơn Hòa, Phú Yên. Cuộc đời rày đây mai đó của họ có lắm chuyện để nói.

Theo thống kê, hiện nay, đồng bào Chăm có mặt ở tỉnh Phú Yên ước chừng 18,000 người. Chủ yếu sống bằng nghề nông với ruộng đất ít ỏi, khô cằn. Bị xô lệch về phía Tây của tỉnh này nên điều kiện hết sức khắc nghiệt, không được nhà nước hỗ trợ, kinh tế không thể vực dậy là thực trạng của đồng bào Chăm ở Phú Yên. Chính vì sự khó khăn chồng chất, người Chăm đã cố bứt thoát cái nghèo bằng mọi giá, hái thuốc gia truyền từ trên rừng để đi các tỉnh bán cũng là một cách tự cứu rỗi số phận chính mình mà hầu hết đồng bào Chăm ở Phú Yên.

Rày đây mai đó

Một người đàn ông Chăm tên Dù, sống ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên, thường vào rừng hái thuốc cho mẹ già của mình đi bán dạo rày đây mai đó, chia sẻ:

“Đi rừng vất vả lắm, mình tự mang đồ ăn, rồi mang theo võng, cột. Nếu tháng nào đắt thì khoảng 15- 20 ngày hết thuốc thì về. Còn nếu không thì nếu nhớ nhà quá thì gửi thuốc lại rồi về. Đời sống ở đây cực lắm, nước uống cũng không có mà uống, múc sông suối mà uống, nước giếng khô cả rồi. Ruộng làm cũng không có nước, không biết lấy gì mà sống nên chỉ biết bán thuốc dạo vậy à!”.

Anh Dù cho biết thêm là cộng đồng Chăm H’roi của anh ở đây rất nghèo khổ vì ruộng quá ít, không có công việc gì ngoài làm ruộng, chăn nuôi và trồng một ít cây ăn trái để bán. Nhưng do thời tiết nắng nóng, mùa mưa thì như trút nước, hai mùa đều khắc nghiệt như nhau nên chẳng thể làm được gì khác ngoài việc bu bám đám ruộng, con trâu, con gà, con heo mà sống qua ngày.


Đời sống ở đây cực lắm, nước uống cũng không có mà uống, múc sông suối mà uống, nước giếng khô cả rồi. Ruộng làm cũng không có nước, không biết lấy gì mà sống nên chỉ biết bán thuốc dạo vậy à!
- ông Dù, Phú Yên

Chính vì kinh tế quá khó khăn, anh nghĩ đến việc đi hái lá thuốc trên rừng bán kiếm sống qua ngày. Kiến thức về thuốc gia truyền từ lá rừng do cha mẹ, ông bà truyền lại. Từ những lá cây, thân cây, rễ cây rừng, anh và mẹ mình có thể chế biến ra các loại thuốc chống nhức mỏi, chống cảm lạnh, chống thương hàn, chống sốt rét, chống nóng gan, nóng phổi… Và nhờ vào tay nghề hái lá thuốc, anh kiếm sống qua ngày bằng công việc bán thuốc dạo. Nhưng nghiệt nỗi nhà còn con nhỏ, vợ anh bị bệnh nặng nên hai năm nay đành để mẹ già đi bán thuốc.

Để kiếm được khoảng hai triệu đồng từ việc bán thuốc, anh dành gần cả tháng trời vào rừng hái thuộc, rồi phơi tại các khoảng đất trống trong rừng, sau đó khi tạm đủ nặng trong gùi, lại mang tất cả về nhà và chặt thành miếng nhỏ, phơi thật khô để tránh tình trạng ẩm mốc trên đường đi. Sau đó, chạy vạy mượn được khoảng 500 ngàn và đón xe cho mẹ anh ra Bắc miền Trung hoặc miền Bắc, tìm đến các chợ ngồi bán.

Anh Dù cho biết thêm là hai năm trước đây, lúc anh còn tự mình mang thuốc đi bán, người ta không dễ mua như bây giờ. Vì lúc đó, nhiều loại thuốc mang từ rừng về vẫn được bày bán khắp nơi. Nhưng hiện nay thì khác, có vẻ như những cánh rừng có thuốc không còn nhiều, phải chịu khó đi sâu vào rừng như anh mới tìm được thuốc quý. Nếu tiết kiệm một chút, mẹ anh sẽ mang được cả gần hai triệu bạc về nhà.




Một cụ bà người Chăm bán củ Hà thủ ô.
RFA photo

Hai chữ tiết kiệm của anh Dù đồng nghĩa với việc mẹ anh sẽ tiết kiệm tiền chỗ ở, tiết kiệm việc ăn uống và tiết kiệm cả tiền đi lại. Nghĩa là bà chọn các chợ bán vào ban ngày, tối đến thì xin bảo vệ chợ nếu như chợ đó có bảo vệ để ngủ nhờ trên các sạp hàng bỏ trống hoặc xin người nào bán ở chợ thương tình cho ngủ nhờ. Việc ăn uống bà phải tiết kiệm tối đa, mỗi ngày ăn không vượt quá hai mươi ngàn đồng. Việc đi lại, khoảng cách giữa chợ này và chợ khác chừng 10km thì bà sẽ đi bộ để khỏi tốn tiền xe.

Một người Chăm H’roi bán thuốc dạo khác tên Hiền, sống ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên, chia sẻ:

“Đi cả hai, ba tháng mới đủ để phơi mà đi bán. Có thuốc trị đau xoang, nhức mỏi… uống hay lắm! Mấy đứa cháu thì đi theo hè nó khổ quá nó đi kiếm tiền để về học lại. Ở miền núi thì đâu có tiền, ăn lá mì, lá đu đủ, ăn mía, rồi giã ăn muối ớt. Gạo làm rẫy, phát rồi tỉa, tháng 9, tháng 10 thì có gạo. Không, không đủ ăn!”.

Bà Hiền cho biết thêm là đời sống của cộng đồng người Chăm H’roi ở Phú Yên hiện đang hết sức khó khăn, vất vả, phần lớn trẻ em bỏ học sớm để theo cha mẹ kiếm cơm. Mấy đứa cháu của bà may mắn hơn vì cả nhà cố gắng dành dụm để chúng đi học. Nhưng giờ, các cháu cũng đang theo bà trong dịp hè để hái thuốc và bán thuốc nhằm kiếm tiền nộp học cho niên khóa tới.

Mấy bà cháu đi bán thuốc ra tận Quảng Trị, Quảng Bình. Và việc bán thuốc rất khó khăn bởi người Vân Kiều và người Pa Kô ở Quảng Trị cũng có các loại lá thuốc gia truyền của họ, cũng bán khắp các chợ nơi đây. Nhưng bà không thể bán ở những chợ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế được bởi những chợ này đã có những người Chăm H’roi khác đến bán.

Ban ngày bán thuốc, tối đến bà cháu bà phải ngủ nhờ ở các sạp chợ bỏ trống. Chừng 4h sáng thì cả mấy bà cháu phải thức dậy trả sạp cho người ta, cũng chẳng cần dọn dẹp gì vì cũng chẳng có mền mùng hay chăn gối. Cuộc sống rày đây mai đó với nghề bán thuốc dạo dù sao cũng giúp những đứa cháu của bà tránh tình trạng bỏ học sớm như các trẻ em Chăm H’roi khác ở Phú Yên. Với bà, như vậy là quá may mắn rồi.

Chính sách dành cho người Chăm

Một cán bộ chính sách của tỉnh Phú Yên, không muốn nêu tên, chia sẻ:

“Không có gì hết. Chính sách an sinh xã hội không có gì ngoài y tế. Tại vì chính sách của người ta là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hạ tầng kinh tế. Văn bản thì có nhiều nhưng chính sách hỗ trợ tiền thì không có đâu. Có chính sách vay theo nghị định 54 - 55. Trước đây tối đa là 5 triệu nhưng giờ được 8 triệu.”


Không có gì hết. Chính sách an sinh xã hội không có gì ngoài y tế. Văn bản thì có nhiều nhưng chính sách hỗ trợ tiền thì không có đâu.
- Một cán bộ tỉnh Phú Yên


Vị cán bộ này cho biết thêm là tuy trên các trang thông tin vẫn đăng tải về chính sách hỗ trợ cho đồng bào thiểu số nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa có bất kì chính sách hỗ trợ an sinh xã hội nào cho bà con đồng bào thiểu số. Lý do của sự thiếu vắng hỗ trợ này là do chính sách từ trung ương qui định, mọi hoạt động của cơ quan cấp tỉnh đều tùy thuộc vào chỉ thị của trung ương.

Những đồng bào Chăm H’roi vẫn lây lất bán thuốc khắp các chợ miền Trung, ngủ không mền không gối, ăn bữa đói bữa no, đi bộ mòn cả gót chân và người ở nhà thì quần quật với ruộng đồng để lo đắp dổi quá bữa. Tất cả như một bức tranh xám màu của đời sống Chăm

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-08-26 - RFA