.

Trái tim Đông Nam Á của tổng thống Hoa Kỳ
Lê Phan





Tổng Thống Obama chụp hình chung với các nguyên thủ của 10 quốc gia Đông Nam Á
tại “ASEAN – US Summit” tại Viên Chăng, Lào, hôm 8 tháng Chín, 2016.
(Hình: Getty Images)


Một trong những điều làm dân chúng Đông Nam Á mê thích tổng thống Hoa Kỳ hiện nay là vì lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Kỳ có một vị tổng thống có liên hệ với Đông Nam Á. Phải nói là tổng thống thích cái nhịp sống thanh tĩnh và an hòa của Đông Nam Á hơn.

Ngay khi bước chân xuống phi trường trong cơn mưa tầm tã, tự tay mình cầm dù và có lúc còn che cho cả quan khách ra đón tiếp mình, tổng thống đã có vẻ quen thuộc với cơn mưa Hè của miền nhiệt đới.

Chả thế mà hôm Thứ Tư, 7 tháng 9 vừa qua, ông đã tạm ngưng cuộc công du bận rộn đến Á Châu với biết bao vấn đề để nối lại với điều mà nhật báo The New York Times gọi là “nội tâm Đông Nam Á” của ông trong thành phố Luang Prabang, cố đô của Lào, một nơi đầy chùa chiền và những tòa villa của người Pháp.

Đi chân đất dưới mái ngói xuôi xuôi của một ngôi chùa, Wat Xieng Thong; rồi đi mua đèn lồng bên một con đường nhỏ ở ngay giữa thành phố; uống nước dừa tươi trong khi đang ngắm nhìn các con tàu qua lại trên sông Mekong, Tổng Thống Obama đã thích thú hưởng một buổi chiều nhiệt đới mà ông nói làm ông nhớ đến thời thơ ấu của ông ở Indonesia.

Trong một cuộc gặp gỡ với giới thanh niên ở một cuộc họp làng ở một viện đại học địa phương, tổng thống tâm sự “Với tôi thật là một khung cảnh quen thuộc.”

Nhưng ngoài những hoài niệm quá khứ đó, cũng có một lý do địa lý chính trị cho chuyến viếng thăm của tổng thống đến cố đô của nước Lào. Ông đã đặt việc xích lại gần hơn với Đông Nam Á là ưu tiên số một của chính sách ngoại giao của ông. Và ông Obama đã dùng cuộc gặp gỡ của ông với những thanh niên trong tổ chức được thành lập với sự bảo trợ của chính phủ Hoa Kỳ mang tên Sáng kiến các lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative-YSALI), để thúc đẩy một trong những cột trụ cho chính sách đó, Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận mậu dịch gồm 12 quốc gia kể cả các quốc gia Đông Nam Á nhưng không có Trung Cộng.

Một thanh niên người Việt hỏi tổng thống về việc tại sao Quốc Hội không thông qua thỏa hiệp mậu dịch này, và liệu triển vọng cho thỏa thuận này sẽ tốt hơn hay là xấu hơn dưới một tổng thống mới. Rất nhiều người ở Đông Nam Á đang lo ngại về tương lai của thỏa thuận mậu dịch này, một thỏa thuận mà bốn trong số mười quốc gia thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean) đã ký kết.

Tổng thống trả lời:

“Tôi tin là nó sẽ được thông qua bởi đó là điều đáng phải được làm.”

Rồi sau đó, ông tìm cách giải thích chính trị Hoa Kỳ cho những thanh niên Đông Nam Á, có người chưa bao giờ được thấy một chính phủ dân chủ hoạt động như thế nào. Ông nói

“Chúng tôi đang trải qua mùa chính trị, mùa bầu cử, và thường rất khó có thể có chuyện gì được giải quyết cả.” Ông tiếp “Quốc Hội hiện nay không làm gì mấy; họ đều về nhà để nói chuyện với cử tri của mình, cố tìm cách để được tái cử. Sau cuộc bầu cử, người ta sẽ tập trung lại về tại sao chuyện này rất quan trọng.”

Tổng thống giải thích thỏa thuận mậu dịch này là quan trọng bởi nó sẽ san bằng sân chơi và ngăn cả một số quốc gia hướng nội. Tuy nhiên, ông công nhận là mậu dịch tự do đang bị áp lực trong năm qua, một phần vì lợi ích của những thỏa thuận này bị coi như là chỉ đổ vào chủ nhân của các công ty thay vì cho các công nhân.

Tuy ở xa Washington 8,500 dặm, tổng thống cũng không bỏ qua được chính trị năm bầu cử. Có lúc, trong khi đối thoại với thanh niên, ông chỉ ra là nhiều xã hội, đặc biệt trong khối Ả Rập, đang bị rạn nứt theo lằn ranh bộ tộc, và rằng cái đẹp đẽ nhất của Hoa Kỳ là sự mở cửa cho mọi người thuộc đủ chủng tộc, tôn giáo hay quốc tịch.

“Không phải ai ở Hoa Kỳ cũng đồng ý với tôi về vấn đề này, tôi cũng xin thêm,” ông tiếp, có vẻ như đang tính đến chuyện nhắc đến một cách không vui về ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump. Sau một giây phút ngẫm nghĩ, tổng thống cười và bảo “Thôi tôi nói vậy đủ rồi.”

Ông Obama đã bày tỏ không ngần ngại gì về việc đặt nhiều nhấn mạnh như vậy đến Đông Nam Á. Ông bảo:

“Nếu chúng tôi không có mặt ở đây, đối thoại và học hỏi từ các bạn, và tìm hiểu văn hóa của vùng, chúng tôi sẽ bị thụt hậu. Chúng tôi sẽ mất một cơ hội.”

Văn bản của Tòa Bạch Ốc về cuộc họp với thanh niên Đông Nam Á ghi nhận tổng thống nói:

“Tôi nghĩ các bạn biết phần này của thế giới có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi bởi tôi sống ở Indonesia hồi còn nhỏ. Và em tôi mang một nửa máu Indonesia. Em tôi chào đời ở Indonesia. Em tôi nay lập gia đình với một người mà bố mẹ đến từ Malaysia. Mẹ tôi làm việc gần suốt đời ở Đông Nam Á, làm việc với các phụ nữ trong các làng để giúp họ có thêm tiền qua việc bán các đồ thủ công nghệ và phát triển các doanh nghiệp nhỏ. Thành ra khi tôi đi quanh đây, mọi sự thật quen thuộc. Nó làm tôi nhớ đến thời thơ ấu. Và quyết tâm của tôi làm sâu đậm hơn liên hệ của Hoa Kỳ với Đông Nam Á là thật tình.”

Tổng thống cũng bắt đầu nói về những gì ông sẽ làm sau khi mãn nhiệm. Một trong những dự án đó là việc ông tiếp tục liên hệ với với tổ chức thanh niên này. Ông nói trung tâm tổng thống của ông sẽ hợp tác với nhóm, nhưng ông nghĩ là mọi sự sẽ vẫn qua sự điều hành của Bộ Ngoại Giao. Ông cũng nói về đệ nhất phu nhân Michelle. Khi được hỏi bà Michelle sẽ làm gì ông bảo bây giờ các cô con gái của hai ông bà lớn rồi, bà sẽ có thời giờ để nới rộng chương trình về dinh dưỡng và giáo dục của bà. Và ông tin là nay bà sẽ có liên hệ nhiều hơn với các hoạt động quốc tế. Ông nói trước kia bà không muốn đi xa vì bà muốn bảo đảm là các cô gái phải làm bài ở nhà nhưng nay con lớn rồi, Malia sẽ đi học đại học còn Sasha cũng sắp rồi, bà có nhiều thì giờ hơn.

Tổng thống đến Lào là để tham dự một hội nghị vùng, Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ Asean và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, trước kia được gọi là Asean+5. Như ông đã nhắc nhở, trong 8 năm cầm quyền năm nào ông cũng đến dự các hội nghị này. Cựu Tổng Thống George W. Bush và ngoại trưởng của ông, Tiến Sĩ Condoleeza Rice, thường ít khi đến dự. Chính sự tích cực tạo những liên hệ với Đông Nam Á đã khiến cho chính phủ Obama khác hẳn với những chính phủ Hoa Kỳ trước đây mà tất cả chính sách Á Châu chỉ tập trung vào Trung Cộng.

Cũng phải thêm là sự chú ý của tổng thống và qua đó của chính phủ ông đối với Đông Nam Á, ngoài sự việc là ông có liên hệ tình cảm với Đông Nam Á, cũng là một phản ứng trước chính sách hung hăng mới của Trung Cộng. Hơn ai hết, Tổng Thống Obama và bà ngoại trưởng của ông, Hillary Clinton, ý thức rằng chỉ có việc tạo nên một liên minh vững chắc các đồng minh ở Đông Á thì mới có thể kềm chế được Trung Cộng cũng như hồi sau Đệ Nhị Thế chiến , nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ và các ngoại trưởng của họ đã dày công xây dựng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương để chống lại Liên Xô. Hồi đó, sức mạnh duy nhất trên địa cầu này có khả năng chống lại Hoa Kỳ là Liên Xô và vì thế họ đã xây dựng một liên minh để “bao vây” Liên Xô, vô hiệu hóa khả năng xâm lấn của họ. Ngày nay cũng vậy, cường quốc duy nhất còn lại trên thế giới có thể thách thức Hoa Kỳ và chế độ dân chủ mà Hoa Kỳ là lãnh đạo là Trung Cộng.

Ngay cả khi ông bỏ qua những lời nói thô tục của Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines, bắt tay và nói chuyện với ông tổng thống của Philippines, thì ngoài việc ông biết lối ăn nói cục cằn của ông Duterte, nhưng cũng còn là vì ông muốn tiếp tục duy trì Philippines là một đồng minh của Hoa Kỳ. Ông Obama đã không quên điều mà nhiều người ở Hoa Kỳ hay quên, đó là Philippines nằm trong chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Nhật Bản xuống đến Indonesia, vòng phòng ngự đầu tiên của Hoa Kỳ để bảo vệ trước là Hawaii và sau đó là bờ biển miền Tây từ Alaska xuống đến California khỏi bị Trung Cộng tấn công.

Trong khi rất nhiều thời gian của tổng thống là để nhắm đến tương lai, ông cũng đã dành thì giờ cho quá khứ. Ông công nhận chiến dịch bỏ bom chống lại cái gọi là đường mòn Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam đã xây dựng trên đất Lào mà di họa ngày nay vẫn còn. Ông nói đến hậu quả chiến tranh mà nhân dân Lào đã phải chịu đựng và hứa giúp đỡ.

Ở Thủ Đô Vientiane, ông đi thăm một trung tâm do Hoa Kỳ tài trợ để gỡ mìn và cung cấp chân tay giả cũng như dịch vụ chỉnh hình cho các nạn nhân bom mìn. Tổng thống đứng trước một nơi trưng bầy các loại chân giả của trung tâm và tuyên bố “Đối với nhân dân Lào, chiến tranh không chấm dứt khi bom đạn ngừng rơi.” Ông công nhận bom đạn “rải trên nương vườn, rừng sâu, sông lớn. Thành ra suốt bốn thập niên nay, người dân Lào vẫn tiếp tục sống dưới bóng đen của chiến tranh.”

Một số người sẽ cho việc tổng thống xác nhận và tìm cách bồi hoàn cho Lào này là một nhương bộ không xứng đáng cho vị thế của cường quốc Hoa Kỳ. Nhưng ông Obama nghĩ khác. Ông tin tưởng vào lý tưởng của nền dân chủ Hoa Kỳ và tin là Hoa Kỳ có thể chấp nhận lỗi lầm mà không bị mặc cảm. Khi ông đứng lên ở Hiroshima, nói đến sự đau khổ do bom nguyên tử gây nên, thông điệp của ông chính là để cho nhân dân Nhật Bản biết là Hoa Kỳ hiểu nhu cầu của họ và sẽ sẵn sàng tiếp sức với họ, trong trường hợp này, một chuyến công du của tổng thống bất chấp chống đối nội bộ. Việc này đã giúp thuyết phục Tokyo là có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong trường hợp phải đối phó với Trung Cộng.

Nhưng trở lại Đông Nam Á, sự tự tin trong tinh thần khiêm nhường của cường quốc duy nhất trên thế giới, sự giản dị và chân thực của một tổng thống không mặc cảm, đã khiến người dân Đông Nam Á cảm kích. Cộng với đó, ngay cả khi các lãnh tụ của họ không chịu chấp nhận, người dân Đông Nam Á cảm nhận sự chân tình của tổng thống. Họ biết là ông có một trái tim Đông Nam Á, hòa hợp và dễ tha thứ, không ích kỷ và để tâm như của người Hoa ở Bắc Á.

September 10, 2016
Lê Phan