Loạt tấn công ở Mỹ: Những điều đã biết





Vụ nổ ở khu Chelsea của New York khiến 29 người bị thương

Các quan chức Hoa Kỳ đang điều tra về một số vụ tấn công xảy ra trong dịp cuối tuần, trong đó có ba vụ xảy ra trong cùng một ngày.
Đến nay, chúng ta đã biết những gì về những kẻ đứng đằng sau các vụ tấn công Minnesota, New York và New Jersey?

Điều gì xảy ra?

Vào sáng thứ Bảy, một trái bom phát nổ trên tuyến đường có cuộc chạy gây quỹ thiện nguyện tại New Jersey. Không ai bị thương, bởi đường phố khi đó vắng bóng người. Cuộc đua đã bị trì hoãn do người ta phát hiện thấy một túi xách vô chủ. Sự kiện được lên kế hoạch tổ chức nhằm gây quỹ cho lính thủy quân lục chiến và các thủy thủ sau đó đã bị hủy bỏ.

Vào buổi tối, một người đàn ông mặc đồng phục nhân viên an ninh đâm tám người tại một trung tâm mua sắm ở thị trấn Minnesota. Không có ai bị thương tới mức đe dọa tính mạng.

Kẻ tấn công đã bị một viên cảnh sát khi đó đang trong thời gian nghỉ bắn chết. Vụ việc xảy ra tại St Cloud, cách thủ phủ Minneapolis chừng 110km. Cảnh sát trưởng thị trấn nói kẻ tấn công đã hỏi ít nhất là một người xem liệu họ có phải là người Hồi giáo không. Kẻ tấn công được cho là người Mỹ gốc Somali.


Vụ đâm người xảy ra ở nơi cách các vụ nổ bom hơn 1.900km

Cũng khoảng cùng thời gian đó, cách hơn 1.900km, tại Manhatta, New York, một nồi áp suất chứa đầy những mảnh sắc nhọn phát nổ. Vụ việc xảy ra ở khu vực Chelsea, nói có đời sống về đêm rất nhộn nhịp, khiến 29 người bị thương. Tất cả các nạn nhân đã được xuất viện vào hôm Chủ Nhật. Loại bom tương tự đã được sử dụng trong vụ tấn công ở cuộc đua marathon Boston hồi 2013.
Một quả bom thứ hai, tương tự, đã được phát hiện ở địa điểm cách đó bốn tòa nhà, và đã được tháo dỡ an toàn.
Qua đêm, tới Chủ Nhật và vào đầu giờ sáng thứ Hai, có tới năm thiết bị phát nổ nữa được tìm thấy trong một ba lô để trong thùng rác tại Elizabeth, New Jersey. Một trong các thiết bị này đã phát nổ khi robot tiến hành xử lý. Thị trưởng thành phố nói đây "không phải là một vụ nổ có kiểm soát".

Đó có phải là các vụ tấn công khủng bố không?

Khó nói về điều này, nhất là khi không có một định nghĩa nhất quán về chủ nghĩa khủng bố. Giới chức nói động cơ của toàn bộ ba vụ tấn công này hiện vẫn chưa rõ là gì.

Thống đốc New York, Andrew Cuomo ban đầu nói trái bom ở thành phố "rõ ràng là một hành động khủng bố, nhưng không liên hệ tới khủng bố quốc tế", và xác nhận là người ta không tìm thấy mối liên hệ nào tới nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) 'v.v... và v.v...'.


Nhưng hôm thứ Hai, sau khi một người đàn ông sinh ra tại Afghanistan được xác định là nghi phạm, ông Cuomo nói có thể có mối liên hệ quốc tế. "Thông tin có được trong hôm nay cho thấy có thể vụ việc có liên hệ với nước ngoài, nhưng chúng ta sẽ theo dõi xem liên hệ với đâu," ông nói.

Thị trưởng thành phố, Bill de Blasio nói không có mối đe dọa cụ thể, rõ rệt nào từ bất kỳ một nhóm khủng bố nào.
Về phần mình, IS nói kẻ tấn công Minnesota là một trong các chiến binh của họ, nhưng FBI nói không thể tìm thấy bất kỳ liên hệ nào giữa người này với IS.

Nhóm IS đã kêu gọi tiến hành các vụ tấn công "sói đơn độc" và nổi tiếng là hay lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ về sau được xác định là không liên hệ gì với họ.

Có một liên hệ này giữa các vụ tấn công không?


Cuộc điều tra cho đến nay chưa phát hiện ra bất kỳ mối liên hệ nào, tuy cả ba vụ đánh bom đều tập trung ở các tiểu bang cạnh nhau, New Jersey và New York.

Đã có ai bị bắt chưa?

Truyền thông Mỹ đưa tin các cơ quan thực thi pháp luật liên bang đang thẩm vấn năm người bị giữ liên quan tới vụ đánh bom New York, nhưng những người này chưa bị bắt.

Hôm thứ Hai, giới chức New York xác định một người đàn ông nữa đang bị truy nã để thẩm vấn. Ahmad Kan Rahami, 28 tuổi, là người sinh ra tại Afghanistan và sau nhập tịch Mỹ.



Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cảnh báo rằng Ahmad Khan Rahami có thể có vũ trang và là đối tượng nguy hiểm
Các biện pháp an ninh liệu có thay đổi?

Các biện pháp đã được thay đổi rồi. Có thêm chừng 1.000 nhân viên an ninh được triển khai tại các điểm giao thông đi lại quan trọng của New York khi Tổng thống Barack Obama tới thành phố.

Ông Obama có kế hoạch ở đây vào thứ Ba để khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo và các phái đoàn đến từ trên toàn thế giới.

Tóm lại, chúng ta biết những gì?

Chúng ta không chắc ai đã đặt các thiết bị nổ tại Manhattan và tại hai địa điểm ở New Jersey. Thường thì những người để bom sẽ để lại một thông điệp mà họ muốn được thế giới, hoặc một nhóm người cụ thể mà họ nhắm tới, biết đến. Nếu không biết những người để bom là ai như trong trường hợp này, chúng ta sẽ không biết động cơ của họ là gì.

Tuy nhiên, cũng có khả năng những người đặt bom tận dụng việc thiếu thông tin để làm tâm lý sợ hãi lan đi rộng khắp hơn. Nếu bạn không biết ai là đối tượng bị tấn công, lý do tấn công là gì, thì bạn sẽ không thể đoán ra được là liệu việc đó có xảy ra nữa hay không, hay sẽ xảy ra ở nơi nào. Và tâm lý đó sẽ gây hại cho bất kỳ xã hội, bất kỳ nền kinh tế nào.

Cho đến nay, chúng ta hầu như không biết gì về người đàn ông đã đâm bị thương tám người ở Minnesota. Tên của ông ta vẫn chưa được công bố và chúng ta không biết gì nhiều về động cơ của ông ta, trừ lời nhận trách nhiệm do nhóm IS nêu ra.

Chúng ta cũng không biết tại sao các địa điểm cụ thể này lại bị tấn công, hay liệu các vụ tấn công có liên hệ với nhau hay không.


BBC