Trung Quốc có khả năng đang nạo vét khu vực bãi cạn Scarborough







Tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines quanh bãi cạn Scarborough hôm 12/5/2012.
AFP photo

Hoạt động xây dựng ‘phi pháp’ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông hôm nay trở thành vấn đề trọng tâm tại thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở thủ đô Vientiane, Lào.

Vụ việc nổi lên khi Philippines trưng ra hình ảnh cho thấy tàu của Trung Quốc có mặt tại khu vực bãi cạn Scarborough với khả năng nạo vét cát cũng như tiến hành những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ở đó.

Những hình ảnh mà Philippines trưng ra nhằm làm bằng chứng cho cáo giác của Manila là Bắc Kinh đã bí mật bắt đầu hoạt động củng cố kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Hãng thông tấn AFP loan tin nói những hình ảnh như vừa nêu được đưa ra chỉ ít giờ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Philippines, Arsenio Andolong, nói với AFP rằng Manila có lý do để tin là sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại khu vực Scarborough là dấu chỉ của những hoạt động xây dựng tại đó.

Philippines tiếp tục giám sát sự hiện diện và hoạt động bị cho là rất đáng ngại từ phía Trung Quốc như vừa nêu.

Phát ngôn nhân Arsenio Andolong cho biết thêm là tổng thống Rodrigo Duterte có kế hoạch nêu vụ việc ra với thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo 7 bãi đá tại Trường Sa thành đảo nhân tạo, rồi xây dựng những công trình kiên cố trên đó. Hoạt động này khiến những quốc gia trong khu vực phải cảnh giác và cộng đồng quốc tế cũng phải lên tiếng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh trong ngày hôm nay lên tiếng cho rằng không hề có thay đổi gì về tình hình quanh khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.

Trong cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố như vừa nêu, và cho rằng một số người đang thổi phồng sự việc và bà này nhắc nhở cần phải cảnh giác.

Một trợ ly của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay cũng lên tiếng trấn an khi nói với báo giới là Washington không phát hiện thấy hoạt động bất thường nào tại bãi cạn Scarborough.

Xin được nhắc lại vào ngày 12 tháng 7 vừa qua, Tòa Trọng Tài Thường trực Quốc tế ở La Haye ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra ở Biển Đông.

Sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012, một năm sau đó Manila khởi kiện Bắc Kinh về đường đứt khúc 9 đoạn ra Tòa Trọng Tài Quốc tế.

Mặc dù thua kiện, nhưng Trung Quốc tuyên bố tòa không có thẩm quyền xét xử và không tuân thủ phán quyết của tòa.

Chuyên gia an ninh khu vực Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế - CSIS ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo là trong khi nguy cơ xung đột giữa lực lượng hải quân của các nước tại tuyến hàng hải ở Biển Đông đang là quan ngại chiến lược, thì không thể đánh giá thấp mối nguy đụng độ giữa các tàu tuần duyên ở đó.

Các chuyên gia thuộc CSIS như Bonnie Glaser tiến hành nghiên cứu những vụ việc trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông. Kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày hôm nay nêu ra chi tiết chừng 45 vụ việc va chạm và đối đầu ở khu vực này kể từ năm 2010.

Trong tất cả những va chạm giữa các loại tàu của các nước, thì hành động của tuần duyên Trung Quốc trong khu vực là nổi trội nhất. Cụ thể lực lượng này dính líu đến 30 vụ trên tổng số 45 vụ được nêu ra; tức chiếm đến hai phần ba các vụ việc.

Chuyên gia Bonnie Glaser nói với hãng thông tấn Reuters rằng rõ ràng bằng chứng cho thấy dạng hành xử của Trung Quốc đi ngược lại với việc thực thi pháp luật.

Thái Lan hôm nay lên tiếng cho biết Bangkok ủng hộ nổ lực của Bắc Kinh trong việc duy trì hòa bình trên biển trong tình hình tranh chấp lãnh hải hiện nay ở khu vực Biển Đông.

Thiếu tướng Weerachon Sukondhapatipak, phát ngôn nhân chính phủ Thái Lan, nói với Reuters bên lề thượng đỉnh ASEAN như vừa nêu, sau khi Philippines trưng ra những hình ảnh về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở khu vực gần bãi cạn Scarborough.

Ông tướng phát ngôn nhân của chính phủ Thái vừa nêu còn nói thêm là đối thoại có thể giúp giảm sự mất tin tưởng lẫn nhau.

Thường lâu nay Thái Lan giữ lập trường trung lập trong tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông.

Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền tại khu vực biển với tuyến đường hàng hải quan trọng với tổng giá trị hàng hóa thông thương mỗi năm lên đến 5 ngàn tỷ đô la Mỹ.

Ngoài ra Biển Đông còn là khu vực giàu tài nguyên sinh vật biển cũng như dầu mỏ.

RFA