Một vụ mất tích trong cuộc chiến chống tham nhũng





Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 3 năm 2016.


http://www.rfa.org/vietnamese/progra...ong-tham-nhung



Mất tích

Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên cán bộ quản lý cao cấp của công ty dầu khí Việt Nam, là người dường như được cơ quan báo chí của nhà nước và cả giới blogger truy tìm tông tích rất sôi nổi trong thời gian gần đây.

Ông mất tích. Một sự mất tích khó hiểu mà theo nhà báo Đoan Trang viết một cách trào lộng rằng các cơ quan chủ quản của ông Thanh đã không chịu nhờ đến một lực lượng từng tự hào là đứng hàng đầu thế giới về công tác điều tra tội phạm, đó là lực lượng công an Việt Nam.

Bản tin của báo chí Việt Nam vào ngày 13 tháng chín, nói rằng đến hẹn ông phải trình diện với cơ quan đảng của ông là tỉnh ủy Hậu Giang, nhưng ông vẫn mất tích.

Sự thật hay tưởng tượng?

Trong thời gian giới truyền thông cả hai nhóm chính thống và blogger truy tìm ông Thanh, một loạt bài đăng nhiều kỳ mang tựa đề Trịnh Xuân Thanh, dê tế thần, của blogger Người Buôn Gió xuất hiện.

Suốt 14 kỳ, tác giả kể lại câu chuyện những người được cho là trong phe của ông Thanh tiếp cận tác giả ở Mỹ và Đức với lời đề nghị đưa những lá thư chống đối của ông Thanh chống ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên trang của mình.

Người Buôn Gió viết rằng cuối cùng ông đã chấp nhận lời đề nghị của những người đó.

Dĩ nhiên trong hệ thống cầm quyền mà “đập chuột sợ làm bể bình vì bình chứa toàn chuột” thì Trịnh Xuân Thanh cũng chỉ là một con chuột trong bình nuôi toàn chuột mà thôi.
- Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh


Câu chuyện bắt đầu bằng lá đơn xin ra khỏi đảng của ông Thanh được công bố, và kết thúc bằng chuyện vợ con ông đến một quốc gia châu Âu một cách an toàn, và ông Thanh vẫn đứng trong bóng tối.

Câu chuyện đã thu hút hàng triệu độc giả tiếng Việt trong suốt tuần qua. Ngoài ra nó còn dẫn đến hàng loạt bài bình luận của giới blogger, khen có, chê có.

Blogger Kami cho rằng tác giả Người Buôn Gió vốn có sở trường viết trộn lẫn sự tưởng tượng, tuy nhiên theo ông thì cách viết như thế cũng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay:

Tuy vậy, tôi luôn ủng hộ cách làm cũng như cách viết văn hiện nay của blogger Người Buôn Gió trong giai đoạn trước mắt, vì việc sử dụng thuyết âm mưu để chống một chế độ độc tài đang bóp nghẹt quyền tự do báo chí của dân chúng, thì đây là điều bắt buộc phải làm, cái đó nó có lợi nhiều hơn có hại.

Còn chính tác giả của câu chuyện dài 14 kỳ này thì nói rằng những thông tin quan trọng trong loạt bài là sự thật, chỉ có những chi tiết về nguồn tin bị giấu đi để giữ an toàn cho người cung cấp.

Những góc nhìn khác

Tác giả Châu Đoan lại cho rằng câu chuyện Trịnh Xuân Thanh chẳng có gì đáng quan tâm

Những bê bối Thanh đã dính vào vẫn còn nguyên đấy. Việc từ bỏ đảng không hề thay đổi hình ảnh của cậu ta dưới mắt người dân, những người đã mất lòng tin vào một hệ thống tai tiếng bởi nạn tham nhũng. Mà có lẽ việc ấy chỉ khẳng định thêm nghi ngờ chính cậu ta là tội đồ làm thất thoát mấy nghìn tỉ.

Có bạn nghĩ vụ này là một tín hiệu cho thấy đảng cộng sản có nhiều vấn đề bên trong. Tôi thì thấy rằng nó chẳng thể hiện cái gì sâu sắc cả. Mâu thuẫn thì lúc nào chẳng có và đấy chỉ là một mâu thuẫn tầm thường của phe nhóm và chẳng mang một ý nghĩa chính trị hay lý tưởng cao cả gì. Bất luận điều gì xảy ra thì cũng chỉ ảnh hưởng tới các đồng chí, người dân chẳng liên quan.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một mặt viết rằng ông theo dõi câu chuyện Trịnh Xuân Thanh một cách hào hứng, tuy vậy theo ông bất cứ đảng viên cán bộ nào lâm vào tình trạng ông Thanh cũng phải hành động như ông Thanh mà thôi,

Dĩ nhiên trong hệ thống cầm quyền mà “đập chuột sợ làm bể bình vì bình chứa toàn chuột” thì Trịnh Xuân Thanh cũng chỉ là một con chuột trong bình nuôi toàn chuột mà thôi. Thỉnh thoảng để cho bình khỏi vỡ, đảng bắt vài con chuột ra hy sinh, làm vật tế thần để che giấu cho những sai trái tày đình khác. Ví dụ như sai trái của dự án Bô xít Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh…gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nhưng đảng chưa hề lôi những kẻ có trách nhiệm ra nghiêm trị.


Theo tôi, tất cả những gì Trịnh Xuân Thanh làm là vì mạng sống của mình, vì quyền lợi bản thân mình mà thôi. Và tôi nghĩ, bất cứ đảng viên cán bộ nào bị sa vào hoàn cảnh của Trịnh Xuân Thanh đều khôn ngoan làm vậy, không ngu dại gì đưa đầu mình ra cho những đứa tham ô, tội lỗi gấp bội mình xét xử mình.

Đập chuột sợ bị vỡ bình là một câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây nói về chuyện chống tham nhũng của đảng cộng sản.

Một nhà báo khác là ông Trương Duy Nhất viết trên trang Góc nhìn khác của ông rằng ông nhìn câu chuyện Trịnh Xuân Thanh theo một hướng tích cực. Một trong nhiều điểm tích cực mà ông đưa ra là sẽ hình thành những phe cánh đối lập công khai của đảng cộng sản Việt Nam.

Cuộc chiến phe nhóm


Ông Trịnh Xuân Thanh lúc còn ở PVC.

Ý kiến nhiều blogger đưa ra nhất xung quanh câu chuyện Trịnh Xuân Thanh là cuộc đối đầu phe phái của nội bộ đảng cộng sản. Tác giả Thanh Huyền viết trên trang Dân Luận rằng việc mất tích của ông Trịnh Xuân Thanh đang làm nhiều người lo ngại:

Lý do? Có nhiều lý do. Bởi leo lên đến cương vị tỉnh uỷ viên kiêm Phó chủ tịch Hậu Giang, cộng với nhiều năm làm Chánh văn phòng ban cán sự đảng tại Bộ Công Thương (hàm Vụ Trưởng) thì ông Thanh nắm giữ trong tay rất nhiều bí mật. Trong đó bí mật các thương vụ mua quan bán chức mới là điều “bạn bè” ông quan tâm sâu sắc. Nói cách khác, ông Thanh đang nắm trong tay sinh mạng chính trị của không ít người từ trung ương đến địa phương có liên quan.

Mặt khác nhiều blogger cho rằng trong cuộc đấu tranh nội bộ đó phe của đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không hoàn toàn thắng thế, dù có vẻ như ông đã loại các đối thủ chính trị của ông ở đại hội 12 vừa qua và ở lại vị trí đứng đầu đảng. Nhà báo độc lập, blogger Phạm Chí Dũng cho rằng:

Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không thèm trốn ra nước ngoài mà vẫn ung dung ẩn mặt tại một nơi nào đó trong nước và còn ngang nhiên thách thức quyền lực của đảng bằng việc gọi điện thoại và viết thư gửi qua bưu điện lẫn tung lên mạng xã hội, hẳn phải có một thế lực đủ mạnh “bảo kê” cho ông. Và nếu giả thiết này có lý thì Tổng Bí Thư Trọng đang phải đối mặt với một hiểm họa ghê gớm ngay trong lòng đảng.

Blogger Kami thì cho rằng những diễn biến xung quanh vụ ông Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ là ông không đơn độc, và những dự định của Tổng Bí Thư Trọng khó lòng thành hiện thực.

Blogger JP Nguyễn Hữu Vinh nhận xét rằng vụ Trịnh Xuân Thanh không giống những vụ trước đây, khi mà kẻ thất thế thường chấp nhận đầu hàng,

Thứ nhất, là cuộc chiến phe nhóm lợi ích và quyền lực ngày càng gay gắt và đến hồi quyết liệt. Đã có những thanh toán nhau bằng súng, bằng nhiều cách và giờ đây là thanh toán trực tiếp bằng Chỉ thị.

Thứ hai, là vị thế của Nguyễn Phú Trọng nói riêng, Đảng Cộng Sản nói chung đã không đủ để làm người ta khiếp sợ và cung cúc chấp nhận những sự bất minh mà điều này vốn đã thành lệ xưa nay.


Vẫn mất tích và sự bất lực của hệ thống

Theo những tin tức chính thống của báo chí nhà nước Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã viết đơn xin ra khỏi đảng, và sau đó ông lại bị khai trừ ra khỏi đảng. Blogger Trần Hồng Phong của trang Bình Luận Án tự hỏi mình rằng ông Thanh “bị” hay là “được” khai trừ ra khỏi đảng, và tác giả cũng thắc mắc rằng:

Qua chuyện này tôi cứ lan man suy nghĩ: Đảng lâu nay vốn quy định rất nghiêm, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thế mà sao vẫn có rất nhiều đảng viên "biến chất", trở thành người xấu, tham ô, tham nhũng ... làm mất niềm tin của nhân dân?

Thật khó tin, một tay lý luận Marxist trụ cột như ông Đinh Thế Huynh mà chỉ kêu gọi "xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng". Khinh bỉ thì làm được gì với tham nhũng? Kẻ đã tham nhũng biết hổ thẹn?
- Blogger Kinh Thư


Ông còn trào lộng câu nói mới đây của Ông Tổng Bí Thư là trong chiến dịch chống tham nhũng của ông không nên làm lớn tiếng vì như thế những kẻ tham nhũng sẽ bỏ chạy.

Một thuộc cấp của ông Trọng là ông Đinh Thế Huynh cũng đưa ra một câu nói rất nổi tiếng trong thời gian vừa qua, ông nói rằng phải xây dựng được một nền văn hóa khinh bỉ bọn tham nhũng.

Blogger Kinh Thư giật mình:

Xây dựng "văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng" ư? đó chính là văn hóa của nền báo chí tự do hay rộng rải hơn đó là tự do ngôn luận được phát triển trên nền chính trị đa nguyên. Chừng nào các ông vẫn thủ đắc quyền lực một mình thì đừng nói chuyện chống tham nhũng, hay thậm chí đừng nói đến văn hóa khinh bỉ tham nhũng, vì tham nhũng chính là một thuộc tính của thể chế độc tài.


Thật khó tin, một tay lý luận Marxist trụ cột như ông Đinh Thế Huynh mà chỉ kêu gọi "xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng". Khinh bỉ thì làm được gì với tham nhũng? Kẻ đã tham nhũng biết hổ thẹn?
Tôi cứ nghĩ một nhà Marxist gạo cội phải có lý luận rất biện chứng là : Phải dứt khoát kê súng vào đầu tham nhũng mới diệt được tham nhũng, mới phải.

Những người Cộng Sản đâu rồi?

Trở lại câu chuyện 14 kỳ của blogger Người Buôn Gió, có nhiều người tin, và cũng có nhiều người không tin. Ngày 17 tháng chín nhà nước Việt Nam chính thức phát lệnh truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, và cũng về mặt chính thức mà nói thì ông Trịnh Xuân Thanh vẫn mất tích, điều có lẽ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử công khai của đảng cộng sản Việt Nam.



Kính Hòa, phóng viên RFA