Lo đền bù nhưng cần phục hồi biển cho dân





Ảnh minh họa chụp trước đây



Không lấy mẫu trầm tích đáy biển để phân tích

Cùng với việc công bố định mức đền bù hỗ trợ cho ngư dân, các loại tàu cá, người nuôi hải sản và diêm dân để chính phủ xem xét, tỉnh Quảng Bình vừa công bố kết quả quan trắc mới nhất, tái xác định nước biển đã ở trong ngưỡng cho phép tắm biển, chơi thể thao dưới nước, cũng như nuôi trồng thủy sản. Nam Nguyên cập nhật một số thông tin liên quan.

Tương tự như công bố cuối tháng 8 của Bộ Tài nguyên Môi trường và sau đó của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, ngày 8/9/2016 vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình đã công bố kết quả quan trắc mới nhất tại một số nơi như bãi biển Nhật Lệ, Hải Ninh, Đá Nhảy, Quảng Thọ và Quảng Phú.

Điểm cần lưu ý là Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình vẫn chỉ lấy mẫu nước biển, chứ không lấy trầm tích đáy biển để phân tích. Mẫu nước biển cũng được gởi cho Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị để cùng phân tích.

Đánh giá được môi trường thì phải đánh giá đầy đủ từ mặt nước biển, rồi nước tầng giữa, nước tầng đáy rồi trầm tích, nhiều thứ… nói chung cả những vụng nữa, vụng nước chảy, vụng nước không chảy, vụng nước đọng…nhiều thứ lắm…
-TS Nguyễn Việt Thắng
Theo SaigonTimes bản tin trên trên mạng ngày 12/9/2016, cả hai Sở Tài nguyên Môi trường đều có chung kết quả quan trắc. Theo đó, các chất chì, kẽm sắt, cyanua, thủy ngân, mangan trong nước biển đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước và nuôi trồng thủy sản.

Trả lời chúng tôi vào tối 12/9/2016, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từ Hà Nội nhận định:

“Chúng tôi đã có những văn bản để khuyến nghị rằng, đánh giá được môi trường thì phải đánh giá đầy đủ từ mặt nước biển, rồi nước tầng giữa, nước tầng đáy rồi trầm tích, nhiều thứ… nói chung cả những vụng nữa, vụng nước chảy, vụng nước không chảy, vụng nước đọng…nhiều thứ lắm…Hội Nghề cá chúng tôi đã có văn bản gởi Chính phủ rồi, trong đó có kiến nghị cần phải đánh giá môi trường một cách toàn diện và đầy đủ hơn.”

Trong diễn biến liên quan, Theo Thanh Niên Online tối ngày 12/9/2016 tỉnh Quảng Trị cũng đã gởi báo cáo cho Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Theo đó, tính tròn 6 tháng qua, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại 867 tỉ đồng vì thảm họa môi trường. Về áp giá thiệt hại, Quảng Trị đề xuất mức thiệt hại từ 10 triệu đồng/tàu/tháng với tàu không máy cho tới 103 triệu đồng/tàu/tháng với tàu trên 800 CV. Lao động trên tàu được áp mức đền bù thiệt hại từ 3 triệu đồng/người/tháng đến 8,7 triệu đồng người/tháng. Đối với lao động trên bờ bị mất thu nhập nói chung thì được đề xuất đền bù khoảng 3,1 triệu đồng/người tháng.


Thuyền của ngư dân Đồng Hới

Trước đó một ngày, theo báo điện tử Người Lao Động ngày 11/9/2016 tỉnh Quảng Bình đã công bố định mức thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Định mức này sẽ được trình Chính phủ phê duyệt áp dụng mức đền bù cuối cùng. Quảng Bình đề nghị bồi thường chủ tàu cá từ mức thấp nhất là 5 triệu đồng/tàu/tháng cho tàu không lắp máy và mức cao nhất là 30 triệu đồng/tàu/tháng cho tàu trên 400 CV.

Đối với ngư dân, mức đền bù hỗ trợ cũng tùy thuộc vào việc họ lao động trên tàu cá lớn hay nhỏ. Theo đó Ngư dân trên tàu thuyền không lắp máy được đề nghị hỗ trợ với mức 5,4 triệu đồng/ người/tháng. Ngư dân đi tàu có lắp máy thì được hỗ trợ từ 4 triệu đồng/người/tháng cho tới mức cao nhất là 7,5 triệu đồng/người tháng, tùy loại công suất của tàu. Ngoài ra mức hỗ trợ người khai thác hải sản thủ công là 3,8 triệu đồng/người tháng. Đối với ruộng muối đã bị thiệt hại thì được hỗ trợ trên 38,6 triệu đồng/ha. Những người nuôi trồng thủy sản cũng được đền bù theo mật độ con giống ngày nuôi và địa điểm, mức đền bù từ 34.000đ/m2 tới 914.000 đồng/m2 tùy loại hải sản nuôi. Lao động phục vụ nuôi hải sản bị mất việc được đề nghị hỗ trợ 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời chúng tôi vào tối 12/9/2016, ông Phan Văn Khoa Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, định mức bồi thường mà báo chí đưa tin chưa phải là mức đền bù sẽ được áp dụng, vì còn phải gởi ra Trung ương xem xét. Theo lời ông, tỉnh Quảng Bình có tham khảo ý kiến các nơi về vấn đề này. Ông Phan Văn Khoa vắn tắt:

“Chưa chính xác đâu, là vì như thế này là định mức phải gởi ra Bộ ngoài kia để họ thấy…tất nhiên phải có tham khảo hết…đầy đủ.”

Trông chờ ngày biển sạch trở lại

5 tháng qua ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế chưa hoạt động trở lại. Điều này có nghĩa ít nhất họ sẽ được đền bù gộp chung 5 tháng. Nếu định mức mà Quảng Bình báo cáo được áp dụng thì ngư dân đánh cá được ít nhất 19 triệu đồng/người, cao nhất được 37,5 triệu gộp chung 5 tháng. Phải chăng nếu cá biển 4 tỉnh chưa được xác định là an toàn thực phẩm cho người ăn thì những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì thảm họa môi trường vẫn tiếp tục được bồi thường.

Bây giờ đã qua 5 tháng rồi, theo tinh thần đền bù thì chừng nào khôi phục được sản xuất tiêu thụ bình thường, ăn được cá, tiêu thụ được cá, sản xuất được thì mới hết đền bù thiệt hại.
-TS Nguyễn Việt Thắng


Trả lời câu hỏi vừa nêu, TS Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu:

“Bây giờ đã qua 5 tháng rồi, theo tinh thần đền bù thì chừng nào khôi phục được sản xuất tiêu thụ bình thường, ăn được cá, tiêu thụ được cá, sản xuất được thì mới hết đền bù thiệt hại. Những điều này kiến nghị từ lâu rồi, theo tôi là sẽ theo tinh thần ấy vẫn tiếp tục đền bù, thiệt hại đến đâu đền bù đến đấy.”


Về vấn đề giải thích thế nào khi ngành Tài nguyên Môi trường đánh giá nước biển an toàn để tắm, hoạt động thể thao dưới nước và nuôi thủy sản, trong khi ngành y tế chưa thể xác định cá biển 4 tỉnh miền Trung bị thảm họa môi trường nay đã an toàn để ăn hay chưa. Liệu có ai dám đầu tư để nuôi hải sản trở lại ở 4 tỉnh này. TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam nhận định:

“Vừa qua theo Bộ Tài nguyên Môi trường và các nhà khoa học làm việc đã đánh giá, muốn biết cá có ăn được không, có an toàn hay không thì cũng phải mất một thời gian nữa mới kết luận được. Theo tôi nghĩ bà con đặt dấu hỏi đó ra thì cũng có mức độ của nó. Còn nói chung trong thời gian này, người ta gọi là môi trường nước an toàn để tắm hoặc nuôi trồng thủy sản được. Tất nhiên ý nghĩa này là nuôi trong ao hồ và phải xử lý nước, còn ở ngoài đầm phá thì nó thuộc về dạng cá tự nhiên, cũng thuộc vào nội dung mà người ta trả lời là cá có ăn được hay không… thì còn phải có thời gian.”

Hiện nay chưa có thông tin về giải pháp phục hồi môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế. Giới hữu trách thì thiên về một loại hình không tốn tiền, không tốn công sức, đó là biển tự làm sạch.

Các nhà phản biện xã hội cho rằng, sự kiện chỉ lấy mẫu nước biển mà không cạo vét trầm tích để phân tích tìm kim loại nặng là một sự lập lờ. Bởi vì người dân bị ảnh hưởng mất việc làm từ 5 tháng qua, đang trông chờ ngày biển sạch trở lại, còn hơn là việc sẽ được đền bù bao nhiêu.



Nam Nguyên, phóng viên RFA