“Khi tượng sư tử đỏ mắt” – Câu chuyện cảnh tỉnh con người thế gian


“Khi tượng sư tử đỏ mắt” là câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa. Tuy vậy, ý nghĩa sâu xa đằng sau câu chuyện là lời thức tỉnh con người ngày nay.



Để chế giễu bà lão, đám người lưu manh vô lại đã dùng sơn, sơn đỏ mắt tượng sư tử. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện xưa: Khi tượng sư tử đỏ mắt

Xưa kia, ở một ngôi làng nọ, đạo đức của người dân đã trở nên vô cùng xấu xa và bại hoại. Tất cả mọi người trong làng đã không còn ai tin vào Thần Phật, nhân quả. Vì vậy họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì họ muốn để chiếm được lợi ích kể cả những việc tàn ác nhất.

Thượng Thiên thấy con người đã quá xấu như vậy liền muốn thiêu hủy ngôi làng này. Nhưng Địa Tạng Bồ Tát lúc ấy vì vẫn muốn cứu vớt những người lương thiện còn sót lại ở ngôi làng đó nên đã cho họ một cơ hội nữa.

Vị Bồ Tát liền hạ phàm, hóa thân thành một ông lão ăn mày nghèo khổ, rách rưới. Ông lão đi đến từng nhà gõ cửa để xin ăn, nhưng không ai chịu cho ông thứ gì dù chỉ là một miếng cơm, cũng không có một nhà nào cúng thờ Phật cả.

Ông lão ăn mày đi đến cuối làng thì phát hiện thấy có một bà lão đang sắp lễ, đốt hương cúng thờ Phật. Ông bèn tiến đến trước cửa nhà bà để xin ăn. Thấy ông lão già nua tập tễnh đi không vững đến xin ăn, bà lão đắn đo một lúc rồi nói: “Tôi chỉ còn một bát cơm này thôi. Xin biếu cụ một nửa. Còn một nửa để cúng Phật”

Địa Tạng Bồ Tát nhận thấy người phụ nữ này rất thành kính với Phật, tâm địa lương thiện nên trước khi đi vào rừng đã chỉ tay vào đôi sư tử bằng đá đặt ở cổng làng và nói: “Nữ thí chủ quả là nhân đức. Hãy xem hai bức tượng sư tử đá to lớn ở đình làng kia. Đến ngày mắt sư tử chuyển sang màu đỏ, thì hãy rời làng lên núi ngay vì sẽ có nạn lụt”. Dứt lời, Bồ Tát liền hoá phép và biến mất.

Người phụ nữ nghe thấy vậy vô cùng sửng sốt nhưng trong nháy mắt đã không thấy ông lão ăn mày đâu nữa. Bà lập tức đem tin tức mà mình vừa nghe được nói cho tất cả mọi người trong thôn làng biết. Bởi vì người trong làng đã không còn ai tin vào Thần Phật nên kết quả không một ai tin lời bà nói, thậm chí họ còn giễu cợt, châm chọc bà. Họ cùng nhau nói rằng: “Nực cười! Làm gì có chuyện tượng sư tử đỏ mắt!”.

Một ngày nọ, đám thanh niên chơi bời lêu lổng trong thôn muốn đùa giỡn và chế giễu bà lão nên đã dùng sơn nhuộm đỏ rực mắt của con sư tử đá. Bà lão nhìn thấy mắt sư tử đá đã đỏ rực lên bèn đi khắp làng thúc giục: “Mọi người hãy mau lên! Sắp có nạn lụt rồi, hãy mau lên núi! Mau lên núi!”.

Mọi người trong thôn chứng kiến cảnh bà lão hớt hải như vậy, ai cũng ôm bụng cười sặc sụa. Bà thấy không ai tin lời mình nên một mực kêu to hơn, cuối cùng vẫn không có ai nghe nên bà đành chạy lên núi một mình.

Liền ngay lúc đó, lũ bất ngờ từ đâu tràn đến. Bà vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại chỉ thấy nước lớn dâng lên thật nhanh, trong chốc lát toàn bộ ngôi làng đã chìm ngập trong biển nước mênh mông.



Thần chỉ cứu giúp người lương thiện

Câu chuyện xưa này mang nhiều hàm ý sâu xa. Địa Tạng Bồ Tát đã nói cho bà lão kính Phật rằng, khi tượng sư tử đỏ mắt chính là lúc lũ lụt ập đến. Và chính vào lúc đám người lêu lổng kia chế giễu bà lão, đã tự mình sơn đỏ mắt tượng sư tử, ngay sau đó lũ lụt đã ập đến.

Có lẽ nhiều người sẽ ngờ vực, sao không giống lời cảnh báo của Thần? Rằng đó là do những tên lưu manh kia sơn mắt tượng sư tử, chứ không phải mắt tượng tự biến hóa, cũng không phải là Thần dùng thần thông để biến hóa. Tuy nhiên, tượng sư tử đỏ mắt lại hoàn toàn đúng là cảnh báo của Thần.

Có thể thấy rằng, trò đùa của nhóm người vô lại kia kỳ thực là đã nằm trong an bài của Thần, Thần sớm biết sẽ có người làm như vậy, vậy nên toàn bộ chuyện này đều đã nằm trong an bài của Thần. Thiện ác đều không nhảy thoát khỏi sự an bài của Thần, hành vi của kẻ xấu bất quá chỉ là được Thần lợi dụng để tiến hành một công đoạn trong ý chỉ của mình.

Lại nói về một phương diện khác, Thần vì sao không tự mình biến hóa mắt tượng sư tử, mà lại chọn dùng người trong trần thế để làm? Nếu mắt tượng sư tử tự biến thành màu đỏ, loại hiện tượng thần kỳ này chẳng phải sẽ khiến càng nhiều người tỉnh ngộ mà tránh được vận rủi hay sao?

Thế nhưng đó chỉ là cách nghĩ của con người, Thần tuyệt đối không có cách nghĩ như vậy.

Khởi điểm của Thần và con người là không giống nhau. Con người là muốn tất cả mọi người đều được cứu, nhưng mà Thần lại cho rằng, người được cứu ắt phải có tiêu chuẩn, chỉ có những người thiện lương mới đáng được cứu. Cho nên nếu để mắt tượng sư tử tự biến thành màu đỏ một cách thần kỳ, thì mọi người thập ác bất xá đều sẽ tin, đây không phải là điều mà Thần muốn. Vậy nên Thần đã dùng một hiện tượng bình thường để cảnh báo cho con người, nếu là người thiện lương thì sẽ tin lời bà lão nói. Tất cả chuyện này đều nằm trong an bài của Thần.

Chúng ta có thể tiến thêm một bước suy luận. Nếu nhóm người lưu manh vô lại kia đi sơn mắt tượng sư tử chậm một ngày, thì lũ lụt có thể sẽ đến chậm một ngày, bọn họ chẳng phải sẽ được sống thêm một ngày hay sao? Nếu nhóm người vô lại đó vĩnh viễn không đi sơn đỏ mắt sư tử, thì phải chăng lũ lụt sẽ vĩnh viễn không xảy ra? Điều này chỉ xảy ra khi nội tâm của họ đã được cải biến, thật sự trở thành người thiện lương, chẳng nghĩ đến việc chế giễu hay trêu chọc cụ bà. Có như vậy mới không đi làm chuyện xấu ác, cũng sẽ không kích động dẫn tới lũ lụt.

Nhưng nếu lòng người không có chuyển biến căn bản, thì cho dù không đi sơn đỏ mắt tượng sư tử, sẽ lại có một cách khác để tác động xảy ra trận lũ lụt. Vậy nên, lòng người mới là nguyên nhân bên trong, còn tượng sư tử đỏ mắt chỉ là nhân tố bề mặt, chỉ có lòng người chuyển biến thì mới có thể tránh được đại nạn.

Chúng ta hãy tiếp tục suy luận. Khi ấy, mọi người trong thôn đã không còn tin Thần Phật, nên ai nấy đều cười nhạo cho rằng bà lão “mê tín”. Có lẽ trưởng thôn còn có thể nói bà lão này là đang làm chính trị: “Bà nói người trong thôn đều đã trở nên xấu, cho nên Thần muốn dùng hồng thủy để hủy diệt cái thôn này, bà nói như vậy chẳng phải là nói chỉ có mình bà tốt nhất sao? Đối với tôi, thôn này là quá tốt rồi, hay là bà muốn làm trưởng thôn sao? Chúng tôi đều không tốt, chỉ có bà tốt, bà chính là đang muốn làm chính trị, muốn giành quyền!”. Cái loại suy diễn này rất dễ có thể xảy ra.

Trong câu chuyện xưa này, bà lão là người làm theo ý chỉ của Thần. Bởi vì Thần không thể lấy hình tượng của mình để đi xuống nhân gian cảnh báo nguy hiểm cho nhân loại, mà chính là dùng hình tượng con người ở thế gian.

Hiện tượng giống như tượng sư tử đỏ mắt, thì xưa nay thiên tượng đã xuất hiện rất nhiều lời cảnh báo, đều là những điềm báo trước khi tai nạn xảy đến.

Thần Phật đều đang dõi nhìn nhân loại, và trông chừng bảo vệ tất cả những người lương thiện. Còn những ai đã trở nên bại hoại, ngày càng xấu ác, vì tư lợi mà không việc ác nào không làm, thì Thần cũng không quan tâm. Tựa như con người, ai còn muốn giữ lại vật gì đó đã bị thối rữa nữa đây! Nhưng vì sinh mệnh đáng trân quý, vậy nên Thần đã lần nữa từ bi cấp cho con người thêm cơ hội.

Ngày nay, có thể bạn sẽ gặp ai đó giống như bà lão trong câu chuyện xưa, nói lời khuyên ngăn, cảnh báo cho bạn. Vậy thì, mong rằng bạn hãy dừng lại một chút để lắng nghe, và chọn lựa một lối đi bình an cho sinh mệnh. Mong rằng con người thế gian sẽ sớm tỉnh ngộ trước những lời cảnh tỉnh của Thần!

Bảo An, theo NTDTV