Đức Phật nói: Chuyện đau khổ nhất trên đời này là gì?


Bốn vị đệ tử của Đức Phật tranh luận với nhau về câu hỏi: “Trên đời này chuyện gì khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất?”. Mỗi người đều cho ý của mình là đúng. Nhưng rốt cuộc, đâu mới là câu trả lời đúng nhất?


Đức Phật luôn dùng những lời nói trí huệ để chỉ dạy cho chúng đệ tử. (Ảnh: Internet)

Khi Đức Phật tuyên giảng Phật Pháp ở thành Xá Vệ, một lần nọ, có bốn vị đệ tử sau nghe Ngài giảng xong, bèn cùng tụ họp ở một nơi vắng vẻ. Lúc đó là vào giữa hè, thời tiết nóng nực khó chịu, vậy nên 4 người họ ngồi dưới cây Thạch Lựu cành là sum sê, vừa hóng mát vừa cùng nhau trao đổi những tâm đắc của mỗi người trong quá trình tu tập Phật Pháp.

Chúng đệ tử tranh luận: Chuyện đau khổ nhất trên đời này là gì?


Đang nói, đang nói, thì 4 vị đệ tử không hay biết rằng đã chuyển sang một đề tài khác, trong đó một vị đệ tử hỏi 3 vị còn lại:

“Các ông hãy nói xem, trên đời này rốt cuộc chuyện gì khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất?”.

Không có gì khó cả? Tôi cho rằng chuyện khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên đời này chính là tâm sắc dục. Khi nó phát sinh ra, thường thường sẽ mang đến cho người ta nỗi đau khổ rất lớn, thậm chí rước đến họa sát thân”, một vị đệ tử trả lời.

Lời của vị này vừa dứt, một vị đệ tử khác liền nói: “Tôi cho rằng ông nói không đúng! Chuyện khiến người ta đau khổ nhất trên cõi đời này chính là đói khát. Hãy thử nghĩ xem một người không được ăn cơm, không được uống nước, còn có điều gì đau khổ hơn như vậy nữa đây?”.

Một vị đệ tử khác nghe xong, cũng nói: “Hai người các ông đều nói không đúng! Điều khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên cõi đời này chính là đột nhiên gặp phải chuyện khủng khiếp khiến người ta cảm thấy kinh hoàng khiếp sợ”.

Lúc này, người đệ tử đưa ra câu hỏi mới mở lời: “Ba người các ông đều sai hết cả rồi! Điều đau khổ nhất trên đời này là tâm oán giận. Nó một mặt khiến người ta cảm thấy đau khổ, mặt khác lại biến thành một loại sức mạnh, khiến cho người đối diện gánh chịu nỗi đau khổ vô tận. Đây mới là chuyện khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên đời này”.



Bốn người họ đều cảm thấy bản thân mình nói mới là đúng, thế là bắt đầu tranh cãi, tranh cãi mãi cho đến khi mặt trời sắp xuống núi vẫn không có kết quả.

Đức Phật biết chuyện, tối hôm đó Ngài bèn đến tăng phòng mà bốn vị đệ tử ở, hỏi về cuộc tranh luận và quan điểm của mỗi người.

Đức Phật nghe họ nói xong, trầm ngâm một lúc, mới nói với bốn vị đệ tử rằng:

“Ý của bốn người các con đều chưa đúng bản chất của đau khổ, những gì được nói đều chỉ là bề mặt. Thật ra điều khiến con người trên cõi đời này đau khổ nhất, chính là sự tồn tại của nhục thân, đây mới là nguyên nhân chủ yếu nhất. Cho dù là tâm sắc dục, đói khát, tâm phẫn nộ hay tâm sợ hãi, tất cả đều bắt nguồn từ nhục thể con người này”.

Đức Phật kể: Cuộc tranh luận của những con vật

Bốn vị đệ tử sau khi nghe Đức Phật giảng nói xong, liền giật mình thông suốt, không ngừng gật đầu đồng ý. Sau đó Đức Phật lại kể cho họ một câu chuyện:

Cách đây rất lâu rồi, một vị tỳ kheo nọ tên là Tinh Tấn Lực có đủ các loại thần thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông. Vị tỳ kheo này thường một mình yên tĩnh tu hành dưới một gốc cây lớn. Có bốn con vật sống gần cây này, lần lượt là bồ câu núi, chú chim nhỏ, rắn độc và hươu sao, chúng chung sống với nhau rất hòa thuận.

Một buổi tối nọ, bốn con vật này sôi nổi đàm luận hiểu biết của mình. Lúc này Tinh Tấn Lực vừa đả tọa xong, nghe thấy cuộc trò chuyện thú vị của bốn con vật, liền tiếp tục ngồi dưới gốc cây, nhắm nghiền mắt lại lẳng lặng mà nghe.

Trong lúc không hay không biết, chúng động vật liền đổi đề tài, bắt đầu hỏi nhau rằng: “Trên cõi đời này điều gì đau khổ nhất?”.

Chú chim nhỏ trả lời trước tiên rằng: “Theo tôi thấy, chuyện đau khổ nhất trên cõi đời này chính là đói khát. Khi đói khát, thân thể gầy yếu lại không có lấy chút sức lực, mắt cũng bắt đầu hoa đi, ngay đến cả thần chí cũng không còn tỉnh táo nữa, vậy nên tôi cho rằng đói khát là điều đau khổ nhất không gì sánh được”.

Bồ câu núi nói tiếp: “Tôi cảm thấy chuyện đau khổ nhất trên cõi đời này không phải chuyện đói khát, mà là sắc dục. Khi tâm sắc dục đến, vì để thỏa mãn bản thân, thì sẽ không còn kiêng nệ gì nữa, không đạt được mục đích rất khó ngừng lại, tôi cảm thấy đây mới là chuyện đau khổ nhất”.

Rắn độc vội vàng chen ngang: “Cách nhìn nhận của hai cậu đều không đúng. Tôi cho rằng tâm phẫn nộ mới là điều đau khổ nhất. Loại tâm đó hễ sinh ra, thường sẽ quên đi hết thảy, người bạn thân thiết nhất cũng sẽ thành kẻ thù, không những khiến cho người vô tội phải chịu vạ lây, mà còn có thể chiêu mời họa sát thân cho bản thân mình, đây mới là chuyện khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên đời này”.

Rắn độc nói xong, hươu sao cũng phát biểu cao kiến của mình: “Không đúng! Không đúng! Chuyện đau khổ nhất trên cõi đời này nên là tâm sợ hãi mới đúng. Ban ngày khi tôi kiếm ăn ở trong rừng cây hoặc những vùng đất hoang, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng cao độ, một mặt là đề phòng những người thợ săn xuất hiện bất chợt, mặt khác lại phải đề phòng loài hổ sói hung dữ. Chỉ cần hễ nghe thấy chút động tĩnh gì, liền phải mau chóng rời khỏi, mỗi ngày đều phải sống những ngày tháng lo lắng đề phòng, loại tâm trạng sợ hãi và lo lắng này mới là đáng sợ nhất”.

Hươu sao vừa nói xong, chú chim nhỏ liền bắt đầu phản bác, sau đó rắn độc và bồ câu cũng chen vào, chúng đều ôm giữ ý kiến của mình, không ai chịu nhường ai.


Thật ra, điều khiến con người trên cõi đời này đau khổ nhất, chính là sự tồn tại của nhục thân. (Ảnh minh họa)

Một lời của tỳ kheo đánh trúng trung tâm


Tinh Tấn Lực nghe đến đây, cuối cùng không nhịn được nữa, ông đột nhiên ho lên một tiếng, bốn con vật đó đều im bặt, cũng nhau quay đầu lại nhìn ông.

Tinh Tấn Lực nói với chúng rằng:

“Tranh luận vừa xong của các ngươi, ta đều đã nghe thấy cả, ta cảm thấy các ngươi đều nói chưa đúng. Điều đau khổ nhất trên đời này thật ra là có hành động hữu vi, có hành động hữu vi mới là căn bản của đau khổ. Ta chính là bởi nguyên nhân này mới buông bỏ cuộc sống của thế tục, bắt đầu học tập Phật Đạo. Ta tiêu trừ hết thảy tạp niệm, đoạn dứt những suy nghĩ không nên có, không cầu niềm vui tồn tại của nhục thể. Mục đích làm như vậy là vì để đoạn dứt căn nguyên của đau khổ, mà cầu được Niết Bàn. Con người ta một khi Niết Bàn rồi, nhục thể cũng sẽ theo đó mà diệt mất, hết thảy ưu lo cũng sẽ hoàn toàn kết thúc như vậy, mới có thể cầu được niềm an lạc lớn nhất”.

Tinh Tấn Lực nói những lời này xong, thì không còn lên tiếng nữa, nhắm mắt lại tiếp tục tu hành.

Bốn con vật đứng ngây ra đó một hồi, chúng đều lẳng lặng suy tư về những lời của Tinh Tấn Lực, nhất thời trong tâm giật mình ngộ ra, hiểu được một số đạo lý của Phật Pháp.

Đức Phật kể câu chuyện này xong, hiền từ nhìn bốn vị đệ tử, nói với họ rằng: “Bốn con vật này chính là kiếp trước của bốn người các con. Đời trước của các con đã hiểu được căn nguyên sở tại của thống khổ, tại sao bây giờ vẫn còn phải đưa ra tranh luận nữa?”.

Bốn người đệ tử nghe xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, từ đó càng thêm tinh tấn tu hành, cuối cùng đều đã chứng đắc được quả vị A La Hán.


Tiểu Thiện, dịch từ qi-gong.me